Uncategorized

Giáo Hội cũng bao cấp?!!

Hai năm trước người mẹ thân yêu của tôi qua đời. Một số bạn hữu của tôi nay đã là linh mục muốn xin được đồng tế trong thánh lễ an táng của bà. Thật ra, tôi không có ý muốn khoa trương, hình thức, nhưng trong thâm ý cũng mong được trả chút ơn nghĩa đối với người đã sinh thành ra mình. Bạn hữu của tôi cũng mong được bày tỏ lòng yêu kính đối với người quá cố, cũng như an ủi tôi và gia đình.

Hai năm trước người mẹ thân yêu của tôi qua đời. Một số bạn hữu của tôi nay đã là linh mục muốn xin được đồng tế trong thánh lễ an táng của bà. Thật ra, tôi không có ý muốn khoa trương, hình thức, nhưng trong thâm ý cũng mong được trả chút ơn nghĩa đối với người đã sinh thành ra mình. Bạn hữu của tôi cũng mong được bày tỏ lòng yêu kính đối với người quá cố, cũng như an ủi tôi và gia đình. Tôi đã đến gặp linh mục chính xứ để xin phép nhưng bị từ chối. Tôi thắc mắc hỏi linh mục chính xứ:

-Sao những linh mục kia không được đồng tế thánh lễ an táng thưa cha?

-Đó là quyết định của tòa giám mục. Thánh lễ đồng tế an táng ngoài trừ các cha, các tu sĩ ra thì chỉ dành cho các ông cố, bà cố của các đấng.

Vậy là tâm ý trả ơn của tôi không thành, và thành ý tốt của các bạn hữu tôi cũng không được chấp nhận. Lý do duy nhất, mẹ tôi không phải là “bà cố”.

Tôi đã không hài lòng với cái luật mà tôi cho là phản tâm lý, làm mờ nhạt hình ảnh các thánh cùng thông công, và rất bao cấp lố bịch của tòa giám mục sở tại. Bỗng nhiên, cái ý nghĩ ấm ức đó lại hiện về, khi người bạn cùng lớp với tôi qua đời trước Giáng Sinh năm nay một tuần. Lần này không phải là tôi, mà những linh mục bạn hữu của tôi cũng là bạn của người quá cố đã hỏi linh mục chính xứ khác nơi anh cư ngụ để cùng đồng tế cầu cho anh. Kết qủa cũng là KHÔNG ĐƯỢC. Lý do cũng vì bạn tôi không phải là linh mục hay tu sĩ.

Vậy thế là thế nào? Linh mục đồng tế cầu cho bạn mình là linh mục qua đời thì được. Linh mục đồng tế cầu cho bố, mẹ của linh mục hay tu sĩ qua đời thì được. Nhưng linh mục đồng tế cầu cho những giáo dân như mẹ tôi, bạn tôi thì không được! Tôi cho đó là một quyết định đến từ não trạng quan liêu, vô cảm, và chỉ nhằm đánh bóng cái gọi là hàng giáo sĩ, tu sĩ. Một quyết định mà theo Giáo Hoàng Phanxicô thì “chủ chiên mà không có mùi chiên”.

Trong suy tư và tìm hiểu, tôi lần tìm đọc trong Thánh Kinh và không hề thấy có chỗ nào Chúa Giêsu ra lệnh cấm các linh mục đồng tế cầu cho một người tín hữu qua đời. Ngược lại, chính Ngài đã đích thân đến an ủi chị em Mattha và Maria vì em các bà đã chết. Tình cảm thân thiết ấy còn khiến Chúa khóc, Chúa xúc động và thực hiện phép lạ trả Lazarô lại cho hai bà. Tôi cũng tìm đọc trong các khoản Giáo Luật về việc an táng cầu cho những tín hữu đã qua đời và cũng không thấy khoản nào chỉ rõ việc cha mẹ của những linh mục, tu sĩ nam nữ mới được hưởng thánh lễ an táng đồng tế. 

