"Hãy ở lại trong hy vọng"
Bức khăn in hình Chúa Giêsu tại Manoppello, Ý
Giáo Hội nhìn nhận một sự lành bệnh lạ thường tại Lộ Ðức
Phim “Những thần linh và những con người"
"Hãy ở lại trong hy vọng"
Ngày 24.3.2011 là ngày ăn chay cầu nguyện cho các thừa sai Kitô bị sát hại đó đây trên toàn thế giới, với đề tài "Hãy ở lại trong hy vọng". Ðây là ngày Mẹ Giáo Hội tưởng niệm các người con yêu của mình đã bị giết trong năm 2010: các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng yêu thương cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Ðây cũng là ngày kỷ niệm 31 năm Ðức Cha Arnulfo Romero, TGM San Salvador bị ám sát trong khi dâng thánh lễ tại một nhà thương vùng ngoại ô thủ đô San Salvador ngày 24.3.1980.
Ðể vinh danh vị mục tử đã chết vì bênh vực công lý, sự thật và các quyền của dân nghèo này Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố 24-3 là "Ngày quốc tế cho quyền sự thật": quyền sống sự thật, tôn trọng sự thật, bênh vực, bảo vệ và nói lên sự thật, chống lại mọi dối trá, lèo lái, bóp méo, xuyên tạc, vu khống, ém nhẹm, ức hiếp sự thật, hay hèn nhát sợ hãi không dám nói lên sự thật. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng đã đến viếng mộ Ðức TGM Romero, khi kết thúc chuyến viếng thăm của ông tại El Salvador.
Gia tài mà Ðức TGM Mục Arnulfo Romero đã để lại cho mọi người, nhất là cho dân nước El Salvador, đó là gia tài của một người hiền hậu, tốt lành, yêu thương tha nhân, kiếm tìm công lý và hòa bình. Ðó là gia tài của một vị mục tử không sống cho chính mình, nhưng sống cho người khác và vì người khác, đặc biệt cho các người nghèo nàn túng thiếu, bị bỏ rơi khinh miệt và lãng quên nhất giữa lòng xã hội.
Nhân "Ngày quốc tế cho quyền sự thật", ước chi máu của Ðức Cha Romeo đã đổ ra cách đây 31 năm, cũng như máu của hàng trăm nhân viên của Giáo Hội bị sát hại trong năm 2010 vừa qua, tưới gội cho các cánh đồng truyền giáo năm châu thêm mầu mỡ, để hạt giống Tin Mừng yêu thương, tha thứ, công lý, hòa bình và hòa giải của Chúa Giêsu Kitô lớn mạnh và trổ bông nặng chĩu lúa vàng tại khắp nơi trên thế giới.
Bức khăn in hình Chúa Giêsu tại Manoppello, Ý
Tấm khăn in hình Chúa Giêsu hiện đang được trưng bày tại Manoppello, Ý, là một trong những bức hình thu hút khách hành hương nhiều nhất.
Bức khăn này được làm bằng một thứ vải đặc biệt. Ðây là một loại vải trên đó người ta không thể xử dụng bất cứ loại sơn nào để vẽ. Bức khăn cho thấy một gương mặt rất đẹp của Chúa Giêsu, nhưng không có bất cứ vết sơn mầu hay vết máu nào.
Trong Tin Mừng, khi tường thuật về ngôi mộ trống, thánh Gioan có nói đến một "tấm khen che đầu", không để lẫn với tấm khăn liệm. Bức khăn che đầu này đã được cộng đồng tín hữu tiên khởi giữ kín vì luật thanh tẩy của người Do Thái cấm không được vướng vào bất cứ điều gì có liên quan đến mộ người chết.
Theo sử gia Badde, bức chân dung được vẽ bằng ánh sáng do đó không ngừng thay đổi theo từng gốc cạnh, ánh sáng, mùa hay mỗi giờ trong ngày. Ðây không là gương mặt duy nhứt của Chúa Giêsu. Ðiều này có nghĩa là Chúa Kitô Phục Sinh có vô số gương mặt.
Bà Veronica mà truyền thuyết nhắc đến như người phụ nữ đã lau mặt Chúa Giêsu khi Ngài vác thập giá lên Núi sọ, thật ra không được các Sách Tin Mừng nói đến. Chỉ vào đầu thời Trung cổ, tức khoảng thế kỷ 12, tên tuổi của bà Veronica mới được nhắc đến lần đầu tiên trong các truyện thánh và truyền thuyết.
