HÀ NỘI – Theo lịch trình từ hội nghị vòng 2 tháng 6-2010 của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam- Vatican thì hội nghị vòng 3 sẽ nhóm họp tại Hà Nội vào tháng 6 năm nay, nhưng việc này đã không xẩy ra.
TGM Leopoldo Girelli đang ở Việt Nam và gặp xã giao đại diện chính quyền.
Từ tháng 6 đến tháng 8-2011, Vatican đã gửi ba công hàm đề nghị nhóm họp vòng 3 theo lịch trình, nhưng Hà Nội trì hoãn nhiều lần lấy lý do là bận bầu Quốc hội rồi bầu nhân sự cấp cao và do chưa có người thay thế ông Nguyễn Quốc Cường- Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam nay đã đi làm đại sứ tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên giới thạo tin cho rằng, lý do chính là Việt Nam chưa muốn đi xa hơn trong quan hệ với Vatican.
Đặc biệt sau những chuyến công tác của quan chức Việt Nam và Trung Quốc gần đây để chuẩn bị cho chuyến công du Bắc Kinh của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguồn tin cho biết Trung Quốc đã đặt điều kiện là Việt Nam không được để những cuộc biểu tình chống Bắc Kinh được tái diễn và không được hữu khuynh với giáo hội Công giáo và Vatican.
Chính vì thế mà các cuộc xuống đường chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ở Hà Nội và Sài Gòn đều đã bị dập tắt. Nhiều thanh niên, sinh viên Công giáo bị bắt giữ. CSVN đã thẳng tay bắt bớ những người mà họ cho rằng chủ mưu khích động biểu tình chống Trung quốc.
Mới hôm nay đây cuộc Toạ đàm với chủ đề “Công lý và hoà bình trên biển Đông” do câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và nhà xuất bản Tri thức dự kiến tổ chức vào ngày 17-9-2011 tại 43 Nguyễn Thông Sài Gòn đã buộc phải huỷ bỏ vào phút chót. Chính quyền đã làm áp lực cả với Hội đồng giám mục Việt Nam, Toà TGM Sài Gòn, dòng Đa Minh, cả Đức TGM Leopoldo Girrelli -đại diện không thường trực của Toà thánh- đang ở Việt Nam can thiệp mặc dù biết rõ câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình không phải là tổ chức trực thuộc. Chiều 15-9-2011, Ban tổ chức buộc phải gửi thông báo cho các tham dự viên thông báo: “Do yêu cầu của Ban tôn giáo Chính phủ và Ban dân tộc tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc toạ đàm “Công lý và hoà bình trên biển Đông” dự trù tổ chức ngày 17-9 phải bị huỷ bỏ. Chúng tôi lấy làm tiếc một cơ hội góp phần khẳng định chủ quyền Việt nam trên biển Đông đã phải bị bỏ qua nhưng chúng tôi tin rằng mọi người Việt Nam yêu nước tiếp tục hành động để Công lý và Hoà bình được thể hiện trên biển Đông”.
Thế nhưng có thể do “già néo đứt dây”, chính sự ép buộc quá đáng của Trung Quốc nên phía Việt Nam thấy không thể không quay các quốc gia trọng yếu khác như với Ân độ và với Đông Nam Á, và sang Âu- Mỹ trong đó có Vatican. Bởi vậy nguồn tin đáng tin cậy cho chúng tôi biết là cuộc họp vòng 3 nhóm công tác hỗn hợp sẽ được nối lại sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh vào cuối tháng 9 và trước chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua châu Âu vào đầu tháng 10 tới.
Liệu cuộc họp vòng 3 tới có thiết lập được ngoại giao hai bên không? Đầu năm nay, Vatican đã có công hàm đề nghị phía Việt Nam chuyển vị trí người đại diện không thường trực của Toà thánh tại Việt Nam thành đại diện chính thức nhưng phía Việt Nam cho rằng quá sớm vì chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Thời gian vừa qua, giới thạo tin cho rằng Vatican đã nhân nhượng khá nhiều để có thể tiến tới thiết lập ngoại giao với Hà Nội mà tiêu biểu nhất là việc yêu cầu TGM Ngô Quang Kiệt ngưng cầu nguyện ở Toà Khâm sứ cuối năm 2008 và thay vị TGM này bằng TGM Nguyễn Văn Nhơn. Sự kiện này đã tạo nên một cơn sóng mất niền tin của giáo dân Việt Nam vào đường lối ngoại giao của Vatican.
