Từ trước đến nay, các nhà phân tích đều nhận định rằng các chế độ cộng sản và độc tài thường dùng ba thứ sau đây để khống chế quần chúng, đó là Đói (Hunger), Sợ (Fear) và Dốt (Ignorance).
Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế chủ trương rằng muốn đưa dân chúng của các nước ra khỏi ba thứ gọng kìm nói trên, điều cần thiết là phải nâng cao mức sống và dân trí của họ lên. Nỗ lực này cũng sẽ giúp đất nước dần dần phát triển và tiến tới dân chủ.
MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ
Chúng ta nhớ lại, trong Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên Niên Kỷ diễn ra từ ngày 6 đến 8.9.2000, được 189 quốc gia chấp thuận, cộng đồng quốc tế đã đưa ra “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) phải đạt được vào năm 2015 nhằm loại trừ nạn nghèo đói trên thế giới. Những mục tiêu này được tóm lược như sau:
1.- Loại bỏ nạn nghèo đói cùng cực của gần 1 tỷ người trên thế giới.
2.- Cung cấp nền giáo dục phổ thông cho 872 triệu người mù chữ.
3.- Kiến tạo sự bình đằng giữa nam giới và nữ giới. Tài liệu cho biết 70% người nghèo là phụ nữ, nhưng họ lại đảm trách 66% công việc làm.
4.- Bảo đảm sức khỏe cho trẻ em và các bà mẹ. Hàng năm có 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải chết vì các thứ bệnh có thể chữa trị được.
5.- Bảo đảm sức khỏe của các bà mẹ: hàng năm có 500.000 bà mẹ phải thiệt mạng khi sinh con.
6.- Chống vi khuẩn HIV và các tật bệnh khác. Hiện nay trên thế giới có 42 triệu người bị bệnh liệt kháng, trong đó có hơn 20 triệu là người Phi Châu.
7.- Yểm trợ an sinh cho 2,4 tỷ người không được săn sóc y tế và 1,2 tỷ người không có nước trong lành để uống.
8.- Củng cố sự cộng tác toàn cầu bằng cách đưa ra các luật lệ thương mại bình đẳng đối với các nước nghèo.
Tám mục tiêu này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bổ sung trong phiên họp lần thứ 62, vào tháng 10 năm 2007. Nhưng chương trình “giải phóng con người” này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 9.12.2008 tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) đã công bố bản tường trình năm 2008 về nạn đói trên thế giới. Bản phúc trình cho biết giá cả thực phẩm leo thang trong năm nay đã khiến cho số người đói tăng thêm 40 triệu nữa. Và hiện nay trên thế giới có 963 triệu người phải chịu cảnh thiếu dinh dưỡng. Ông Jacques Diouf, Giám Đốc tổ chức FAO, cho biết: để có thể loại trừ nạn đói này mỗi năm phải có ngân khoản 30 tỷ mỹ kim, tức 8% ngân khoản mà các nước kỹ nghệ tân tiến đã yểm trợ cho nghành nông nghiệp của họ. Mặc dù khi đưa ra “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ”, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt quyết tâm loại trừ nạn đói đến hạn chót là cuối năm 2015 tới đây, bằng cách đóng góp 0,7% lợi tức quốc gia cho qũy chống nghèo đói, nhưng đa số các quốc gia, kể cả các cường quốc kinh tế, đã không giữ lời hứa.
Ông Robert B. Zoellick, Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ kéo theo hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sống dưới mức nghèo đói. Lý do là ngân sách viện trợ nhân đạo của nhiều nước sẽ phải bị cắt giảm để lo cho các vấn đề bức thiết trong nước của họ trước khi ban phát cho các mục đích khác.
