Theo đề nghị của Hồng, em sẽ dùng xe gắn máy, chở tôi đi dạo phố Hà Nội, tiện hơn là đi xe hơi, vì mỗi lần tìm chỗ đậu xe rất khó khăn.
Chương trình tôi đề nghị với Hồng là đi thăm nhà thờ chính tòa Hà Nội, rồi đi chợ Đồng Xuân, ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng ở Hà Nội. Sau đó đi thăm giáo xứ Thái Hà ( một thời nỗi tiếng qua vụ đấu tranh bất bạo động kéo dài khá lâu để đòi lại miếng đất thuộc quyền sở hữu của giáo xứ, đã bị chính quyền “mượn tạm” khá lâu và nay đang định bán đi để mở vũ trường..) Hồng cho biết vì giáo xứ Thái Hà khá xa, nên để ngày mai đi xe hơi, Hồng sẽ nói với bác tài đưa tôi đến đó. Như vậy là chuyến này thăm Hà Nội,ngoài xe hơi, tôi còn được đi cyclo, đi xe gắn máy và cả đi bộ nữa…
Trước tiên Hồng đưa tôi đến Phố Nhà Chung, để thăm Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, nhìn phố xá chung quanh có vẽ cũ kỹ như ngôi thánh đường.lâu đời Ngôi nhà thờ chính tòa uy nghi to lớn, nước quét vôi bên ngoài, màu đen hay xám loang lổ theo tháng năm, càng làm tăng thêm vẽ cổ kính, phong trần của ngôi thánh đường cổ, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Có lẽ lúc khánh thành, nó là ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ và đẹp đẽ nhất Việt Nam, nhưng với dòng thời gian nó đã mất chổ đứng ban đầu của nó, nhưng ít ra nó cũng đứng đó như là một chứng nhân cho biết bao nhiêu sự thăng trầm lịch sử, thay ngôi đổi chủ cuả Hà Nội . Trước nhà thờ là một quảng trường khá rộng , với tượng đài Đức Mẹ giữa một vườn hoa nhỏ, chung quanh có hàng rào sắt bao quanh. Có lẽ là ngày thường nên nên nhà thờ không mở cửa. Hồng chụp cho tôi vài bức hình trước nhà thờ và tượng đài Đức Mẹ, rồi chúng tôi lên đường đi chợ Đồng Xuân.
Đường phố Hà Nội lúc này mở rộng hơn, nhiều nhà cao tầng và nhiều khách sạn lớn, mọc lên ở khắp nơi Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy cửa hàng với bảng hiệu “10.000$ mỗi thứ”, cái tên nghe “nôm na”làm sao !! khiến tôi cảm thấy hình như “ Văn Hóa” Hà Nôi đã “đi vắng” đâu rồi! Tôi nhớ lại Cửa hàng “ 7.000$ mỗi thứ” ở Lào Cai, ( chắc về Hà Nội tăng lên 3000$) nghe tên lạ nên tôi vào xem cho biết. Trong đó có nhiều mặt hàng khác nhau từ kẹp tóc gương luợc, ví tay, găng tay.v..v…tất cả đều đồng giá 7.000$, và tất cả đều “made in China” chắc tương tự như cửa hàng 99Cent ở Mỹ. Hàng China qúa rẽ, hèn chi nó thống lĩnh thị trường toàn thế giới ,kể cả Mỹ.
Dọc đường Hồng hỏi tôi:
Cô thích ăn món gì ở Hà Nội?
Tôi trả lời Hồng:
“Hãy cứ ăn những món bình dân cũng được, miễn là đặc sản của Hà Nội, mà Sàigòn không có. Không cần phải đi vào những nhà hàng sang trọng đắt tiền!” Vì kinh nghiệm cho tôi biết có nhiều chổ bình dân, nhưng món ăn rất ngon, nếu biết chỗ. Nói tới đây tôi lại nhớ tới một “kỷ niệm nhớ đời” trong một lần đi tour Trung Quốc. Khi hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến một nhà hàng khá lịch sự, và cho biết : “Tối nay, đặc biệt không phải ăn chung bàn, qúy vị được quyền tự do lựa chọn món ăn tùy thích” Hai mẹ con tôi, bàn bạc và thống nhất ý kiến :”Đi du lịch thì phải tìm ăn những món đặc sản của địa phương!” Thực đơn chỉ có tiếng Tàu và tiếng Anh, sau một hồi chọn lựa, mẹ con tôi chọn món” Chinese Original Traditional Noodles..” Ngồi đợi, nhìn chung quanh thấy thiên hạ ăn Sủi cảo, ,Mì, Hoành Thánh …Tôi thầm nghĩ mấy món này thì ở đâu chả có..nhưng sao đợi lâu qúa không thấy món mình đem ra ? lại tự nhủ, chắc món này cầu kỳ lăm ! nên phải sửa soạn lâu, trong bụng thấy háo hức vì mình sắp được thưởng thức món ăn đặc sản của TQ, mà chỉ ở đây mới có, cho bỏ công đường xa, lặn lội tới chốn này…Đợi một hồi lâu sau, thấy hầu bàn mang ra hai cái dĩa, trong đó đựng loại giống như mì hay bún “đen thui”, nhìn thấy phát nản, và một chén nước sauce cũng đen thui, không thấy có rau, có thịt cá, gì cả?? Ôi thật là “vở mộng”!
