Uncategorized

Hãy “chia cho người không có”.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tuần thứ III – MV. Rảo quang các thánh đường, ngoài việc tái hiện hang đá Belem, chúng ta còn thấy chương trình tĩnh tâm giảng phòng đã được niêm yết.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tuần thứ III – MV. Rảo quang các thánh đường, ngoài việc tái hiện hang đá Belem, chúng ta còn thấy chương trình tĩnh tâm giảng phòng đã được niêm yết.

Vâng, khi nói tới những buổi tĩnh tâm giảng phòng, không thể không nhắc tới những nhà thuyết giảng. Có thể nói rằng, ngoài ơn Chúa tác động, vai trò của các nhà thuyết giảng rất quan trọng. Các vị chính là những người truyền cảm xúc, đem sự xúc động đến tâm hồn các tín hữu qua những lời thuyết giảng của mình.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, bất cứ ở thời đại nào, cũng đều xuất hiện những nhà thuyết giảng lừng danh. Nếu xưa kia, vào thời các tông đồ là Thánh Phêrô và Phaolô, thì những thế kỷ sau là các vị như: thánh Bernadine, thánh Inhaxio, thánh Đa Minh v.v.. 

Riêng Việt Nam, vào thập niên 70, tại Saigon, chúng ta không thể không nói tới những nhà giảng thuyết của DCCT, như: Lm GB. Nguyễn Văn Vàng, Lm Giuse Trần Hữu Thanh, hoặc của dòng Đa Minh như: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh.

Còn một nhà thuyết giảng khác rất  lừng danh. Và cứ đến Mùa Vọng, Giáo Hội không thể không nhắc đến tên ông ta. Vị đó chính là Gioan Tẩy Giả.

Gioan Tẩy Giả đã thuyết giảng như thế nào? Thánh sử Luca đã kể lại buổi thuyết giảng đó như sau:  vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit… Khanan và Caipha làm thượng tế…”, ông Gio-an đã xuất hiện tại sông Giodan. Nhà thuyết giảng Gioan đã truyền giảng cho mọi người rằng: “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có rất nhiều người đến với ông. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội khuyến cáo họ rằng: “Các ông hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Những cảnh báo thẳng thắn của ông được mô tả như những “nhát búa”, như những “nhát rìu” chém thẳng vào tận tâm can, tận đáy lòng, tận thâm tâm từng người. Và như một phép lạ, bài “thuyết giảng” của ông Gioan  đã truyền cảm đến tâm hồn từng người, từng người một.

Không thể tưởng tượng được, đã hằng bao ngàn năm, họ trông ngóng “Đấng Mesia”, nay lại được ông Gioan công bố rằng “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”, hỏi sao họ không trải lòng đón nhận!

Dòng sông Giodan, hôm đó  dậy sóng, nhưng không phải sóng nước mà là một làn sóng người “lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa”. Họ, quả là đã thật sự sám hối, một sự sám hối chân thành, với những lời tha thiết xin được biết việc “đền tội” của mình: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Hôm đó, ông Gioan đã nói với họ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.

Rất thẳng thắn và quyết liệt, ông đã nói với những người thu thuế, rằng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”. Còn với những binh lính, ông có lời khuyên: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.

Hôm đó, theo lời thánh sử Luca đã ghi: Ông Gio-an Tẩy Giả “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

**
Vâng, đã hơn hai ngàn năm, phải chăng bài “thuyết giảng” của ông Gioan Tẩy Giả vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta, hôm nay? Phải chăng, những lời khuyên răn của Gioan Tẩy Giả  xưa kia cũng dành cho chúng ta, hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay, đó là: “Chúng ta sẽ làm gì đây?”

Chúng ta sẽ làm gì đây? Khi mà, thế giới hôm nay, việc phân bổ tài nguyên giữa các quốc gia không đồng đều, có những nước quá giàu, lại có nhiều nước quá nghèo… để rồi, vẫn còn đó, rất… rất nhiều người cần được chúng ta “chia cho”.

Chúng ta sẽ làm gì đây? Khi mà, xã hội hôm nay, vẫn còn không ít người tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, họ chỉ lo sống hưởng thụ ích kỷ v.v… để rồi, vẫn còn đó,  rất… rất nhiều người cần được chúng ta “chia cho”.

Cho nên, thật phải đạo khi chúng ta trở lại dòng sông Giođan năm xưa, trở lại không  phải để “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng là để lấy lại nguồn cảm hứng, nguồn cảm hứng xưa kia ông Gioan Tẩy Giả đã đem lại cho những người “lũ lượt” đến với ông, hầu cho chúng ta có được một tấm lòng nhận biết, rằng: “Cho có phúc hơn nhận”.

Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta trở về dòng sông Giođan năm xưa, trở về nơi chốn đó, không phải để ngồi nhìn “thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng”, nhưng là để nhìn lại “con thuyền cuộc đời” của ta và tự hỏi mình, rằng: “Con thuyền cuộc đời của ta, sau bao mùa NOEL, đã chất chứa những gì?

Vâng, hãy tự hỏi lòng  mình, rằng: Phải chăng là chất chứa sự vô cảm, sự thờ ơ, lãnh đạm trước những nỗi khổ đau, trước sự nghèo túng, trước sự áp bức, trước nỗi bất công… những thứ mà chỉ có “nòi rắn độc” luôn sẵn sàng thể hiện?

Hay, con thuyền cuộc đời của chúng ta đang chuyên chở một tâm hồn độ lượng, một tình thương bao dung, một tấm lòng nhân ái của “người Samarita nhân hậu”?

Hãy nhớ rằng, “Mùa Vọng”, với chúng ta hôm nay, không chỉ là “Mùa sao sáng đêm noel Chúa sinh ra đời”, nhưng còn là mùa nhắc nhở chúng ta rằng “Chúa sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Mà,  Chúa sẽ phán xét điều gì? Thưa, đó là,  Ngài sẽ hỏi:  “Xưa Ta đói, các ngươi có cho Ta ăn. Ta khát, các ngươi có cho Ta uống. Ta là khách lạ, các người có tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi có cho mặc. Ta đau yếu, các người có viếng thăm. Ta ngồi tù, các ngươi có hỏi han”?

Vì thế, không gì tốt hơn là hãy “chất lên” con thuyền cuộc đời của mình bằng lời khuyên của thánh Phaolô, lời khuyên rằng, hãy sống “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi…” (x.Pl 4, 5)

Chính sự “hiền hòa rông rãi” đó sẽ tạo trong ta một  “mâm hoa quả”, hoa quả của Thần Khí, đó là hoa quả “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, những loại hoa quả mà con người hôm nay  đang cần chúng ta “chia cho”.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói rõ “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Thế nên, một lần nữa, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Tôi đang sống cho mình? Hay tôi đang “sống cho Chúa và sống cho tha nhân”? Tôi là một “ốc đảo” hay tôi là một hòn đảo trong một quần đảo của đại dương bao la, nơi cuộc đời này?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, trong bài thuyết giảng năm xưa, ông Gioan Tẩy Giả có nói, ngày đó, “thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Thưa Bạn, chắc hẳn Bạn và tôi, không ai trong chúng ta muốn mình là “thóc lép”. Vậy, nên chăng, ngay hôm nay, chúng ta hãy lấy những gì mình có, mà “chia cho người không có”!

Petrus.tran

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.