Uncategorized

Giáo Hội Công Giáo và nỗ lực bảo vệ trẻ em

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

 

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

 

Hôm 16-1-2014 Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Genève bên Thụy Sĩ, đã hướng dẫn phài đoàn Tòa Thánh tham dự khóa họp lần thứ 65 của Ủy ban Hiệp Ước về quyền của các trẻ em. Trong phái đoàn Tòa Thánh ngoài Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, còn có Đức Cha Charles Scicluna, Giám Mục phụ tá giáo phận La Valetta, Malta, nguyên chưởng tín tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, chuyên truy tố những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

 

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vaticăng Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi bác bỏ lời cáo buộc của hiệp hội các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tính dục, cho rằng Tòa thánh đã ngăn cản việc điều tra và tiến trình của công lý về những vụ này.

 

Trong thông cáo công bố ngày 16-1-2014 cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Tòa Thánh là một trong những quốc gia đầu tiên đã ký nhận Hiệp ước về quyền của các trẻ em hồi năm 1990. Hiệp ước này trước tiên liên hệ tới Quốc gia thành Vaticăng, trong khi cộng đồng tín hữu Công Giáo rải rác trên thế giới không phải là thành phần của Quốc gia thành phố Vaticăng, mà tùy thuộc luật pháp các quốc gia liên hệ, nơi họ sống và hoạt động. Sự phân biệt này quan trọng vì giúp tránh các lẫn lộn và hiểu lầm.

 

Cha Lombardi cũng nhận xét rằng nhiều khi Ủy ban về việc áp dụng Hiệp ước nêu lên với Tòa Thánh những câu hỏi liên quan tới vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em vị thành niên, dường như họ giả thiết rằng các Giám Mục hoặc các Bề trên dòng tu hành động như những người đại diện đặc ủy của Đức Giáo Hoàng.

 

Đây là điều không đúng, và không có căn cứ. Chẳng hạn họ hỏi về những vụ lạm dụng tính dục trong các tổ chức Công Giáo ở các nước trên thế giới, như tại Ai Len, hoặc trong các cơ sở của dòng Đạo Binh Chúa Kitô. Nhưng những câu hỏi đó không liên hệ tới sự tôn trọng của Tòa Thánh đối với Hiệp ước này, vì đó là những vụ thuộc quyền tài phán của các nước nơi xảy ra các vụ đó.

 

Cũng thế, theo Hiệp ước, Tòa Thánh không buộc phải trả lời những câu hỏi yêu cầu cung cấp thông tin về những vụ được xét xử chiếu theo Giáo Luật. Cha Lombardi kết luận rằng: ”Sự tham gia mau lẹ và đầy xác tín của Tòa Thánh đối với Hiệp Ước về các quyền của trẻ em là điều phù hợp với thái độ trước sau như một của Giáo Hội. Vì thế người ta có thể nói rằng qua hoạt động của mình Tòa Thánh thăng tiến một trào lưu rộng rãi vô biên trên toàn thế giới, yêu thương và phục vụ thiện ích của trẻ em. Sự hướng dẫn đầy phấn khởi và có sức lôi cuốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang lại một đà tiến mới mẻ và hiển nhiên cho sự dấn thân này.

 

Trong bài tường trình về việc áp dụng Thỏa hiệp này, vị Đại diện Tòa Thánh đã khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo muốn nêu gương trong việc bảo vệ trẻ em và chống lại các vụ lạm dụng tính dục của trẻ vị thành niên. Quy chiếu các câu viết trả lời cho các câu hỏi của Ủy ban Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi đã trình bầy một cách chi tiết dấn thân của Giáo Hội để đương đầu với tội phạm kinh khủng của các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, trên bình diện trung ương của Tòa Thánh với việc phê chuẩn các Đường nét hướng dẫn cho các Giáo Hội địa phương, cũng như trên bình diện hạ tầng, trong các thực tại khác nhau của Giáo Hội, đặc biệt là trong các cơ cấu giáo dục. Tiếp đến Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã nhắc tới một loạt các biện pháp đã được đưa ra trong các năm qua trên bình diện nội bộ Giáo Hội, cũng như trên bình diện quốc tế để đương đầu với hiện tượng đáng buồn này. Đức Cha Tomasi nói: đây là một dấn thân đã được các vị Giáo Hoàng mới đây đề ra, đặc biệt là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Và giờ đây tới phiên Đức Thánh Cha Phanxicô, với việc loan báo thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ em vị thành niên. Không thể có sự biện minh nào cho bất cứ hình thức bạo lực và khai thác trẻ em nào. Đức Cha Tomasi cũng đã kể ra các cột trụ của dấn thân này của Tòa Thánh đối với trẻ em.

 

Trong bản tường trình Vị Đại Diện Tòa Thánh cũng đề cập tới việc bảo vệ phẩm giá của trẻ em trong tất cả mọi chiều kích của nó và ngay từ khi được thụ thai; việc tôn trọng và thăng tiến các quyền của gia đình là nơi trẻ em phát triển và lớn lên; quyền giáo dục con cái từ phía các cha mẹ và quyền tự do tôn giáo. Kết thúc bài tham luận Đức Cha Tomasi nói Tòa Thánh tiếp nhận mọi gợi ý và đóng góp của Ủy ban, trong việc thăng tiến và tôn trọng quyền của các trẻ em vị thành niên, để có được sự thực thi hữu hiệu tất cả những gì đã được thiết định bởi Hiệp Ước và các Biên bản của nó.