Riêng tại Việt Nam, ngày 21.5.2002, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo" và Việt Nam đã được đánh giá cao về những nổ lực xóa đói giảm nghèo. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tỷ lệ nghèo hơn 60% từ năm 1998 đã giảm xuống còn 18,1% vào năm 2004. Tỷ lệ giảm nghèo này phần lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế song song với những trợ giúp của Liên Hiệp Quốc trong nhiều kế hoạch giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, theo tài liệu thống kê của Việt Nam, đến cuối năm 2006, cả nước còn có 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm). Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo của 61 huyện xuống dưới 40% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo được quy định năm 2005), cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng… Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015, của khu vực vào năm 2020. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện sẽ tăng từ 25% năm 2010 lên trên 40% năm 2015, trên 50% năm 2020.
Tỷ lệ nhgèo trong cả nước trong những năm gần đây được báo cáo là đã giảm xuống chỉ còn 14%. Nhưng hôm 17.10.2008, ông Lê Bạch Hồng, Thứ Trưởng Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội đã cảnh báo rằng số hộ có tình trạng nghèo đói sẽ tăng lên như mức vào năm 2004, tức đạt tới mức khoảng 16% hay 17% trên khắp nước. Theo ông Hồng, tình trạng lạm phát cũng như đà tăng trưởng kinh tế trì trệ đã trực tiếp góp phần vào việc gia tăng số hộ nghèo này.
Hôm 16.10.2008, trong kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XII, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tỉ lệ tái nghèo của cả nước hiện đang tăng, và chỉ tiêu giảm nghèo đạt được năm nay thấp hơn kế hoạch.
Theo cảnh báo mới nhất của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc thì số hộ nghèo cần quan tâm không nằm ở các thành phố mà là vùng sâu vùng xa, đặc biệt tại khu vực sinh sống của người dân tộc thiểu số.
Thứ Trưởng Lê Bạch Hồng cho biết chính sách cho vay, trợ giúp người dân tộc ít người thật ra rất khó mà thi hành rốt ráo. Ông Y Súp, một người sắc tộc Jharai cho biết: “Điều đó thì tôi thấy chưa đi đến đâu hết. Cụ thể họ nói như vậy nhưng đâu có được như vậy đâu. Không nên trông cậy quá nhiều vào những trợ giúp này mà phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình nếu muốn bước những bước vững chắc về phía trước.”
Vào đầu tháng tư vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Việt Nam, LM. Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư Ký Ủy Ban Bác Ái Xả Hội (UBBAXH) – Caritas Việt Nam – đã viết một bài khá dài nói về “Giáo hội Việt nam và sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực bác ái xã hội 50 năm qua”.
Nội dung bài này gồm 3 phần chính sau đây:
– Sơ lược hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội Việt Nam từ 1960-2009
– Tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay
– Định hướng hoạt động bác ái xã hội trong thời gian tới.
Bài này có thể giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay và Giáo Hội Công Giáo đã hoạt động dưới chế độ cộng sản như thế nào, từ đó chúng ta có thể chọn một hướng đi thích hợp để góp phần vào việc giải thoát những người nghèo khổ và bị áp bức ở trong nước. Vì thế, chúng tôi xin ghi lại dưới đây những điểm chính của bài nói trên.
HOẠT ĐỘNG TỪ 1960 – 1975
Sở dĩ LM. Nguyễn Ngọc Sơn đã chọn thời điểm 1960 vì ngày 24.11.1960 ĐGH Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Nhưng Linh mục nói rằng về mặt xã hội, thời điểm quan trọng có lẽ phải tính từ ngày 20.7.1954, ngày ký hiệp định Genève chia đôi đất nước.
Hiệp định Genève đã dẫn đến cuộc di cư của khoảng 800.000 người, trong đó có 650.000 người Công Giáo, từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, làm cuộc sống của người dân ở cả hai miền có những xáo trộn và thay đổi lớn lao.
