Giây phút Giao thừa là giây phút “Tống cựu nghênh tân”. “Tống cựu nghênh tân” là bỏ đi cái cũ, để đón chào cái mới. Bỏ đi không chỉ là những đồ đạc cũ kỹ, lỗi thời để thay cái mới xinh tươi mà còn phải biết dọn chính mình sạch sẽ, tinh tươm, gác lại tất cả những âu lo, bực dọc. . . Có như vậy tâm hồn mới thanh thỏa để đón nhận cái mới.
Tập tục “tống cựu nghênh tân” thường được chuẩn bị từ sau khi tiễn ông Táo về trời. Đó là lúc mọi người, mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và giành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.
Giao Thừa năm nay dân tộc Việt Nam chúng ta tiễn con Dê để đón con Khỉ đến. Con khỉ là một loài rất khôn ngoan, lại hay bắt chước người. Nhưng đáng tiếc khỉ vẫn là khỉ cho dù nó cố gắng bắt chước người nó vẫn không thể bỏ đi bản tính cố hữu của khỉ. Khỉ vẫn là khỉ.
Truyền thuyết kể rằng:
Sau khi chết, con khỉ nọ liền đi gặp Diêm vương để xin kiếp sau được làm người. Diêm vương nói như một mệnh lệnh:“Muốn làm người, ngươi phải nhổ hết lông trên thân thể của ngươi”.
Nói xong, Diêm vương kêu lũ quỷ đè khỉ ra mà nhổ lông. Mới bị nhổ một sợi lông, con khỉ la lên: “Đau chết đi được!”. Nghe vậy, Diêm vương cười to và nói: “Một sợi lông mày cũng không muốn nhổ, làm sao làm người được chứ?”.
Hóa ra làm người không dễ. Muốn sống cho nên người thì cũng phải nhổ đi rất nhiều thứ lông lá bám trên con người. Những lông lá đó là những thói hư tật xấu, những đam mê thấp hèn để mình hoàn thiện tính người hơn. Con người có đời sống sinh vật theo bản năng nhưng con người còn có sự sống thần linh. Thế nên, con người chỉ là người khi biết tự chủ bản năng để sống theo bậc sống của mình. Con người chỉ là người khi biết đi vào con đường hẹp, con đường của hy sinh, của từ bỏ đề sống thanh thoát với ràng buộc của bản năng, của đam mê tật xấu.
Tống cựu, nghinh tân còn được hiểu là bỏ cái cũ nếu nó xấu, đón cái mới nếu nó đẹp. Đây cũng là quy luật của vạn vật. Mọi sự đều đổi thay. Có những cái hôm qua đẹp ngày hôm nay lại lỗi thời. Có những cái hôm qua cần nhưng hôm nay lại bỏ đi. Đổi thay dường như là một quy luật của dòng đời. Vì:
Đổi thay ai trách được dòng đời
Tựa gió vô tình thổi khắp nơi
Nguyện ước hôm nào chưa xóa sạch
Dấu yêu ngày cũ đã xa rời
Thời gian cứ vần xoay mà con người cứ bám vào những hỷ nộ ái ố là tự đầy đọa mình trong khổ đau.
Hững hờ Hạ tới nhìn trăng lặn
Ngơ ngẩn Đông về ngó tuyết rơi
Tham áo vương vào vòng khổ lụy
Người xưa vốn nói chẳng sai lời.
Cuộc sống luôn đổi thay. Đông qua Hạ tới là lẽ thường của vạn vật. Đừng quá tham lam bám vào những cái mau qua mà vương vòng khổ lụy. Hãy nhìn xem vạn vật đều thay đổi bằng việc bỏ cũ lấy mới để phát triển và đẹp xinh hơn. Con người cũng cần đổi thay, cần nhổ đi những lông lá của tham sân si để mình thêm đẹp xinh hơn. Đừng sống cố chấp mà bỡ lỡ biết bao niềm vui trôi qua.
Hôm nay chúng ta đang sống trong giây phút giao thừa, giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giây phút tống bỏ đi những điều không tốt để đón điều tốt đẹp đến với chúng ta. Giây phút này chúng ta hãy can đảm bỏ đi những đố kỵ, giận hờn, ghen ghét. Hãy làm mới tình người qua tinh thần hòa giải yêu thương. Giây phút này không ai muốn ưu phiền, càng không muốn những điều bực dọc đến với mình. Hãy gác lại những bất đồng ý kiến, những thành kiến cố chấp để cùng nhau đón một mùa xuân yêu thương và hạnh phúc.
Nhưng điều mà Chúa muốn chúng ta phải thay mới đổi cũ mỗi ngày đó chính là “hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Vạn vật vào xuân để thay đổi thì con người muốn thăng tiến cũng phải thay đổi để hoàn thiện hơn.
Xin Chúa giúp chúng ta tống bỏ đi những điều xấu để mặc lấy con người mới. Con người đầy ân sủng của Chúa sẽ mang về cho nhân gian niềm vui và hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho đêm giao thừa chúng ta tràn ngập tiếng cười vui và muôn lời cầu chúc tốt đẹp dành cho nhau. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Views: 0