I. CHÚA GIÊSU
Mỗi năm vào ngày 17-12 Phụng vụ Lời Chúa trình bày bản gia phả của Chúa Giêsu. Ta thường đọc một cách chán nản. Như mọi bản gia phả: chỉ có tên tuổi. Chẳng thấy sứ điệp nào. Lại còn dài dằng dặc với hàng trăm danh tính hầu hết là xa lạ. Tuy nhiên nếu suy gẫm kỹ lưỡng ta có thể thấy một vài điều Thánh Kinh muốn trình bày cho ta.
1. Thiên Chúa yêu thương con người.
Bản gia phả dài dằng dặc cho thấy kế hoạch đã được chuẩn bị từ xa. Từ xa xưa Giacob đã loan báo Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dòng tộc Giuđa. Hàng ngàn năm sau, đến thời Chúa Giêsu mới ứng nghiệm. Kế hoạch càng dài càng xa càng tốn nhiều tâm huyết. Kế hoạch càng tỉ mỉ cặn kẽ càng nói lên tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc. Bản gia phả dài cho thấy tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa dài, rộng, cao, sâu không thể đo lường.
2. Thiên Chúa mặc lấy con người.
Tên của Chúa được xếp hàng trong số những con người, trong một dòng tộc, một dân tộc, một đất nước. Matthêu khởi đầu gia phả với Abraham, người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng Luca đi ngược lên đến Ađam để nói rằng Chúa Giêsu thực sự là con loài người. Chúa Giêsu sinh ra giữa lúc hoàng đế Augusto ra lệnh kiểm tra dân số. Trong cuộc kiểm tra đầu tiên chính thức đó có tên Chúa Giêsu. Ai có ngờ đâu Thiên Chúa đã ghi tên vào danh sách của nhân loại. Ai có biết được Thiên Chúa mặc xác phàm nhân. Người thật là Emmanuel: Thiên Chúa ở với ta.
3. Thiên Chúa gánh tội con người.
Chúa Giêsu nằm cuối danh sách dài những con người. Trong số các tổ tiên của Chúa có những người tội lỗi và sinh con từ những cuộc tình tội lỗi như Giuđa và Tama, Đavít và vợ Urigia. Có những phụ nữ ngoại kiều như Rút, thậm chí làm nghề bất chính như Rakháp. Chúa Giêsu nằm cuối danh sách như gánh hết gánh nặng của tổ tiên. Gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Gánh lấy lịch sử loài người. Gánh lấy chính con người trên đôi vai của mình.
II. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Gánh lấy con người. Đó chính là lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài nhắn nhủ các linh mục phải mang lấy mùi chiên. Trong bài giảng lễ làm phép Dầu Thánh năm nay, ngài nói về việc xức dầu trên Aaron. Trong đó ngài lưu ý hai điểm.
1. Lễ phục của Aaron.
Áo lễ của Aaron là áo ephod, tiền thân của áo casula ngày nay. Trên áo ephod có tên của 12 chi tộc Israel gắn ở hai nơi: trên vai và trên ngực áo. Trang trí này có ý nghĩa sâu xa: Vị tư tế không làm tư tế vì bản thân nhưng vì dân chúng. Vị tư tế phải gánh lấy dân chúng trên vai. Và ấp ủ dân chúng trên ngực. Như Chúa Giêsu người mục tử tốt lành vác con chiên trên vai, vị tư tế phải mang lấy mùi chiên. Mang lấy những lo âu, thao thức, vui, buồn, sướng, khổ, của đoàn chiên. Gánh lấy những yếu đuối, những tội lỗi của đoàn chiên. Nếu áo lễ là vinh quang của linh mục thì đoàn chiên chính là vinh quang ấy. Nếu áo lễ nói lên đời sống của linh mục thì đoàn chiên chính là đời sống ấy. Áo lễ là đoàn chiên. Khi linh mục mặc áo lễ là mang vào mình đoàn chiên, mang vào mình mùi chiên.