Tôi cố vớt vát an ủi con gái:
“Thôi cứ thử xem, biết đâu hình thức bên ngoài không hấp dẫn, nhưng ăn ngon thì sao ?” Thế là hai mẹ con tôi cầm đủa ăn thử. Ôi !qủa thật là nuốt không vô, vì nó vừa mặn, vừa chả có mùi vị gì…
Con gái tôi cười bảo:
“Chắc đây là món truyền thống lâu đời của người Tàu. Ngày xưa họ đói khát làm gì có cao lương mỹ vị, nên phải ăn uống kham khổ như thế này..”
Tôi thắc mắc: Sao họ chuẩn bị lâu vậy?”“
-“Có thể món này nấu bằng gạo lức, gạo đen nên phải nấu lâu, hơn nữa mẹ nhìn xem, chỉ có 2 mẹ con mình gọi món này. Người ta phải ưu tiên mấy món dễ, nhiều người ăn rồi mới tới mấy món ít có ai gọi."
Thế là tối đó, mẹ con tôi phải ôm bụng đói, vì trễ qúa, mọi người đã đứng dậy hết, không còn giờ gọi món khác..May mà có đem theo một ít bánh lạt và phomai ăn cho đở lòng. Thật là cho bỏ cái tật “ham của lạ”!
Trên đường đi , tôi bỗng thấy có cửa hàng dề tấm bảng “Đặc biệt bánh đa cá rô đồng”. Tôi bèn nói Hồng quành xe lại để vào ăn thử! Cái món bánh đa này chắc chỉ ở Hà Nội mới có, chứ ở Sàigòn không thấy món này. Họ nấu bánh đa (hơi giống bánh phở, nhưng dai hơn) trong nước lèo (nấu bằng xương cá) , cá rô đồng rán lên rồi gở thịt ra bỏ lên trên. Ăn lạ miệng nên cũng thấy ngon, một phần có lẽ vì tôi thích ăn cá hơn ăn thịt.
Tới chợ Đồng Xuân, trời cũng đã về chiều. Nhìn hàng chữ “ CHỢ ĐỒNG XUÂN” to tướng trên nóc chợ, như là niềm tư hào về sự lâu đời và nổi tiếng của mình. Nghe nói ngôi chợ mới được sửa chửa và trùng tu lại sau một vụ cháy lớn. Nhìn bề ngoài tôi thấy nó có vẽ giống chợ Bình Tây trong Chợ Lớn, nhưng nhỏ hơn. Vào bên trong thấy cách sinh hoạt có vẽ tương tự là chợ đầu mối, như chợ Bình Tây nhưng không tấp nập bằng. Họ cũng có những gian hàng bán sỉ lẽ các loại đặc sản Hà Nội như:hạt sen, mứt Sấu , Cam thảo, các loại bánh in đậu xanh, bánh “xusê”, bánh cốm, đặc biệt là cốm vòng Hà Nội…khiến tôi lại nhớ đến mấy câu thơ trữ tình của Nguyên Sa:
“Có phải lòng mình là hương cốm..
Chẳng biết tay ai làm lá sen?”
Các gian hàng bày hàng ngay trên mặt đất. Nhìn chung có vẽ thiếu trật tự, vệ sinh và không có nét mỹ quan của ngôi chợ văn minh, xứng đáng là ngôi chợ nổi tiếng hàng đầu của thủ đô Hà Nội. Trên lầu có các gian hàng bán vải vóc, quần áo, nhưng lưa thưa không phong phú và đa dạng , sinh hoạt lèo tèo thua xa sự nhộn nhịp của chợ An Đông hoặc chợ Bình Tây ở Sàigòn. Qủa là có đi đến nơi, mới thấy thực tế không như những tiếng đồn về nó, nhưng ít nhất cũng đến một lần cho biết thực hư. Thảo nào mà người Hà Nội ai cũng ngưởng mộ và mong một lần được đi Sàigòn. Tôi nhớ lại sau năm 75, bà con bên ông xã tôi ở ngoài Bắc vào thăm Sàigòn, nghe họ tâm sự thấy tội nghiệp “Ai cũng mơ được vào Sàigòn như vào thiên đàng. Thăm Sàigòn rồi về có chết cũng cam lòng”.