Hai năm vừa qua, bằng chứng rõ ràng cho thấy những phản ứng từ giáo sĩ và giáo dân Việt Nam càng ngày càng tỏ ra mạnh bạo hơn, họ công khai lên tiếng phản đối đường lối ngoại giao của Vatican với Việt Nam, phản đối Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giám mục bị coi là thỏa hiệp. Những sự kiện này lập tức tạo nên sự mất niềm tin nơi giới lãnh đạo Công giáo từ phía giáo dân mà từ trước tới nay vốn luôn luôn là kính trọng và vâng phục các đấng bề trên. Nhìn vào những gì đang xẩy ra ai cũng nhận thấy là Hội đồng Giám mục Việt nam đã mất đi "tiếng nói quyền lực lãnh đạo" của mình (moral authority), thứ quyền lực tinh thần mà các vị giám mục luôn luôn được giáo dân tuân phục và kính mến, ít khi có phản ứng bất lợi với các ngài dù trong những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh hưởng tai hại là hình như bây giờ các giám mục Việt nam lại càng dè dặt hơn và không dám lên tiếng gì về những vấn đề rất hệ trọng của đất nước, ngay cả những lãnh vực thuộc thẩm quyền phải lên tiếng về công lý và tự do. Trong vài năm qua, tiếng nói của Hội đồng Giám mục Việt Nam xem ra rất dè dặt và hầu như im lặng…
Mới đây, những phản ứng dè dặt ở giáo phận Vinh sau các cuộc bắt những thanh niên sinh viên ở đây cũng đang bị kìm nén. Các Giám mục không có phản ứng gì về việc quân Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông cũng là một vấn đề khó hiểu về việc "sống đức tin trong lòng dân tộc".
Trong hai vòng đàm phán trước, Hà Nội đã yêu cầu Vatican nhiều điều phi lý như hoãn tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận, không bổ nhiệm TGM Kiệt vào các chức vụ ở Việt Nam và Vatican, không để TGM Kiệt trở thành ngọn cờ quy tụ những lực lượng chống đối Nhà nước, chấm dứt các vụ cầu nguyện biểu tình đòi đất đai, tài sản…
Gần đây, khi TGM Kiệt về Châu Sơn nghỉ dưỡng, người ta lại lo ngại vì có quá nhiều đoàn về đây tĩnh tâm, hành hương và biến tu viện này thành “Châu Sơn Hào Kiệt” (vì linh mục Bề trên ở đây có tên là Simon Hào) và cũng đang muốn ép TGM Kiệt đi khỏi tổng giáo phận Hà Nội, về Long Xuyên là tốt nhất. Tại cuộc hội đàm vòng 2 tháng 6-2010, Vatican đã bác bỏ những yêu cầu của Hà Nội.
Trước tình hình kinh tế suy đồi, nạn lạm phát tăng cao, ngoại giao Việt nam bí lối, các quốc gia đầu tư vào VN mất niềm tin, CSVN bị Trung cộng ức hiếp mà không dám ngo ngoe… Vatican có cơ hội đàm phán trên lợi thế, chắc Vatican cũng sẽ không nhượng bộ Hà Nội trong vòng 3 dù vẫn mong muốn đặt ngoại giao với Việt Nam chính thức.
Vatican và Giáo hội Việt Nam cần phải học hỏi từ kinh nghiệm quá khứ trong biến cố tổng giáo phận Hà nội mới đây, và cũng cần nhìn thẳng vấn đề nối bang giao có thực sự mang lại lợi ích gì thiết thực cho giáo hội Việt nam hay không, hay là lại một lần nữa sự kiện này sẽ lại tạo thành "cái cớ" cho người ta kết tội về sau này. Một bài học lịch sử sẽ phải trả giá quá đắt!
Views: 0