Tưởng mình không phải là linh mục, không biết về thần học, giáo luật và phụng vụ nên suy nghĩ theo cảm tính, tôi may mắn có được câu trả lời của linh mục Ngô Tôn Huấn, người có tiến sĩ thần học, cắt nghĩa về vấn đề này khi có người đặt câu hỏi với ngài như sau:

Hỏi: xin cha giải thích trường hợp có thật sau đây:

Trong một tang lễ cử hành bên Việt Nam gần đây, linh mục chủ tế (chánh xứ) không cho một vài linh mục trong tang gia đồng tế, khiến các vị này phải đứng ở cuối nhà thờ. Quan tài cũng không được phép mang vào trong nhà thờ…. Tang gia rất bất mãn về việc này. Nhưng cũng ở nhà thờ này, tuần sau có một bà già giầu có qua đời, quan tài được mang vào trong nhà thờ và có tới 32 linh mục đồng tế!

Như vậy, luật lệ ra sao ? (một giáo dân từ Mỹ về dự lễ tang tại VN).

Trả lời: Tôi thật ngạc nhiên khi đọc câu hỏi trên. Nhưng trước hết, xin được nói về vấn đề đồng tế và nghi thức an táng của Giáo Hội.

Vấn đề đồng tế (Concelebration).

Đồng tế có nghĩa là một vài hay nhiều linh mục cùng đâng lễ chung với giám mục hay với một linh mục khác làm chủ tế (celebrant). Việc này rất thông thường và hợp pháp trong Giáo Hội khắp mọi nơi, vì không có khoản giáo lý hay giáo luật nào ngăn cấm hay hạn chế việc đồng tế. Ngược lại, giáo luật nói rõ là “chỉ những tư tế (giám mục, linh mục) được truyền chức hữu hiệu mới được phép dâng thánh lễ, tức cử hành bí tích Thánh Thể” mà thôi, và “các tư tế có thể đồng tế Thánh lễ” (x. giáo luật số 900 & 902).

Trong thực hành, việc đồng tế này thường xảy ra khi có số đông linh mục gặp nhau trong các dịp tĩnh tâm, hay hội họp, hội thảo. Hay trong những dịp trong đại như tham dự lễ truyền chức của tân Giám mục hay linh mục, hoặc trong ngày lễ Dầu (Chrism Mass) thứ năm Tuần Thánh. Trong những dịp này, các linh mục trong giáo phận thường qui tụ quanh giám mục để đồng tế, cầu nguyện cho các tân chức hay để lập lại lời cam kết phục vụ của mình (Renewal of priestly service). Ngoài ra, khi có một linh mục qua đời thì các linh mục trong giáo phận cũng đồng tế cầu nguyện trong lễ an táng và làm riêng 3 lễ nữa để cầu cho người quá cố vì tình anh em trong linh mục đoàn. Sau hết, khi song thân của một linh mục qua đời thì các linh mục quen biết cũng được khuyên đến đồng tế để tỏ tình thân liên đới giữa anh em linh mục. Đây là truyền thống ở khắp nơi trong Giáo Hội liên quan đến việc đồng tế của các linh mục.

Riêng về lễ tang và lễ cưới thì tùy nơi, tùy giám mục địa phương quyết định có cho đồng tế hay không. (ở Mỹ, không có ai cấm hay giới hạn việc này). Nếu có sự hạn chế hay cấm ở đâu thì chắc là vì muốn tránh những ganh đua có tính thế tục trong những hoàn cảnh này chứ không phải vì có giáo lý hay giáo luật nào đòi buộc. Nói rõ hơn, không có giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm linh mục đồng tế trong lễ tang của giáo dân hay lễ cưới cả. Nếu có nơi nào cấm, chắc vì muốn tránh những lạm dụng, như gia đình này quen biết nhiều linh mục nên có đông cha đồng tế làm cho tang gia hay chủ hôn được hãnh diện với cộng đoàn giáo xứ địa phương. Ngược lại, gia đình khác, vì không quen biết nhiều linh mục nên có ít hay không có cha nào đồng tế, khiến họ cảm thấy buồn tủi, thua thiệt. Đây chắc là lý do chính khiến có sự giới hạn hay ngăn cấm đồng tế trong các dip lễ cưới, lễ tang như nghe nói bên ViệtNam.