Ra về Hồng rủ tôi đi ăn chè thập cẩm nổi tiếng của chợ Đồng Xuân, nghe bà bán hàng tạp hóa, chỉ lối cho Hồng đi , cũng khen là ngon lắm. Tôi vốn không thích ăn ngọt, nhưng nghe nổi tiếng thì cũng muốn thử cho biết. Vừa đi vừa hỏi thăm, Hồng dẫn tôi đến một gian hàng bán chè ở lề đường trong một hẽm nhỏ sát bên chợ Đồng Xuân.Nhìn 2 ly chè được mang ra, tôi thấy có đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván..một ít nước dừa..ăn chả có gì đặc biệt. Thật là thua xa “chè Thái” ở đường N.T.Phương gần nhà tôi ở Sàigòn.Dù không thích ăn chè, nhưng tôi phải công nhận là ăn ngon tuyệt, các loại đậu, trái cây. sầu riêng.. vùa thơm vừa ngậy mùi nước dừa. Chỉ cần nhìn số lượng họ bán mỗi buổi chiều tối là đủ biết. Ngoài khách ăn tại chỗ ra vào tấp nập, khách mua đem về qúa đông nên họ phải đóng gói bịt nylon sẳn bỏ vô 2, 3 thùng to tướng ướp đá chung quanh để ngoài sân, mới kịp phục vu nhu cầu khách hàng. Có lần tôi thấy khách từ Đà Lạt xuống ghé mua một lần mấy chục gói đem về. Nhân viên phục vụ hơn chục người, mặc đồng phục làm việc liền tay. So với gian hàng ở đây chỉ có 5,.3 người ngồi ăn, thật chả thấm tháp gì ! Thấy tôi có vẽ không tấm tắc khen, Hồng thắc mắc:
“Hình như những món ngon nổi tiếng Hà Nội em giới thiệu , thấy cô đều có vẽ không hài lòng ?
Tôi cười thú nhận:
– Cô đâu có chê hồi nào đâu.? Cám ơn em đã giới thiệu cho cô những món “nổi tiếng” Hà Nội, nhưng vì tính cô (người Sàigòn)hay nói thẳng nói thật, thấy sao nói vậy, không quen nói đãi bôi, nói dốI, nên em thông cảm, nhưng cô vẫn rất trân trọng nhiệt tình của em. Vậy là đủ rồi!
Trước khi đưa tôi về hotel Hồng hỏi :
_ Cô có thích đi ăn món “Chả cá Lã Vọng” không ? Nhà hàng này hơi xa và có khi phải chờ đợi lâu lắm. Nhiều hôm phải đặt trước mới có chỗ.
Tôi nhớ lại lần thăm Hà Nội kỳ trước. Tôi cũng đã thuê xe đi tìm cho được quán Lã Vọng, leo lên cái gác gổ nhỏ để được ăn món cá ngon nổi tiếng nhất Hà Thành, và ngắm nhìn tượng ông Lã Vọng ngồi câu cá ở phía ngoài ban công nhà hàng ( Do đó nhà hàng mới có tên Lã Vọng ). Ăn cũng ngon, nhưng không có chi ấn tượng mạnh, đến nỗi phải chấp nhận chờ đợi lâu, nên tôi thoái thác:
– Thôi em cho cô về hotel, tối nay để cô lang thang “Hà Nội phố” tư tìm món ăn mà mình thích.
– Tùy ý cô, vậy cũng được! vì hotel cô nằm giữa các phố cổ, chung quanh có rất nhiều hàng ăn, cô tha hồ lựa chọn tùy thích.
