Uncategorized

Gia tài cho con

Làm sao gầy dựng, chắt chiu và trao ban gia sản để giúp con cái thuận lợi hơn trong việc lập thân, là ước muốn đáng trân trọng của các bậc làm cha mẹ.

 

Làm sao gầy dựng, chắt chiu và trao ban gia sản để giúp con cái thuận lợi hơn trong việc lập thân, là ước muốn đáng trân trọng của các bậc làm cha mẹ.

 

Tuy nhiên, có một gia tài không đo bằng giá trị tiền bạc hay đếm bằng vật chất, nhưng là cơ sở vững chắc để giúp con cái có thể tìm kiếm thành công, hạnh phúc và ý nghĩa thực sự của đời mình. Đó là tất cả những gì tốt đẹp và tinh tế mà cha mẹ dành cho con cái trong những năm tháng đầu đời, để định hình nên nhân cách sau này của trẻ.

 

Vào thế kỷ 19, người ta cho rằng những hành vi sai trái của con người là do di truyền. Đến thế kỷ 20 và 21, quan niệm này dần thay đổi và môi trường được xem là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến hành vi con trẻ.

Có lẽ không nhiều người trong số chúng ta nhớ được chút ký ức gì ở tuổi lên 3, nhưng theo các công trình nghiên cứu khoa học và theo Maria Montessori, một trong những nhà giáo dục nổi tiếng được công nhận ở thế kỷ XX, cho rằng: ba năm đầu đời có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự phát triển một tính cách. Tính cách có thể được hiểu là điều tạo nên con người. Tính cách không phải tự nhiên có, mà được hình thành qua quá trình học hỏi và rèn luyện.

Sau khi rời khỏi cơ thể mẹ, trẻ bắt đầu làm quen với thế giới xung quanh, dần có những suy nghĩ và cảm nhận theo cách riêng. Hầu hết thời gian từ khi sinh ra cho đến tròn một tuổi, trẻ dùng để khám phá cha mẹ mình và thiết lập mối quan hệ yêu thương, an toàn.

Trẻ cần có những sản phẩm thu nhỏ đồ dùng của người lớn, để cảm thấy thoải mái trong môi trường của mình và cảm giác được tiếp nhận.

 

Các nhà chuyên môn thường gọi ba năm đầu đời của trẻ là ba năm “vàng”. Trong giai đoạn này, trẻ có tốc độ phát triển trí tuệ và thể chất cực lớn. Nếu phụ huynh không tận dụng, thì sau ba năm đầu đời, dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được vì mọi sự đã “an bài”.
Bốn lãnh vực cơ bản liên quan đến sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ là sự tăng trưởng cơ thể (kích thước, sức khỏe, sự phối hợp), sự phát triển của trí tuệ (suy nghĩ, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề), sự phát triển của nhân cách (mối quan hệ, hiểu biết xã hội, tình cảm) và sự tăng trưởng của não bộ (sự phát triển của tế bào thần kinh, khớp thần kinh).

Nguồn sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất, với tính ưu việt giúp trẻ phát triển hoàn chỉnh, giảm rối loạn tiêu hoá, có khả năng chống nhiễm trùng, tránh các bệnh dị ứng; sữa mẹ còn giúp phát triển trí thông minh, có lợi cho sự phát triển tế bào não của trẻ; sữa mẹ chứa nhiều chất tham gia vào quá trình hình thành màng tế bào võng mạc ở mắt; giúp trẻ hấp thu tốt các vitamin và khoáng chất…. Cho con bú mẹ không chỉ là cho con nguồn dinh dưỡng vô giá, mà còn cho trẻ cái quyền lợi thiêng liêng, căn bản và cảm giác hạnh phúc, an toàn trong vòng tay mẹ.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy bằng cách đánh thức, kích thích các giác quan, đặc biệt là thính giác và thị giác trong giai đoạn đầu đời, sẽ giúp khơi dậy tối đa tiềm năng trí tuệ của trẻ. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu mới nhất đã chứng minh: việc đọc truyện cho trẻ dưới tuổi lên 3, được xem là giai đoạn then chốt để phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc sau này. Đây cũng là cách vừa trau dồi từ vựng cho trẻ, vừa giúp trẻ hình thành và nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tô vẽ cho cuộc sống bằng những hình ảnh thần tiên, cổ tích.

