Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay trình bầy phép lạ xẩy ra tại Cana, một ngôi làng xứ Galilée, trong một bữa tiệc cưới có Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ hiện diện (Ga 2,1-11). Mẹ Maria, báo cho Con Mẹ là họ đã hết rượu, và Chúa Giêsu, sau khi nói với Mẹ là giờ của Người chưa tới, Chúa vẫn nghe lời Mẹ và ban cho cặp tân hôn này những vò rượu ngon nhất của bữa tiệc. Thánh sử ghi nhận rằng, “Chúa Giêsu đã làm việc này như khởi đầu của các dấu chỉ của Người tại Cana xứ Galilée và để mạc khải vinh quang của Người, và các môn đệ bắt đầu tin nơi Người” (câu 11).
Do đó, các phép lạ là các dấu chỉ ngoại thường đi kèm với việc giảng dậy Lời Chúa, và có mục đích khơi dậy hay tăng cường niềm tin vào Chúa Giêsu. Trong phép lạ tại tiệc cưới Cana, chúng ta có thể thấy một hành động nhân lành của Chúa Giêsu đối với đôi tân hôn, một dấu chỉ của sự chúc lành của Thiên Chúa trên hôn nhân. Vì thế, tình yêu giữa một người nam và một người nữ là một cách thức tốt đẹp để sống Phúc Âm, nghĩa là thẳng tiến trên con đường lành thánh.
Nhưng phép lạ Cana không chỉ là riêng cho cô dâu và chú rễ. Tất cả mọi người đều được mời gọi để gặp gỡ Chúa Giêsu như Chú Rể của cuộc đời mình. Đức tin Công Giáo là một ân sủng chúng ta tiếp nhận khi chịu phép Rửa, vì giúp cho chúng ta có thể gặp gỡ Chúa. Đức tin trải qua những lúc vui cũng như buồn, ánh sáng và bóng tối, giống như mọi cảm nghiệm chân chính về tình yêu.
Câu chuyện tiệc cưới Cana mời gọi chúng ta tái khám phá rằng Chúa Giêsu không đến với chúng ta như một quan tòa sẵn sàng kết án các tội lỗi của chúng ta, hay như một vị chỉ huy đòi hỏi chúng ta phải tuân theo mọi mệnh lệnh một cách mù quáng; Chúa Giêsu hiện ra như Đấng Cứu Chuộc nhân loại, như một người anh, một người anh cả, là Con của Chúa Cha: Như Đấng đáp ứng những mong đợi và hứa hẹn về niềm vui tiềm tàng trong trái tim mỗi người chúng ta.
Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có biết Chúa như thế không? Tôi có cảm thấy như Người đang ở bên tôi, trong đời sống tôi không? Tôi có đáp trả cho âm ba của tình yêu vợ chồng Chúa đã bầy tỏ cho mọi người không ? Có thật là Chúa Giêsu đã ý thức như thế nên Người mới tìm kiếm chúng ta và mời gọi chúng ta dành chỗ cho Người trong đáy tim chúng ta không? Và trong hành trình đức tin, cùng với Chúa, chúng ta không bị bỏ rơi: chúng ta đã tiếp nhận quà tặng của Mình và Máu Chúa Kitô. Các vò đá lớn đã được Chúa Giêsu đổ đầy nước để hoá thành rượu (câu 7) là dấu chỉ của việc đi từ Giao Ước Cũ sang Giao Ước Mới: thay vì nước dùng cho nghi thức thanh tẩy, chúng ta tiếp nhận Máu Chúa Giêsu, được đổ ra như một bí tích trong Phép Thánh Thể và trong Máu của cuộc Khổ Nạn trên Thập Giá. Các Bí Tích, chẩy tràn từ Mầu Nhiệm Vượt Qua, gợi ra cho chúng ta một sức mạnh siêu nhiên và khiến chúng ta có thể vui hưởng lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
Xin Mẹ Đồng Trinh Maria, gương mẫu của sự chiêm niệm về Lời và Hành Động của Chúa Kitô, giúp chúng ta tái khám phá đức tin với sự giầu mạnh và huy hoàng của Phép Thánh Thể và các bí tích khác, và làm cho thể hiện mạnh mẽ hơn tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Do đó chúng ta hãy ngày càng yêu Chúa Giêsu hơn, Đấng Tình Quân của chúng ta, và gặp gỡ Người với những ngọn đèn thắp sáng, với đức tin vui sướng của chúng ta, và ngày càng trở nên nhân chứng của Người trên thế giới.
Bùi Hữu Thư
Views: 0