Mỗi năm có đến 10 ngàn người trở lại đạo tại miền đông bắc Ấn Độ
Mặc dù gặp sự chống đối mãnh liệt của các lãnh tụ chính trị địa phương, Giáo Hội tại bang Arunachal Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ, đã luôn đón nhận nhiều tân tòng trong 3 thập niên vừa qua.
Năm 1978, việc các tín hữu Kitô gia nhập bang này vẫn còn bị xem là bất hợp pháp. Ngày nay, mỗi năm có đến 10 ngàn người xin gia nhập Giáo hội, khiến cho các tín hữu Kitô chiếm đến 40% dân số trong bang.
Đức cha George Palliparampil giải thích về tình trạng dân số trong bang như sau: "Có 26 bộ lạc chính được chia thành 120 tiểu bộ lạc và mỗi tiểu bộ lạc lại có thổ ngữ và văn hóa riêng của mình". Theo vị Giám mục này, sở dĩ người dân các bộ lạc này trở lại Công giáo, vì họ nhận thấy rằng trong Giáo Hội họ luôn tìm được một ai đó đồng hành với họ và yêu thương họ.
Hiện nay có khoảng 82% người Ấn Độ theo Ấn giáo (Hindu), Kitô giáo chỉ có 2,3%. Tại quốc gia này thường xuyên xẩy ra những cuộc xung đột đẩm máu giữa Ấn giáo và Kitô giáo. Nhưng tại bang Arunachal Pradesh Giáo Hội đang phát triển mạnh.
Đức Cha Nguyễn Tấn Tước, tân Giám Mục Phó Phú Cường
Ngày 14.3.2011, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Benedict XVI đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú Cường.
Đức Cha Nguyễn Tấn Tước 53 tuổi, cho đến nay là Giám đốc Trung tâm huấn luyện ứng sinh linh mục của Giáo Phận Phú Cường. Ngài sinh ngày 22.9.1958 tại Chánh Hiệp, Giáo Xứ Mỹ Hảo tỉnh Bình Dương, Giáo Phận Phú Cường. Sau khi theo học 7 năm tại Tiểu chủng viện Phú Cường (1971-1978) và 8 năm tại Đại chủng viện ở địa phương (1980-1988), Thầy Nguyễn Tấn Tước thụ phong Linh Mục ngày 4.4.1991 và nhập tịch Giáo Phận Phú Cường. Sau đó cha làm Phó xứ rồi Cha sở Giáo xứ Tha La (1991-2000) trong 9 năm cho đến khi được cử đi du học tại Paris trong 6 năm (2000-2006) và đậu cử nhân giáo luật với một bằng chuyên môn về thần học Kinh Thánh và hệ thống.
Sau khi về nước, từ năm 2006, cha Nguyễn Tấn Tước làm Giám đốc trung tân huấn luyện các ứng sinh linh mục, đồng thời phụ trách ơn gọi trong giáo phận.
Giáo Phận Phú Cường được thành lập ngày 14.10.1965, tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn, với diện tích 9.543 km2, 125.274 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2.580.000 dân cư, tương đương với 4.85%. Giáo phận có 78 giáo xứ với 140 linh mục, trong số này có 102 Linh Mục giáo phận, 38 Linh Mục dòng, 405 nữ tu và 34 đại chủng sinh. Đức Cha Nguyễn Tấn Tước sẽ phụ giúp Đức Cha Trần Đình Tứ năm nay 74 tuổi và sẽ kế nhiệm ngài trong tương lai.
Các nữ tu lao động nặng nhọc để nuôi người nghèo
Một dòng tu nữ lao động cực nhọc trên các công trường xây dựng, đồng ruộng và cả dưới biển để có của cải nuôi nhau và giúp đỡ người khác, đó là Tu hội Thừa Sai Bác Ái Vinh. Nữ tu Marie Nguyễn Thị Mai, bề trên tu hội có trụ sở tại giáo xứ Quy Chính ở tỉnh Nghệ An, cho hãng thông tấn UCANews biết: “Phương châm của hội dòng chúng tôi là sống và lao động chân tay giữa những người lao động nghèo để mưu sinh và hỗ trợ người nghèo”.