Sử gia Paul Badde nói rằng tấm khăn Manoppello minh họa rất nhiều cho những điều ÐTC Benedictô XVI đã viết trong hai tập sách "Ðức Giêsu Nazareth". Một trong những chuyến tông du đầu tiên của ÐTC sau khi được bầu làm Giáo Hoàng là hành hương đến trung tâm Manopello để chiêm ngắm bức khăn này. ÐTC đã khuyến khích chiêm ngắm Thánh Nhan Chúa Giêsu để suy niệm về mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa.
Phim “Những thần linh và những con người"
Cuốn phim có tựa đề "Những thần linh và những con người" (“Des hommes et des dieux” hay “Of Gods and Men”) do nhà đạo diễn Pháp Xavier Beauvois thực hiện trong năm 2010, được đánh giá là một cuốn phim có nội dung tôn giáo hay nhứt trong 30 năm vừa qua. Cuốn phim thuật lại câu chuyện của 7 tu sĩ dòng Trappist tại Tibhirine, Algerie, bị những người Hồi Giáo cực đoan sát hại năm 1996.
Tuy không được thế giới biết và nói đến nhiều, nhưng thế kỷ 20 vừa qua là thế kỷ có nhiều tín hữu Kitô tử đạo hơn cả 19 thế kỷ trước cộng lại. Các tu sĩ Trappist tại Tibhirine là những người cuối cùng chết vì đức tin trong thế kỷ 20. Tất cả 7 vị đều là người Pháp đã đến sống trong một tu viện nằm trong dãy núi Atlas của Algerie. Tất cả hầu như chỉ làm việc giữa những người Hồi Giáo sống trong những thành phố và ngôi làng nhỏ bên cạnh tu viện. Một trong 7 vị là một bác sĩ chuyên chăm sóc y tế cho hàng trăm người nghèo xung quanh.
Thảm kịch của cuốn phim xoay quanh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Hồi Giáo cực đoan xung quanh tu viện. Các tu sĩ vốn đã nghe biết những lời đe dọa cũng như chứng kiến các vụ giết người. Bạo động còn diễn ra gần bên tu viện khi một nhóm người Croatia bị cắt cổ bên ngoài làng. Thế rồi, trong Ðêm Giáng Sinh năm 1996, một nhóm người có vũ trang đã đột nhập vào tu viện và yêu cầu cho gặp vị tu viện trưởng. Ngạc nhiên trước thái độ can đảm của ngài, những kẻ vũ trang đành rút lui. Nhưng các tu sĩ Trappist Tibhirine biết rằng những thành phần cực đoan sẽ trở lại.
Giữa đêm khuya, họ đã đến lôi các tu sĩ ra khỏi giường và nhét vào một chiếc xe tải. Sau đó, họ chở các vị vào trong sa mạc và một buổi sáng đầy tuyết, họ buộc các vị phải đi bộ vào trong một khu rừng. Ðây là cảnh cuối cùng trong cuốn phim. Tuy không được ghi lại trong cuốn phim, các tu sĩ Trappist Tibhirine đã bị hạ sát và sau đó, người ta đã tìm thấy những thi thể không đầu của các vị.
Giáo Hội nhìn nhận một sự lành bệnh lạ thường tại Lộ Ðức
Hôm Chúa nhựt 27.3.2011, Giáo Hội đã nhìn nhận sự lành bệnh không thể giải thích được của một bệnh nhân đến cầu nguyện tại Lộ Ðức.
Ðược biết người được chữa lành là ông Serge Francois, mắc chứng thoát tràng [hernia] từ nhiều năm và được giải phẩu hai lần, khiến cho chân trái gần như hoàn toàn tê liệt. Ngày 12.4.2002, ông đến hang đá Massabielle tại Lộ Ðức để cầu nguyện. Ôâng đã bị một cơn đau khủng khiếp khiến ông tưởng như sắp chết. Nhưng chỉ vài phút sau đó, cơn đau đã nhường chỗ cho một cảm giác khỏe khoắn và nồng ấm. Chân trái ông hết đau và từ từ cử động được.
Ngày 1.12.2008, sau nhiều năm nghiên cứu hồ sơ, Ủy ban Y khoa quốc tế Lộ Ðức, gồm khoảng 20 bác sĩ, đã nhìn nhận rằng việc khỏi bệnh của ông Francois là điều không thể giải thích được về mặt y khoa. Hôm Chúa nhựt 27.3.2011, Ðức cha Emmanuel Delmas đã nhân danh Giáo Hội, tuyên bố rằng ông đã được chữa lành một cách lạ lùng. Việc lành bệnh này có thể được xem như một ơn đặc biệt Chúa ban cho ông.
Views: 0