Uncategorized

Hà Nội dưới cái nhìn của người Sàigòn 3

Sáng nay dậy sớm thu dọn hành lý, để trả phòng, vì hôm nay tôi sẽ đi thăm một số nơi ỏ Hà Nội, rồi chiều sẽ ra phi trường Nội Bài để bay về Sàigòn.

 

Sáng nay dậy sớm thu dọn hành lý, để trả phòng, vì hôm nay tôi sẽ đi thăm một số nơi ỏ Hà Nội, rồi chiều sẽ ra phi trường Nội Bài để bay về Sàigòn.

 

Ở hotel có “ Buffet breakfast” nhưng tôi muốn đi dạo bên ngoài, vùa đi bộ “exercise” buổi sáng, vừa để ngắm “Hà Nội “ thức dậy lúc sáng sớm. Nhiều gian hàng qùa sáng đã mở cửa đón khách. Có gian hàng bán các loại xôi khá đông khách. Tôi không thích ăn xôi nên không ghé vào. Các quán café vĩa hè cũng bắt đầu có khách lai rai. Đi ngang gian hàng bán “Bún Bung” với nồi nước lèo nghi ngút khói trong không khí se lạnh của buổi sáng thật hấp dẫn!Tôi thấy khách ăn cũng khá đông, nên bị “cám dỗ” muốn ăn thử cho biết vì món này không thấy ở Sàigòn. Tôi bèn vào ngồi và gọi một tô nhỏ. Đây là món họ “bung” (hầm cho nhừ) sườn heo non, hoặc giò heo, rồi cho vào đó một ít “dọc mùng” (bạc hà). Ăn với bún và dĩa rau sồng các loại Nếu ai thích thì bỏ thêm giò ( chả lụa ). Thực ra tôi thấy đa số các món ăn đều bị “lai” (pha trôn) không ít thì nhiều, chứ ít có món nào giữ nguyên bản gốc như món căn bản nhất của người Bắc là Phở (không ăn với gía và rau thơm), nhưng bây giờ đi đến đâu thấy Phở là phải có gía và rau thơm, không có không được, vì khách yêu cầu. Phở Tàu Bay ở Sàigòn là món phở Bắc nổi tiếng, trước kia chỉ có phở thôi , nay bắt đầu phải thêm rau thơm, rồi tương ớt..

 

Vừa ăn, vừa nghe bà bán hàng than với khách:

 

-“Ôi giời ơi! mỗi ngày mỗi giá, cái gì cũng lên gía ùn ùn. Ăn bây giờ là ăn tiền, chứ chẳng phải chơi! Buôn bán cứ phải cấu véo bớt mãi mà vẫn chẳng thấy lời đâu cả ? Rõ khổ !

 

Cái vụ giá cả leo thang ở VN, tôi nghe hoài như một “điệp khúc Buồn muôn thuở” và người dân nghèo cứ phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” mãi, dù bụng họ cũng đã teo tóp lắm rồi! Trong khi ở trung tâm thành phố các cửa hàng sang trọng dành cho giai cấp giàu có như Channel, L.V. hoặc BB vẫn tiếp tục mọc lên để đáp ứng nhu cầu của giai cấp qúy tộc đỏ ! Dân đại gia bây giờ chơi sang mua máy bay riêng, du thuyền riêng. Weekend phải bay ra nước ngoài đi chơi, và mua sắm. Con các đại gia bây giờ không tổ chức mừng birthday ở các nhà hàng sang trọng 5 sao tại thủ đô nữa, mà phải tổ chức ở nước ngoài. Các bạn bè được mời, mọi chi phí vé máy bay, ăn ở đều được lo chu đáo, chỉ có việc vui chơi rong ruổi với nhau để “cô, cậu ấm” vui là đủ rồi ! Như vậy mới khẳng định rõ “đẳng cấp” của mình ! Không biết tiền ở đâu mà họ có lắm thế? ! Mới đây có bản tin của WikiLeaks vừa tiết lộ cho biết :Hối lộ cho Bauxite Tây Nguyên :T.T.Dũng nhận 150 triệu dollars, T.BThư Mạnh nhận 300 triệu dollars Hèn gì “Dân chết mặc dân, tiền thầy bỏ túi”.

 

Trở về hotel tôi nhờ em phục vụ mang hộ hành lý xuống tầng dưới và gửi tiền tip cho em:

 

_ “Con cám ơn cô! Cô cho con xin” rồi đưa 2 tay ra nhận !