Nữ tu Mai, 45 tuổi, nói rằng ở miền núi chị em sống bằng nghề đốn củi, miền biển thì lặn vớt sỏi, vùng quê làm ruộng, trồng mía và củ mì, ở thành phố thì làm thợ hồ và trộn đổ bê tông cho các công trình. Nữ tu cho biết qua lao động mà tu hội có tiền nuôi ăn ở và cho học hành hơn 1.600 người không phân biệt tôn giáo gồm khuyết tật, bệnh tật, già nua, mồ côi, không nơi nương tựa.
Các nữ tu đã chăm sóc 32 trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bại não và tâm thần do cha mẹ chúng bỏ trước cửa nhà dòng, tại các bãi rác, chợ hoặc tự ý các bà mẹ lỡ lầm và bệnh nhân HIV tìm đến để cho các nữ tu. Tu hội cũng nuôi 52 ông bà cụ tuổi từ 60-100 không nơi nương tựa tại nhà của dòng. Các nữ tu tìm kiếm các cụ trong huyện Yên Thành để mang về nuôi. Các chị giúp họ từ tắm rữa đến lo ăn uống và thay áo quần và khi họ qua đời, các chị lo mai táng. Các chị còn nuôi chị em lầm lỡ và chăm sóc người phung cùi.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Huyền, 30 tuổi, đặc trách cộng đoàn ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ, An cho biết mỗi sáng chị Huyền cùng 20 nữ tu khác đi bộ hơn năm cây số vào khu rừng 10.000 mét vuông mà các chị đã trồng cây bạch đàn và keo từ năm 1990 để đốn củi và gánh về bán. Các chị đốn củi từ năm 2000. Nhánh cây các chị làm củi còn thân cây các chị bán cho các công ty làm giấy.
Theo Nữ tu Huyền, mỗi ngày họ làm được từ 40-50 gánh củi, mỗi gánh bán được 20.000 đồng. Chị nói: “Qua lao động, chị em chúng tôi thể hiện sự cảm thông với người lao động nghèo”.
Nữ tu Têrêsa Mai Thị Hồng Châu, 34 tuổi, cho biết ngày nào 14 chị tại cộng đoàn ở xã Kỳ Lợi cũng thay phiên nhau lặn tìm sỏi dưới biển. Họ phải bơi xa bờ chừng 10 mét, lặn sâu xuống biển hai mét và dùng rá tre để hốt sỏi, xong lại đem vào bờ và một nữ tu ngồi trên bờ để phân loại sỏi. Họ lấy sỏi đen, trắng, đỏ và tím để cân cho hợp tác xã sản xuất ghế đá và gạch hoa. Mỗi tạ sỏi có giá 50 ngàn đồng và mỗi ngày lấy được từ 4 – 6 tạ sỏi.
Chị Hồng Châu thổ lộ: “Chúng tôi luôn bị trầy lỡ các kẻ chân, lạnh tím cả mặt mày và tay chân nhưng chúng tôi vui vì làm việc nuôi chính mình và tha nhân”.
Tu hội Thừa Sai Bác Ái Vinh được thành lập năm 1980 do linh mục Giuse Nguyễn Đăng Điền. Tu hội có 600 nữ tu và đệ tử trong 40 cộng đoàn tại Hà Nội, thành phố Sài Gòn và bảy tỉnh trên cả nước.
Vì bị đe dọa nhiều tín hữu Kitô Pakistan cải đạo sang Hồi giáo
Ông Peter Jacob, giám đốc điều hành của văn phòng Công Lý Và Hòa Bình toàn quốc tại Pakistan nói rằng ông không ngạc nhiên về việc một số tín hữu Kitô Pakistan trở lại Hồi giáo.
Ông nói: "Các tôn giáo thiểu số tại Pakistan đang trải qua những ngày đen tối và nguy hiểm. Dân chúng không còn tin tưởng nơi cảnh sát và hệ thống tư pháp và chưa bao giờ họ lo sợ như ngày nay".
Ông Joseph Francis, giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý và định cư, tin rằng tất cả mọi cuộc cải đạo sang Hồi giáo tại Pakistan đều bị cưỡng bách.
Các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Pakistan cũng nói rằng an ninh là lý do chính khiến các tín đồ các tôn giáo thiểu số cải đạo sang Hồi giáo.
