Uncategorized

Hà Nội dưới mắt nhìn của một người Sàigòn

Tôi còn nhớ sau năm 75, lần đầu tiên ra viếng thăm Hà Nội, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan có viết bài nói về những cảnh mắt thấy tai nghe và cảm xúc của mình trong một bài viết tựa đề là “Hà Nội tôi thế đấy!"

 

Tôi còn nhớ sau năm 75, lần đầu tiên ra viếng thăm Hà Nội, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan có viết bài nói về những cảnh mắt thấy tai nghe và cảm xúc của mình trong một bài viết tựa đề là “Hà Nội tôi thế đấy!"

 

Tác gỉa “chơi chữ” nên để chữ tôi, không có dấu và tùy người đọc sau khi đọc xong sẽ bỏ dấu để trở thành “tội, tồi, tối”…hầu diễn tả cảm xúc của mình về một Hà Nội tội nghiệp, môt Hà Nội tồi tệ, hay một Hà Nội tối tăm..Tôi không có cao vọng như giáo sư đề nêu lên khái quát tất cả những khác biệt giữa Sàigòn và Hà Nội Tôi viết lại những dòng này chỉ nhằm ghi lại những cảm nghĩ của một người Sàigòn khi ra thăm Hà Nội với những điều mắt thấy tai nghe, nhằm giúp các bạn hiểu biết thêm chút ít về Hà Nội và “mua vui” thư giản tinh thần chốc lát.

Khi ra đón tôi ở phi trường Nội Bài, cô Hồng, hướng dẩn viên đi cùng với một thanh niên trẻ, khi gặp tôi cô giới thiệu: “Đây là anh phụ trách khuân vác hành lý của công ty, cô cứ đưa tất cả valy, túi xách cho anh ấy lo” và để “minh họa” cho lời giới thiệu của cô Hồng, anh thanh niên ấy dành lấy mọi thứ từ tay tôi “Cô để em xách hết cho !” Ra tới ngoài, Hồng gọi di động cho bác tài đem xe tới đón. Sau khi lên xe mini van, Hồng giới thiệu tiếp : bác tài và 2 thanh niên trẻ khác trên xe: “hai anh này đi theo em để training vì họ mới vào làm việc với công ty. Hôm nay cô là VIP, tất cả mọi người đều phục vụ cô”. Tôi thầm thắc mắc sao công ty này chơi sang thế ? Có lẽ nhìn thấy bộ mặt “thật thà” dễ tin và ngây ngô của tôi khi nghe Hồng nói, bác tài bèn phá ra cười:

_ Cô ơi chúng nó “chém gió” đấy!

Tôi ngơ ngác chả hiểu gì cả:

– “chém gió” là cái gì?

– Đúng cô không phải là dân Hà Nội, vì dân Hà Nội nói chém.gió là họ hiểu ngay! Rồi bác từ từ giải thích:

– Dân Hà Nội thường xuyên phải nghe các đồng chí lảnh đạo lên diễn đàn, lên tivi nói chuyện liên miên, mà đồng chí nào khi nói chuyện cũng đưa ra bao nhiêu là “quyết tâm” khẩu hiệu to lớn và để minh họa cho quyết tâm cao độ của mình, các đồng chí thường đưa tay chém gió, 10 vị như 1, ai cũng thích chém gíó cả!

Tôi vẫn còn hiểu lờ mờ:

– Thế tóm gọn lại “chém gió “ là gì?

Mọi người cùng cười rộ lên:

_ là “bốc phét” cô ạ! Vì các quyết tâm và khẩu hiệu ấy có bao giờ thực hiện đâu! Chỉ toàn “bốc phét” thôi, nên các vị cứ tha hồ họp đại hội, họp quốc hội, tha hồ ngủ gật, tha hồ diễn thuyết, tha hồ chém.gió, dân chả ai nghe cả!