 

Tôi nghe nói dân Hà Nội bây giờ ăn nói “bổ bả” chứ không lịch sự như ngày xưa, nhưng với những người tôi có dịp tiếp xúc (HDViên, bác tài, các bà bán hàng, nhân viên hotel..) đều ăn nói lễ phép và lịch sự cả !

Đúng 8 giờ Hồng và bác tài đến đón tôi, Hồng còn cẩn thận lên phòng check lại lần cuối, xem tôi có quên sót gì không ?

 

Nơi đầu tiên chúng tôi đi thăm sáng nay là Quốc tử Giám ( một loại Đại học của VN ngày xưa). Phía bên ngoài QTG có 2 khẩu hiệu văn hóa thật to kết bằng các chậu hoa đỏ, vàng nổi bật trên nền lá xanh : “ Tiên học Lễ, Hậu học Văn” và “Hiền Tài là Nguyên khí Quốc Gia”. Nói tới “Hiền Tài” (Trí Thức VN thực lòng yêu nước, muốn góp ý để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn!) tôi lại thấy ngậm ngùi, nếu họ được coi là Nguyên khí Quốc Gia thì họ đâu có bị đối xử tệ bac, bị tù đày, giam cầm hay bị CA theo dõi, quản lý chặt chẽ như LS Lê thị Công Nhân, LM Nguyễn văn Lý…và gần đây nhất là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ!

 

Đi vào phía trong Q.T.G. tôi đến thăm hàng Bia Tiến Sĩ được dựng trên mình các cụ Rùa to nhỏ khác nhau. Có lẽ mỗi thời đại lại có những ý niệm khác nhau về hình dáng và kích cở khác nhau của các cụ Rùa. Vào phía bên trong chánh điên, tất cả đều sơn màu đỏ, kể cả các rèm cũng thế. Bàn thờ với trầm hương nghi ngút. Nhìn sang hai bên , tôi lại thấy có 2 cụ Rùa đội trên lưng 2 con hạc cao cẳng. Hèn gì ngày xưa có câu ca dao :

 

“Thương thay thân phận con Rùa
Ở chùa đội hạc, ở đình đội bia..”

 

Có lẽ câu ca dao muốn nói lên thân phận bị “chèn ép” bị “đè đầu cưỡi cổ” mọi nơi, mọi chỗ của đám dân “thấp cổ bé miệng” kêu Trời không thấu như những đoàn người dân oan VN thời nay! Vì họ bị cướp nhà, cướp đất, vườn, ruộng.. liên miên, để các quan lấy đất bán làm sân golf, resort ..Ta hãy nghe nhà thơ Võ thị Hảo diễn tả về họ như sau:

 

“ Có thấy chúng ta đông đàn dài lũ
Từ miền xuôi miền ngược đến ngõ hẽm hang cùng
Dân oan đi thành rừng không còn nước mắt để khóc..”

 

Theo tài liệu của Thanh Tra Chính Phủ 5 năm (2006-2010) đã có 1.574.750 lượt người đi khiếu kiện, có 1.515 đoàn đông người, có đoàn đông tới 600 người..Ối ! bao giờ thì cách mạng Hoa Lài sẽ xuất hiện ở VN ??

 

Đó đây có khá nhiều du khách đến thăm nơi chốn lịch sử văn hóa này của VN. Điều tôi thích thú nhất trong lần đi thăm Q.T.G. lần này là được thăm gian hàng bán các dụng cụ múa rối nước, tha hồ được nhìn ngắm tận mắt, và sờ mó những hình tượng múa rối nước ( làm bằng sành sứ): từ những nhân vật trong các vở chèo, các truyện cổ, đến các con trâu, con cọp..Tôi không hiểu làm thế nào mà các tượng này lại có thể “di chuyển” linh động, thậm chí “múa may” trên mặt nước để diễn tuồng? Múa rối nước cũng là một hình thái hoạt động văn nghệ đặc sắc của dân tộc VN, mà nhiều người ngoại quốc rất ngưỡng mộ!

