Uncategorized

Giáng Sinh: Mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa

Những tuần lễ chuẩn bị và mong đợi ngày giáng trần của Ðấng Cứu Thế đang rút ngắn dần. Và ngày mong chờ đang đến. Ngày kỷ niệm con Chúa Trời giáng thế. Ngày ấy và kể từ đó, trên 2000 năm trước tại đồng quê Belem, Thiên Chúa Nhập Thể đã xuất hiện qua hình hài một trẻ sơ sinh, bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ: “Maria đã đến đủ ngày tháng, và bà đã sinh một con trai đầu lòng.

Những tuần lễ chuẩn bị và mong đợi ngày giáng trần của Ðấng Cứu Thế đang rút ngắn dần. Và ngày mong chờ đang đến. Ngày kỷ niệm con Chúa Trời giáng thế. Ngày ấy và kể từ đó, trên 2000 năm trước tại đồng quê Belem, Thiên Chúa Nhập Thể đã xuất hiện qua hình hài một trẻ sơ sinh, bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ: “Maria đã đến đủ ngày tháng, và bà đã sinh một con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Luca 2:6- 7). Mùa Vọng rồi cũng chấm dứt, và ngày kỷ niệm Con Chúa giáng trần rồi cũng sẽ đến. Noel tưng bừng. Noel vui mừng. Noel thanh bình trong tiếng nhạc reo vui, với đèn sao lấp lánh. Rồi những chuẩn bị, mong chờ, những niềm vui ấy sẽ khép lại sau lễ Nửa Đêm, và sau tiệc vui giáng sinh!…

Nhưng kết thúc một Mầu Nhiệm cao cả, kết thúc ngày đón mừng “Tin Vui” lớn lao mà cả nhân loại trải qua hàng ngàn năm mong đợi chỉ có thế thôi sao?! Không hơn việc đón tiếp và kỷ niệm một chuyến viếng thăm của một giáo hoàng, hồng y hay giám mục? Không hơn việc đón tiếp và kỷ niệm một chuyến viếng thăm của một tổng thống, một quốc trưởng, một hoàng đế, một nữ hoàng? Và không hơn việc đón tiếp một người bạn vong niên lâu ngày gặp mặt?..

Thật vậy, chúng ta không thể đón tiếp và kỷ niệm ngày giáng trần của Con Thiên Chúa, Ðấng đến mang ơn Cứu Ðộ, mang sự giải thoát cho nhân loại, và chỉ đường cho con người về quê trời vĩnh cửu bằng mấy tấm thiệp, mấy gói quà, và bữa tiệc Giáng Sinh. Ý nghĩa của Mùa Giáng Sinh cũng không dừng lại ở đó. Nó phải đi xa hơn nữa, và phải dẫn con người đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Vậy đâu là ý nghĩa của mầu nhiệm ấy?

Chúa Giêsu giáng trần không chỉ là một biến cố lịch sử lớn lao đối với nhân loại. Sự xuất hiện của Ngài chính là để giải phóng con người thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, đem an bình, sự công chính cho nhân loại. Ngài đến để cất đi cái ách tội lỗi đè nặng trên tâm hồn và cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhưng sao hòa bình vẫn chưa ló rạng? Và thế giới vẫn chưa thấy hòa bình? Nhiều nơi trên thế giới vẫn không được hít thở bầu khí thanh bình, hoặc thấy bóng dáng hòa bình?

Sợ hãi và hoảng hốt, con người hôm nay đi tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, và bằng những vũ khí tối tân. Song song với sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, con người cũng đang nỗ lực tìm kiếm hòa bình qua những giải pháp kinh tế, tài chánh, hay ngoại giao. Tiếc thay, những cạnh tranh và leo thang quốc phòng, cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường kinh tế hoặc các môi trường và khu vực kinh tế, đảo chánh chính phủ này, thiết lập chính phủ khác, thay đổi thể chế chính trị này bằng thể chế chính trị khác… hòa bình thật sự vẫn chưa ló dạng!!! Vì đó không phải là mục đích giáng trần, và cũng không phải thứ hòa bình mà Con Thiên Chúa đã muốn ban tặng nhân loại. Ngài đến mang bình an chứ không phải hòa bình: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người lòng ngay.” (Luc 2:14)

Bài ca thiên quốc mà các thiên sứ đã hát mừng Ngài trong đêm Ngài hạ sinh tại đồng quê Belem có lời cầu chúc, cũng là món quà Sinh Nhật mà Ngài từ trời cao đem xuống tặng cho nhân loại: “Bình an dưới thế” (Luc 2:13). Vì thế, nếu sau hơn 2000 năm qua mà nhân loại chưa thấy bóng dáng hòa bình thật sự? Chiến tranh, bạo lực, bất công, hận thù, tù tội, và chết chóc vẫn đang ngự trị, bao trùm trái đất, chính là vì con người cố tình cắt nghĩa và hiểu sai ý nghĩa của hòa bình. Cố tình cắt nghĩa và sử dụng món quà Đêm Noel theo ý của mình. Tóm lại, chỉ khi nào con người hiểu được ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm Giáng Trần của Ngôi Hai Thiên Chúa lúc đó con người mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ “bình an”. Và cũng chỉ khi nào con người đón nhận lời chúc ấy bằng tấm lòng thiện tâm, lúc đó hòa bình thật sự mới xuất hiện.