Sống mùa chay tại Á châu
Các Giáo hội tại Á châu kêu gọi giáo dân hướng đến một số mục tiêu trong mùa chay:
Tại Phi Luật Tân, quốc gia có đông tín hữu Công giáo nhứt tại Á châu, ĐHY Gaudencio Rosales, TGM Manila, kêu gọi người Công giáo hãy nhớ đến các trẻ em thiếu dinh dưỡng và dùng tiền tiết kiệm được từ việc ăn chay để đóng góp cho các chương trình cứu đói của Giáo hội.
"Hãy yêu thương và mang lại cho họ niềm Hy vọng" là chủ đề của chiến dịch Mùa Chay năm nay tại Hong Kong. Tại đây, Giáo hội đang gây ý thức về hy sinh và phục vụ nơi giới trẻ. Học sinh các trường Công giáo được khuyến khích dùng các bữa ăn không có thịt cá, không uống nước ngọt, không xem truyền hình, không chơi "games" và không xử dụng bao bị plastic.
Tại Indonesia, TGP Jakarta mở chiến dịch với chủ đề "hãy cùng nhau chiến đấu chống lại nghèo đói".
Giáo hội tại Miến Điện chú trọng đến việc phát triển toàn diện. Sứ điệp mùa chay năm 2011 của Giáo hội tại nước này là "Phát triển toàn diện trong bác ái và sự thật". Các nhân viên của Caritas Miến giúp huấn luyện các giảng viên giáo lý, linh mục và nữ tu để giúp đỡ trong các dự án đẩy mạnh sự phát triển toàn diện.
Tại Nam Hàn, Caritas phân phát các heo đất cho mỗi gia đình Công giáo, thúc đẩy họ bỏ ống để giúp đỡ người nghèo.
Tại Pakistan, Caritas cũng cho phân phát các bì thư đến các giáo xứ để kêu gọi giúp đỡ người nghèo.
Tại Bangladesh, Giáo hội cho mở chiến dịch với chủ đề "hòa bình bắt đầu từ trong gia đình". Ngoài ra, chiến dịch do Caritas phát động cũng kêu gọi dành một ngày lương để giúp đỡ người nghèo.
Với chủ đề "Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta", HĐGM Sri Lanka mở chiến dịch quyên góp để giúp đỡ những người tỵ nạn, vô gia cư, các góa phụ và trẻ em mồ côi.
Nói chung, các Giáo hội tại Á châu muốn thực thi sứ điệp Mùa Chay năm 2011 của ĐTC bằng cách chú trọng đến ba thực hành truyền thống của mùa chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí, tức làm việc bác ái.
Các nữ tu nuôi dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng
Nữ tu Anna Nguyễn Thị Khoe thuộc Tu hội Nữ tỳ Chúa Thánh Thần, 57 tuổi, phụ trách cộng đoàn ở xã Tà Nung, ngoại ô thành phố Đà Lạt, đã cho hãng thông tấn UCANews biết các chị bắt đầu nuôi dưỡng trẻ suy dinh dưỡng cách đây 14 năm. Lúc đầu các chị phải vào tận nhà đón các em vào ban sáng và chiều chở các em về vì cha mẹ các em bận làm việc ngoài đồng.
Nữ tu Khoe nói rằng các trẻ em được vui chơi, uống sữa và ăn cơm nước đầy đủ miễn phí. Mỗi em có chi phí 15.000 đồng mỗi ngày. Sơ Khoe cho biết theo phong tục của người K’Ho, khi mẹ mất, người cha về nhà cha mẹ ruột sinh sống và không có trách nhiệm phải nuôi con. Con cái có thể được ông bà ngoại cưu mang hoặc sống bơ vơ.
Hiện 26 nữ tu của hội đang giúp đỡ 25 trẻ em dân tộc mồ côi khác có chốn nương thân và ăn học tại tu viện. Các em sẽ được nuôi dưỡng tại tu viện cho đến khi học xong trung học. Các nữ tu còn chăm sóc người già neo đơn, dạy giáo lý và giúp giáo xứ. Sơ nói: “Chúng tôi làm việc với người thiểu số như là cách mang tình yêu Thiên Chúa đến cho những người nghèo nhất”.