 

Rời Q.T.G.chúng tôi đi thăm Hoàng Thành Thăng Long, đây là điểm thăm tương đối mới. Nhìn chung đó là một khoảng đất trống rộng, có một bức tường thành cổ, có cổng Ngọ Môn, tương tự như những bức tường thành cổ của cung điện ở Huế, ngoài ra không có gì có tính cách là “Hoàng Thành” như tôi hình dung trong đầu từ trước. Chúng tôi theo cầu thang cũ kỹ và nhỏ hẹp để lên tầng trên. Nơi đây chúng tôi có thể nhìn ngắm toàn cảnh Hà Nội và thấy được cột cờ Hà Nội xa xa. Tôi thắc mắc hỏi Hồng:

 

– Vậy nơi nào chúng ta có thể thấy những di vật mới đào xới đươc tù Hoàng Thành Thăng Long năm xưa ??

 

– Cái đó thì ở khu khác do bộ Quốc Phòng quản lý, phải có giấy phép đặc biệt mới được vào thăm mà thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt, ngoài một số chén bát, dụng cụ người xưa dùng

Trên đường vòng sang lối bên cạnh để ra về, Hồng chỉ cho tôi cây “Hoa Sữa” bên đường. Đây là điều bất ngờ! Hồi đó tới giờ, tôi hay nghe các bài nhạc nói về Hà Nội thường hay nhắc đến “mùi Hoa Sữa”, nên khi ra Hà Nội tôi vẫn ao ước được một lần thấy hoa Sữa và ngữi được mùi hương của nó ! nhưng giờ đây chỉ được thấy cây hoa Sữa., nhưng không thấy hoa vì chưa tới mùa, và dĩ nhiên là không ngữi được mùi hoa Sữa xem ra làm sao ? Thôi cũng đỡ ấm ức vì “có còn hơn không”!. Cây hoa Sữa khá cao, thân khẳng khiu và thô nhám lá khá to ở trên cao. Nó giống như một số cây cao trồng hai bên đường ở Sàigòn năm xưa ! Nếu không có tấm biển đề chữ “Cây Hoa Sữa” gắn vào thân cây, chưa chắc tôi đã tin đó là cây có hoa ! Nói tới hoa, tôi lại nhớ đến cây Ngọc Lan ở góc sân trường N.A.Ninh, tôi dạy ở Sàigòn. Hoa Ngọc Lan có mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng mà bền. Học sinh thường hái tặng cô hoặc đem ép vào trong vở. Mỗi buổi sáng đi dạy, lên những lớp ở trên lầu thấy thoang thoảng mùi hương Ngọc Lan dịu dàng lại nhớ đến bài hát ” Ngọc Lan” tuyệt vời của nhac sĩ Dương Thiệu Tước. Hương Ngọc Lan chắc hơn hương hoa Sữa chú??Tôi nói “chắc” vì chỉ đoán thế thôi, bởi tôi chưa được ngữi hương hoa Sữa bao giờ !Mà tại sao tên hoa lại là “Sữa” nhỉ ?hay là nó có màu trắng như Sữa chăng ?

 

Ra khỏi khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hồng bảo tôi:

 

– Bây giờ bác tài sẽ đưa cô đi thăm, nơi mà cô muốn đến nhất !

 

– Giáo xứ Thái Hà ??

 

– Đúng rồi !nhưng em vẫn chưa hiểu nơi đó có cái gì đẹp hay đặc biệt mà cô cứ nhắc mãi là muốn đến thăm ??

 

– Vậy là em chưa nghe nói gì về Thái Hà sao?

 

Hồng lắc đầu, bác tài nói chen vào:

 

– Cô ơi ! ở đây họ bưng bít thông tin kỹ lắm, báo, đài , TV..chỉ có thông tin một chiều theo” lề phải” nhà nước cho phép. Hồng dẫn khách đi chơi tối ngày, nên không biết gì là phải rồi !

 

Tôi quay sang hỏi bác tài:

 

– Thế bác có biết gì về vụ Thái Hà không ?

 

– Có biết sơ sơ nhờ lên Internet đọc tin tức. Cô tuy ở nước ngoài, có khi lại biết đầy đủ chi tiết và rành rẽ hơn dân trong nước, nhất là các vụ đấu tranh đòi công lý hoặc dân chủ, tự do

Tôi kể tóm tắt cho Hồng nghe tinh thần kiên cường bất khuất của giáo dân Thái Hà, họ chỉ tập trung cầu nguyện, bất bạo động để đòi lại miếng đất thuộc chủ quyền của giáo xứ. Dù bị đe dọa, hành hung họ vẫn không nản lòng liên tục ngày đêm cầu nguyện, chấp nhận gió rét, gian khổ..quyết không bỏ cuộc.

