Từ lâu tôi đã hẹn lòng sẽ đi công tác từ thiện với Hội Bạn Người Nghèo, nhưng rồi cứ bị trục trặc chuyện nọ chuyện kia, nên chưa thực hiện được. Kỳ này tôi quyết tâm thực hiện cho được, tôi về Việt Nam đi hành hương rồi ở lại chờ, nhưng HBNN cứ dời ngày đi hoài thành thử tôi đã lỡ hẹn nên cứ phải rán đợi…khá lâu.
Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã có thời gian dài để đi công tác từ thiện nhiều nơi, nhất là với Hội Nhân Đức. Tôi đã có dịp đi nhiều , để mở rộng tầm nhìn và học hỏi được nhiều hơn về cuộc sống. Đây cũng là chuyến về Việt Nam mà tôi có dịp đi qua nhiều miền đất nước: từ Bắc vô Nam, tới tận Hà Tiên, rồi từ miền Đông qua miền Tây, lên cả tận cao nguyên để ngắm nhìn quê hương dưới nhiều góc cạnh khác nhau, phong tục văn hóa khác nhau. Nếu không nhờ những chuyến đi từ thiện này, chắc không bao giờ tôi có cơ hội đi khắp mọi miền đất nước, tới những vùng xa xôi hẻo lánh ( như lần đi Trà Vinh phải qua 2 chuyến phà, chuyến phà cuối phải đợi hơn 1 giờ mới có phà qua, rồi đi xe lôi, xe kéo…) rồi đi vào những buôn làng của người sắc tộc…Tất cả góp phần làm cho những hiểu biết của tôi về con người về quê hương mình được phong phú hơn. Tạ ơn Chúa, cho nên lúc nào tôi cũng tin rằng : “Chúa đóng cánh cửa lớn, Chúa sẽ mở cánh cửa nhỏ”.
Khi HBNN về Việt Nam tổ chức chuyến đi từ thiện từ nam ra bắc điểm chính ở Quảng Bình thì sát ngày tôi về lại Mỹ, vì nếu về trễ hơn( quá 3 tháng) tôi sẽ bị phạt gần 600$US, (chứ tôi còn dự định ở lại để đi từ thiện tiếp với HBNN ở Sóc Trăng, Cà Mau…) Do đó tôi yêu cầu sau khi công tác từ thiện ở Quảng Bình, được về chung xe với nhóm Hội Nhân Đức, vì các BS,DS cũng cần về tới Saigon tối chúa nhật để sáng thứ 2 đi làm lại, còn tôi thứ 2 sẽ ra phi trường bay về Mỹ.Vì vậy có sự hiểu lầm là tôi chỉ muốn đi với HNĐ, nên tôi đã không tham gia phần đầu của HBNN đi từ thiện ở Phan Thiết – Nha Trang…
Trưa thứ 4 khi đến điểm hẹn trước Bịnh viện Nhân dân Gia Định như mấy lần công tác trước, lên xe tôi thấy khá đầy đủ và xe chuẩn bị khởi hành. Một số BS, DS sẽ được rước dọc đường vì kỳ này đi xa và đi nhiều ngày. Ai muốn đi phải để dành phép, hay đổi ca cho bạn chứ không như mọi lần chỉ đi thứ 7, CN thì tương đối dễ dàng hơn…Sau khi đón người tương đối đầy đủ, chúng tôi ghé ăn tối ở quán dọc đường. Trời đã tối đen mọi người lên xe, ai nấy chuẩn bị “lưng, mông” để ngồi cho “ê ẩm, tê cứng” hay nói văn chương như N.Du “cho lăn lóc đá, cho mê mẫn đời” vì đường còn rất xa ( khoảng hơn 1000 km), để biết phần nào cái cực khổ của dân quê nghèo. Mọi người đề nghị nên có “văn nghệ bỏ túi” hát cho nhau nghe để vui vẻ quên đi “đường xa vạn dặm”. Đúng là giới trẻ nên mọi người hăng hái tham gia, BS H. mở đầu với bài hát “Xuân và tuổi trẻ” vì dư âm mùa Xuân như vẫn còn đâu đây, rồi NS. T. lên thổi kèn Harmonica bài “Hãy yêu nhau đi”, sau đó là tự hát…Không khí rộn ràng vui hát lan tỏa trong xe, nên ai cũng hăng hái tự nguyện tham gia, không kể già trẻ lớn bé theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát”, nhất là lại được sự hổ trợ rất đắc lực của BS Phong (trưởng đoàn) với Ipad trong tay. Ai thích hát bài gì, không nhớ lời, cứ nói tên bài hát hoặc 1,2 lời trong bài hát cũng được, BS Phong sẽ gỏ vô Google vài giây sau bài hát sẽ hiện ra đầy đủ, tha hồ mà hát. Đúng như lời ca dao mới:
“Trăm năm trong cõi người ta
Cái gì không biết thì tra Google”.
