Tổng hợp tin tức và sinh họat Giáo Hội trong tuần qua:
Phán quyết về việc treo Thánh giá ở Âu Châu
Ngày 21.3.2011, Ủy Ban các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu đã chào mừng phán quyết của Tòa thượng thẩm nhân quyền Âu Châu về việc treo Thánh giá.
Năm 2009, 7 vị thẩm phán của tòa án nhân quyền Âu Châu đã đồng thanh đưa ra phán quyết tuyên bố nước Ý đã vi phạm Qui ước nhân quyền Âu Châu trong điều khoản nói về tự do giáo dục và ra lệnh cho nước này phải tháo gỡ Thánh giá khỏi các trường công lập. Hôm 18.3.2011, Tòa thượng thẩm nhân quyền Âu Châu đã đảo ngược lại phán quyết này, cho phép nước Ý cũng như các nước trong Liên Hiệp Âu Châu được trưng bày Thánh giá và các biểu tượng tôn giáo trong các trường công lập và các nơi công cộng nói chung.
Trong một thông cáo, Ủy Ban các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu nói rằng với phán quyết này, Tòa thượng thẩm nhân quyền Âu Châu đã nhìn nhận "chỗ đứng chính đáng của Kitô giáo trong nơi công cộng cũng như sự khác biệt của những truyền thống văn hóa tại Âu Châu".
Các Ðức Giám Mục nhấn mạnh: “Thánh giá có thể được xem như một biểu tượng của bất bạo động và chống lại sự báo thù" và "việc trưng bày Thánh giá nơi công cộng nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải tôn trọng phẩm giá con người, vốn là nguyên tắc nền tảng của mọi nhân quyền".
ÐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, nói rằng đây là “một dấu hiệu nói lên sự đóng góp nền tảng của Kitô giáo cho nền văn hóa và văn minh Âu Châu”. Theo ngài, "nếu có ai đó không muốn nhìn nhận điều đó thì vẫn có một sự kiện khách quan là sự hiện diện của Kitô giáo là một yếu tố tuyệt đối có tính quyết định và có giá trị". ÐHY cho rằng trong bất cứ nền văn hóa nào, con người cũng đều tìm thấy những biểu tượng tôn giáo diễn tả bản sắc của họ và nếu đánh mất những biểu tượng ấy, họ sẽ có nguy cơ đánh mất chính bản sắc của mình.
Ðức Thánh Cha lo âu về tình hình Libya
Ngỏ lời với lối 50 ngàn tín hữu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 20.3.2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha nói: "Trong những ngày qua, những tin tức đầy lo âu đến từ Libya đã gợi lên trong tôi sự hồi hộp mạnh mẽ và lo sợ. Tôi đã biến điều đó thành kinh nguyện đặc biệt trong tuần Tĩnh Tâm. Giờ đây tôi rất kinh hoàng theo dõi các biến cố mới đây, tôi cầu nguyện cho những người bị liên lụy trong tình trạng bi thảm của đất nước ấy và tha thiết kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị và quân sự, hãy quan tâm trước tiên đến sự an toàn và an ninh của các công dân và bảo đảm cho việc cứu trợ nhân đạo được tiến hành. Tôi muốn cam kết với dân chúng về sự gần gũi xúc động của tôi, trong khi tôi cầu xin Chúa cho một chân trời hòa bình và hòa hợp được sớm nảy sinh tại Libya và toàn vùng Bắc Phi".
Tại thủ đô Tripoli của Libya, Ðức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Ðại diện tông tòa giáo phận địa phương, cho biết dân chúng trốn chạy khỏi thủ đô vì các cuộc dội bom. Ngài tái khẳng định lập trường chống lại các cuộc hành quân do các cường quốc Tây phương thực hiện và nói: "Chiến tranh không giải quyết gì cả. Tôi không biết cuộc xung đột mới này sẽ kết thúc ra sao, nó khơi dậy nơi người dân Lybie những ký ức đau buồn về quá khứ gần đây của họ".