Tất cả ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của hạnh phúc và đau khổ của cuộc đời mỗi người, và cũng là ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống con người đều được Ngài gói trọn trong món quà “bình an” ấy. Câu truyện sau đây mà ý nghĩa của nó sẽ là câu trả lời cho những băn khoăn, thao thức của kiếp người, liên quan đến ý nghĩa của Ðêm Thánh Vô Cùng, của hai chữ “bình an”. Truyện kể hay đến nỗi đã được trích dịch ra nhiều ngôn ngữ, và tác giả của nó đã bị lu mờ trước giá trị của chính nó:

Trong đêm Giáng Sinh đầu tiên ở Belem, đất Do Thái. Khi các mục đồng đến chúc mừng và thờ lậy Hài Nhi đã ra về, thì Hài Nhi thiếp ngủ trong nôi. Thánh Giuse mệt nhọc ngả lưng trên đống rơm trong hang bò lừa để nghỉ. Mẹ Maria cũng đang thu xếp mấy nắm rơm rạ cho gọn ghẽ, và cất mấy cái tã lót trước khi nghỉ đêm.

Bỗng một bà lão từ trong bóng đêm lầm lũi đi vào hang đá. Nét mặt bà xấu xí vì bà đã quá già, nhưng đôi mắt bà lại hiền hòa giống như đôi mắt Hài Nhi Giêsu. Mái tóc của bà trắng phau như tuyết. Da bà nhăn nheo, đến nỗi nhìn miệng bà, người ta tưởng là một vết nhăn. Lưng bà còng sát đất y như bà đã sống qua bao thế kỷ. Bà tiến lại gần máng cỏ nơi Hài Nhi Giêsu đang nằm ngủ. Mấy con bò lừa thấy bà chúng vẫn tỉnh bơ như đã quen biết bà từ lâu nên chẳng muốn nhúc nhích. Ngược lại, Mẹ Maria thì lo sợ. Mẹ nghĩ đến những truyện trong dân gian kể về những bà lão độc ác như những mụ phù thủy chuyên lo tìm kiếm và sát hại trẻ sơ sinh trong đêm tối. Và Mẹ đã theo dõi kỹ từng cử chỉ của bà. Tuy rất bình tĩnh, khiêm tốn và tế nhị, nhưng Mẹ không khỏi hồi hộp khi bà đến sát bên máng cỏ, quì xuống bên Hài Nhi. Nhưng đúng hơn, không phải bà quì nữa, vì lưng bà đã còng gần sát mặt đất do sức nặng của bao nhiêu tháng năm đã đè nặng trên bà. Bà cố gắng lục lọi, tìm kiếm một vật gì trong cái túi hành lý cũ kỹ của bà. Ngay việc bà cố gắng tìm vật đó cũng đã lâu hàng thế kỷ. Hành động này của bà càng khiến Mẹ Maria thêm lo sợ.

Những kìa, bà đã tìm được vật bà mong tìm. Bà rút ra từ cái bọc cũ kỹ ấy một vật gì tròn tròn, rồi run run, chậm rãi đặt nó vào tay Hài Nhi Giêsu. Bỗng nhiên bà đứng thẳng lên được. Nét mặt bà trở nên xinh đẹp lộng lẫy. Bà trẻ lại như một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Trong khi Mẹ Maria chưa kịp hỏi bà một câu, và chưa hết sửng sốt trước việc làm và sự thay đổi kỳ bí ấy, thì bà bỗng biến đi trong đêm tối như từ nơi bà đã đến. Mẹ Maria đi từ lo lắng đến bàng hoàng sửng sốt. Mẹ tiến lại gần hơn với Hài Nhi và nhìn kỹ vào vật mà bà lão lúc nãy đã đặt nơi tay Hài Nhi. Ðó là một trái táo.

Nhìn trái táo, Mẹ Maria đã hiểu, đó là trái táo Vườn Ðịa Ðàng, và người đã trao trái táo ấy cho Hài Nhi Giêsu chính là Evà. Hài Nhi Giêsu đã trả lại cho bà vẻ đẹp trinh nguyên ban đầu mà bà đã đánh mất từ lâu trong vườn Ðịa Ðàng. Hài Nhi Giêsu đã tha tội cho bà nhưng lại nhận lấy cho mình trái táo cấm kỵ và tội lỗi ấy. Mẹ Maria xót xa nhìn Hài Nhi Giêsu Con Mẹ đang say sưa trong giấc ngủ thiên thần. Mẹ hiểu tại sao Ngài Nhập Thể và Giáng Trần.
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.