Sau khi nhiều người hát đơn ca, tôi bèn đề nghị hát tập thể bài “Nối vòng tay lớn” vì đa số ai cũng thuộc. Thế là mọi người vừa hát vừa vổ tay nhịp nhàng trong không khí rộn ràng hăng hái:
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…”
Với tinh thần đi đến những vùng quê nghèo xa xôi hẻo lánh để khám bệnh và phát thuốc cho dân nghèo thì lời bài hát càng thấm thía và ý nghĩa hơn:
“Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tử sinh”.
BS Loan trẻ nhất trong nhóm “cái gì cũng ngơ ngác không hiểu” giơ tay tình nguyện xin hát bài “Một đời người, một rừng cây”. Sau vài giây tra google bài hát hiện ra:
“Khi nghĩ về một đời người / Tôi thường nghĩ về một rừng cây
Khi nghĩ về một rừng cây / Tôi thường nhớ về nhiều người”.
Tới đây thì đã có nhiều giọng hát theo, đúng là các em “trẻ trung như cụm hoa hồng / hồn nhiên như ngàn ánh lửa” hồn nhiên và nhiệt tình như việc các em đi công tác từ thiện hôm nay. Các em là những người cùng nhau góp sức chung tay để hổ trợ vì “Sống gần nhau, thân mới thẳng” để cùng làm việc từ thiện, dù xa xôi cách trở bởi các em cũng biết rằng:
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Gian khổ sẽ dành phần ai ?”
Tôi hơi ngạc nhiên vì các em (nhóm BS,NS,DS trẻ) thường chọn những bài hát xưa và có ý nghĩa để hát, chứ không phải là những bài hát “thời đại mới” của giới trẻ bây giờ : nghe “giựt giựt’ hoặc gào hét, rên la thống thiết…Buổi văn nghệ bỏ túi kéo dài khá lâu, có lẽ vì hát làm cho người ta yêu đời, hăng hái quên mệt nhọc (Theo một nghiên cứu mới nhất cho biết: Hát giúp giảm stress, giảm đau nhức, gia tăng sức khỏe và tuổi thọ…). Mọi người đua nhau hát nên chương trình tự phát mà gồm đủ mọi tiết mục : đơn ca, song ca, hợp ca, ngâm thơ, thổi Khẩu cầm…Trước khi kết thúc BS Phong đề nghị hát tập thể bài “Bạch Đằng Giang”, mọi người đồng ý liền, thế là không khí văn nghệ hào hùng cất lên ( phù hợp với không khí cả nước đang khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” ).
“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống Anh hùng, Nam, Bắc, Trung…
Dù có sấm sét bảo bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng, để cho nòi giống soi chung…”
Mọi người vổ tay kết thúc chương trình văn nghệ bỏ túi, nhưng như đang còn dư âm hào hùng của bài hát, DS T. bỗng cất lên : “Này công dân ơi! đứng lên đáp lời sông núi…” tôi bèn tiếp lời “…vì tương lai quốc dân…làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền” ( vì tôi vẫn thường dạy cho các em học sinh Việt Ngữ tập bài hát này, nên tôi thuộc nằm lòng). Một số các em khác lõm bõm hát theo, hát như từ tâm thức của mình hát ra:
“Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời”.