Tuy nhiên, nếu đã vì lý do này mà ngăn cấm thì phải áp dụng đồng đều cho mọi người, và mọi trường hợp, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, quen thân hay xa lạ. Cụ thể, không thể thiên vị cho người sang giầu, thân quen được có giám mục chủ tế và nhiều cha đồng tế, nhưng lại bất công, vô cảm, áp dụng cứng nhắc luật cấm đồng tế đối với người nghèo cô thân cô thế hay không quen thân cha xứ, mặc dù trong gia đình họ có con cháu là linh mục muốn đồng tế trong lễ tang của thân nhân! Như vậy, rõ ràng đây là sự bất công tồi tệ và gương xấu về phân biệt đối xử trong Giáo Hội địa phương. Nhưng cần nhấn mạnh là Nước Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn của con người không hề dính dáng gì đến tiền bạc, danh dự trần thế, và cảm tình cá nhân

Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng hễ thân quen, được có giám mục và nhiều linh mục đồng tế, có nhiều người danh vọng đưa đám, và dâng nhiều tiền cho cha xứ và cho các cha đồng tế, thì linh hồn sẽ mau được lên Thiên Đàng. Lên hay không trước hết phải nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, cộng với thiện chí của người quá cố khi còn sống đã quyết tâm đi tìm Chúa và sống theo đường lối của Ngài hay không. Nếu đã khước từ Thiên Chúa trong suốt cuộc sống này, thì sau khi chết, dù có được Đức Thánh Cha dâng lễ, và có hàng trăm hồng y, giám mục, linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Ngược lại, nếu đã sống tốt lành ở đời này, thì dẫu không có linh mục nào đồng tế (hay không được đồng tế vì thiên vị bất công) và cho dù xác có bị phân biệt đối xử để nằm ở ngoài cửa nhà thờ, thì cũng không hề thiệt thòi gì trước mặt Chúa khi Người công minh và nhân từ xét xử. Chắc chắn như vậy.

Vấn đề có nhiều hay ít linh mục dâng lễ và đồng tế chỉ là vinh dự trước mặt người đời mà thôi chứ không ảnh hưởng gì đến sự thưởng phạt đời đời cho ai, vì Thiên Chúa rất nhân từ và công bằng đối với mọi người. Nói thế không có nghĩa là không cần xin lễ và cầu nguyện cho kẻ chết. Ngược lại, rất cần thiết nhưng phải hiểu và tin chắc điều này :  sự cầu nguyện và mọi việc lành khác chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng đang còn phải “tạm trú” ở nơi gọi là luyện tội (Purgatory) để được thanh luyện một thời gian trước khi được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng. (x. SGLGHCG, số 1030-32). Nhưng vì không ai biết được số phận đời đời của một người vừa lìa trần, nên ta cứ phải cầu nguyện, xin dâng thánh lễ và làm việc lành để cầu cho kẻ chết.

Việc ban phát và áp dụng những việc lành này cho ai là quyền của Chúa, chiếu theo lượng từ bi và công minh tuyệt đối của Ngài…

Việc đồng tế, trong trường hợp này, không phải là chuyện phô trương, thiên vị, khiến gây buồn bực hay bì tị cho các gia đình không được mời linh mục đồng tế. Đây là việc chính đáng phải thông cảm cho phép vì tình cảm gia đình trong mọi nền văn hóa, nhất là truyền thống văn hóa của người Việt.