Trẻ trong giai đoạn chập chững (< 3 tuổi) thường kinh ngạc và tò mò về năng lực hành vi của mình. Đây cũng là thời kỳ trẻ chập chững tập đi và là giai đoạn cha mẹ có nhiều bối rối, lo lắng.

Sự trải nghiệm trong những năm tháng đầu đời sẽ quyết định trẻ có ham học hay không.
Các món đồ chơi mang tính khoa học giúp kích thích vận động bộ não, và từ đó rèn luyện tư duy của trẻ. Do đó, việc đầu tư giải trí qua các món đồ chơi cũng không kém phần quan trọng so với một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 

Tình thương yêu của cha mẹ là chất liệu quý báu tạo nên gia tài cho con cái. Chính tình yêu ngọt ngào của cha mẹ làm cho trẻ an tâm, không cảm thấy bị lạc lõng giữa một thế giới xa lạ và đầy thách đố này.

 

Cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, để rèn tính tự lập, tự tin và tinh thần trách nhiệm. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải bỏ thời giờ và chấp nhận những hành động chậm chạp ban đầu của chúng. Nếu mọi hành vi của trẻ đều được người lớn can thiệp, làm giúp thì trẻ không học được bài học cơ bản về tính chịu khó và nỗ lực, đồng thời lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương. Một đứa trẻ học được tính kiên nhẫn thường có khả năng kiên trì và thành công hơn.

 

Gia tài cho con còn là kết quả của ý thức bảo vệ con trẻ khỏi những biến động và căng thẳng của môi trường. Điều này giúp cho con cái cảm nhận sự an toàn và học cách tin cậy vào người lớn. Nếu không có đức tính này, trẻ sẽ phải vật lộn cách vất vả trong quá trình phát triển.

 

Gia tài cho con còn là tính kỷ luật được chuẩn bị để trẻ sớm hoà nhập vào môi trường học đường. Đôi khi cha mẹ phải nói “không” một cách dứt khoát với con cái, để trẻ hiểu rằng không phải tất cả mọi đòi hỏi cá nhân đều được đáp ứng. Từ đó, trẻ dần dần học cách điều chỉnh bản thân.

 

Trẻ con có thói quen bắt chước người lớn và thường lặp lại những gì đã ghi nhận từ môi trường trước đó. Đôi khi vì muốn trẻ tuân thủ một điều gì ngay tức khắc, cha mẹ thường hay hứa hẹn và quên giữ lời hứa. Trẻ sẽ rút ra được bài học về sự thất tín từ những tình huống như thế.

Ngoài việc làm gương cho con trẻ về cách hành xử đạo đức và những hành vi tích cực, chúng ta còn cần khuyến khích, động viên và khen ngợi trẻ mỗi khi chúng cư xử đúng.

 

Người ta thường nói đến tình thương vô biên của cha mẹ dành cho con, mà đôi khi quên chiều kích ngược lại. Gia tài cho con cái còn là thái độ cha mẹ đón nhận tình thương tinh tuyền, vị tha của trẻ. Thứ tình thương dào dạt, vô vị lợi này, dường như làm cho trẻ cao lớn hơn so với những ni tấc hữu hạn của mình. Và hơn thế nữa, tình yêu ấy sẽ làm cho người lớn phải sống tích cực hơn.

 

Gia tài dành cho con còn là sự đáp lại lời mời gọi thu hút sự chú ý của người lớn, để có được niềm vui của trẻ: “Nhìn con này! Chơi cùng con đi!”

