Uncategorized

Hành trình tìm lại bản thân

Hơi thở – sự sống con người

 

Hơi thở – sự sống con người

 

Hơi thở là dấu hiệu của sự sống con người, không chỉ là dấu hiệu của sức khỏe thể chất, mà còn là dấu hiệu của tâm hồn: Khí bình thì tâm bình, khí nghịch thì tâm loạn. Rất nhiều người hay để cho sự tức giận chi phối mình, hoặc dễ gây gổ, đánh nhau mà không biết rằng mỗi lần giận dữ là mỗi lần tự đầu độc mình, không chỉ về thể xác mà còn về mặt tư tưởng, tính cách.

 

Hơi thở là một thực tại riêng tư nhất, gắn liền nhất, nhưng cũng là một thực tại ít tùy thuộc ở con người, bởi vì con người không thể làm chủ được mạng sống mình.

 

Trên thực tế, người ta thường đuổi theo những giá trị phù du bên ngoài như bằng cấp, tài sản, danh vọng, địa vị… mà bỏ quên thứ tài sản vô giá, mà dù là người giàu hay nghèo, sang hay hèn đều đang sở hữu: Đó là hơi thở. Người ta sống là nhờ thở, ngừng thở là chết, nhưng dường như ít người chú tâm đến hơi thở của mình, cho đến khi con người mất nó, nghẹt thở, chết đuối hay chết ngạt.

 

Hơi thở nhiệm mầu

 

Khi thở một cách có ý thức, người ta thiết lập được sự có mặt của mình với vũ trụ bao la này. Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi đang thở vào. Tôi đang thở ra và tôi biết là tôi đang thở ra. Phép tu tập này tuy đơn giản, nhưng có thể đem ta trở về với giây phút hiện tại. Không ít người ôm những dằn vặt, tiếc nối trong quá khứ hoặc lo sắp đặt cho tương lai, mà quên mất điều quan trọng là không ai bảo đảm được rằng ngày mai chúng ta còn sống. Giáo lý Phật Giáo gọi đây là người sống trong thất niệm, không an trú được trong hiện tại, sống không ý thức thì cũng như đã chết. Thất niệm níu ta về quá khứ, kéo ta tới tương lai, lôi chúng ta vào những lo lắng, giận hờn, bất an, biến ta thành nô lệ của những thứ phiền não và cuốn đời ta vào những con sóng thần của lòng tham, sân si và sự phiền muộn.

 

Người tự tàn phá đời mình và làm khổ những người xung quanh mà không ý thức, cũng không phải đang sống. Tuy không bị quá khứ trì kéo, không bị tương lai lôi cuốn, nhưng họ sống trong mê tưởng, thì cũng chưa biết an trú trong hiện tại. Sống trong hiện tại là sống tỉnh táo. Giáo lý nhà Phật gọi đây là sự sống được nuôi dưỡng bằng chánh niệm. Chánh niệm là hạt giống quý báu ở trong tâm con người. Việc tu tập hàng ngày là để tiếp xúc được với hạt giống đó, giúp nó nẩy mầm, nở hoa và làm thăng tiến đời mình cũng như làm đẹp đời những người xung quanh.

 

Hít vào một hơi thật sâu và thở ra từ từ để ý thức cuộc sống đang hiện hữu và ta cảm nhận được sự an lạc trong giây phút hiện tại. Người sống giây phút hiện tại là người tỉnh thức. Cuộc sống không ở quá khứ, vì đó chỉ là kỷ niệm. Cuộc sống không ở tương lai, vì đó chỉ là dự tính. Tất cả những gì chúng ta có là hiện tại, là hơi thở đang ra-vào giữa hai buồng phổi, nối kết chúng ta với thế giới chung quanh và cho ta ý thức về sự tồn tại bé nhỏ của mình.

 

Sống trong hiện tại nghĩa là sống hết mình như thể ngày mai không còn cơ hội để sống.

 

Hơi thở nhiệm mầu là một phần kết nối giữa thân với tâm, là cầu nối gắn kết thân và tâm là một. Hơi thở nhiệm mầu làm cho ta hưởng niềm an vui trong giây phút hiện tại, nhìn thấy được những vô thường của thế gian và của chính bản thân.

 

Hành trình tìm lại bản thân

 

Ý thức chi phối hành vi. Để khởi đầu cho hành trình tìm lại bản thân, con người cần ý thức sự hữu hạn và tình trạng cần thay đổi của mình. Bất cứ một sự đổi thay nào cũng đòi hỏi ý chí, sự quyết tâm và lòng kiên nhẫn. Người ta không thể đạt được điều mình muốn chỉ bằng sự ao ước, hay một vài động thái được thực hiện một cách qua quýt.

 

Con người cần yên lặng, tịnh tâm trong tâm hồn để kinh nghiệm được tính vô thường của vạn vật và của bản thân. Yên lặng để thấy được hình ảnh rỏ nét về chính con người của mình, với những hẹp hòi, ích kỷ, cố chấp… Tịnh tâm để lắng nghe những đổi thay từ trong thế giới nội tâm với khát khao hướng thiện, hành thiện và nên Thánh.

 

Không có gì trong vũ trụ này có thể thay thế hay so sánh được với cái tâm trong lòng mỗi người. Tâm là nơi phát sinh mọi thứ, tâm là nơi nắm giữ mọi thứ. Những gì tâm đã thâu nhận, thì chỉ có tâm mới có thể cởi bỏ. Những gì tâm đã trói buộc, thì chỉ có tâm mới có thể mở ra. Không có phương pháp đơn giản nào giúp người ta sống giây phút hiện tại hữu hiệu bằng sự tham Thiền – Giáo lý Công Giáo còn gọi là hồi tâm, tĩnh tâm, cầu nguyện và xét mình.

 

Luôn trở về với hơi thở sẽ giúp con người ta đạt đến trạng thái thanh tịnh. Điều quan trọng nhất người ta học được trong lúc ngồi Thiền là biết buông bỏ, không chạy đuổi theo vọng tưởng, không bám víu vào những giá trị phù du chóng qua.

 

Con đường tâm linh, con đường tìm lại bản thân, cuối cùng sẽ dẫn đến sự buông xả hoàn toàn, để người ta được giải thoát và cho họ được tận hưởng cuộc sống viên mãn.

 

Niềm hạnh phúc tuyệt vời không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện bên ngoài nào, những lạc thú ngoại vi mà cuộc đời mang đến không thể so sánh với niềm vui nội tâm sâu xa.

 

Trong Thiền định, con người chuyển hóa được tận gốc những khối sầu khổ, giận hờn, tuyệt vọng, lòng ham muốn, thèm khát… ẩn náu trong chiều sâu tâm thức của mình.

 

Hành trình tìm lại bản thân là hành trình của kỷ luật nội tâm, là hành trình thừa nhận những nông cạn, yếu đuối, để biết cảm thông, biết khiêm tốn, biết chấp nhận những thất bại và giới hạn của chính mình cũng như của tha nhân. Đây còn là hành trình mở ra trong tương quan với vũ trụ, với con người và với Đấng Sáng Tạo muôn loài, một cách sâu sắc và có ý nghĩa hơn.

 

 

Hạt Cát, ngày 22/03/2010

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.