Tóm lại, nếu chỉ áp dụng luật (tự biên tự diễn) cho những người cô thân cô thế, hay không quen thân hoặc “biết điều” với cha xứ, nhưng lại ngang nhiên dễ dãi cho những người giầu có, quyền chức, danh vọng hay thân quen, thì Giáo Hội không còn là nơi dành cho hết mọi người không phân biệt mầu da, tiếng nói, và giai cấp xã hội muốn đến phụng thờ Thiên Chúa nữa. Ngược lại, đã trở thành nơi buôn thần bán thánh, dành cho những người có tiền có danh đến nhởn nhơ khi sống và phô trương sau khi chết !

Như vậy, làm sao Giáo Hội chứng nhân được cho Chúa Kitô khó nghèo, công minh và đầy nhân ái với hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh?  Xã hội đã đầy rẫy bất công, tha hóa và không có tình người, vậy nếu người tông đồ của Chúa cũng hành xử không hơn gì những kẻ vô đạo, chỉ ham mê tiền bạc danh lợi phù phiếm, thì thuyết phục được ai tin những lời rao giảng của mình nữa?

(VẤN ĐỀ LINH MỤC ĐỒNG TẾ TRONG LỄ TANG VÀ LỄ CƯỚI – Công Giáo Việt Nam)

Sợ những tư tưởng trên có phần cấp tiến và thông thoáng thái quá, tôi đã tìm đọc thêm một ý kiến khác và cũng được giải thích như sau:

Theo nghĩa rộng (nghĩa thông thường): Đồng tế là việc vị tư tế cử hành thánh lễ cùng toàn thể Hội Thánh. Thực vậy, phụng vụ là việc thờ phượng của toàn thể Hội Thánh, tại thế cũng như trên trời. Mỗi Thánh Lễ là một lễ đồng tế, vị chủ tế cùng dâng lễ với toàn thể các thiên thần và các thánh trên trời, như ta đọc trong kinh Tiền Tụng: “cùng với các thiên thần và các thánh, chúng con chúc tụng Chúa”; đồng thời, ngài cũng cùng dâng lễ với toàn thể Hội Thánh tại thế và cách riêng với cộng đồng dân Chúa đang tập hợp, do ơn Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu tham gia vào chức linh mục cộng đồng và trở nên cộng đồng tư tế (1Pr 2,9).

Theo nghĩa hẹp (nghĩa chuyên môn): Đồng tế là việc nhiều tư tế cùng cử hành một Thánh Lễ, một trong các vị này giữ vai trò chủ sự, gọi là chủ tế.

Việc đồng tế làm cho Thánh Lễ thêm phần long trọng nhưng đó không phải là mục đích phải nhắm tới. Lý do chính yếu của việc đồng tế là để diễn tả rõ nét hơn tính duy nhất của Hy Tế Thánh Thể và củng cố sự duy nhất của chức linh mục (PV 57). Đồng tế là dịp tốt để mọi người, linh mục cũng như giáo dân, có thể kinh nghiệm cách cụ thể rằng: làm linh mục không phải vì mình và cho mình mà thôi nhưng là cùng với linh mục đoàn, có đức giám mục làm đầu, cốt để phục vụ dân Chúa, để tượng trưng cho Chúa Kitô, vị Linh Mục duy nhất. Vì thế, huấn quyền không ngừng khuyến khích việc đồng tế, miễn là không gây phương hại cho nhu cầu dâng lễ của giáo dân.

Việc đồng tế vẫn có từ đầu trong Giáo Hội. Bên Giáo Hội Đông Phương là việc thường xuyên. Bên Giáo Hội Rôma chỉ trong những dịp đặc biệt. Công đồng Vaticanô II đã mở rộng quyền đồng tế trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc ấn định quy luật đồng tế trong địa phận thuộc quyền các giám mục (PV 57)…

Kết luận: Concelebration hiểu cho đúng là "đồng cử hành" và trong trường hợp đồng cử hành Thánh Lễ thì gọi tắt là "đồng tế".

