Uncategorized

Hậu quả của trầm cảm trong hôn nhân

Những giấc ngủ chập chờn. Những cau có, giận hờn, bẳn gắt, và tức bực vô cớ. Những lời nói nóng nẩy, cộc cằn. Những cơn nhức đầu triền miên.

 

Những giấc ngủ chập chờn. Những cau có, giận hờn, bẳn gắt, và tức bực vô cớ. Những lời nói nóng nẩy, cộc cằn. Những cơn nhức đầu triền miên.

 

Những lần ợ chua, xình hơi, tiêu chảy. Những bữa cơm nhạt miệng ăn không vô. Những sợ hãi vô cớ. Những lần ân ái vợ chồng nhàm chán, miễn cưỡng. Những lo lắng làm đời mất vui. Những lần quên đầu quên đuôi các việc phải làm. Những vội vã hấp tấp. Những tư tưởng chán đời. Những ý nghĩ cho là mình vô dụng. Những ý nghĩ muốn bỏ cuộc hay muốn chết. 

 

Nếu bạn đang ở trong những cái “những” trên, bạn rất có thể đang bước vào chứng trầm cảm (depression). Và một khi đã bị trầm cảm, đời của bạn coi như “mất vui” thực sự. Điểm đến cuối cùng của trầm cảm là sự chia lìa, đổ nất của hạnh phúc. Nhiều gia đình tan vỡ, nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng ly dị chỉ vì một hay cả hai người đã để cho những sức ép của công ăn việc làm, của sự ham muốn giầu sang và quyền lực khống chế, điều khiển cuộc sống để rồi không ai còn có thời giờ riêng cho mình cũng như cho nhau. Kết cuộc chính do những sức ép ấy đã đưa đẩy họ vào những bế tắc và khủng hoảng. Do đó, cũng có thể nói trầm cảm đã ảnh hưởng và làm đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân của những cặp vợ chồng này. Nhưng một điều khó hiểu ở đây chính là những người mang chứng trầm cảm, phần lớn đều phủ nhận và cho rằng mình không hề bị trầm cảm. Và vì vậy, không muốn hoặc không cần đến nhu cầu trị liệu.

Về mặt tâm sinh lý, trầm cảm là một trong những triệu chứng tâm lý đang làm nhiều người hoảng sợ, và là một mối nguy cơ cho cuộc sống con người ngày nay, nhất là tại những quốc gia tân tiến, đó là hội chứng trầm cảm. Nguyên nhân của triệu chứng này là những suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn, và căng thẳng quá độ trong những sinh hoạt hằng ngày, và cũng do những tháo thứ về mặt tâm lý, tình cảm, hoặc thác loạn trong cuộc sống.

 

Hậu quả của chứng trầm cảm xét về mặt thể lý, là làm cho người ta ra uể oải, mệt mã, chóng mặt, khó tiêu, biếng ăn, mất ngủ. Ngoài ra, nó còn là một cơ hội tốt cho những biến chứng như cao máu, tim mạch, lở loét dạ dầy, nhức đầu kinh niên, tai biến mạch máu não, và ung thư.

 

Về mặt tâm lý, nó biến bệnh nhân thành cau có, bực tức, bẳn gắt, chán nản, buồn phiền, thất vọng, buông xuôi, và đôi lúc mang cảm nghĩ chán đời, muốn tự tử.

 

Về mặt tâm thần, ảnh hưởng của trầm cảm còn lan rộng đến tâm trí con người, khiến con người có thể trở thành tâm bệnh với những biến chứng ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh, và mất đi khả năng phán đoán.