Cuộc chiến tranh tương tàn kéo dài từ 1960 đến 1975 gây nên những thiệt hại gấp nhiều lần so với cuộc chiến Pháp-Việt. Hơn 1 triệu người chết, 2,5 triệu người goá bụa, trên 2 triệu trẻ em mồ côi và hơn 1 triệu thương phế binh. Hàng triệu tấn bom đạn và hàng trăm ngàn tấn chất độc rải xuống đồng ruộng, rừng cây làm nghèo tài nguyên thiên nhiên và gia tăng tình trạng nghèo đói của con người. Chiến tranh còn tàn phá tâm hồn người Việt nặng nề hơn nữa.
1.- Hoạt động của Giáo Hội miền Bắc
Hoạt động bác ái xã hội công khai của giáo hội miền Bắc trong thời kỳ này không được tổ chức vì nhiều nguyên nhân như sự nghi ngại của chính quyền, thiếu các phương tiện, thiếu nhân sự chuyên môn do nhiều linh mục, tu sĩ đã di cư vào miền Nam. Sau cuộc vận động cải cách ruộng đất (1955-1956), nhằm đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, hầu như toàn bộ tài sản của các giáo phận, giáo xứ như ruộng đất, vườn tược bị Nhà Nước tịch thu và các cơ sở bác ái xã hội như viện mồ côi, nhà dưỡng lão, trường học bị tiếp quản, phải ngưng hoạt động. Do nghi ngờ về lập trường chính trị của người Công giáo, nhiều hoạt động bị theo dõi chặt chẽ nên tín hữu chỉ tập trung vào việc dự lễ, đọc kinh.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, nhiều hoạt động bác ái xã hội tự nguyện và âm thầm vẫn được thực hiện trong nội bộ xứ đạo hay trong giáo phận như nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tàn tật, giúp đỡ những gia đình nghèo khổ, neo đơn, dạy học cho những người mù chữ. Tổng kết về giáo dục và các cơ sở xã hội miền Bắc như sau: Giáo phận Hải Phòng có 40 trường nam với 4.865 học sinh, 29 trường nữ với 2.900 học sinh và 2 cơ sở từ thiện với 160 người; Bắc Ninh có 4 cơ sở từ thiện; Phát Diệm có 42 trường nam với 12.465 học sinh và 42 trường nữ với 6.233 học sinh, 2 cơ sở từ thiện với 25 người; Vinh có 110 trường, 9 cơ sở từ thiện (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 180-205).
2.- Hoạt động của Giáo Hội miền Nam
Do các Giám Mục miền Nam được thôi thúc bởi tinh thần dấn thân của Công đồng Vatican II mới được tổ chức tại Rôma từ 1962-1965, cũng như chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo, nên hoạt động bác ái xã hội ở miền Nam mạnh mẽ và phong phú hơn:
a) Hoạt động bác ái: Năm 1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thành lập tổ chức Caritas Việt Nam và Đức Cha Phạm Ngọc Chi làm chủ tịch. Từ năm 1966, Caritas được thành lập tại các giáo phận miền Trung (5 giáo phận), miền Nam (6 giáo phận) để trực tiếp giúp đỡ những người nghèo, các nạn nhân xã hội, nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến tranh. Nhiều cơ sở xã hội được các dòng tu xây dựng để nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tàn tật (như Ttrường Câm Điếc Lái Thiêu (Bình Dương), các người già yếu, các bệnh nhân phong cùi [trại phong Bến Sắn (Bình Dương), Thanh Bình (Thủ Thiêm), Di Linh (Đà Lạt)]. Tổng kết miền Nam có 435 cơ sở xã hội.
b) Hoạt động giáo dục: hầu như xứ đạo nào cũng có trường tiểu học, ở vùng đông dân cư có trường trung học cơ sở (đệ nhất cấp), trung học phổ thông (đệ nhị cấp) thậm chí cả đại học như ở Đà Lạt (viện Đại học Đà Lạt), Sài Gòn (Đại học Minh Đức). Nhiều linh mục, tu sĩ dạy trong các trường Công giáo cũng như các trường của Nhà Nước. Các trẻ em, sinh viên nghèo hiếu học thường nhận được học bổng từ các tổ chức của Giáo Hội. Riêng tại Sài Gòn, Giáo hội Công giáo có hơn 300 trường tư thục lớn nhỏ từ cấp mẫu giáo đến đại học. Một số dòng tu đã mở các trường tư thục rất nổi tiếng.