Ồ! Thôi tôi hiểu ra rồi! Bây giờ Hồng mới “thật thà” khai báo anh chàng khuân vác hành lý cho tôi là Việt kiều Canada, 2 anh còn lại là em của anh ấy. Cả 3 người ra phi trường đón tôi để thành group 4 người cùng đi du lich Yên tử Hạ Long. Các tour du lịch khi không kiếm đủ người, họ thường “cắt ghép” khách như thế! Nên theo chương trình tour, tôi sẽ đi thăm Hà Nội trước, nhưng bây giờ lại thay đổi . Như vậy mới đặt chân đến phi trường Nội Bài tôi đã học được một từ thông dụng ở Hà Nội “chém gió”.

Trên đường đến chùa Yên Tử, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bánh in đậu xanh nổi tiếng Hải Dương, uống nước trà xanh,ăn bánh in đậu xanh thơm ngát, theo đúng điệu thưởng thức của dân Bắc., rồi mua một ít về làm qùa đặc sản miền Bắc …

Đường xa lộ khá rộng, xe chạy nhanh, hai bên đường thỉnh thoảng có những tấm bảng quảng cáo các món ăn, nghe lạ tai như ngổng cỏ, gà đồi, lợn cắp nách.. Hỏi thăm thì mới biết là các loại ngổng, gà nuôi theo lối thiên nhiên chúng chạy trên đồng cỏ, trên đồi chứ không phải trong chuồng trại, kiểu như bên Mỹ chúng ta gọi là “gà đi bộ”, ”heo sữa”
Đến chùa Yên Tử, chúng tôi phải leo một con dốc khá dài mới lên đến sân chùa. Lên đến nơi nghe nhạc Thiền lan tỏa cả không gian, bỗng thấy lòng mình yên ả nhẹ nhàng.. cái mệt mỏi hình như cũng tan biến! Qủa là âm nhạc có sức mạnh riêng của nó,đặc biệt là đối với tâm trí con người!Mỗi lần mệt mỏi mà nghe được một bản nhạc ưa thích thì tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng biết bao! chính vì thế mà tôi rất yêu âm nhạc!

Hồng cho biết đã đặt cơm sẳn trước rồi, nên đi loanh quanh sân chùa để ngắm cảnh, chụp hình, rồi vào rửa mặt nghỉ ngơi để dùng cơm trưa. Bữa cơm trưa đầu tiên ở chùa lạị là bữa cơm ngon nhất trong hành trình du lịch miền Bắc lần này của tôi., tuy chẳng phải” cao lương mỹ vị” gì nhưng là những thứ “ngon miệng” không tìm được ở những nơi khác.

Bữa cơm dọn ra tuy ở chùa nhưng trông khá tươm tất, có 4,5 món nhưng tôi chỉ thích nhất món đậu phụ chiên do chùa làm, ăn vừa thơm vừa béo của đậu nành nguyên chất, tiếp đến là món gà đồi luộc với lá chanh xắt nhỏ chấm nước mắm gừng tươi gỉa nhỏ, chưa kể đến món măng trúc là đặc sản của địa phương ăn cũng khá ngon. Trước sân chùa nhiều hàng quán bán những hủ măng chua, đẳc sản của vùng này, mua về nấu canh chua thì tuyệt, nhưng làm sao mang được !?

Ăn xong Hồng cho biết, muốn lên thăm chùa trên đỉnh núi thì phải mua vé đi cáp treo, gồm có 2 chặng. Hồng đề nghị tôi chỉ đi một chặng thôi, vì lên trên cao nữa phải đi bộ và leo dốc nhiều mệt lắm! Qủa đúng như lời Hồng nói, khi đi cáp treo lên tới chặng môt, lại phải leo dốc, rồi leo rất nhiều bậc thang dốc mới đến chùa Yên Hoa ở lưng chừng núi, nơi đây có nhiều cây cổ thụ tuổi thọ trên 700 năm. Tôi ngồi lại nghỉ xả hơi để cho bọn trẻ đi tiếp chặng 2. Đi loanh quanh triền núi, ngắm cảnh núi rừng mênh mông với mây trắng phủ là đà như sương khói, thấy tâm hồn mình cũng trở nên nhẹ nhàng, chợt nhớ tới 2 câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà thấy thấm thía:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao..”