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
(ĐỒNG TẾ LÀ GÌ? – Hoa Xương Rồng)

Như vậy, Thánh Kinh, phụng vụ và giáo luật không hề cấm đồng tế cho bạn, cho cha mẹ, cho con, cho cháu những ai không có gốc gác hoặc liên hệ đến linh mục, tu sĩ nam nữ như việc cấm đoán của một số giáo phận bên Việt Nam.

Ngoài ra, xét về mặt văn hóa và xã hội, không có một định nghĩa nào về từ ông cố, bà cố. Tra cứu trong Từ điển Việt Nam, cũng chỉ có chữ “cố”. Chữ này được định nghĩa như sau: Cố: 1.Từ tôn xưng người già. Cụ cố ông. Cụ cố bà. Thưa cố! 2.Từ dùng trong thời xưa để tôn xưng người có con trai làm quan. 3. Bố của ông, nghĩa là tôn thuộc tứ đại (kể từ đời mình). 4. Đã qua đời, đã chết (nói về các nhân vật cận kim). Cố tổng thống. Cố thủ tướng. 5. Cầm thế ruộng đất hay đồ vật cho người khác để vay tiền khi nào trả xong nợ sẽ lấy đồ vật về. 6. Đem hết sức ra làm một việc gì. Cố gắng. Cố học thành tài. Cố đấm ăn xôi (Tng). 7. Từ dùng để chỉ các linh mục đạo Gia Tô. Các linh mục người Âu đầu tiên sang nước ta, phần lớn đã có tuổi và để râu dài, vì vậy được gọi là cố bậc già. (Từ Điển Tiếng Việt. Nhà xuất bản Hồng Đức).

Trong 7 định nghĩa trên, định nghĩa thứ 2. “Từ dùng trong thời xưa để tôn xưng người có con trai làm quan,” xem ra có thể áp dụng vào chữ cố mà phần lớn tín hữu Việt Nam vẫn xưng hô khi giao tiếp với những cha mẹ của linh mục. Nhưng linh mục đâu phải là quan chức của giáo hội như một quan chức của nhà nước. Còn những nam nữ tu sĩ thì sao? Rõ ràng cha mẹ họ không thể được gọi là “cố” xét theo định nghĩa vừa trưng dẫn. Rốt cuộc từ ông cố, bà cố chỉ là những từ ngữ dùng để tâng bốc, nịnh bợ hay khoe khoang khi một người có con làm linh mục hay tu sĩ. Từ này chỉ ở Việt Nam mới có, trong Tự điển Anh Pháp không có từ này.

Sống tại hải ngoại nhiều năm, tôi đã từng gặp cha, mẹ, hoặc anh chị em các giám mục, linh mục, tu sĩ ở Hoa Kỳ. Khi họ tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ, họ cũng được gọi bằng tên gọi rất bình thường. Thí dụ, ông John, bà Ann, cô Teresa. Tuyệt đối không có từ cố John, cố Ann, hoặc chị cố Teresa. Ngay cả đến ông thân sinh của giám mục nơi tôi cư ngụ qua đời cũng chẳng mấy ai biết, và thánh lễ cũng được cử hành một cách hết sức đơn sơ. Tôi yêu thích đời sống và lối sống nhẹ nhàng nhưng rất nhân bản và tình người này. Kênh kiệu, bao cấp chỉ thêm lố bịch, thêm dị nghị, và làm mất đi sự kính phục từ thâm tâm của các giáo dân.

Dĩ nhiên trong lịch sử Giáo Hội có nhiều cha mẹ của các linh mục, tu sĩ nam nữ rất xứng đáng được kính trọng, điển hình như thân mẫu Thánh Gioan Boscô, bà đang được tiến hành để phong thánh, hoặc cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng mà cả hai đã được tôn phong hiển thánh. Trong số những vị được gọi là cố, có một vị mà tôi kính nể. Ông bà có 2 người con linh mục và một nữ tu nhưng không muốn bất cứ ai gọi ông là cố: “Tôi sẽ trở thành cố lúc tôi quá cố’. Thánh lễ an táng của ông cũng đã diễn ra đơn giản, có thể còn thua những vòng hoa phúng điếu của nhiều người khác. Theo tôi, ông đã hành xử đúng và xứng đáng được kính nể.