Kết thúc bài hát DS T. còn “phụ đề” : “Tụi mình vừa hát bài chào cờ VNCH”
Trời đã thật khuya, hai bên đường bóng tối tràn ngập, mọi người từ từ rơi vào giấc ngủ, tôi quên đem theo gối cổ, nên cứ ngồi “nhúc nhích” hoài mà vẫn không ngủ được. Tôi ước gì được đi xe “giường nằm” ( loại xe này bây giờ rất phổ biến ở Việt Nam), thì chắc sẽ dễ ngủ hơn. Nhưng thôi đi từ thiện là chấp nhận mọi gian khổ, để “nếm mùi tân toan” chia xẻ với người nghèo. Xe ngang qua Cam Ranh, nhìn từng đợt sóng trắng xóa, lăn tăn xô vào nhau, có khi cao ngất đổ ầm ầm xuống, tôi chợt nhớ tới lời bài hát:
“Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu?”
Biết đến bao giờ con người có thể sống trung thực, ngay thẳng với nhau để khỏi phải “van xin”:
“Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người”.
Chúng ta sinh ra bình đẳng (ai cũng trần truồng như nhau), khi chết cũng bình đẳng (2 tay trắng không mang theo được gì). Sao bây giờ ta không biết sống tử tế, chân thật với nhau cho đời nở “Hoa Yêu Thương”.
Khi xe đến Tuy hòa, nơi tôi đã dạy ở Trung Học Nguyễn Huệ 2 năm, đón một thầy giáo về hưu, có con là “Mạnh thường quân” của hội.Tôi hỏi thăm thầy về tin tức những người cùng dạy ở trường xưa, nhưng tiếc là thầy công tác ở tỉnh khác. Ngồi yên chỗ, ông nói với tôi:
– Cô ơi! mình phải đi làm từ thiện vừa làm phước, vừa thay đổi không khí cho đầu óc tỉnh táo, chứ ở nhà theo “chăn” cái đám cháu nội, cháu ngoại riết rồi mụ người hết.
Xe đi qua Qui Nhơn, Bình định, tôi nhớ trước 75 mình đã từng làm đơn xin đổi theo ông xã và đã nhận được sự vụ lệnh bổ nhiệm ra dạy Cao Đẳng Sư Phạm Qui Nhơn, nhưng giờ chót gặp trục trặc gia đình nên không ra được. Bây giờ ở các tỉnh không phải chỉ Cao đẳng mà Đại học cũng mở ra tràn lan khắp nơi, nhưng thành phần ban giảng huấn thiếu hụt và không có chất lượng, nên vừa rồi báo loan tin nhà nước đã ban hành công văn rút giấy phép hoạt động của rất nhiều trường đại học trong nước.
Nhìn bên đường có những hàng quán bán thật sớm với ngọn đèn dầu leo lét, chắc dành cho những người lao động phải dậy sớm để mưu sinh, một số người thấy đói bụng, nên đoàn dừng chân tiện thể xin nước đánh răng, rửa mặt luôn. Bà bán cháo gà gặp xe chúng tôi coi như “trúng mánh” vì bán gần hết, dọn hàng về sớm, nên bà rất vui vẻ tiếp đón chuyện trò…
Xe lại tiếp tục rong ruổi hành trình, chúng tôi đến Quảng Nam khi trời đã sáng tỏ. Chúng tôi ghé Tam Kỳ, thủ phủ cũ của tỉnh Quảng Nam. Đi quanh co, tới lui mãi mới tìm được nhà thầy Hiệu trưởng của một trường tiểu học, mà Hội Nhân Đức bảo trợ, để gửi 500 cuốn tập một số dụng cụ học tập…nhờ thầy phát lại cho các em học sinh nghèo, gia đình neo đơn ( vì đoàn không có đủ giờ).Trong làng đa số chỉ còn người già và trẻ con sống lây lất qua ngày, những ai còn sức lao động thì đã đi vào các thành phố lớn để kiếm sống. Trên đường đi BS Phong cho biết đã gửi tiền nhờ họ mua 5 con gà về nấu mì Quảng để chiêu đãi đoàn.