May mắn tôi lại tìm thấy một cái võng để ngã lưng, nằm võng đong đưa nghĩ mệt, hưởng cảnh gió mát hiu hiu, ngắm cảnh thiên nhiên trãi rộng tầm nhìn, rồi gọi di động cho cô bạn thân ỏ Sàigòn huyên thuyên “tả cảnh tả tình” trên núi Yên Hoa, như vậy cũng hạnh phúc và mãn nguyện rồi ! như nhà thơ Nguyễn công Trứ đã từng nói:

“ Tri túc, tiện túc,đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn, tiên nhàn , đãi nhàn hà thời nhàn..”

Biết bằng lòng với cái mình hiện có là đủ, là hạnh phúc rồi! đâu cần phải leo cao lên đỉnh chi nữa! Sau này xuống núi, ngồi đợi bọn trẻ hơn 2 tiếng, mới thấy lò dò trở về và ngồi thở dốc vì mệt qúa! Tôi thầm nghĩ may là mình không bon chen đòi đi theo lên tận đỉnh núi, nếu không thì chết! Trong cuộc sống đôi khi phải biết bằng lòng với những “hạn chế” của mình để không làm gì quá sức gây nguy hại, mà trong lớp Yoga chúng tôi thường hay nói đùa: “Đừng cố quá mà thành quá cố! ” Vây mà trong thực tế lại trở thành sự thật với câu chuyện phóng sự cảm động: “Vẫn có em bên đời” mà tôi mới đọc được trên nhật báo Viễn Đông. Câu chuyên kể về một chàng thanh niên 30 tuổi mắc bệnh “hụt hơi”, nên mỗi lần bị mệt anh phải dừng lại nghỉ, hít dưỡng khí ôxy vào phổi để thở. Một hôm ở công viên, anh thi chạy đua với vợ, khi sắp bắt kịp vợ thì anh bị “hụt hơi”, nhưng anh nghĩ chẳng lẽ sắp vượt vợ ,rồi dừng lại chiụ thua sao? Thế là anh rán vượt lên chạy qua mặt vơ, rồi anh té cái “rầm”. Kết qủa anh bị gảy 2 đốt xương cổ, chạm vào dây thần kinh quan trong, nên sau ca mổ cấp cứu, anh đã bị liệt toàn thân vĩnh viễn!.Bây giờ anh rất hối hận, chỉ vì 1 phút nông nỗi không chiụ dừng lại trước “hạn chế” của mình mà anh đã phải trả giá qúa đắt cho 1 thảm kịch bi đát vô tận của cuộc đời mình và cả cuộc đời của vợ con anh!.May là anh ở Mỹ nên còn nhận được trợ cấp tàn tật của chính phủ hàng tháng!

Rời chùa Yên Tử, chúng tôi sang thăm chùa Trúc Lâm cũng ở gần đó! Ngay lối vào Chùa có trồng cây cổ thụ nhỏ, bên cạnh có tấm bia đá khắc tên người trồng :  Đại tướng công an Trần hồng Anh. Thú thật tôi chẳng biết ông này là ai? Sao lại chen chân vào chốn Thiền môn để dựng bia đá như thế này ?Tương tự như vậy ỏ bên chùa Yên Tủ có một cây đa nhỏ trồng bên cạnh bia đá khắc tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đây có phải là “cái mốt” để bia tiếng cho đời sau của các vị lảnh đạo nhà nước hiện nay chăng ? Nếu qúy vị muốn để bia thơm cho đời, xin hãy làm những việc ích quốc lợi dân, chứ đừng dùng quyền lực hiện có để dựng bia đá cho mình, nhất là nơi chốn chùa chiền là hoàn toàn không thích hợp một chút nào, mà còn làm mất vẻ thanh tịnh an lành nơi cửa Thiền!