“Những người anh hùng” tại Libya
Trong khi những người ngoại quốc làm việc tại Libya đã tìm cách thoát ra khỏi nước này, các nhân viên ý tế Phi luật tân đã quyết định ở lại phục vụ tại đất nước này. Theo bài “Libya ca ngợi nhân viên y tế Philippines” của giả Julian Labores đăng trên trang nhà của TGP Sài Gòn ngày 24.3.2011, một linh mục Phi luật tân cho biết người Libya gọi các nhân viên y tế Phi luật tân quyết định ở lại làm việc tại Libya trong lúc chiến sự diễn ra là “những người anh hùng”.
Linh mục Allan Arcebuche, phó xứ nhà thờ Công giáo San Francesco ở Tripoli, đã nói: “Quyết định ở lại phục vụ bệnh nhân của những y tá và nhân viên y tế Phi luật tân được nhiều người Libya kính trọng”. Theo ngài, người Libya ý thức được rằng nếu người Philippines bỏ đi, nhiều bệnh viện sẽ phải đóng cửa.
Linh mục Arcebuche không dự định rời khỏi Tripoli và cam đoan với các gia đình người Phi luật tân ở Libya rằng tình hình “vẫn còn có thể xoay xở được”.
Hàng trăm linh mục Mehico bị đe dọa giết chết
Một bản phúc trình của Trung tâm "Catolico Multimedial" có trụ sở tại Mehico cho biết trong năm 2010 có trên 1.000 linh mục nước này là nạn nhân của những vụ tống tiền và 162 vị khác bị đe dọa giết chết. Kể từ năm 2006 đến nay, đã có 12 linh mục Mehico bị giết chết.
Theo bản phúc trình được hãng thông tấn Fides của bộ truyền giáo trích dẫn, các băng đảng tội phạm tại Mehico yêu cầu các linh mục phải đóng tiền để được bảo vệ. Nhiều vị khác nhận được những lời đe dọa đốt phá các nhà thờ.
Theo bản phúc trình, sở dĩ hiện nay các linh mục Mehico bị bách hại và giết chết là vì các băng đảng tội phạm cho rằng sự hiện diện và tiếng nói của các linh mục là một trở ngại cho hoạt động tội ác của họ.
Ðan Viện Cát Minh Sàigòn kỷ niệm 150 năm thành lập
Chiều ngày 19.3.2011, lễ kính Thánh Cả Giuse, Ðan Viện Cát Minh Sàigòn – thường được gọi là Dòng Kín Sài Gòn – đã mừng kỷ niệm 150 năm hiện diện bằng Thánh lễ Tạ Ơn do ÐHY Phạm Minh Mẫn, TGM Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn chủ tế.
Ngày 9.10.1861, Mẹ Philomène de l’Immaculée cùng với 3 nữ tu khác là Marie Baptiste, Emmanuel và Saint Xavier của Dòng Kín Lisieux, Pháp, đã đáp tàu đến Việt Nam thành lập Dòng Kín Sài Gòn. Vào lúc đó tình hình cấm đạo tại Việt Nam vẫn chưa yên. Năm 1895 lập Dòng Kín Hà Nội. Năm 1909 lập Dòng Kín Huế. Năm 1929 lập Dòng Kín Thanh Hoá và năm 1954 Dòng Kín này được chuyển vào Nha Trang. Ngày 19.2.2011, 8 nữ tu Dòng Kín Nha Trang đã đến thành lập Dòng Kín tại tại TGP Mobile, Alabama, Hoa Kỳ.
Linh đạo của Dòng Cát Minh là cầu nguyện, nhiệt tâm tông đồ, sống ẩn dật, khổ chế, từ bỏ tất cả để trọn vẹn thuộc về Chúa. Họ làm việc kiếm sống như những người nghèo để tránh sự nhàn rỗi và giúp ích cho tha nhân.
Từ ngày thành lập Ðan Viện Sài Gòn đến nay đã có 11 nữ tu là Mẹ Bề Trên qua các thời kỳ. Từ năm 2010, Nữ tu Madeleine Thánh Linh (Madeleine Lê Thị Hiếu) là Mẹ Bề Trên. Cho đến nay đã có 58 nữ tu an nghỉ tại Ðất Thánh của Ðan Viện.
Dòng Kín có tên chính thức là Dòng Ðức Bà Núi Cát Minh (Order of Our Lady of Mount Carmel), thường được gọi là Order of Carmelites, được dịch là Dòng Cát Minh, do một thánh ẩn tu người Pháp tên là Berthold thành lập tại Palestine khoảng năm 1154.
Views: 0