2. Xức dầu Aaron.
Thánh vịnh 132, 2 nói: “Như dầu quí đổ trên đầu, xuống râu, xuống cổ áo chầu Aaron”. Đức Thánh Cha giải nghĩa: linh mục được xức dầu không phải để thơm tho cho mình, nhưng được xức dầu vì dân chúng. Dầu xức chảy xuống áo là dầu xức cho dân chúng, vì dân chúng. Về việc dầu chảy tràn lan từ đầu xuống râu tóc rồi xuống áo, có hai cách dịch. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “cổ áo”. Cha Nguyễn thế Thuấn dịch là “gấu áo”. Đức Thánh Cha dùng theo nghĩa “gấu áo”. Ngài giải nghĩa, dầu xức phải chảy xuống gấu áo, nghĩa là linh mục phải quan tâm đến những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội mà ngài gọi là những người ở vùng ngoại vi. Ngài liên tưởng đến việc người phụ nữ bị bệnh xuất huyết đã chạm đến gấu áo Chúa Giêsu và đã được khỏi.
Đức Thánh Cha nói thêm: Chúa Giêsu được xức dầu vì người nghèo và cho người nghèo như Isaia loan báo và Luca đã nhắc lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”. (Lc 4, 18). Quên người nghèo linh mục đánh mất ý nghĩa đời mình. Không đến với người nghèo linh mục đánh mất mục đích của chức vụ.
III. CÁC LINH MỤC
Lớp K96 chịu chức vào năm 2003 là Năm Truyền Giáo của GHVN. Năm nay anh em kỷ niệm 10 năm Linh mục đúng vào Năm Tân Phúc-âm-hóa. Đó là dấu chỉ Chúa mời gọi anh em hăng hái dấn thân cho công cuộc Tân Phúc-âm-hóa.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô tiến hành Tân Phúc-âm-hóa phải đề cao Lòng Thương Xót. Vì khi rao giảng đừng chú ý tới những điều phụ thuộc nhưng hãy tập trung vào điều cốt lõi của Tin mừng. Cốt lõi của Tin mừng chính là Lòng Thương Xót. Khi rao giảng đừng dùng những lời lẽ nặng lý thuyết cao siêu, nhưng hãy dùng từ ngữ đơn sơ. Từ ngữ đơn sơ đó là Lòng Thương Xót. Vì đức tin không đi vào con người qua trí óc thông minh của những nhà trí thức, nhưng đi vào qua trái tim của những người đơn sơ. Vì con người không bị khuất phục bởi những lý luận tinh tế nhưng bị thu phục bởi những hành động nhân ái. Đó là Lòng Thương Xót.
Chẳng lý lẽ nào giải thích được việc Thiên Chúa bỏ trời cao xuống trần gian. Chẳng trí khôn nào hiểu được tại sao Thiên Chúa phải gánh lấy tội con người. Chỉ có một từ ngữ giải thích tất cả. Đó là Lòng Thương Xót.
Các linh mục là những Alter Christus, là hiện thân của Chúa Kitô. Sẽ chẳng hiểu được chức vụ linh mục nếu linh mục không đi vào con đường của Chúa Kitô.
Hãy đi theo Chúa, từ bỏ ngôi vị cao trọng để hạ mình xuống ở với loài người. Hãy noi gương Chúa hạ mình xuống dưới mọi người để gánh lấy con người. Hãy có trái tim của Chúa để luôn Chạnh Lòng Thương Xót. Hãy gánh vác con chiên. Hãy ấp ủ con chiên. Hãy mang lấy mùi chiên.
Đó là những gì Chúa mong đợi nơi các linh mục. Đó là điều Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục. Đó là điều cộng đoàn cầu nguyện và cầu chúc đặc biệt cho các cha kỷ niệm 10 năm Linh mục hôm nay.
Xin Chúa ấp ủ các cha trong Trái Tim tràn đầy Thương Xót của Chúa. Amen.
(Bài chia sẻ với các linh mục Hà nội vừa kỷ niệm 10 năm chịu chức tại đan viện này Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, Ngày 17-12-2013)
Views: 0