Tổng kết: từ năm 1961-1975, Giáo hội Công giáo miền Nam có 145 trường Trung học với 62.324 học sinh và 1.060 trường tiểu học với 209.283 học sinh (riêng tại giáo phận Sài Gòn có 56 trường trung học với 30.748 học sinh và 338 trường tiểu học với 91.870 học sinh) (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 506).
Năm 1972, tổ chức COREV được thành lập nhằm giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ổn định đời sống trong những làng định cư mới, như các làng Đồng Tâm ở Bình Thuận.
HOẠT ĐỘNG TỪ 1975-1990
1.- Tình trạng xã hội Việt Nam
Sau khi đất nước thống nhất, hàng triệu người trước đây đã bỏ làng quê, tìm sống yên ổn trong các thành thị, nay muốn trở về quê hương để làm ăn sinh sống đã tạo nên nhiều thay đổi ở một số vùng nông thôn. Hơn nữa, Nhà Nước muốn chuyển một bộ phận dân chúng trong những tỉnh thành có mật độ dân số cao như Sài Gòn, Hà Nội, Bùi Chu, Nam Định, Ninh Bình đến những vùng thưa vắng như Cao Nguyên, Tây Nguyên để phát triển kinh tế. Đây là chính sách di dân đến các vùng kinh tế mới.
Ngoài ra, do chính sách nhân đạo của cộng đồng quốc tế cũng như do những cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc (1979) và Việt Nam – Campuchia (1978-1979), nhất là do những cuộc cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản đã tạo nên một làn sóng di tản lớn với hàng triệu người Việt đi đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã bỏ tất cả tải sản, người thân, để ra đi bất chấp những nguy hiểm lớn lao như bị đói khát, hãm hiếp, bão tố, cướp bóc trên đường vượt biên, nhất là bằng đường biển (họ là những “thuyền nhân” Việt Nam). Những ký ức hãi hùng đó in đậm trong tâm hồn người Việt khiến họ giữ mãi lòng hận thù cho đến hôm nay. Đó cũng là những vết thương xã hội cần chữa trị bằng tình yêu của Chúa Kitô.
Nền kinh tế tập trung, bao cấp do Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hoạch định không thành công đã dẫn đến tình trạng nghèo khổ, khoa học kém phát triển, Việt Nam bị cô lập đối với thị trường thế giới. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề: gần 40% dân chúng ở trong tình trạng nghèo đói, trên 5 triệu người tàn tật, mồ côi, 2 triệu người goá bụa nghèo khổ. Số người thất nghiệp và không được đào tạo tay nghề rất lớn. Trong khi đó, đồng ruộng bị bỏ hoang vì bom mìn, vì chất độc màu Da Cam, vì thiếu phân bón, giống tốt… đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trong vài năm đầu của thời kỳ này: dân chúng phải ăn độn khoai sắn, bo bo.
Nhiều tệ nạn xã hội tồn tại và phát triển hơn cả thời kỳ chiến tranh như mại dâm, nghiện ngập ma tuý, phá thai. Sự xung đột âm ỉ giữa hai ý thức hệ diễn ra gay gắt trong xã hội, nhất là ở miền Nam.
2.- Hoạt động của Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hội Việt Nam cũng chịu nhiều hậu quả từ những sai lầm, xung đột về ý thức hệ trên đây: nhiều linh mục phải đi học tập; một số dòng tu phải bị giải thể, các cơ sở xã hội, trường học Công giáo được Nhà Nước tiếp quản. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ giáo viên trở thành những thợ thủ công làm mành trúc, giỏ mây, nón lá thay vì đứng trên bục giảng. Hoạt động của Caritas Việt Nam bị đình chỉ trên toàn quốc (1976), các cán sự xã hội bàn giao cơ sở cho những người tiếp quản, nhiều trẻ em mồ côi, tàn tật trong các cơ sở đó buộc phải rời cơ sở để bước vào đời. Giáo Hội Việt Nam hầu như không có những hoạt động bác ái xã hội chính thức nào trong thời kỳ này.
Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với dân tộc. Các vị lãnh đạo Giáo Hội mời gọi người tín hữu nhận ra ý nghĩa của các biến cố lịch sử để can đảm ở lại và xây dựng đất nước. Các tín hữu Công giáo vẫn thực hiện lòng bác ái, tiếp tục cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, goá bụa qua những hoạt động cụ thể nhưng âm thầm trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận. Những lớp học tình thương vẫn được các dòng tu lặng lẽ mở ra để nâng đỡ những học sinh nghèo. Từ 1986, các trường mẫu giáo do các nữ tu phụ trách mọc lên hầu như ở khắp các thành phố lớn để giúp đỡ phụ huynh có điều kiện lao động trong các xí nghiệp, cơ quan cũng như để giáo dục trẻ thơ.
HOẠT ĐỘNG TỪ 1990-2010
1.- Xã hội Việt Nam
Sau những biến cố ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới toàn diện trong hệ thống kinh tế xã hội, từ một nền kinh tế quốc dân (tự cung tự cấp) đã chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế thị trường; từ chính sách Nhà Nước độc quyền trong mọi lĩnh vực đã chuyển sang chủ trương “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội; từ chủ trương chuyên chế sang chủ trương pháp chế; từ chính sách khép kín chuyển sang chính sách mở rộng đối thoại với các nước trên thế giới.
Kết quả là nền kinh tế Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc, từ một nước phải nhập khẩu lương thực đã tiến tới việc xuất khẩu lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, cơ khí. Xã hội đang từng bước thay đổi và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là những vấn đề xã hội lớn cần phải giải quyết như sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, sự trì trệ trong việc cải cách hành chính, nền giáo dục hình thức và thụ động, nhiều tệ nạn xã hội cần giải quyết như nghiện ma tuý, thuốc lá, rượu, phá thai, mại dâm, tai nạn giao thông và nhiều dịch bệnh phải phòng chống như HIV/AIDS, cúm gia cầm, tâm thần, lao phổi.
2.- Hoạt động của Giáo Hội Việt Nam
Về hoạt động giáo dục. Trong tình hình đổi mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá việc giáo dục. Nhưng Nhà Nước chỉ cho phép cá nhân người Công giáo chứ chưa cho phép Giáo Hội Công giáo mở một trường học nào với tư cách pháp nhân, dù rằng nhiều tổ chức nước ngoài đã đến mở các trường quốc tế ở Việt Nam từ cấp mẫu giáo cho đến đại học. Tổng kết năm 2007, Giáo Hội Việt Nam đang phục vụ tại 883 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương.
Về hoạt động từ thiện, bác ái, người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang điều hành hoặc làm việc tại 123 trạm xá, bệnh viện, 13 trại phong, trung tâm tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 169 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, 80 trung tâm di dân, lưu xá cho sinh viên học sinh và nhà mở cho các bà mẹ đơn hành. Sự tham gia về mặt xã hội như thế là tương đối ít so với nhu cầu xã hội.
Ở Việt Nam, nhu cầu về công tác từ thiện xã hội rất cao, nhưng nhiều tín hữu Công giáo dường như chỉ nghĩ đến việc đóng góp, giúp đỡ chút ít về vật chất, mà không hiểu được rằng công tác xã hội bao gồm việc thăng tiến con người toàn diện và phát triển cộng đồng nên họ cần được đào tạo kỹ lưỡng để biết tổ chức các hoạt động này cho hiệu quả hơn.