Về hotel, tắm rửa nghỉ ngơi, lấy báo ra đọc, vì tôi rất mê đọc sách báo, Hồng đi với tôi rất ngạc nhiên:”Ôi sao cô thích mua sách báo thế nhỉ? Mua mãi mà không chán!” Đọc một tờ báo thấy có bài viết về cửa hàng Phở Bò Kobe ở Hà Nội gía một tô:800.000$(= 35 $US) mà vẫn có nhiều người tới ăn sáng. Có lẽ toàn là các đại gia và các quan chức cao cấp “đầy tớ nhân dân”. Ôi !mức sống chênh lệch giữa người giàu và người nghèo như “đường xa vạn dặm”!. Nhớ lại lời tâm sự của Hùng, hướng dẫn viên dẫn tôi đi thăm Sapa. Hùng tốt nghiệp đại học 4 năm ngành du lịch, biết nói tiếng Anh để hướng dẫn du khách ngoại quốc. Hùng quê ở Phú Thọ, nhưng phải lên Sapa tìm việc vì Sapa mới có du khách.
Tôi hỏi thăm:
– Em làm việc xa nhà, lương bổng có khá không ?
– Họ trả lương buổi (80.000$ = 4$US) cả ngày (120.000$= 6$US). Khi nào có khách thì họ gọi đi. Nhằm mùa du lịch thì ngày nào cũng có việc, còn các mùa khác thì ngày có ngày không !
Tôi ngạc nhiên:
– Vậy làm sao đủ sống ? vì em còn phải thuê nhà trọ, rồi ăn, uống linh tinh…
– Thì cũng phải co cụm lại sao cho đủ sống. Nhiều hôm mưa gió chả có khách, nằm nhà đói meo!. Hôm nay, may có cô nên em được đi làm cả ngày, nên tuy mưa gió nhưng cũng vui!
Nghe em tâm sự mà tôi thấy xót xa!.Sapa cảnh đẹp, núi non sương mù lãng đãng trử tình nhưng mức sống người dân khá thấp, nên trẻ con hay chạy theo du khách xin tiền, ngay cả người lớn cũng xin tiền, khi muốn chụp hình chung với họ. Đời sống người dân còn nhiều cơ cục, nhưng nhà hàng cao cấp, và hotel nhiều sao vẫn đang tiếp tục mọc lên khắp nơi. Nếu cứ nhìn cái vẽ bên ngoài để đánh gía sự phát triển của đời sống người dân qủa thật là một sai lầm to lớn!
Nói chi đến dân miền núi, mới đây tôi đọc được phóng sự trên internet ”Thủ đô Hà Nội về đêm” Bài có hình ảnh đính kèm. Thấy cảnh 3 giờ sáng hằng trăm dân nghèo thủ đô, chờ đợi chen chúc trước cổng “Khu xử lý phế thải” chờ giờ mở cửa để ào ạt xông vào, tranh nhau phóng xe đạp tới các bãi rác. Dưới ánh sáng đèn đục mờ, họ đang ra sức dùng dụng cụ bươi, móc, nhặt từ những đống rác những thứ còn có thể bán lại cho “đồng nát” để kiếm chút xíu cho kế sinh nhai hằng ngày Họ phải rời bãi rác lúc 6 giờ sáng để trả lại vẽ lịch sự yên tĩnh cho thủ đô Hà Nội Mỗi đêm cào rác trong những bãi rác hôi thối, sình lầy, những “ông chủ đất nước” kiếm được từ 30.000$ tới 80.000$, nghĩa là họ phải thức đêm, vất vả lao động trong môi trường dơ bẩn, thiếu an toàn từ 10 đêm tới 20 đêm, mới kiếm được số tiền tương đương với gía 1 tô phở bò Kobe, mà các quan lớn “đầy tớ nhân dân”dùng để ăn sáng.
Ôi !sao cùng là một kiếp người Việt, ở cùng một nơi chốn (Hà Nội ) mà 2 cảnh đời sao qúa đối chọi nhau khủng khiếp đến thế !!??
Nằm đọc báo, suy nghĩ lan man, nhìn lại đồng hồ đã thấy hơn 8 giờ tối, tôi lo thay đồ để xuống dạo phố Hà Nộ về đêm. Đây có lẽ là khu phố cổ, nên hàng quán bán dọc 2 bên lề đường rất nhiều. Tôi đi một vòng để thăm dò xem có món ăn gì lạ mà Sàigòn không có..Gặp cửa hàng “Made in VN”, tôi ngạc nhiên bước vào xem.vì từ trước tới giờ thấy các nhà buôn bán toàn làm “nhái” hàng ngoại , chứ có bao giờ dám tự xưng là hàng VN đâu ??Gian hàng có các tủ kiếng lịch sự, trưng bày nhiều loại quần áo khác nhau từ các loại áo quần thể thao, tới các loại áo khoác, áo jacket..v..v..mẫu mã, màu sắc khá đẹp !.Gía cả vừa phải từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu. Tôi nhớ mấy lần đi shopping bên Mỹ ở Macy, Burlington..nhiều chiếc áo đẹp, lịch sự gía từ vài chục đến mấy trăm đô, khi nhìn lại mác ở cổ áo đề “Made in VN”. Thú thật từ trước tới giờ tôi vẫn hay có thành kiến không tốt với cái gì “Made in V.N”, vì cho đó là thứ tệ.! Đúng là “Bụt chùa nhà không thiêng!”. Bây giờ suy nghĩ lại tôi thấy có lẽ mình phải sửa đổi thành kiến này; vì công nhân VN làm việc cần mẫn, siêng năng, và lại rất khéo tay!. Có chắc gì công nhân làm ra hàng “Made in China” hay “Made in Philippine”..đã tốt hơn “Made in V.N” không ???
