Gia tài này quá lớn và phong phú, và chắc chắn Giáo hội vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và đào sâu hơn về tất cả những vấn đề liên quan đến con người.
1. Với Giáo Hội
Khi tôi suy nghĩ về gia đình và xã hội trong thời đại mà các trẻ em từ 7 tuổi đã được chỉ dẫn cho biết cách sử dụng máy vi tính, để rồi khi tan trường về nhà, nếu cha mẹ hay những người khác như anh chị trong nhà không ngăn cấm, thì chúng sẽ ôm ghì lấy cái máy để “chơi game” một cách thích thú và say sưa, quên cả sách vở hay bài làm thầy cô giáo cho về nhà làm, tôi vẫn nhớ đến gia tài của Giáo hội, đã trao cho con cái đức tin đông đảo của mình trên toàn thế giới.Đặc biêt, đó là những băn khoăn và âu lo, về những thách đố của xã hội văn minh cơ khí, đối với cả cộng đồng nhân loại, cách riêng với người tín hữu Ki-tô.Những băn khoăn và âu lo này, đồng thời cũng là những giáo huấn về xã hội, được ban hành dưới hình thức các Thông điệp.
Đầu tiên, Đức Lêô XIII ban hành Thông điệp Rerum Novarum (còn gọi là Tân Sự), ngày 15-5-1891.Công trình này phải mất hơn một năm mới hoàn tất. Đó là kềt quả trầm tư của ngài trong tình trạng giới công nhân thợ thuyền tại Bắc Mỹ và Âu châu bị bóc lột rất tệ hại vào cuối thế kỷ 19. Các Đức Giáo Hoàng sau đó vẫn tiếp nối công trình này, như Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan-Phaolô II và Đức Bênêdíctô XVI, đương tại triều. Thánh Công đồng chung Vaticanô II cũng đóng góp cho nhân loại những trầm tư của mình về các vấn đề của con người và của xã hội hôm nay, như Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes), Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicans Actuositatem), Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, và một số văn kiện khác.
Gia tài này quá lớn và phong phú, và chắc chắn Giáo hội vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và đào sâu hơn về tất cả những vấn đề liên quan đến con người. Tiếc rằng, chỉ có một tối thiểu số người Công giáo, nhất là tại Việt Nam có trong nhà mình những văn kiện trên. Đa số nghĩ rằng các tài liệu này xa lạ với đời sống thường ngày của họ. Họ thuộc tầng lớp bình dân, văn hóa chẳng có bao nhiêu; một lớp người khác thì không có thời giờ, hoặc có nhưng các văn kiện cũng trí thức quá, nên lãnh hội khó khăn …Nói chung, người Công giáo suy nghĩ đơn giản là : đi lễ các ngày trong tuần thì tốt, bằng không thì dự lễ Chúa nhật, các lễ trọng và lễ buộc trong năm phụng vụ, xưng tội, rước lễ Mùa Phục sinh, giữ tốt các giới răn. Thế là được rỗi linh hồn. Chúa không khe khắt quá đâu, trái lại Chúa luôn mở rộng con Tim Tình thương.
Giáo hội rất trân trọng các thành phần giáo hữu này, vì họ đơn sơ, khiêm nhường, đức tin chân thật, lòng đạo sốt sắng. Nếu cần đánh giá họ, thì đó là những tín hữu thầm lặng, một dấu chứng đức tin đáng ca tụng. Họ tham gia các sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ, cùng nhau đi hành hương các trung tâm tôn kính đức Maria .Những hình thức sinh hoạt trên kết hơp với đời sống đạo của những người công giáo bình dân này, cũng là một lối truyền giáo.
2. Với gia đình
Về mặt công dân trần thế, các bậc cha mẹ Công giáo cũng như các bậc cha mẹ trong gia đình Việt Nam nói chung từ rất xa xưa, có truyền thống yêu thương con cái, chăm sóc chúng ngay từ lúc mới sinh. Khi tới tuổi dựng vợ gả chồng, họ cung cấp cho chúng một tài sản nho nhỏ, nhất là một căn nhà.