Nhiều ủy ban đã được Hội Đồng Giám Mục thiết lập để lo các công tác bác ái xã hội như UBBAXH (2000), Ủy ban Gia đình, Ủy ban Thanh niên, Ủy ban Di dân (2005), Ủy ban Truyền thông Xã hội (2006) với nhiều hoạt động cụ thể và tích cực. Đặc biệt, Giáo Hội Việt Nam vừa được Nhà Nước cho phép tái lập Caritas Việt Nam (7-2008) và mở rộng hoạt động bác ái xã hội đến từng giáo phận, giáo xứ.
Rất nhiều những tổ chức tự nguyện của các dòng tu cũng như các cá nhân trong nước cũng như kiều bào Công giáo nước ngoài đã có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, các nạn nhân thiên tai trong thời kỳ này.
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG LƯU TÂM
– Muốn thay đổi và phát triển xã hội Việt Nam, chúng ta phải quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng con người Việt Nam hiện đại để thấy rõ những mặt mạnh và yếu.
– Theo báo cáo của Chương trình Phát triển LHQ, năm 2006, Chỉ số phát triển con người (HDI: Human Development Index): Việt Nam xếp hạng 109/177. Đây là chỉ số tổng hợp gồm 3 thành phần: tuổi thọ, mức độ phổ cập giáo dục và thu nhập bình quân đầu người.
– Xét về Tổng Sản lượng Nội địa (GDP: Gross Domestic Product): Việt Nam xếp hạng 122/177 nước.
– Chỉ số Nghèo đói (HPI: Human Poverty Index): Việt Nam cũng đang ở mức 45/90 nước đang phát triển.
– Chỉ số Ghi nhận Tham nhũng (CPI: Corruption Perceptions Index): Việt Nam xếp thứ 121/180 nước.
– Cả nước còn tới 11.058 hộ không có nhà ở; gần 23% số hộ ở nhà tạm, đơn sơ; 22% số hộ chưa được dùng điện; mới chỉ có 12,7% số hộ được dùng nước máy; 16,5% số hộ ở nông thôn có phương tiện sản xuất.
– Dân số Việt Nam dưới 35 tuổi là 63,42%, tính theo cơ cấu dân số năm 2006. Tính đến thời điểm 30.9.2007, cả nước có 15.686.200 học sinh đang theo học 3 cấp phổ thông. Tỷ lệ học sinh giảm dần qua mỗi lớp hay cấp: từ 6.860.300 học sinh học cấp I, đến cấp II còn 5.803.300 học sinh (84,6%), đến cấp II chỉ còn 3.021.600 học sinh (tức 44%). Số học sinh bỏ học tương đối cao do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh: khó khăn về kinh tế gia đình, học phí cao, phải lao động sớm, thiếu trường lớp, thiếu giáo viên tận tâm, nhất là thiếu chương trình nhất quán.
CHỌN MỘT HƯỚNG ĐI TỚI
UBBAXH – Caritas Việt Nam hết sức quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Việt Nam và quyết tâm liên kết với mọi thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển cộng đồng dân tộc.
UBBAXH – Caritas Việt Nam không chủ trương xây dựng nhiều cơ sở bác ái để giải quyết các vấn đề xã hội nhưng cổ vũ linh đạo bác ái (x. Nội quy, Điều 1) như là nền tảng để giải quyết các vấn đề này. UBBAXH – Caritas Việt Nam tin cậy vào nội lực của đồng bào Việt Nam.
ooOoo
Hôm 17.10.2008, nhân Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo LHQ, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ đã nói: “Đói túng lấy đi phẩm giá của người nghèo…” Ông nhấn mạnh rằng thực hiện các cam kết trong Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ không phải là vấn đề nhân đạo mà là một bổn phận trong tiến trình gặt hái nhân quyền cho toàn thể nhân loại.
Với “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” mà cộng đồng thế giới đã đưa ra, chúng tôi mong rằng người Việt hải ngoại sẽ tích cực hơn trong việc góp phần “giải phóng con người” ở trong nước.
Lữ Giang
Views: 0