 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvno Maria Tomasi về tầm quan trọng của khóa họp nói trên của Ủy ban hiệp ước về các quyền của trẻ em.

 

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Tomasi, hôm 16 tháng giêng vừa qua, Ủy ban Hiệp ước về các quyền của trẻ em đã nhóm khóa họp thứ 65 tại Genève với sự tham dự của phái đoàn của Tòa Thánh, do Đức Cha làm trưởng đoàn. Khóa họp này có mục đích nào thưa Đức Cha?

 

Đáp: Khóa họp lần thứ 65 của Ủy ban Hiệp ước về các quyền của trẻ em nhằm mục đích duyệt xét các tường trình của vài nước như Nga, Đức, Tòa Thánh, Bồ Đào Nha, Congo và Yemen. Các nước này đã trình bầy một bản tường trình về việc áp dụng Hiệp ước về các quyền của trẻ em trong lãnh thổ của mình. Đây là đòi hỏi được đưa ra cho tất cả mọi quốc gia đã ký nhận Hiệp ước. Vì thế cả Tòa Thánh là quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước năm 1990 cũng có bổn phận tường trình việc áp dụng nó, xem mình đã áp dụng các đòi hỏi, các nguyên tắc và các hướng dẫn của Hiệp ước như thế nào. Ủy ban trình bầy các nhận xét của mình về bản tường trình đã đưa ra, và như thế bắt đầu cuộc đối thoại giữa quốc gia liên hệ và các chuyên viên của Ủy ban. Tòa Thánh tham dự vào sinh hoạt này như các quốc gia khác, và coi đó như là một dịp tốt để tái khẳng định các giá trị và các cung cách tiến hành của Hiệp ước, như Tòa Thánh đã tuyên bố khi phê chuẩn Hiệp ước hồi năm 1990. Như vậy, đây là một thời điểm ích lợi để thăng tiến việc bảo vệ các trẻ em thên thế giới.

 

Hỏi: Thưa Đức Cha, từ vài phía cũng đã có các chỉ trích đối với Tòa Thánh. Tại sao vậy, và Đức Cha nghĩ sao?

 

Đáp: Chỉ trích thì dễ lắm. Đôi khi chúng có một vài nền tảng thực, bất cứ tội phạm nào cũng là một sự dữ, nhưng khi có các trẻ em bị liên lụy, thì nó trở thành nghiêm trọng hơn nữa. Lời tố cáo Tòa Thánh đã ngăn cản việc thực thi công lý trong lãnh vực này, xem ra là điều ở trên không khí: ngăn cản tiến trình của công lý trong bất cứ nước nào, gây thiệt hại cho tính cách pháp lý của mình sẽ là một can thiệp bất hợp pháp và bất công từ phía bất cứ chủ thể nào. Tòa Thánh ủng hộ quyền và bổn phận của mọi quốc gia truy nã mọi tội phạm chống lại các trẻ em vị thành niên. Như thế, lời chỉ trích Tòa Thánh tìm can thiệp vào và ngăn cản tiến trình của công lý, là điều không đứng vững. Trái lại, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, Tòa Thánh muốn có sự trong sáng và công lý được thực thi.

 

Hỏi: Đâu là các viễn tượng tương lai liên quan tới vấn đề này tại Genève thưa Đức Cha?

 

Đáp: Tòa Thánh đã dấn thân thực thi các nhiệm vụ quốc tế của mình, bao gồm cả các nhiệm vụ phát xuất từ việc phê chuẩn Hiệp ước các quyền của trẻ em. Tòa Thánh sẽ nghiêm chỉnh cứu xét các nhận xét, các phê bình, gợi ý mà Ủy ban các chuyên viên đưa ra. Như thế Tòa Thánh sẽ không chỉ thăng tiến việc thực thi Hiệp ước, mà cũng chú ý nhiều hơn tới việc bảo vệ các trẻ em một cách cẩn thận và hữu hiệu hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo việc thành lập một Ủy ban bảo vệ các trẻ em vị thành niên. Các chỉ dẫn của Ủy ban Liên Hiệp Quốc sẽ được nghiên cứu một cách chăm chú bởi Ủy ban này, làm sao để củng cố trên mọi bình diện việc phục vụ quảng đại, mà các Giáo Hội địa phương đã cống hiến cho các trẻ em; nhưng nhất là dấn thân của Tòa Thánh trong lãnh thổ của mình và đối với những gì thuộc nhiệm vụ của Tòa Thánh trên bình diện quốc tế ủng hộ tất cả mọi khía cạnh và các yếu tố sẽ thực sự giúp việc đào tạo, bảo vệ và trưởng thành của các trẻ em vị thành niên, và của các trẻ em trên toàn thế giới. (RG 16-1-2014; SD 16-1-2014)

 

Linh Tiến Khải1/28/2014

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.