Nghe vậy ai cũng khấp khởi trong lòng sẽ được ăn mì Quảng chính gốc do dân Quảng Nam thứ thiệt nấu chắc là ngon lắm! Khi chúng tôi đến họ đã sẳn sàng mọi thứ, tôi vào nhà bếp để phụ, bếp là cái chái lá thấp phía sau nhà có 2 cái bếp lò nấu là 2 cái kiềng 3 chân, củi nấu là cành cây khô lượm sau nhà, trên đó có 2 nồi to : một là nồi nước lèo, chắc là nước luộc gà, mỡ gà nỗi lên váng đầy, bà chủ nhà có vẽ hãnh diện khoe: “ Nước lèo có mỡ gà béo lắm, lâu lâu mới có, ăn ngon lắm đó cô!”. Nồi thứ 2 là gà chặt nhỏ ( như đầu ngón tay) xào lên với mắm muối gia vị. Tôi bưng tới một mâm có 7,8 tô, mà tô nào họ cũng bỏ sẳn “mì” đầy có ngọn, cho bà chủ nhà chế vào mỗi tôi 1 vá nước lèo đầy mỡ gà , và qua nồi bên cạnh bà múc đổ lên tô mì một muỗng nước xào có khoảng 3,4 miếng thịt gà chặt bé xíu, rồi rắc hành ngò lên. Tôi xin phép được tự làm tô mì của mình, chỉ lấy một ít mì và lấy một muỗng thịt xào, không lấy nước lèo. Tôi thích nhất là rỗ rau xắt nhỏ, tươi xanh ngắt, tha hồ ăn thoải mái! Sau này nghe BS Phong kể những gia đình nghèo ở đây, ngân sách chi tiêu hằng tháng của họ chỉ khoảng hơn 400 ngàn $ VN ( = 20 $US), nên họ sống rất tằn tiện từ chút, ăn cần no bụng, chứ không cần ngon! Hèn gì tô mì Quảng đầy ngọn, mà chỉ có vài miếng gà chặt nhỏ xíu, đối với họ như vậy là “quá đủ, quá ngon” rồi ! Ôi ! Sao thương quá dân tộc tôi, không biết đến bao giờ dân quê Việt Nam mới được ấm no thực sự? Ngoài kia cách đây không xa thành phố Đà Nẳng đang trên đà phá triển nhanh… trở nên một thành phố mang đẳng cấp quốc tế, đã từng có những cuộc thi đua biểu diễn bắn pháo bông quốc tế với nhiều nước trong vùng Á châu tham gia. Những cây cầu lớn trong thành phố được thiết kế hình con rồng to với những ánh đèn màu chiếu sáng lấp lánh rực rỡ ban đêm khiến nhiều du khách phải trầm trồ khen ngợi. Ngoài ra nghe nói có một đại gia đã chí phí hằng mấy tỷ để lập một quán café “độc đáo” có một không hai, thiết kế toàn bằng những loại gổ quý hiếm, đắt tiền…họ xài tiền như “giấy lộn” vì quá dư thừa không biết xài sao cho hết…trong khi nơi đây ( thủ phủ cũ của Quảng Nam), người dân lam lủ cực nhọc vẫn không kiếm đủ tiền để sống hằng ngày?
Rời Tam kỳ chúng tôi tiếp tục lên đường đi qua đường hầm đèo Hải Vân và gặp đoàn của “chú Phan” ở bên kia đường hầm để cùng ăn trưa ở một nhà hàng nơi bãi biển Lăng Cô. Nhờ vậy mà đoàn có dịp được thư giãn, nghỉ ngơi, ngắm cảnh đẹp của bãi biển Lăng cô nổi tiếng. Nhìn bãi biển với bãi cát dài mịn. sóng nước yên lành một màu xanh ngát mênh mông kéo tận chân trời xa thăm thẳm, lòng tôi chợt muốn cất lên câu hát của P.D: “Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh”.
