“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Những câu nói trên gần đây và nhất là trong lúc cha mẹ gặp phải những vấn đề trong lãnh vực giáo dục đã trở thành cái lý do để biện minh của cha mẹ, mặc dù những lỗi lầm ấy là do chính mình gây ra. Ðiều này có nghĩa là cha mẹ đã lơ là trong việc học hỏi, thiếu sót bổn phận trong nhiệm vụ giáo dục con em của mình. Trong những trường hợp như vậy, thường là cha mẹ đổ lỗi cho nhau. Và khi lâm vào những lý luận bế tắc vì thấy mình có lỗi trong việc dậy dỗ, giáo dục con, thì đổ lỗi cho trời.
Hiện tượng các gia đình ngày nay mà cả cha lẫn mẹ đều phải lo đi làm; hay người cha phải đi làm, nhưng người mẹ ở nhà lại không mấy quan tâm đến việc giáo dục con cái đã đem lại những nhức nhối cho cả cha lẫn mẹ. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, và các tin tức phổ biến trên các web sites, ngày ngày đều có những bản tường trình về hành động của tuổi trẻ bao gồm bỏ học, sa đọa trong cần sa ma túy, nghiện ngập, trộm cướp, hiếp dâm, và cả giết người. Những chuyện này xảy ra không chỉ ở ngoài xã hội, mà còn ngay ở trong môi trường nhà trường và ở tư gia nữa.
Các nhà tâm lý, nhất là tâm lý gia tại Hoa Kỳ gần đây đã có những khảo sát đưa đến kết luận cho rằng trong những gia đình cha mẹ cãi lẫy, xung khắc, hoặc bất hòa liên miên thì vì tương lai của đứa trẻ nên ly dị. Ðối với những nhà tâm lý này, ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống gia đình sẽ là một ảnh hưởng xấu cho đời sống tình cảm và đời sống hôn nhân sau này của con cái. Nhiều nhà tâm lý còn đi xa hơn nữa khi quả quyết rằng, một em bé được nuôi dưỡng bởi một cha mẹ ly dị hoặc một em bé được nuôi dưỡng bởi cả cha lẫn mẹ, mức phát triển về thể lý, trí năng, và tâm lý cũng như nhau. Dĩ nhiên, không phải những nhà tâm lý nào, phụ huynh nào cũng chấp nhận lý luận này, nhưng trong thực tế, những lý luận ấy đang có một tác dụng phá vỡ nhiều gia đình, và nhiều cuộc hôn nhân. Vì thế, bổn phận làm cha mẹ, việc quan trọng nhất là phải chú tâm vào việc giáo dục con cái, và phải giáo dục bằng sự hiệp nhất của cả cha lẫn mẹ.
Theo tâm lý phát triển, khi một em bé lên 2 tuổi là thời gian khởi đầu việc giáo dục tốt nhất. Ở tuổi này không quá muộn và cũng không quá sớm để đưa vào cuộc sống các em những nguyên tắc căn bản về luân lý, tình cảm, kỷ luật, và xã hội. Các em ở tuổi này sẽ rất dễ dàng để tiếp nhận những nguyên tắc ấy, đặc biệt, khi các em cũng thấy cha mẹ làm như vậy. Câu “dậy con từ thuở còn thơ” của người Việt Nam thường nói là câu nói ứng dụng nhất trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt, ở vào thời điểm này. Khi các em bước vào tuổi lên 4, lên 5 là các em đã bắt đầu khám phá cái thế giới riêng tư của mình và thế giới chung quanh các em bằng lối nhìn và những cảm nhận của cá nhân. Lên 7 tuổi, các em đã biết dùng trí khôn để biện minh cho hành động của mình, và nếu cần các em sẽ nói dối để làm việc đó.
Ngược lại, trong thực tế, hầu hết các phụ huynh khi con em mình còn nằm trong tuổi giáo dục lại ít để ý và hầu như lơ là với thời điểm giáo dục này. Lý do vì ở tuổi này các em chưa đủ khả năng bộc lộ điều mình muốn ngược với điều cha mẹ muốn ngoài trừ khóc lóc, ăn vạ, làm nũng. Nhưng trong thâm tâm các em lại biết rằng nếu dùng hình thức ăn vạ, làm nũng, hoặc khóc lóc mà được việc thì chúng sẽ tiếp tục làm như thế.