 

– Hèn gì cô muốn đến thăm. Vây mà nhiều dân ở ngay Hà Nội có biết gì đâu!

 

– Cô muốn đến thăm chốn này vì đây là vùng đất “khí thiêng” nơi đã từng có những nét đẹp của tinh thần bất khuất kiên cường của người dân Việt dù họ có thể là cụ gìa ít học, phụ nữ quê mùa,.. nhưng tinh thần can đảm của họ có thể mạnh mẽ hơn nhiều hơn qúy vị Đại Biểu Quốc Hội thấy việc đúng không dám làm, thấy việc sai không dám ngăn chặn, chỉ biết làm “Nghị Gật”.

 

Nói tới đây thì xe đã đến giáo xứ Thái Hà, xe phải đi vào đường hẽm nhỏ, lại có buôn bán 2 bên đường nên lái xe vào rất khó khăn. Công nhận là bác tài lái giỏi khi đưa chúng tôi vào đến giáo xứ Thái Hà.

 

Chúng tôi vào thăm giáo xứ, thấy một băng rôn to treo ngay truớc nhà dòng ( Giáo xứ Thái Hà thuộc về Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội) :”Kính chào qúy khách hành hương xứ Thái Hà”, như vậy chứng tỏ sau “sự kiện lịch sử” đó, đã có nhiều khách hành hương đến với xứ TH, và tôi không phải là trường hợp cá biệt. Chúng tôi đi vòng ra sân sau, thấy có sân khấu to với ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất lớn ( ảnh tước hiệu hay ảnh truyền thống của DCCT) có lẽ để cử hành vào những dịp lễ lớn. Nhà thờ ở đây nhỏ hơn so với nhà thờ DCCT ở Sàigòn,có lẽ vì vậy cần có đất để xây một ngôi nhà thờ lớn hơn hầu đáp ứng nhu cầu của số giáo dân mỗi ngày một tăng cao. Tuy là ngày thường nhưng nhà thờ vẫn mở cửa, tôi vào cầu nguyện và khấn với ĐMHCG, một ảnh tượng đối với tôi rất thân quen từ lâu đời, vì tôi đã có thói quen từ khi còn nhỏ: mỗi chiều thú 7 thường đi khấn ĐMHCG ở nhà thờ DCCT Sàigòn. Ra khỏi nhà thờ, tôi nhìn thấy trên bức tường ghi lại hình ảnh và tóm tắt lịch sử các cha giám đốc của nhà dòng từ khi thành lập đến nay, trong đó tôi thấy có nhiều khuôn mặt quen thuộc của các cha DCCT Sàigòn. Ra khỏi khu nhà dòng là khu bịnh viện Lê Lợi, tôi đoán trước đây chắc cũng thuộc nhà dòng vì tôi thấy trên nóc bịnh viện, vẫn còn những cây thánh gía, đúc bằng bê tông cốt sắt gắn liền với mái nhà . Nhìn quanh không thấy bóng dáng công viên nào? Tôi thắc mắc:

 

– Vây cái miếng đất thuộc giáo xứ, mà họ chiếm đoạt rồi biến thành công viên “Chiến Thắng” ở đâu ??

 

Bác tài bèn xăng xái đi hỏi thăm, từ người nọ đến người kia ! À thì ra nó ở phía bên kia khu bịnh viện, phải đi hết con hẽm dài mới tới. Đến nơi, tôi mới thấy đây qủa là miếng đất “Vàng” vì nó có vị trí rất đẹp và thuận lợi, nằm ở góc những con đường rộng lớn. thảo nào họ định đem bán để xây nhà hàng, mở vũ trường, nhưng khi âm mưu không thành, chính nghĩa, giấy tờ chủ quyền không có, họ tức tối không chịu trả lại cho chủ và biến nó thành công viên “Chiến Thắng”.

 

Bước xuống xe, đi dạo trong công viên sạch đẹp, nhưng không một bóng người. Hồng đề nghị “để em chụp cô vài bức ảnh để làm kỷ niệm” và hỏi tôi:

 

– Sao cô biết họ đặt tên công viên là “Chiến Thắng”?

