Uncategorized

Giá trị vượt thời gian và không gian của Tin Mừng theo thư gửi Giáo Đoàn Rôma

Sau viễn tượng đại kết, thư gửi giáo đoàn Roma còn nêu bật một mấu điểm thần học khác, đó là giá trị vượt thời gian và không gian của Tin Mừng do thánh Phaolô rao giảng.

 

Sau viễn tượng đại kết, thư gửi giáo đoàn Roma còn nêu bật một mấu điểm thần học khác, đó là giá trị vượt thời gian và không gian của Tin Mừng do thánh Phaolô rao giảng.

 

Thật thế Tin Mừng mà Phaolô rao giảng cho tín hữu không bị bất cứ ranh giới hay viễn tượng thời gian hay không gian nào hạn chế, bởi vì nó chứa đựng các sự thật bao trùm mọi biến cố của lịch sử nhân loại. Chính vì thế có thể gọi nền thần học thánh Phaolô trình bầy ở đây là nền thần học mang dấu vết lịch sử-cứu độ. Tuy nhiên, để tránh mọi hiễu lầm có thể phát xuất từ các công thức mập mờ, chúng ta phải xác định ngay một vài điều quan trọng. Trước hết là quan niệm về thời gian và lịch sử theo tâm thức do thái như được trình bày trong Kinh Thánh.

 

Thời gian theo ý niệm của Kinh Thánh không phải là đường thẳng trừu tượng gồm các điểm nối tiếp nhau làm thành qúa khứ, hiện tại và tương lai, hay theo hình vòng tròn với các biến cố lập đi lập lại không thay đổi, như trong triết lý Hy lạp và quan niệm thời gian của tây phương. Theo tâm thức Do thái thời gian diễn tả các tương quan của con người với Thiên Chúa và các can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc sống và lịch sử con người. Thời gian chỉ hiện hữu và có ý nghĩa vì diễn tả tương quan hai chiều đó. Nó không tiến theo đường thẳng, mà tiến theo đường xoáy trôn ốc, nghĩa là có lập lại nhưng không bao giờ giống nhau, vì càng lên cao hay càng tiến tới, vòng xoáy càng mở rộng. Nói cách khác theo Kinh Thánh, cuộc sống con người tiến theo một lộ trình duy nhất, có điểm khởi hành và đích tới, chứ không lập lại vô tận, như bốn mùa xuân hạ thu đông. Mỗi ngày sống qua đi đều cộng theo một mớ hành trang mới trong cuộc đời con người, với những kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực để lại dấu vết và ảnh hưởng trên lộ trình. Chúng có thể giúp con người tiến nhanh tiến mạnh hay khúc mắc trì trệ trên lộ trình đời sống. Thời gian chỉ hiện hữu và có ý nghĩa vì diễn tả tương quan liên bản vị của con người với Thiên Chúa, nên nó không bao giờ lập lại giống nhau, và cũng không có tính cách định mệnh, mà tùy thuộc nơi sự tự do của con người. Nói cách khác quan niệm thời gian và lịch sử trong Kinh Thánh không phải là một loại thước đo tự động trừu tượng, không ăn nhập gì tới cuộc sống con người, mà chú ý tới sự tự do của con người và dành rất nhiều chỗ cho quyền tự do quyết định của con người trong tương quan liên bản vị với Thiên Chúa và dưới ánh sáng của lòng tin. Nghĩa là Thiên Chúa để cho mỗi người nắm giữ vận mệnh tương lai của mình trong tay.

 

Chính trong bối cảnh của quan niệm này, biến cố Đức Giêsu Kitô bước vào lịch sử nhân loại và đồng hành với con người ghi dấu một khúc rẽ định đoạt. Biến cố ấy chấm dứt qúa khứ và mở ra một viễn tượng sống mới, tạo ra một điều kiện sống mới cho con người và cho toàn lịch sử nhân loại. Chính vì thế thánh Phaolô khẳng định trong chương 3,21.26: ”Nhưng nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách độc lập với Luật Môshê… Giờ đây Thiên Chúa muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng công chính vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính”. Trong chương 7,6 thánh nhân giải thích rõ hơn tương quan giữa hiện tại và qúa khứ, giữa biến cố Đức Giêsu Kitô bước vào trần gian tử nạn và phục sinh để cứu độ nhân loại với qúa khứ do Luật Lệ Môshê điều khiển: ”Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam cầm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật”. Thánh nhân còn giải thích thêm sự thật này trong chương 8,1-2: ”Vậy giờ đây, đối với những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Bởi vì luật của Thần Khí trao ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát bạn khỏi luật lệ của tội lỗi và cái chết”. Lịch sử của cuộc sống tùng phục Tội Lỗi và số phận phải chết đời đời bị chắn lối. Adam thứ nhất nhường chỗ cho Adam thứ hai (5,12-21). Đúng thế, bởi vì Đức Kitô đã hoàn thành việc cứu chuộc (3,24) và giải phóng con người. Do đó thánh Phaolô viết trong chương 6,18.22: ”Anh chị em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính… Giờ đây anh chị em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ Thiên Chúa; anh chị em thu lượm được kết qủa là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời”.