Tu hội Nữ tỳ Chúa Thánh Thần được thành lập năm 1990 do cố linh mục Anrê Nguyễn Văn Thành, và được ĐGM Nguyễn Văn Nhơn phê chuẩn vào năm 2004. Để sinh sống và nuôi dưỡng các em, các nữ tu đang canh tác một mẫu cà phê.
Các tín hữu Kitô tại Ai cập biểu tình đòi chính phủ làm lại nhà thờ
Sang ngày 5.3.2011, một nhóm người Hồi giáo đã nổi lửa đốt phá nhà thờ hai thánh Minas và George của các tín hữu Kitô tại làng Soul ở phía nam thủ đô Cairo, nơi vừa xẩy ra cuộc “cách mạng hoa lài”. Các cuộc đụng độ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo cũng đã làm cho 2 tín hữu Kitô bị thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương.
Trong những ngày này, hàng ngàn tín hữu Kitô tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Cairo đã xuống đường yêu cầu chính phủ phải xây dựng lại ngôi thánh đường nói trên.
Theo ghi nhận của hãng thông tấn Asianews, nhiều người Hồi giáo, đặc biệt là những người phụ nữ, cũng tham gia cuộc biểu tình để đòi hỏi chính phủ phải cho xây lại ngôi nhà thờ. Tuy nhiên, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan hiện vẫn còn là một mối đe dọa lớn cho Ai cập. Những nhóm hồi giáo cực đoan như tổ chức như "Huynh Đệ Hồi Giáo" chẳng hạn, đang lợi dụng tình thế hổn loạn để đòi áp đặt luật Hồi giáo Sharia lên toàn xã hội Ai Cập.
Một nữ tu viện tại Tây Ban Nha bị mất trộm khoảng 2 triệu mỹ kim
Cảnh sát Tây Ban Nha đang mở cuộc điều tra về một vụ trộm xảy ra trong một tu viện: kẻ trộm đã đánh cắp khoảng 2 triệu mỹ kim tiền mặt được các nữ tu cất giữ trong các bao nhựa. Một phát ngôn viên của cảnh sát tại Zaragoza, bắc Tây Ban Nha, cho biết: hôm 28.2.2011, các nữ tu đã báo cho cảnh sát biết rằng nhiều cánh cửa của tu viện đã bị đập vỡ và một số tiền lớn đã bị đánh mất.
Đây là số tiền mà các nữ tu đã dành dụm được từ nhiều năm qua. Một trong các nữ tu là một họa sĩ đã sáng tác các bức tranh có thể được bán với giá 66 ngàn USD mỗi cái. Các nữ tu này sống ẩn dật trong tu viện và sinh sống bằng việc đóng sách.
Tình trạng thiếu linh mục tại Úc ngày càng thêm trầm trọng
Theo một bản phúc trình có tựa đề "Mục vụ giáo xứ tại Úc: phải chăng đang đứng trước tai họa?", do Viện nghiên cứu đa văn hóa Úc thực hiện, năm 1966 mỗi linh mục Úc phụ trách 518 giáo dân, năm 2011 mỗi linh mục tại nước này phải chăm sóc cho 1,895 người.
Tại tiểu bang New South Wales, trong vòng 15 năm nữa, mỗi linh mục phải phụ trách khoảng 22 ngàn giáo dân. Tại bang Victoria, mỗi linh mục sẽ phục vụ 13 ngàn người.
Với số lượng lớn các linh mục chịu chức từ 1955 đến 1975 về hưu, con số các linh mục phục vụ trong các giáo xứ giảm nhanh so với sự gia tăng dân số Công giáo, phần lớn do làn sóng người nhập cư.
Theo số liệu của Văn phòng thống kê trung ương Úc, dân số Công giáo trên toàn quốc có khoảng 5.600.000 người. So với năm 2006, con số này tăng 470.000 người. Hiện nay cứ 4 giáo xứ thì có một giáo xứ không có linh mục làm việc toàn thời gian. Các Giám mục Úc đang đương đầu với thách đố này bằng cách sát nhập các giáo xứ và tuyển các linh mục ngoại quốc.
Views: 0