Giuse là vị thánh cao cả nối kết giữa Cựu và Tân Ước. Vai trò làm cha, làm chồng của ngài trong nhà Nazareth đã được Thánh Kinh diễn tả tuy ít, nhưng cũng đầy đủ để ta hình dung ra con người và cuộc sống của ngài. Nhưng trong gia đình đối với cha mẹ và anh chị em thì sao? Con người ngày nay với quan niệm và lối sống “cá nhân chủ nghĩa”, hơn bao giờ hết cần tìm hiểu và bắt chước gương sống của ngài. Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể khám ra từ ngài đều tiềm ẩn trong lời Thánh Kinh đã ca tụng ngài: “Giuse chồng bà là người công chính.” (Mt 1:19) Nhưng để tìm hiểu được sự công chính của ngài hầu nối kết với những nhân đức cần thiết trong bối cảnh gia đình hiện nay, thì cần phải căn cứ vào tổ phụ của ngài xưa kia cũng có tên là Giuse.
Qua sự trình bày của Cựu Ước, cuộc đời của Tổ Phụ Giuse đã trải qua nhiều khúc quanh và giai đoạn rất éo le. Tuổi thơ được cha cưng chiều nhưng lại bị các anh ghen ghét. Bị bán qua Ai cập làm nô lệ nhưng sau đó lại trở thành Tể Tướng của nước này. Từ một tù nhân trở thành người cứu khốn nhiều người, trong đó có cả cha ruột và dòng dõi của mình, bao gồm các anh đã ghét bỏ và âm mưu hại mình trước đây. Nhưng có lẽ hai giai đoạn được kể như hai mốc điểm nổi bật nhất trong cuộc đời của ngài mà từ đó giúp chúng ta có thể khám phá ra con người, khám phá ra tấm lòng của ngài như thế nào đối với cha mình cũng như các anh em và con cháu trong dòng tộc. Câu truyện bắt đầu ở lúc ngài bị bán qua Ai Cập và lúc ngài gặp lại anh em mình, những người trước đó đã vì ghen ghét mà bán ngài.
Thánh Kinh thuật lại, thoạt đầu các anh ngài định giết chết ngài vì quá ghen tỵ, nhưng do còn chút tình máu mủ, Reuben người anh đã muốn cứu ngài bằng giải pháp khuyên các anh em khác bỏ ngài xuống chiếc giếng cạn: “Dừng giết hắn. Tại sao chúng ta lại phải đổ máu người khác. Hãy ném hắn xuống chiếc giếng cạn” (Sáng Thế 37: 21, 22). Cuối cùng qua lời bàn của Giuđa, các anh em đã bán ngài cho khách thương. (26-28).
Cuộc đời của Tổ Phụ Giuse từ ngày được bán qua Ai Cập là bắt đầu một hành trình phiêu lưu mới. Làm nô lệ cho viên chỉ huy thị vệ, nhưng nhờ đẹp trai bị vợ của ông vu khống ngoại tình nên phải ngồi tù. Nhưng Chúa đã giải thoát, vì từ trong tù ngài lại được đưa ra để giải mộng cho Pharaon. Từ đó, ngài trở nên vinh quang, được vua đặt làm tể tướng, đổi tên và gả Asenath con gái tư tế thành On cho ngài (41:40, 45). Lúc ngài mới tròn 30 tuổi.