Trời bắt đầu mưa lâm râm trên đường chúng tôi đến Huế, ai cũng ngán mưa Huế rỉ rả, dai dẳng không biết bao giờ dứt…? Xe chúng tôi đến Dòng Mến Thánh Giá Huế, vì sáng mai sẽ có buổi khám bệnh, phát thuốc và phát gạo cho hơn 500 đồng bào nghèo ở khu vực này. May quá trời thương nên khi chúng tôi đến nơi thì mưa dứt hạt, chúng tôi được các sơ hướng dẫn nhận phòng, tắm rửa, nghĩ ngơi rồi xuống ăn cơm.
Tối đó chúng tôi được tự do đi thăm Huế, vì không phải là dân địa phương nên cứ “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Cuối cùng chia làm 2 nhóm : một nhóm tiếp tục lang thang qua cầu Tràng Tiền đến phố Trần Hưng Đạo, ngắm phố phường và tìm chợ Đông Ba, một nhóm vào ngồi ở quán café nhạc cạnh cầu Tràng Tiền, bên dòng sông Hương. BS Phong yêu cầu chủ quán cho nghe nhạc Trịnh Công Sơn “vì đến quán café nhạc ở Huế rồi mà không được nghe nhạc TCS thì vô lý quá!”. Hình như ở Huế có 1 con đường được mang tên Trịnh Công Sơn, rất tiếc là quán không có đĩa Khánh Ly, nghe những ca sĩ khác hát nhạc TCS thật không “đã” chút nào! Hình như ở đâu cũng “Bụt chùa nhà không thiêng”, nên ở Mỹ, tôi thấy diễn văn nghệ các em thích mặc áo dài, áo bà ba, xem phim thì người Việt thích xem phim nói tiếng Việt. Ngược lại ở Việt Nam văn nghệ thích mặc áo đầm, áo soire, xem phim thì thích xem phim Mỹ…cho nó văn minh. Gió từ sông Hương thổi lên khá lạnh nên ai nấy cũng co ro. Mọi người bảo nhau thôi về ngủ sớm sau một hành trình dài mệt mỏi để sáng mai dậy sớm và còn có sức phục vụ cho hơn 500 bệnh nhân nghèo ở vùng này.
Sáng sớm tiếng chuông nhà thờ đánh thức tôi dậy, chắc là chuông để các sơ dậy đọc kinh, đi lễ. Tôi cũng muốn đi dự lễ nhưng không biết luật dòng có cho phép người ngoài tham dự không? Khi tôi xuống nhà ăn sớm hỏi thăm thì các sơ bảo “cứ tự nhiên”, vậy là tôi trở qua nhà nguyện để dự lễ với các sơ, tuy có hơi trễ. Khi tôi vào, vừa ngồi yên chổ thì thấy trên bàn thờ vị linh mục người nước ngoài cất tiếng Việt “lơ lớ”: “Chó ẻ cùn en chọ en” Tôi ngớ ra không hiểu sao lại có “chó ẻ” rồi “en uống” gì ở đây ? thì kịp nghe các sơ thưa : “Và ở cùng cha”. Các sơ thật tài tình đoán thật giỏi, chắc vì có nhiều kinh nghiệm dự lễ với các cha ngoại quốc. Suốt buổi lễ tôi thật chia trí vì vừa không hiểu rõ cha đọc gì? nói gì? Vừa phải lo đoán, vừa cảm thấy bất nhẫn : Vì sao các sơ không đuợc phép dâng thánh lễ, dù là Mẹ bề trên? Vì năng lực yếu kém ? hay vì trình độ đạo đức kém? Chắc chắn là không! Vậy thì vì gì? ? Vì sự thiếu công bằng giới tính dù là trong đời sống tu trì của giáo hội?? Trước đây trong những bài viết khi đi thăm Miến điện, tôi đã thấy sự bất công vô lý trầm trọng khi ở một số chùa, họ để bảng cấm phụ nữ vào những nơi mà họ cho là linh thiêng? ( “The ladies are not allowed to enter”) Hay là ở các xứ Hồi giáo, phụ nữ không được phép vào đền thờ chính…chỉ đuợc đi cửa phụ, vào chỗ rìa đền thờ mà thôi!