Xin đề nghị các vị sư trụ trì nên cương quyết giữ vững lập trường, đừng để những thế tục chính trị chen chân vào chốn thiền môn làm ô uế cửa Thiền. Nếu qúy vị e sợ quyền lực của họ hiện nay,thì đợi vài năm nữa khi họ hết chức, hết quyền, thì xin nhớ “bứng” dùm những tấm bia “không đúng chỗ” này ra khỏi cửa thiền, để bà con viếng cảnh chùa giữ được lòng thanh tịnh bình an.

Bên cạnh lối đi vào chùa có một rừng Trúc nhỏ xinh xắn dễ thương, lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy. chỉ tiếc là tấm bia đá của ông đại tướng công an nào đó làm lòng tôi bị xao động khi bước vào cửa thiền. Vì cứ nhắc đến công an là tôi lại nhớ đến những vụ công an đánh chết dân, công an đàn áp đánh đập dân dã man dân chúng trong các vu Thái Hà, Đồng Chiêm..Công an thường mệnh danh là “bạn dân” nhưng trông thấy các ông ai cũng “ngán” không muốn đến gần thì sao gọi là “bạn” được. Nói tới đây tôi lại nhờ tới lần đi qua cửa khẩu Lào Cai để sang chơi Trung Quốc. Các ông công an Trung Quốc mặt cũng “hình sự” như công an VN,( đúng là anh em láng giềng có khác ) trong khi đứng đợi người đi trước làm thủ tục, tôi thấy cô ta cứ bấm lia chia vào cái nút trước mặt. Tôi thăc mắc không biết đó là nút gì? để lát nữa tới phiên mình còn biết đường mà bấm. Đến phiên tôi thì tôi hiếu ra, chắc là bị nhiều người than phiền về thái độ phục vụ thiếu vui vẻ, hạch sách làm mất thời giờ khách hàng, nên cấp trên thiết kế một bảng đèn điện tử có 4 nút để cho khách có thể đánh giá ngay thái độ phục vụ: Rất hài lòng / Hài lòng / Thời gian chờ đợi lâu / Thái độ không tốt / Nhưng khi thấy ánh mắt “hình sự” của các công an nhìn mình, ai cũng muốn cho nhanh chóng qua truông, nên đều lo bấm lia chia vào nút “rất hài lòng” (với khuôn mặt cười toe) Vậy là hệ thống điện tử tối tân này cũng không phản ánh được đúng thực tế, chỉ còn có cách gỉa dạng ‘ thăm dân cho biết sư tình” như ngày xưa là thương sách…

Lối lên chùa Trúc Lâm có nhiều bậc thang đưa lên cao, nơi sân chùa có môt qủa cầu màu hồng bằng đá ‘garito’ đánh bóng nặng đến 6 tấn. Bác Tài giới thiệu với chúng tôi, bên hông chùa có các tượng “Phật nhìn theo”, nghĩa là mình di chuyển hướng nào Phật vẫn đưa mắt nhìn theo. Tôi không tin, nhưng khi thử nghiệm thì tôi thấy qủa thật dù mình sang trái, phải..đi đâu Phật vẫn cứ đưa mắt nhìn theo! Không biết họ thiết kế ra sao, nhưng nhìn kỹ tôi thấy mặt Phật được khắc lõm vào bên trong. Tôi thấy các tượng Phật này nên nhân rộng ra và đặt ở mọi nơi, đặc biệt là ở các đồn công an, để người ta bớt làm điều gian ác, vì biết rằng mọi việc bất chính mình làm đều bi Phật “giám sát” chặt chẽ. Nếu đặt ở nhà thì “Ánh mắt trông theo” của Phật sẽ giúp người ta mau tinh tấn hơn trên con đường tu hành và sống tốt hơn với mọi người chung quanh…

Hà Nội, những ngày tôi đến thăm gần giống như lời một bài hát:

“ Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông hiu hiu gió lạnh”.