Nhưng phần chính của câu truyện ở chỗ Tổ Phụ Giuse gặp lại anh em mình ở Ai Cập khi họ qua đó mua lúa vì nạn đói hoành hành không chỉ ở Ai Cập, mà còn ở Canaan, quê hưởng của Tổ Phụ Giacóp. Một cuộc gặp gỡ mà chính ngài cũng như các anh em ngài đều ngỡ ngàng, bồi hồi, xúc động. Kinh Thánh kể:
“Ông Giuse nói với anh em: “Tôi là Giuse đây! Cha tôi còn sống không?” Nhưng anh em không thể trả lời: thấy mình đối diện với ông, họ bàng hoàng. Ông Giuse nói với anh em: “Hãy lại gần tôi.” Họ lại gần. Ông nói: “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai Cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn năm năm nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pharaon, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Aicập. (45:3-8)
Giuse trong Tân Ước, Bạn Đồng Trinh của Đức Maria, cha đồng trinh của Chúa Giêsu tuy không được nhắc đến nhiều, nhưng chỉ duy một câu nói của Thánh sử ghi lại về ngài: “Giuse chồng bà là người công chính” (Mt 1:19), đủ diễn tả trọn vẹn mọi nhân đức mà Tổ Phụ Giuse xưa trong Cựu Ước đã có và đã đối xử với anh em của mình: Quảng đại, Khiêm nhu, Hiền từ, và thương xót. Những đức tính mà con người ngày nay dường như thấy thiếu vắng trong đời sống thường ngày không những chỉ đối với nhau, mà ngay cả giữa cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh chị em với nhau trong cùng một gia đình. Những câu chuyện cha giết con, vợ giết chồng, anh chị em thanh toán nhau vì miếng cơm, manh áo, vì đồng tiền, bát gạo như những vết nứt trầm trọng phá đổ giá trị và đời sống gia đình.
Quảng đại: Trong khi các anh vì ghen tỵ, hẹp hòi mà tìm cách giết hại và bán mình, thì ngài lại quảng đại tha thứ và rộng lượng với hết mọi anh em. Từng tưởng rằng Tổ Phụ Giuse đã quên đi cái đau vì bị anh em đối xử bất công và tàn ác. Nhưng ngài đã nhắc nhớ lại một cách rất rõ ràng vết đau ấy: “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai Cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây.” (45:4-5). Quảng đại là ở chỗ đó, không hề mảy may hờn giận, oán trách hay tìm cách trả thù. Ngược lại, ngài đã bào chữa cho hành động gian ác của các anh mình.
Khiêm nhu: Trong khi thấy anh em mình thất thế mà mình có cơ hội trả thù, nhưng ngài đã chỉ nhìn nhận hồng ân đến từ tay Thiên Chúa, coi đó như một quan phòng của Thiên Chúa để mình tỏ lòng từ bi thương xót của Ngài đối với dân Ai Cập, đối với gia đình, và đối với nhiều người trong dân Israen thời bấy giờ. Ngài đã không sợ mất lòng khiêm nhường khi xưng nhận những ơn Thiên Chúa ban cho mình: “Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pharaon, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Aicập.” (45:8) Sự khiêm nhường sau này được nhìn thấy một cách cao cả hơn khi Đức Maria đến thăm chị họ Isave trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa: “Chúa đã làm cho tôi những sự trọng đại. Danh Ngài là thánh. Từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Luca 1:48-49)
Xót thương: “Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây” (45:5). Thái độ xót thương của Tổ Phụ Giuse ở đây là đem cái buồn phiền, lo lắng của mình để hiểu và chia sẻ nỗi buồn phiền, lo lắng của người khác. Trong trường hợp này chính là những người anh mình đã có lỗi với mình, đang sợ hãi, và lo lắng trong lòng vì không biết điều gì sẽ xẩy ra nếu như Giuse đối xử với họ như chính họ đã đối xử với ông.
Câu truyện về Tổ Phụ Giuse và Thánh Giuse Gia Trưởng của Gia Đình Thánh Gia sẽ khép lại qua câu nói của Tổ Phụ Giacóp. Khi ngài nghe tin Giuse vẫn còn sống, cũng như những gì các con ông thuật lại, Giacóp chỉ nói một câu rất giản dị, nhưng cũng rất đáng cho những ai làm cha mẹ phải suy nghĩ: “Ông Ítraen nói: “Thế là đủ! Giuse, con cha, vẫn còn sống! Cha sẽ đi để nhìn thấy nó trước khi chết!”(45:28). Tổ Phụ Giacóp không phản ảnh nỗi vui mừng và niềm tự hào vì con mình nay đã trở thành người có quyền cao danh trọng. Ngài cũng không vui mừng cho tuổi già của mình sẽ hưởng đầy dư phú quí, nhưng chỉ duy một điều là con mình vẫn còn sống. Dĩ nhiên là một cuộc sống có giá trị. Và nhìn thấy các con cháu thương yêu nhau.
Views: 0