Bây giờ nhìn lại giáo hội Công Giáo mình thì đây cũng là một hình thức kỳ thị giới tính! Các nhà dòng nữ dù hoạt động lớn mạnh, điều hành công tác bác ái nổi tiếng khắp thế giới vẫn cứ phải “lệ thuộc” vào một cha nào đó tới dâng lễ mỗi ngày theo luật dòng. Tôi nhớ lại lần đi Roma, khi buổi sáng dự lễ chung với các sơ dòng Mến Thánh Giá, thật bất nhẫn khi thấy các sơ tốt lành trẻ trung năng động chuẩn bị thánh lễ đầy đủ mà cứ phải ngồi hát mãi để chờ “chủ tế”! Lát sau xuất hiện là một cha hưu vừa già, vừa yếu, đi thì “rề rề” chậm chạp lê từng bước, cầm mình thánh thì tay run lẩy bẩy, nói thì phều phào không ra hơi. Vậy mà chỉ có “cụ già yếu” đó mới có quyền dâng thánh lễ cho cả nhà dòng, còn các sơ thì không ? kể cả Mẹ bề trên? Tại sao?? Tại vì luật Chúa chăng ? Tôi thấy trong phúc âm vai trò của người Nữ luôn được đề cao, ngoại trừ vai trò Đức Mẹ “đặc biệt” không kể làm gì, người dám công khai đầu tiên mạnh dạn rao giảng về Chúa là người phụ nữ Samari sau khi gặp Chúa bên bờ giếng. Khi Chúa vác thánh giá đau thương khổ cực, các Nam môn đệ sợ bỏ chạy xa tít thì bà Veronica không hề sợ hãi quân dữ mạnh dạn can đảm dám đem khăn tới để lau mặt Chúa. Lúc Chúa sống lại, người Chúa chọn hiện ra đầu tiên báo tin là bà Maria, như vậy Chúa đâu có hề kỳ thị phụ nữ ! Luật chỉ cho Nam giới làm linh mục là do con người đặt ra, do hoàn cảnh văn hóa thời xa xưa cổ đại ảnh hưởng! Vấn đề là dám can đảm thay đổi một não trạng “lạc hậu” đã có từ lâu đời! Như trước đây việc “cho rước mình thánh Chúa” chỉ có linh mục có chức thánh mới được phép, ai không có chức thánh mà đụng vào coi như “phạm sự thánh” coi chừng bị “cháy tay”. Sau này giáo dân ngày càng đông, một mình cha “thầu cho chịu lễ” hết, chắc cha sẽ đứng cho chịu lễ “rụng chân” và thánh lễ sẽ kéo dài vài tiếng.!Giáo dân sẽ nản khỏi đi nhà thờ luôn! Do đó dần dần nới rộng ra cho các ông được làm thừa tác viên cho rước lễ, bây giờ thì mở rộng ra cho các bà cũng làm thừa tác viên cho rước lễ, cũng như ngày xưa chỉ có nam giới mới được bước lên cung thánh nên việc giúp lễ chỉ có con trai, bây giờ thì con gái cũng giúp lễ và nam nữ gì cũng được bước lên cung thánh.Mọi việc “thờ phượng Chúa” vẫn diễn ra tốt đẹp, có khi còn tốt đẹp hơn và làm Chúa hài lòng hơn vì không có kỳ thị giới tính trong “Nhà của Chúa”. Luật lệ do con người tự đặt ra và ràng buộc nhau, nên cần phải cởi bỏ cho phù hợp. Hy vọng dưới triều đại canh tân đổi mới của Đức Thánh Cha Phanxico, mọi sự sẽ được thay đổi công bằng và tốt đẹp hơn, phù hợp với ý nguyện: “Cầu cho nhân loại thuộc mọi nền văn hóa, biết tôn trọng vị thế và phẩm giá người phụ nữ”. Mong lắm thay !