Ngược lại, trong đời thường tôi cũng biết, cũng quen một số cố ông, cố bà mà càng nhìn vào tư cách và lối sống đạo của các cố này càng thấy chán nản, thất vọng. Cay nghiệt, chặn họng, cắt cổ người làm. Kinh tài, kinh tế nhiều khi như lỗi công bằng, và thiếu bác ái. Một số linh mục trẻ chịu chức tại Hoa Kỳ đã tỏ ra không hài lòng với bố mẹ mình, và có vị đã lên tòa giảng xin với giáo dân đừng gọi bố mẹ mình là ông cố hay bà cố mà cứ xưng hô như một người bình thường. Hành động của vị linh mục này khiến nhiều giáo dân nể phục.

Người ta sẽ tự hỏi, không biết giữa một bà cố mà chèn ép, cắt cổ người làm, sống lỗi bác ái, thiếu gương sáng với một bà mẹ đơn sơ sống chân tình với Chúa, với anh chị em trong giáo xứ khi qua đời trước mặt Chúa ai hơn ai?! Linh mục Ngô Tôn Huấn đã trả lời đúng, đồng tế hay không đồng tế, một hay nhiều linh mục thánh lễ dâng lên vẫn chỉ mang giá trị cứu độ và cần thiết giúp tha thứ cho người đã qua đời. Chắc chắn, Chúa đâu để mình bị hối lộ khi linh mục kia có nhiều bạn hữu, nhiều linh mục khác dâng thánh lễ đồng tế cho cha hoặc mẹ, còn ngược lại, người mẹ hay người cha nghèo nàn, đơn sơ không có con làm linh mục hoặc tu sĩ thì thánh lễ dâng lên sẽ kém hiệu nghiệm hơn…  

Để kết luận, tôi muốn ghi lại Lời Tòa Soạn (LTS) của trang nhà Công Giáo Việt Nam trong phần giới thiệu với độc giả câu trả lời của linh mục Ngô Tôn Huấn về vấn đề đồng tế, cố hay không cố, và mong rằng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên có cái nhìn thực tế, mở rộng, và nhất quán để mọi tín hữu dù là cố hay không cố cũng nhận ra sự quan tâm, lo lắng, yêu thương mà Giáo Hội dành cho mình dù đang sống hay khi đã qua đời:

“Trọng kính Quí Đức Cha, Quí Cha và Quí Độc giả.

Mùa Chay được gọi là Mùa Sám hối và Sám hối vốn thường được dành cho những kẻ tội lỗi? Nhưng thực ra, Sám hối là nhu cầu của mọi người, mọi Đấng bậc. Không nhận ra sự cần thiết phải đổi mới, cũng có nghĩa là đang đi thụt lùi…

Việc đồng tế trong thánh lễ hiện nay tại Việt Nam là do Đức Giám Mục qui đinh cho giáo phận cùa mình. Vì thế, đôi khi có những khác biệt giữa giáo phận này và giáo phận kia. Thiết tưởng Hội Đồng Giám Mục nên thống nhất cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam.

Khi đã có những qui định chung, thì việc áp dụng cũng cần phải đồng đều và công bằng, để tránh đi những so sánh hay những lời dị nghị không hay.

Trong trường hợp ngoại lệ, được phép của Đấng bản quyền địa phương, thì cũng nên cắt nghĩa cho mọi người hiểu rõ, để không còn bàn tán thế này hay thế khác.

Đó chỉ là vài suy nghĩ phiến diện của chúng con, nhân đọc bài viết của Lm. PX. Ngô Tôn Huấn,  kính mong Quí Đức Cha, Quí Cha và Quí Độc giả xem xét. Chúng con xin chân thành cám ơn.”   BBT CGVN

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.