 

Sự sống mới phát xuất từ Thần Khí trong Đức Giêsu Kitô đó giải thoát con người khỏi lề luật của tội lỗi và sự chết (8,2). Cuộc sống mới theo Thần Khí đó là kinh nghiệm hạnh phúc mà tín hữu có được trong lúc này đây. Thánh nhân viết trong chương 6,4: ”Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”. ”Vì thế chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật” (7,6b).

 

Nhưng chưa hết. Thời điểm của Đức Kitô còn mở ra cho con người tương lai cuối cùng của mạc khải vinh quang là được trở nên con cái của Thiên Chúa. Đây là điều thánh nhân khẳng định trong chương 8,18-25 khi viết: ”Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh làm sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Qủa thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, nhưng không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật thế, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Qủa vậy, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ”.

 

Khúc rẽ quyết liệt trong lịch sử nhân loại do Chúa Kitô đem lại còn được thánh Phaolô diễn tả trong chương 5,9-11 như sau: ”Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô Đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật thế, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết hầu chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa”.

 

Nói cách khác, các tín hữu tuy còn phải sống giữa các mâu thuẫn của lịch sử, nhưng thế giới cũ trong chúng ta và chung quanh chúng ta không còn quyền lực định đoạt nữa. Ách thống trị của nó đã bị bẻ gẫy. Chúa Kitô đã trở thành Chúa và các tín hữu giờ đây tuân phục Người. Đó là điều thánh Phaolô khẳng định trong chương 6,16-23 và chương 7,24-25. Tuy nhiên, việc tái rơi vào tình trang nô lệ tội lỗi trong qúa khứ vẫn luôn là một nguy cơ. Dù bị hạ bệ khỏi ngai thống trị, nhưng Tội Lỗi vẫn tìm cách tái chiếm ngôi báu của nó. Do đó, tín hữu vẫn luôn luôn phải chiến đấu và rên siết trên con đường khổ giá đồng hành với toàn nhân loại. Nhưng họ sống sự mệt nhọc ấy trong niềm hy vọng đạt ơn cứu độ vĩnh viễn. Nỗ lực duy trì cuộc sống mới, trong đớn đau quằn quại của việc sinh ra trong ơn thánh giống như tiến trình của một con sâu quằn quại kiên nhẫn đợi chờ lúc ra khỏi cái kén để biến thành con bướm xinh, tung tăng bay lượn trên ngàn hoa nội cỏ của cánh đồng cuộc sống mới. Nó được thánh Phaolô trình bầy trong chương 8,18-25 như vừa trích dẫn trên đây.

 

Qua đó chúng ta thấy thánh Phaol không bi quan yếm thế, nhưng cũng không lạc quan đơn sơ. Thánh nhân sáng suốt và ý thức được cái đớn đau của cuộc lột xác đổi đời đó của tín hữu, và khuyến khích chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, với tất cả lòng cậy trông tín thác nơi lời hứa của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát chúng ta trong Đức Kitô Con Ngài. Lòng trông cậy được diễn tả với tất cả tâm tình sốt mến trong chương 8 như sau: ” Vậy còn phải nói thêm gì nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại nổi chúng ta?… Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy ư, bắt bớ gươm giáo ư?… Phải, tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (8,31.35.38-39). Xác tín đó không phải tự dưng mà thánh Phaolô có được, nhưng nó là kết qủa kinh nghiệm cá nhân của ngài, kinh nghiệm mà thánh nhân đã sống tới tột độ trong tận cùng thẳm tâm hồn và cuộc đời ngài. Và thánh nhân chia sẻ kinh nghiệm qúy báu ấy với chúng ta là các thế hệ đến sau, con cái của các tông đồ trong đức tin và là hoa trái công tác rao giảng Tin Mừng của các vị.

 

  Linh Tiến Khải

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.