Đường phố vẫn đông nghịt người, nhất là vào giờ cao điểm,dù là đường đã được mở rộng hơn nhiều, so với lần viếng thăm Hà Nội 20 năm trước. Người,xe máy, xe hơi đông hơn rất nhiều, nhưng có lẽ vẫn không bằng Sàigòn.

“ Hà Nội 36 phố phường” vẫn còn đấy, nhưng đa số không còn bán hàng theo đúng tên gọi của nó như xưa nữa, và các hàng quán lề đường cũng khá nhiều.

Mở đầu chương trình du lịch Hà Nội, Hồng mời tôi đi uống cà phê trứng“Giảng” rất tuyệt mà chỉ có giới sành điệu Hà Nội mới biết.Tôi không phải là dân nghiện café, lai ngại cholesterol cao nên nghe tới trứng là sợ, nhưng Hồng bảo cô nên uống thử một lần cho biết, vì nó rất độc đáo, bởi họ có nghệ thuật đánh trứng thế nào mà lúc uống café chỉ thấy mùi thơm và không hề thấy mùi tanh của trứng. Hồng rất ghiền món cafe này nên từng tập đánh trứng ở nhà, nhưng chịu thua không thể làm được. Quán Giảng nằm trong một con hẽm nhỏ của đường Nguyễn hữu Huân, nhưng khá đông khách. Họ có mảnh sân phía dưới và một gác nhỏ phía trên. Quán bày biện một số cây cảnh nên trông có vẽ café vườn. khung cảnh khá yên tĩnh.! Những người có thú uống café buổi sáng, lại rãnh rỗi có thể tới đây ngồi nhâm nhi với bạn bè hoặc một mình.

Café mang ra, được đựng trong một ly thủy tinh nhỏ, bỏ vào trong một cái bát nhỏ có nước ấm, có lẽ để giữ cho ly .café được ấm lâu. Tôi nếm màu nâu ở phần trên, như một dạng kem xốp, phần dưới là café đen hơi đắng. Khuấy đều lên thì vừa, uống có mùi thơm và không thấy tanh mùi trứng như Hồng đã giới thiệu, nhưng vì tôi không phải là dân ghiền café nên cũng không mặn mà tấm tắc khen như Hồng.

Sau đó Hồng đưa tôi đi ngắm Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm. Nói chung cảnh vật nhìn vẫn như xưa, vẫn cầu Thê Húc màu đỏ nổi bật trong sương sớm ban mai với một số cành liễu rũ bên hồ, trông tha thướt và lãng mạn. Hà Nội may mắn có những cảnh đẹp thiên nhiên ( Hồ Gươm, Hồ Tây..), không bị thay đổi di dời với thời gian, làm biểu tượng cho mình, nên Hà Nội vẫn còn giữ được cái “hồn” của mình, giữa bao nhiêu thăng trầm, thay đổi lớn lao chung quanh.Vào thăm đền Ngọc Sơn, thấy có cụ Rùa rất to 300 năm tuổi, được ướp xác và bỏ vào lồng kính để mọi người có thể ngắm nhìn và tha hồ chụp ảnh với cụ, khác với thăm lăng Hồ chủ tịch,( máy ảnh bị cấm mang theo) mà tôi đã yêu cầu “cắt bỏ” cùng với những thứ liên quan đến cụ Hồ, ra khỏi chương trình thăm Hà Nội của tôi . Nhìn cụ Rùa,tôi thầm nghĩ, nay mai chắc cụ sẽ có thêm người bạn đồng hành, vì tin tức cho biết một cụ Rùa khác thương tích đầy mình, thường hay nổi lên mặt hồ như để kêu cứu, nhưng người ta còn mãi bàn bạc, nên chưa biết đến khi nào cụ mới được cứu chữa?