Sau phần ăn sáng, chúng tôi lo chuẩn bị các phòng để sẳn sàng đón tiếp bịnh nhân: khu nhận bệnh, đo huyết áp ( các sơ phụ trách), các phòng khám bệnh, phòng phụ khoa, phòng siêu âm tim, phòng nha khoa, phòng phát thuốc…. Mọi người được phân công vào vị trí để chuẩn bị làm việc. Trong lời mở đầu chào mừng phái đoàn Hội Bạn Người Nghèo Nam California, và Hội Nhân Đức, Sơ bề trên cho biết: “Nhìn bề ngoài Huế là thành phố lớn, phát triễn mạnh, tiềm năng du lịch cao, nhiều khách sạn 4,5 sao, nhiều nhà hàng sang trọng mọc lên khắp đường phố chính để tiếp đón du khách, nhưng đi sâu vào những con hẽm nhỏ, những xóm lao động nghèo thì vẫn còn rất nhiều nhà dột nát cũ kỹ, nhiều người dân vẫn còn cần sự giúp đỡ…” Sau này BS Phong cho biết các sơ khẩn thiết mời các đoàn từ thiện về đây “giúp dân nghèo” ( khám bệnh, phát thuốc miễn phí, phát gạo ) nhà dòng sẽ lo chỗ ngủ, và các bửa ăn đầy đủ cho cả đoàn. Đúng là các sơ đã lo mọi việc cho đoàn thật chu đáo, từ phòng ngủ cho tới các bửa ăn lành, sạch do các sơ nấu rất ngon.
Đúng như lời Sơ bề trên nói, sau này khi tiếp xúc với các bệnh nhân, chúng tôi thấy có nhiều người già cả gầy còm, đi những đôi dép nhựa đứt quai, mà còn khâu lại, đội chiếc nón lá rách bươm.Có bà cụ già làm mất phiếu lãnh gạo ( mỗi bao 10 ký, do các sơ dựa theo tình trạng nghèo túng của từng gia đình mà cấp phát phiếu), mặt bà mếu máo, lục tung từ túi nọ qua túi kia để tìm mà không thấy! Bà nói như muốn khóc:
“Làm răng bây chừ! Khổ quá nhà hết gạo rồi !”…
May là kỳ này làm việc với các sơ, nên mọi việc được tổ chức khoa học, rõ ràng, thứ tự, không có chen lấn xô đẩy, khiến đôi khi chúng tôi không làm việc được như ở một số nơi khác. Các sơ là những người phụ giúp rất tích cực và đắc lực nên lâu lâu chúng tôi cũng được nghỉ tay, đi vòng vòng thăm tình hình. Nghe những người Huế nói chuyện đôi khi không hiểu gì hết, có lúc nghe giật mình như mẫu chuyện của 2 bà già trước phòng khám răng:
– Nó đau răng mà chết, tội nghiệp quá!
– Ai biết nó đau răng! Chỉ có một hôm mà chết chừ!
Nghe “đau răng mà chết” thấy sợ quá! chắc chuyến này Nha sĩ “vừa khám vừa la cũng đắt hàng”. Sau này mới rõ chữ “răng” có nghĩa là “sao?”. Cũng như giọng Huế thường hay bỏ dấu nặng ở các chữ gây bao nhiêu sự hiểu lầm tai hại …Ví dụ chữ “đủ” mà nói như có dấu nặng là “đụ”, hãy nghe cuộc đối thoại của 2 ông bà già sau khi lãnh thuốc ra, ông quay sang hỏi bà:
– Bà đ. chưa mà lo về?
Bà già mở bọc thuốc ra kiểm lại rồi nói:
– Tui đ. rồi, còn ông đ. chưa mà lo hỏi tui ?