 

– Cô đoán họ đặt tên nó là “Chiến Thắng” vì qua hình ảnh trên Internet, cô thấy họ dùng một lực lượng cảnh sát đặc biệt đông đảo, vũ trang hùng hậu với súng ống, dùi cui, roi điện, súng bắn hơi cay…cả chó săn chuyên nghiệp nữa, để tràn vào đánh đập, xua đuổi đám dân không một tấc sắt trong tay, chỉ biết chấp tay cầu nguyện. Cuối cùng, họ đã “chiến thắng” oanh liệt, cưỡng chiếm được miếng đất. Rồi ngay trong đêm, họ dùng một lực lương công binh hùng hậu tới ủi đất, san mặt bằng…chỉ trong 2 ngày họ hoàn thành công viên “Chiến Thắng” này, môt thời hạn kỷ luc chưa từng có !!

 

Hồng buột miệng:

 

– Chính quyền “chơi bẩn’ nhỉ !

 

Nhắc tới cái tên”Chiến Thắng” tôi lại nhớ tới nột bài viết mới đây trên blog, “Người buôn gió” kể lại: “Ngay giữa thủ đô Hà Nội, một trung tá Công an đã chỉ huy liên quân “Chiến Thắng” huy hoàng trong chiến dịch cướp hoa nhà chị Dương Hà ( Vợ anh Cù Huy HàVũ)
Nhân dịp chính quyền công bố ngày Tòa xử anh Vũ sắp đến, nên bạn bè, người thân quen muốn bày tỏ tình liên đới, sự ủng hộ, lòng thương yêu.kính trọng đối.với anh chị, họ đã mang những lẳng hoa to đẹp đến đặt trước văn phòng luật của anh chi.với hàng chữ “Tổ quốc và Nhân dân luôn bên cạnh anh chị”.Ôi ! thật là một cách bày tỏ tình người liên đới thật đẹp và dễ thương làm sao! Nhưng với cái nhìn “cú vọ” của công an thì qúa “chướng mắt”! nên Trung tá trưởng công an phường Điện Biên ra lệnh cho chị Hà:

 

– “ Có cất ngay vào nhà không thì bảo..không có lôi thôi gì cả”.

 

Chị Hà kiên quyết không chịu:

 

– Đây là nhà của tôi, đất của tôi, các anh không có quyền bắt tôi dẹp hoa..

 

Thế là lệnh được ban ra, lực lượng dân phòng, công an hùng hục xông vào, giành giật hoa tơi tả tịch thu mang về đồn công an ! Ôi những cánh hoa “tình người”vô tội, bị chà đạp tơi tả dưới những gót chân thô bạo của cường quyền, trông đáng thương làm sao! Thêm một lần nữa cái ác, cái xấu lại “chiến thắng” chân lý và lẽ phải. Ôi biết đến bao giờ Công lý mới được ngư trị trên đất nước này ??

 

Rời khu công viên”Chiến Thắng”, trời đã trưa. Hồng đề nghị bác tài đưa cô cháu tôi đến “Bánh Tôm hồ Tây” ăn trưa. Sau đó đi bộ thăm chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh cũng loanh quanh cùng khu vực. Bác tài được tự do 2 giờ gặp gở ăn uống với bạn bè, rồi khi Hồng gọi di động bác sẽ trở lại đón chúng tôi đưa ra phi trường Nội Bài.

 

“Bánh Tôm Hồ Tây” là món ngon nổi tiếng lâu đời của Hà Nội mà bấy lâu nay “tôi chỉ nghe tiếng, mà không được nếm miếng” Đây là lần đầu tiên tôi mới có cơ hội thưởng thức, nên cũng “hồi họp” như sắp được gặp người mình ái mộ từ lâu “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Nhà hàng nằm ngay trên mặt hồ nên khung cảnh đẹp, thoáng mát. Khi gọi các món ăn, ngoài món “bánh tôm” Hồng gọi thêm món “phở cuốn” và nói với tôi:

 

-“Món này cũng ngon nổi tiếng ở đây. Cô nên ăn thử cho biết!”

 

Tôi thầm nghĩ: nói đến từ “Phở” là nghĩ ngay đến tô phở có thịt bò, gà và nước lèo nóng chan lên..Sao lại “cuốn” được?? tôi thắc mắc, thì Hồng trả lời.

 

– Tí nữa họ mang ra thì cô biết ngay.

 

Ngồi nhìn bao quát cảnh hồ khá đẹp, xa xa có những đàn xe “vịt đạp” để du khách có thể thuê dạo chơi trên hồ. Hồng đưa tay chỉ sang bên kia đường cũng có một hồ to nữa và bảo tôi:

 

– Bên kia là hồ Tây, tí nữa ăn xong, mình sẽ sang bên ấy thăm chùa Trấn Quốc.