Dọc theo bờ hồ là những tấm bảng to “Chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội”, thỉnh thoảng vẫn còn những lẳng hoa tươi với bồn hoa nhỏ chung quanh, có lẽ là dư âm còn sót lại của Đại lễ 1000 năm Thăng Long Chúng tôi băng sang đường đến thăm khu vườn hoa Vua Lê Thái Tổ với bức tượng của Ngài đứng giữa, nhưng nhìn vua VN sao tôi lai thấy giống một vị sư Tây Tạng đi thỉnh kinh bên Trung Quốc, không có nét gì gần gũi với người VN cả?

Tôi rũ Hồng dẫn tôi đến các gian hàng sách, vì tôi rất mê đọc sách, đối với tôi một cuốn sách hay là một người bạn thú vị và tuyệt vời. Hồng dẫn tôi đến những hiệu sách nhỏ và các gian hàng sách lề đường và bảo tôi “Mua ở những nơi này rẻ hơn, vì được bớt đến khoảng 20-30% theo gía bìa. Họ có đủ mọi loại sách có khi có cả sách cấm nữa, phục vụ thì nhanh nhẹn, ân cần chu đáo. Đừng vào những hiệu sách Nhân Dân to tướng kia, cô phải mua đúng gía bìa, phục vụ thì kiểu nhà nước, nên chẳng mấy ai vào đấy cả !” Vậy là tôi lại có thêm một kinh nghiệm về mua sách! Sau khi đi một vòng các gian hàng sách với cái túi sách mỗi lúc một nặng hơn! Hồng đề nghị trở lại khu phố Tràng Tiền là khu phố nổi tiếng của Hà Nội để thử món “kem Tràng Tiền” có tiếng ở Hà Nội, nhưng sao tôi ăn chả thấy gì là đặc biệt còn thua xa kem foremost bán ở các tủ kem ở Sàigòn.Khu phố Tràng Tiền nổi bật có lẽ là nhờ nguyên khu phía truớc mặt đồi diện với Hồ Gươm được sơn toàn màu hồng rực rỡ.

Nhìn đồng hồ thấy đã trưa rồi nên Hồng hỏi tôi: “ Bây giờ cô cháu mình đi ăn bún chả Hàng Mành, ngon nổi tiếng ở đây nhé!” Tôi gật đầu vì thấy “kiến cũng đã bò bụng rồi” Hồng lấy di động ra gọi, tôi tưởng Hồng gọi bác tài, nên tôi hơi thắc mắc vì hôm nay chúng tôi đã cho bác tài nghỉ xả hơi, để cô cháu tôi đi chơi tự do, tha hồ ăn qùa vặt Hà Nội, thoải mái với nhau! Đi bộ khoảng 5 phút, thì thấy một chiếc cyclo đạp trờ tới và ngừng lại, thì ra Hồng đã gọi di động cho bác cyclo quen.Như vậy thì Hà Nội văn minh thật, ngay cả bác cyclo cũng có di động để giao dịch Nhìn chiếc cyclo lịch sự có rèm che với chữ Hồ Gươm, có lẽ thường dùng để chở khách du lịch, tôi bước lên xe mà thấy thích thú vì lâu lắm tôi mới được ngồi cyclo,.nhớ lại thời xưa đi dạy, chuyên đi cyclo tháng! Hơn nữa khi đi thăm phố cổ Hà Nội ngồi cyclo thích thú hơn vì đường phố nhỏ, cyclo chạy chậm, mình có thể ung dung tận hưởng một không gian Hà Thành đặc trưng , thoải mái ngắm cảnh phố xá hai bên đường, lại thoáng mát hơn là ngồi xe hơi. Chạy qua các phố Hàng Ngang, Hàng Đào….bác cyclo đưa chúng tôi đến góc phố Hàng Mành dừng ngay trước quán Bún Chả, rồi xin từ gỉa với lời dặn dò “ Khi nào ăn xong, cô gọi cho biết, vài phút sau tôi sẽ có mặt ngay”.