Nhưng, các bậc cha mẹ Công giáo lại thiếu sót trong việc để lại cho con cái những tài sản thiêng liêng. Họ không học được nơi Hội thánh từ 2.000 năm nay, đã để lại cho con cái đức tin của mình biết bao nhiêu là tim là óc, là cuộc đời chứng nhân trong mọi lãnh vực của nhân sinh .Không có những vốn liếng tinh thần và thiêng liêng, được cung cấp bởi Hội thánh, thì làm sao mà trao lại cho con cái, nhất là trong thời buổi này, hầu như tôn giáo, luân lý, đạo đức , văn hóa đang bị giảm trừ giá trị nhân văn và tục hóa nặng nề.
Hơn mấy chục năm trở lại đây, đồng tiền đã làm chủ đời sống. Ngay trong các xóm đạo, trẻ em 7,8 tuổi đã luôn nói trên miệng “đô la”, vì gia đình có nhiều người ở nước ngoài. Sống ở một thời buổi mà quyền bính xã hội bao trùm lên tất cả, ngay với tôn giáo cũng mất tiếng nói, nếu đưa ra hai tấm bảng có ghi những mục tiêu trong cuộc sống và bảo người ta chọn lựa, các bậc cha mẹ sẽ chọn gì và để lại những gì cho con cái ?
Dưới đây là một thí dụ, chúng tôi mượn lại trong tập : “Làm thế nào để chung sống suốt đời với người bạn Công giáo”,(12 chương và chương kết) 140 trang cả Mục lục, không ghi ngày tháng, không ghi tên người biên soạn các đề tài trong sách. Ở “Đôi lời tâm sự” có viết : “…mục đích của tập này, xin khiêm tốn bầy tỏ những kinh nghiệm cá nhân có được qua việc gặp gỡ tiếp xúc và làm tư vấn trong nhiều năm qua. Đồng thời để phong phú và hoàn tất chuyên đề, chúng tôi cũng dựa vào tác phẩm “HOW TO SURVIVE BEING MARRIED TO A CATHOLIC” (1993). Chúng tôi cũng xin lấy tựa đề của tác phẩm để chọn làm nhan đề cho tập sách nhỏ này.” Ở cuối bài này, chỉ thấy ghi : “ Người thực hiện, nhc.” Phần chúng tôi mượn lại dưới đây, thuộc Chương 11 : Người Công Giáo và đời sống gia đình.
Xin tóm lược :
Chắc chắn cha mẹ nào cũng mong ước những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, người thì muốn con mình làm xướng ngôn viên Truyền hình, người khác bảo, cháu sẽ làm kế toán viên tài ba. Nhưng người ta tưởng tượng ra một bà tiên hiện ra để đề nghị với quí vị thế này :
“Ta sẽ ban cho ngươi hai bình nhiệm mầu. Bên trong chứa đựng những món quà quí hiếm.Ngươi được chọn 3 món quà cho con mình. Chỉ ba món thôi nhé. Trước khi chọn, ta đưa ra một điều kiện duy nhất là : cả 3 món ngươi chọn phải nằm trong cùng một bình đấy. Nào bây giờ ngươi chọn gì, bỏ gì ?”
Bây giờ chúng ta xem hai bình có gì bên trong :
-Cái bình bằng hồng ngọc đỏ chói chứa đựng nào là sắc đẹp, sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc, quyền lực, danh tiếng, sống lâu.
-Cái bình thứ hai bằng pha lê xanh biếc, trong đó thấp thoáng những kiên nhẫn, tử tế, đại lượng, hòa nhã, tự trọng, cảm thông, nhẫn nại, khoan dung, chịu đựng, lương thiện, chân thật, trung tín.
Trong khi chọn lựa, nhiều vị phụ mẫu cũng có lắm nhận định khác nhau :
Ông Bà A có thể nhìn vấn đề như thế này : “Chúng tôi chọn 3 món trong bình đỏ : sức khỏe dồi dào, tiền tài sung túc và có nhiều quyền thế” –Chúng tôi muốn con trai chúng tôi sau này đi theo con đường chính trị. Mà đó là 3 thứ mà chúng tôi thiết tưởng nó sẽ cần nhất.
Ông Bà B có thể nghĩ như thế này : “Chúng tôi chọn cho con cái 3 món trong bình mầu xanh vì những thứ đó xem ra sẽ mang lại hạnh phúc cho một con người hơn là những món trong bình mầu đỏ. Nên chi, chúng tôi chọn : “Lương thiện,tự trọng,trung tín”.