Khách vào mua hàng khá đông, kể cả du khách ngoại quốc. Thời tiết lúc này khá lạnh nên nhiều người tìm mua áo Jacket, họ cho biết áo mặc tốt, bền, kiểu dáng đẹp, giá cả lại nhẹ nhàng so với hàng nhập. Ít ra với bảng hiệu “Made in VN” cũng nói lên niềm tự tin và tư hào về hàng hóa VN. Đây là một điều rất tốt và nên nhân rộng cửa hàng loại này trên cả nước, cố gắng gia tăng chất lượng để tăng thêm uy tín cho thương hiệu VN, thay vì cứ cúi đầu mang mặc cảm “nhược tiểu”, rồi đi rước mấy thứ “Made in China” sẽ còn tệ hơn! (Tôi bây giờ cố gắng tẩy chay hàng “Made in China” vì vùa “dỏm” vừa thiếu an toàn , lại cộng thêm thái độ hống hách ngang tàng của Tàu cộng lấn lướt, ức hiếp ngư phủ VN một cách qúa đáng ! ) Tôi nhớ có lần đi chợ An Đông mua lụa may áo dài, tôi ngạc nhiên nghe bà bán vải cho biết lụa Thái Tuấn của VN đắt hơn lụa nhập khá nhiều vì mình hàng đẹp hơn.
Chỉ có một điều hơi “khập khiểng” là đã tự hào về hàng VN sao không dùng chữ VN mà lại phải dùng chữ nước ngoài? Thay vì bảng hiệu “Made in VN” là bảng hiệu “Hàng Việt Nam” xem ra có vẽ không lai căng mà lai “danh chính ngôn thuận” hơn!
Khi lang thang trở về, tôi chọn ăn món “Miến trộn” xem ra có vẽ lạ ! Tôi quan sát họ nấu, thấy họ trụn miến xong bỏ thịt gà cắt nhỏ và ít rau rồi trụn lại vô nồi nước lèo. Sau đó trút vào tô rồi rưới lên ít nước sốt chua ngọt ( làm bằng nước lèo pha với giấm, đường cho có vị chua ngọt và hơi sánh ).
Tôi nhớ lại kinh nghiệm lần trước đi Hà Nội , món ăn gì trước khi bưng ra cho khách hàng, họ cũng cho thêm một muỗng café bột ngọt vào tô ! Vây mà có khách còn xin thêm!.. Tôi bèn dăn bà bán hàng:
– Bà làm ơn nhớ đừng cho bột ngọt.
Bà cười nhìn tôi bảo:
– Cô khỏi nhắc, tôi biết rồi, nghe giọng nói biết cô người Sàigòn, dân trong Nam không thích ăn bột ngọt nên tôi không cho đâu, chỉ có dân Hà Nội mới thích thêm “mì chính” thôi !
– Vây thì cám ơn bà !
Món ăn lạ miệng nên cũng khá ngon. Món này có lẽ cũng tương tư như món Phở chua, chỉ khác thay vì dùng miến, thì họ dùng bánh phở. Gía mỗi tô 30.000$, đắt hơn ở Sàigòn giá 20.000$/1 tô ở những gian hàng lề đường như thế này. Tôi uống thêm một ly sữa đậu nành nóng cho ấm bụng rồi ra về .
Trời Hà Nội về khuya, gió khá lạnh, tôi kéo vội chiếc khăn quàng cổ lên cho ấm, rồi rảo bước trên đường đã bắt đầu vắng người. Đâu đây văng vẳng lại lời bài hát TCSơn tù một quán nhạc bên đường, tự dưng nghe sao thấy thấm thía:
“Hãy cứ vui chơi cuộc đời…
Dù ta như con đường dài vắng người..”
(Còn 1 kỳ)
Views: 0