Chiều chuộng. Một góc nhìn về tâm lý giáo dục, chiều chuộng cũng mang hình thức khích lệ. Nó có thể là một hành động tốt nếu cha mẹ dùng đúng cách và đúng lúc. Nhưng phần đông, khi hiểu từ chiều chuộng thường mang nghĩa tiêu cực, có nghĩa là cho con mình tất cả những gì chúng muốn. Ðiều này dẫn đến một tình trạng phản giáo dục. Trẻ em dù là lớn hay nhỏ đều cảm thấy rất rõ ai là người chúng có thể lợi dụng được, ai là người chúng không lợi dụng được. Và khi sự chiều chuộng của cha hay mẹ hoặc cả hai không đạt được điều chúng mong muốn, lúc ấy sẽ dẫn đến sự bùng nổ của phản loạn. Trong gia đình sẽ dẫn đến bất hòa, cha mẹ, con cái, anh chị em sẽ cảm thấy nhức nhối, khó chịu về việc làm của người chiều và đứa trẻ được chiều. Với cái nhìn tâm lý giáo dục, các em ấy đang tạo cho mình một nhân cách sống cá biệt, và người giúp làm phát triển nhân cách ấy lại chính là cha hoặc mẹ, hay cả cha lẫn mẹ. Rất tiếc, đây là một nhân cách xấu sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và tình cảm sau này của các em.
Vì nghĩ rằng con mình hãy còn nhỏ, hoặc vì mình cần nhiều thời gian cho những công việc kinh doanh, tạo lập sự nghiệp, kiếm tiền nên cách tốt nhất để con mình khỏi phiền mình là cho chúng những gì chúng muốn. Nhưng chẳng bao lâu khi ngoảnh lại đã thấy con mình bước vào tuổi dậy thì với những suy nghĩ và hành động khác với suy nghĩ và hành động của mình. Với sức ép của thời gian, của công việc, hoặc do bất cứ lý do nào, lúc này người con đang đứng trước mặt mình đã không còn dễ thương, dễ yêu nữa, mà đang là một thử thách lớn lao. Bất mãn, bực tức, và khó chịu, cha mẹ quay ra giận dữ con và đổ lỗi cho nhau. Cảnh gia đình trở nên xào xáo, bất hòa. Nhưng không khí xào xáo, bất hòa lại là không khí và môi trường thuận lợi cho những phản loạn và lối sống bất cần đời của tuổi trẻ, dẫn đến tình trạng bỏ nhà đi hoang. Lúc này cũng là lúc cha mẹ, phụ huynh la làng và khóc lóc, tha thân trách phận, và trách trời: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.”
Như đã trình bày trên, giáo dục con cái là việc làm của cả cha lẫn mẹ, và cả hai đều phải đầu tư vào việc làm này một cách hết sức nghiêm chỉnh. Thống kê cho biết, cha mẹ bình thường dành cho con cái 10 phút mỗi ngày. Nhưng đa số 10 phút ấy lại không dùng vào việc thăm hỏi, an ủi, khích lệ, hoặc hướng dẫn con cái. Ngược lại, thường dùng 10 phút ấy để la mắng, chửi rủa, hoặc tranh cãi với con cái.
Giáo dục là việc làm đòi nhiều khó khăn, nhiều nhẫn nại và hiểu biết. Nó cần có sự đồng thuận của cả cha lẫn mẹ về những nguyên tắc và phương pháp giáo dục. Nhưng nhất là cha mẹ cần phải dành nhiều thời giờ hơn cho con khi những năm tháng tuổi thơ đang cần sự có mặt và trái tim yêu thương của cha mẹ. Khi mà thời gian phát triển đang bùng phát và hình ảnh người mẹ, người cha trở thành thần tượng.
Sở dĩ cả cha lẫn mẹ đều phải cộng tác và góp phần vào việc giáo dục, vì người con dù là trai hay gái trong thời gian thơ trẻ bao giờ cũng gắn liền và cận kề mẹ mình hơn. Vai trò người mẹ lúc này là đem lại cho con mình những yêu thương, săn sóc, trong khi người cha cộng tác với mẹ để hướng dẫn con đi vào những nguyên tắc của luân lý, của tình cảm, và của những va chạm xã hội chung quanh mình. Khi em lên 4 lên 5 là lúc ảnh hưởng người cha trở thành quan trọng. Ở tuổi này, các em cần những hành động và lối suy nghĩ của những thần tượng, mà thần tượng tuổi thơ ấy chính là người cha. Người mẹ, trong trường hợp này lại cộng tác với người cha để bổ túc cho những thiếu sót trong việc hướng dẫn con cái. Và khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì là thời gian mà cả hai cha mẹ đều phải sát cánh bên nhau, cộng tác chặt chẽ, người là khối óc, người là trái tim, cả hai uyên chuyển nhưng cương quyết giúp đứa trẻ vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì.
Tóm lại, giáo dục là một bổn phận cao cả, một trách nhiệm lớn lao của cha mẹ, nhưng lại là một bổn phận và trách nhiệm đem lại nhiều thành quả tốt và vinh dự cho những cha mẹ nào biết cùng nhau cộng tác trong việc giáo dục con cái mình.
Views: 0