 

Hăng say hoạt động. Hăng say làm giầu. Hăng say nghề nghiệp. Hăng say với đường công danh, sự nghiệp. Rất tốt. Nhưng nếu hăng say quá đến trở thành nô lệ cho những ham muốn quá độ ấy khiến quên ăn, quên ngủ, thì lúc ấy phải coi chừng. Hăng say với ý tưởng cho rằng mình là tất cả, và là trung tâm điểm của mọi hoạt động, của mọi thay đổi đối với xã hội thì e rằng đã quên mất mình là ai, và không còn tin tưởng, đặt mục tiêu hành động vào đúng vị trí của nó. Những ý nghĩ tự kiêu, tự đại, tự tôn, và tự đắc ấy sẽ làm cho người say mê nó sống trong ảo ảnh, ảo giác, và ảo tưởng về những nỗ lực và thành quả của chính mình. Chỉ cần một thất bại nhỏ cũng đủ làm cho con người trở nên bất mãn, bực tức, và cáu giận. Trạng thái bất ổn tâm lý này thường sẽ kéo dài một thời gian cho đến khi mà sức chịu đựng của một người không còn nữa. Cho đến khi tất cả hào quang chiến thắng, và thành quả đạt đến tột đỉnh như một trái bóng đầy hơi và nổ tung.

 

Hậu quả đầu tiên trong đời sống hôn nhân khi trầm cảm xảy ra là những tư tưởng, thái độ, lời nói và hành động tiêu cực làm cho cay đắng, tạo sự rạn nứt trong tương quan vợ chồng, đánh mất niềm tin, và làm tăng sự nghi ngờ. Đời sống vợ chồng trở nên nhạt nhẽo, căng thẳng, và nặng nề. 

Nhiều lần chính ta đã tự cảm nghiệm, hoặc đã là nạn nhân của chứng trầm cảm trong đời sống hôn nhân và gia đình. Vì để mình bị chi phối nhiều vấn đề, vì muốn trở thành người có tiếng tăm đạo đức, hấp dẫn, và tài giỏi, ta thường có cảm nghĩ cho rằng nếu không có mình thế giới này, xã hội này, gia đình này sẽ không thể tồn tại một cách tốt đẹp được, và vì thế, ta đã lăng xăng lo lắng, bằng mọi cách thay thế, sửa đổi, và sửa sai mọi người trong gia đình theo ý mình. Kết quả ta đã bị mệt mỏi và kiệt sức. Vì không được như ý mình, ta đâm ra phiền trách Trời, Phật, phê phán xã hội, nghi kỵ, ghen tương, và gây khó chịu cho chính mình cũng như chồng hay vợ con mình. 

 

Ta cũng thường ngày chứng kiến nhiều cặp vợ chồng vì quá bon chen, lo lắng nên đã không có thời giờ đủ cho họ và cho gia đình. Kết quả tuy kiếm được nhiều tiền nhưng đời sống vợ chồng vẫn luôn lục đục, cãi vã. Con cái hư hỏng hoặc bỏ nhà đi hoang. Trong những tiếp xúc với các bệnh nhân, tôi vẫn thường được nghe nhiều về những nỗi bất hạnh này mà căn nguyên chính vẫn là nhiều người đã tự mình hay cố tình muốn “cái thú đau thương” do căn bệnh bất trị nhưng hiểm nghèo là trầm cảm. Nhiều người vợ đã tham phiền chồng vì không có thời giờ cho mình. Họ không còn hứng thú về mặt sinh lý và tình cảm họ bị sứt mẻ. Nhiều người chồng khó chịu vì vợ quá lo lắng và chú tâm vào tiền của, kết quả là đời sống hôn nhân gia đình trở nên không còn ý nghĩa. Con cái thiếu vắng tình mẹ. Không còn những bữa cơm thân mật. Không còn những nụ cười thân thương của cha hay của mẹ. Trong rất nhiều trường hợp, người ta đã nói với nhau, khuyên bảo nhau: “Đừng quá phí phạm sức khoẻ vì tiền bạc, để sau này khỏi phải hối hận dùng tiền bạc mua lại sức khoẻ!” Nhưng có lẽ ít người thực hành lời khuyên này mặc dù vẫn cho đó là lời khuyên đúng.