 

Tôi ngạc nhiên hỏi:

 

– Thế hồ mình đang ngồi tên gì ?

 

– Hồ Trúc Bạch.

 

– Ủa ! Sao bánh Tôm Hồ Tây nổi tiếng, cô tưởng nó nằm trên hồ Tây mới phải chứ! Sao lại nằm trên hồ Trúc Bạch. Nếu vậy sao không gọi là “Bánh tôm hồ Trúc Bạch” có phải “danh chính ngôn thuận” hơn không ??

 

Hồng lắc đầu cười:

 

– Ôi! sao cô hay có những câu hỏi thật lạ, em chả biết đằng nào trả lời cả !

 

Lát sau, món bánh tôm đuợc mang ra với dĩa rau sống, và chén nước măm ớt. Tôi nhìn vào dĩa bánh tôm đã được cắt ra. Sao chả thấy con tôm nào cả ??Hồng bèn lấy đủa vạch ra , chỉ cho tôi thấy những con tôm “nhỏ xíu” lẫn vào trong bánh.

 

Tôi cười nói với Hồng:

 

– Như vậy phải gọi là “Bánh Tép hồ Tây” mới đúng !

 

– Tôm hồ Tây nó nhỏ thế đấy cô ạ!

 

Tôi thầm nghĩ nếu vậy ở nhà tôi làm bánh tôm ngon hơn, tôi cho khoai nhều, ít bột, rồi đặt lên trên vài con tôm to, trông rất hấp dẫn. Lạ thật cái loại “bánh tép” như thế này mà cũng nổi tiếng lâu đời ở Hà Nội sao?? Bởi vậy đừng chạy theo mấy cái nổi tiếng lâu đời mà có khi bị “vở mộng”, như lần mẹ con tôi đi tour ở Trung Quốc.

 

 

Hồi sau món “phở cuốn” được mang ra, nhìn vào tôi nói với Hồng:

 

-Cái món này ở Sàigòn, gọi là ” bánh ướt cuốn thịt nướng”, gọi như vậy mới đúng tên của nó, hơn là gọi “phở cuốn”.

 

– Em có biết đâu, nhà hàng đặt tên vậy thì mình gọi vậy !

 

Tôi cười :

 

– Nói đùa thế thôi chứ tên gì kệ nó, quan trọng nó ngon là được rồi!

 

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi sang bên kia đường thăm hồ Tây và chùa Trấn Quốc. Đường vào chùa, cờ xí treo rợp trời, nhiều người chụp ảnh dạo mời mọc, có lẽ vì ở đây có nhiều cảnh đẹp. Du khách đến thăm cũng khá đông. Chùa có tháp bút khá đẹp và nổi tiếng nên ai cũng muốn có tấm hình với tháp để làm kỷ niêm. Chùa khá rộng, phía sau có cây đa, tuổi thọ có lẽ đã hơn 100 năm. Đứng từ Chùa nhìn ra quang cảnh Hô Tây khá rộng, xa xa bên kia hồ là các tòa cao ốc và các công trình đang xây dựng..

 

Ra khỏi chùa, chúng tôi đi dạo dọc theo bờ hồ để hưởng gió mát. Thỉnh thoảng lại thấy những tấm “áp phích” to đặt ven hồ với hàng chữ “1000 Năm Thăng Long – Hà Nội” như một lời nhắc nhở: Hà Nội là thủ đô văn hóa lâu đời có chiều dài lịch sử 1000 năm đáng nể! Thật ra lịch sử nơi nào cũng đều có những lúc thăng trầm của nó! Hy vọng Hà Nội sẽ vượt qua được những “khó khăn” của giai đoạn tạm thời này, hầu đứng vững và tự hào với vị trí “1000 năm Thăng Long” của mình!

 

Sắp sữa gỉa từ, tôi muốn nhắn gửi tới Hà Nội lời tâm tình:

 

“ Hãy đưa tay đón lấy mặt trời, đón lấy nụ cười, đón lấy cuộc đời
Rồi những ngày buồn sẽ đi xa rất xa…
Hãy dang tay ôm lấy mặt người, ôm lấy nụ cười, ôm lấy cuộc đời
Thấy giấc mơ Bình Yên về bên mình” ( L.Q.)

 

Chào “em” và hẹn gặp lại với những nụ cười tươi sáng hơn!

 

1/2011
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.