Ông Bà C lại nghĩ khác : “Chúng tôi chọn 3 món trong bình màu đỏ :Thể hình Thẩm Mỹ (Sắc), Ổn định Tài Chánh (Lộc) và Sức Khỏe dồi dào (Thọ)”- Tại sao chúng tôi không xin bà tiên những món trong bình xanh ? Vì chúng tôi nghĩ chính mình làm cha mẹ phải tặng cho con cái những món quà ấy. Và cũng vì những món trong bình đỏ vượt quá “Tầm tay” chúng tôi, nên chúng tôi đành “nhờ vả” bà tiên giúp cho con cái chúng tôi vậy.”
-Còn Ông Bà theo quan điểm nào ?
Có lẽ Ông Bà cũng thấy là quan điểm của ông bà C là “tối ưu”. Những món trong bình đỏ vượt tầm kiểm soát của con người, còn những món trong bình xanh thì không. Cha Mẹ có thể nhờ việc chăm sóc, ảnh hưởng, và gương tốt của mình để xây nền cho con cái biết cách tự hình thành những báu vật chứa đựng trong chiếc bình màu xanh đó.
Còn các bậc cha mẹ Công giáo, ngoài “gia tài” mà ông bà C với tư cách những công dân trần thế trên đây trao cho con cái của họ, chúng ta, những công dân Nước trời, sẽ trao cho con cháu chúng ta những gì ? Trước khi chọn lựa một gia tài để làm hành trang suốt đời cho con cháu, chúng ta hãy luôn tâm niệm lời Chúa trong Tin mừng : Thiên Chúa quan phòng, (Mt 6, 25-34)
“Vậy các ngươi chớ lo mà rằng : Ta sẽ ăn gì ? ta sẽ uống gì ? ta sẽ lấy gì mà mặc ? Các điều đó, dân ngoại kiếm tìm. Nhưng Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.” (Mt 6, 31-33)
Đó là lý do tại sao Giáo hội Công giáo nhấn mạnh nhiều lần đến tầm quan trọng của đời sống gia đình. Một gia đình hạnh phúc và ổn định sẽ cung cấp cho con cái một bầu khí thuận lợi để học hỏi sống tương giao với tha nhân : quan tâm, chia sẻ, yêu thương và tha thứ. Nói cách khác, những hành trang thực sự trong đời con cái không do nhà trường hay do nhà thờ cung cấp, mà là do gia đình chuẩn bị thu xếp ngay từ đầu. Chính trong gia đình, con cái biết mình được yêu thương và được đón nhận như thế nào. Qua đó hình thành những nét chính yếu về chính bản thân, về mối tương quan giữa chúng và với người khác và với Thiên Chúa.
Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Nhiệm vụ này không bao giờ chấm dứt. Cha mẹ không thể và không bao giờ có thể thoái thác được vai trò và trách nhiệm này. Bất cứ làm gì, nói gì cũng đều “đập” vào tai mắt con cái và đều để lại một ấn tượng nào đó, tốt có mà xấu cũng có.
Cái cung cách bố mẹ nói chuyện hay cư xử với nhau, cách dàn xếp chuyện bất hòa, cách đối xử khoan dung, tha thứ đều hết sức quan trọng. Ngoài ra, gia đình còn là nơi dậy dỗ nhiều điều quan trọng hơn, đặc biệt là nơi hun đúc lòng đạo. Người Công giáo tin rằng rất cần giúp trẻ thiết lập một mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa ngay từ thời còn thơ. Việc này được thực hiện rất đơn giản bằng cách vun đắp óc thẩm mỹ của trẻ khi nhìn ngắm thiên nhiên chung quanh.
Rồi từ đó, chỉ cần một bước ngắn, là có thể giúp trẻ dệt thành những lời nguyện đơn sơ bầy tỏ với Thiên Chúa sự ngạc nhiên khâm phục, lòng cảm tạ biết ơn, và lời ca ngợi chúc tụng :
Lạy Cha, chúng con dâng lời cảm tạ Cha đã thương ban cho chúng con
một ngày tuyệt đẹp, một ngày vui bên nhau.
Ngày 28-10-2009
Khải Triều
Views: 0