 

Trong đời sống hôn nhân, mối tương quan và liên hệ vợ chồng cũng luôn luôn vấp phải những ngãng trở tương tự, và nhiều người đã khuyên bảo nhau: “Đừng vì tiền bạc, của cải mà đánh mất hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Tiền bạc không mang lại hạnh phúc!” Nhưng nói thì nói vậy, trong thực tế chính những người khuyên hay nói câu ấy vẫn ngày đêm lo làm giầu, lo tìm thỏa mãn cho cái tôi của mình để rồi sau đó lại hối hận đi tìm hạnh phúc mà chính họ đã đánh mất.

 

Tóm lại, ta có thể ví trầm cảm như bệnh cao máu, tiểu đường là những căn bệnh tuy âm thầm nhưng có thể cất đi nhiều mạng người. Bệnh trầm cảm cũng vậy, tuy bề ngoài xem ra rất có vẻ tự nhiên trong nếp sống thường ngày, nhưng trong âm thầm nó đã phá hủy và làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Để phòng ngừa hay chữa trị căn bệnh này, có ít nhất hai điều mà chúng ta có thể làm cho chính mình và cho nhau: 

 

1) Ra khỏi môi trường thường ngày trong một thời gian. Thí dụ, lấy một tuần, hai tuần, hoặc ba tuần vacation để đi tới một nơi xa tách biệt với môi trường thường ngày. Điều này sẽ giúp cho tâm trí thanh thản và vượt thoát khỏi những suy nghĩ, bận rộn vẫn thường làm mệt nhọc và bó chặt trí óc. Đây cũng là cơ hội để cho thân xác được nghỉ ngơi. Lao động chân tay làm cho con người mệt mỏi, suy nhược. Lao động trí óc cũng làm cho tâm trí mệt mỏi và suy nhược. Nhưng ở một nghĩa nào đó, lao tâm hơn lao lực!    

 

2) Dành thời gian cho việc thư dãn tâm hồn. Có thể là 10 phút, 15 hay 30 phút mỗi ngày. Trong thời gian ấy, mọi giao tiếp với xã hội bên ngoài, mọi quan tâm và lo lắng phải để lại phía sau. Phải tập chú tâm vào chính mình, vào hiện tại trước mặt. Hít thở, thư dãn, và để chỉ mình đối diện với chính mình, với thinh không, với thiên nhiên, với vũ trụ. Đây là thời gian sống cho mình mà không phải sống ích kỷ. Một thời gian cần thiết để đổ đầy năng lực nội tâm cho những sinh hoạt kế tiếp.

 

Nhiều người tưởng dùng thời gian vào việc tập thể dục, chơi thể thao để loại bỏ căng thẳng và dồn nén, nhưng đó không phải là sự tĩnh lặng của tâm hồn. Để giải tỏa những dồn nén, căng thẳng của tâm linh, ta cần những hoạt động thể lý, nhưng quan trọng hơn vẫn là tìm cho mình sự bình an của tâm hồn. Theo tâm lý học, thì những giây phút ấy là những giây phút “thư dãn”, những giây phút mà con người đi vào nội tâm, vào với thế giới riêng mình để lòng mình gần gũi với thiên nhiên, hít thở, và sống với tinh thần buông xả, tạo sự an bình, thoải mái cho chính mình. Cũng có thể, để suy nghĩ lại mục đích và giá trị đời người, hạnh phúc và giá trị của hôn nhân. Tìm lại nguồn sinh lực cho những nỗ lực mà mình cần vượt thắng. Những giây phút như thế xem ra phí phạm, và không cần thiết đối với một người thiếu căn bản và sức sống nội tâm, vì theo họ, cần phải có nhiều thời giờ để lăn xả vào hoạt động và làm cho nổi nang mọi chuyện. Ngược lại, đối với một người đã từng có kinh nghiệm sống, đối diện với những thành bại của cuộc đời thì tạo được sự bình an nội tâm, biết lặng đọng và làm chủ được mình mới là điều hiếm quí và cần thiết. Đây cũng là những động tác buông xả, những giây phút hồi tâm, nguyện ngắm và tìm sự bình an cho tâm hồn theo cái nhìn của tôn giáo.   

* Bài này cũng đã được đăng trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày Thứ Bảy, 11 tháng 8 năm 2012

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.