Quán bún chả này diện tích khá nhỏ, nên có tới 2 gác, mỗi gác đều có người trực sẳn để phụ vụ khách hàng nhanh chóng. Chúng tôi leo cầu thang nhỏ quanh co để lên gác 2., vừa ngồi vào bàn là có người đến lấy order ngay, sau đó bún, rau được mang ra luôn. Nhìn dĩa rau tươi xanh thấy phát mê, nhưng nhìn đến dĩa bún tươi đầy “tú hụ” tôi phát sợ, làm sao mà ăn cho hết nỗi ? Phải nói mãi họ mới chịu cho đổi dĩa nhỏ hơn, vì tôi không muốn phí phạm vứt thúc ăn đi trong khi còn bao nhiêu người đói.! Một lát sau họ mang lên một khay gồm có thịt nướng miếng, thịt chả bằm nướng, bỏ chung vào chén có nước mắm và đồ chua sẳn ở dưới. Ngoài ra có thêm đĩa nem rán ( trong Nam gọi là chả giò).Món thịt nướng thì ăn cũng ngon, nhưng món chả giò thì thua xa món chả giò của bà “bún chả” hàng xóm nhà tôi ở Sàigòn trước kia,.vì chả giò của bà có rất nhiều cua tươi Bà hàng xóm này là dân Bắc di cu 54 chuyên bán bún chả ở chợ An Đông có tiếng, nên cả xóm đặt cho bà cái tên bà “Bún chả”, và bà cũng hoan hỉ chấp nhận cái tên đó luôn. Bà chỉ bán hàng chợ, nhưng một mình nuôi 3 đứa con nên người, sau này còn xây nhà 2 tầng lầu. Tôi nhớ hồi Tết Mậu thân, sợ VC pháo kích cháy nhà, bà vác một thùng đạn ( trong đựng cả trăm lượng vàng) mang sang nhà tôi gửi và phải khai thực là chứa vàng trong đó để nhà tôi tìm chỗ dấu cho an toàn dùm bà. Cả đời cần kiệm , ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu., chẳng dám đi chơi đâu bao giờ, bà chỉ lo mua tích trữ vàng để dành. Đó là thói quen “tích tiểu thành đại”của đa số dân VN thời xưa. Ngược lại dân Mỹ làm được đồng nào tiêu hết đồng đó, thậm chí còn nợ thẻ tín dụng dài dài. Kỳ lương nào mà ngân hàng trục trặc hệ thống trả chậm một ngày là họ bát nháo cả lên!Tôi thì chủ trương không nên tiêu xài thoải mái qúa, đến khi bất ngờ hữu sự, lại không có đồng xu dính túi. Nhưng cũng không nên hà tiện qúa đáng, không dám tiêu xài, không dám đi chơi, chỉ lo còng lưng đi cày, rồi để dành tiền thì cuộc sống chẳng còn gì là thú vị! Ky cóp làm gì lỡ có “ra đi” bất chợt thì cũng chỉ mang theo 2 bàn tay trắng vì “Đời là vô thường”.như vụ động đất kinh hoàng và sóng thần ở Nhật Bản mới vừa xảy ra: trong phút chốc, tất cả đều tan tành! Hãy nhớ lại rằng :

“Khi anh đến, hai bàn tay không
Khi tôi đến,đôi chân trụi trần
Ta chẳng có chút gì đeo mang
Sao bây giờ nặng gánh trần gian?”
( Thơ và Nhạc Du Miên Đà Lạt )

 

( Còn tiếp)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.