– Tui cũng đ. rồi, cả hai đ. hết rồi, thôi về nghỉ cho khỏe bà hỉ?
Ai nghe kể lại cuộc đối thoại này lúc đầu cũng “hết hồn” rồi sau đó lăn ra cười cho quên hết mệt nhọc vì làm việc quá nhiều. Sau đó mỗi lần lên xe, bác tài thường nhe răng cười hỏi : “Mọi người đ. hết chưa?”.
Gần trưa số bệnh nhân chờ đã vơi bớt, 500 bao gạo cũng đã vơi gần hết. Bà già mất phiếu lãnh gạo lúc nảy vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Khi nào các sơ phát gạo theo phiếu hết rồi, còn dư sẽ là phần bà. Bỗng một bà cụ xông vào phòng phát thuốc hỏi to ( có lẽ do bà điếc) trong lúc sơ ngồi ở cửa chạy đi đâu đó:
– Lãnh thuốc mô ? Lãnh thuốc mô ?
– Cụ đã khám bệnh chưa? ( có nhiều bệnh nhân sau khi siêu âm tim, không trở lại BS mà chạy đi lãnh thuốc).
– Tau mới khám ông bác sĩ tức thời đây, còn muốn khám răng nữa.
– Dạ, cụ muốn khám răng thì phải qua phòng nha khoa.
– Mô, tụi nó chỉ qua chỗ ni lấy thuốc.
May mà sơ phụ trách chạy về kịp để giải quyết “sự cố” và mời cụ ra ngoài ghế ngồi đợi lãnh thuốc . Đôi khi những khác biệt về ngôn ngữ cũng là một trở ngại cho việc hiểu nhau giữa người phục vụ và người được phục vụ.
Gần 1 giờ trưa, còn vài bệnh nhân cuối cùng, phòng phát thuốc phải ở lại làm việc sau chót, vì đây là khâu cuối cùng. Các phòng khác đã làm xong nhiệm vụ thì lo dọn dẹp đồ đạc rồi mang ra xe. Vì sau giờ ăn trưa chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường đi đến xã Phù Hóa, một xã nằm ở vùng xa, của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Khi tiễn đưa bệnh nhân cuối cùng lãnh thuốc xong ra về, nhìn bà cụ tóc bạc phơ lưng còng, cắp cái nón lá cúi đầu lí nhí:
– Tui cảm ơn các bác, các cô nhiều lắm. Tui bịnh lâu rồi bây chừ mới có thuốc uống đây. Bác sĩ cho tui nhiều thuốc bổ uống vô cho khỏe, tui mừng quá, rồi tui còn được lãnh bao gạo mang về nữa, tui mang ơn nhiều lắm…
Thấy cụ già yếu nên tôi hỏi:
– Cụ có mang nỗi bao gạo không? Hay là để con nhờ người giúp cụ.
Bà cụ lắc đầu xua tay :
– Ối lo chi mà lo, tui dư sức mang bao gạo này, bao lớn hơn tui cũng mang được. Có Hội cho gạo ăn mà còn mang không nỗi thì lấy chi mà ăn hè !
Tôi công nhận những người nhà quê ốm o vậy mà giỏi, sức dẽo dai, đi bộ giỏi, vác gạo cũng giỏi…có lẽ vì họ phải lao động lam lũ cực khổ mỗi ngày quen rồi. Nhìn bà cụ gầy ốm vác bao gạo trên vai, tay cầm bịch thuốc mà miệng vui vẻ cười tươi. Nhìn nụ cười ấy tôi thấy ấm lòng và chợt dâng lên lòng xót thương những người dân nghèo nước tôi, lại càng thấm thía hơn lời bài hát của Phạm Thế Mỹ:
“Từng giọt từng giọt nhỏ, mỗi giọt mỗi niềm vui
Từng giọt từng giọt thương, gieo vào gieo vào đời
Từng giọt từng giọt yêu, gieo vào gieo vào tôi
Từng giọt từng giọt thiện, thức dậy những niềm vui”.
Views: 0