 

Tâm hồn của trẻ còn là một câu đố khó lý giải đối với người lớn và đôi khi khiến họ lúng túng, vì người lớn chỉ quan sát hiện tượng bề ngoài mà không phân tích đến hoạt động tâm lý xuất phát từ bên trong. Không ít người lớn đã phải vật lộn với trẻ trong vai trò làm cha làm mẹ của mình. Tình thương và hiểu biết là hai phạm trù bổ sung cho nhau để đạt đến một tương quan tốt đẹp. Do đó, ngoài tình thương yêu, người lớn phải học để biết trẻ, phải học để hiểu trẻ.
Tiếp tục đồng hành với các giai đoạn phát triển của trẻ, sau một chuỗi đề tài về Thai Giáo – Phương pháp giáo dục con từ trong bụng mẹ, chiều thứ 7 ngày 15/05/2010, Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp. HCM đã tổ chức buổi nói chuyện do Ths. Trần Đình Dũng, Giám Đốc TT đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Khuê Văn đảm trách, với đề tài: “BA NĂM ĐẦU ĐỜI CỦA CON”.

Bằng kinh nghiệm của một người làm cha và với cái nhìn của một nhà xã hội học, Ths. Trần Đình Dũng đã trao đổi với khán giả những trải nghiệm thực tế trong việc giáo dục con cái, đặc biệt là trong ba năm đầu đời nhằm giúp khơi gợi những tiềm năng và xây dựng nền móng nhân cách của trẻ. Anh đã chia sẻ với khán giả bằng cả trái tim và tấm lòng của mình.

Một đứa trẻ hỏi nhiều thường là biểu hiện của sự năng động, thông minh, tính thích tìm tòi, khám phá… Đôi khi cha mẹ cần phân định rõ ràng giữa tranh luận và hỗn (láo) của trẻ để có những khuyến khích hay điều chỉnh hợp lý. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, lắm bậc phụ huynh không đủ thời gian và kiên nhẫn để cùng trẻ khám phá những điều bí ẩn trong cái nhìn trẻ thơ, cũng như không có những câu trả lời giải đáp thỏa đáng cho trí tò mò, tìm hiểu của trẻ. Nhiều sự quát tháo thô bạo của cha mẹ làm cho trẻ khựng lại, và những chuyến phiêu lưu tìm kiếm điều mới mẻ phải kết thúc khi chỉ vừa mới bắt đầu.

Làm người lớn, cha mẹ thường có xu hướng nhìn thấy cái sai và tỏ thái độ chỉ trích. Lên ba, trẻ chưa có khả năng tư duy về mặt logic, chỉ phân biệt đúng – sai, nên làm hay không nên làm. Cha mẹ cần có cái nhìn bao dung và làm nhẹ vấn đề qua cách quan tâm, gợi ý và hướng dẫn trẻ nhìn được hiện tượng, nguyên nhân và hậu quả của sự việc, nhằm kích thích tư duy trẻ tự nhìn nhận vấn đề.

Trẻ trên 2 tuổi đã bắt đầu tự có ý thức và đòi hỏi người lớn phải tôn trọng chúng. Cái bướng bỉnh của tuổi lên 3 là một ví dụ: trẻ nằng nặc đòi tự mặc quần áo mặc dù chúng cứ xỏ hai chân vào một ống, hoặc vẫn đòi được tự xúc cơm dù làm vương vãi ra ngoài. Đó là dấu hiệu trẻ muốn khẳng định mình và bắt đầu ý thức được mình là ai. Tuy nhiên, nhiều khi phụ huynh hiểu lầm là do con bướng bỉnh, không biết vâng lời nên đôi khi trừng phạt trẻ khắt khe bằng đòn roi. Điều vô tình này dần khiến con trẻ ngày càng chai lì roi đòn hoặc có những hành động chống trả quyết liệt để tự bảo vệ mình hoặc ở dạng tiềm ẩn, chờ cơ hội thích hợp sẽ “bùng phát”.

Với khoảng 1.000 từ vựng và cái nhìn trong sáng, cách diễn đạt của trẻ con hoàn toàn khác với người lớn. Trẻ thường ngây thơ đồng hóa sự dễ thương của con vật như chó, mèo với sự dễ thương của ông bố, bà mẹ. Nếu cha mẹ không đi vào thế giới của trẻ để có cùng một nhãn quan và ngôn ngữ, sẽ dễ dàng quy kết tội hỗn láo cho con.

Giúp trẻ nói đúng và tròn chữ không chỉ góp phần làm tăng khả năng học hỏi, tiếp thu của trẻ trong 12 năm tiếp theo, mà còn xây dựng lòng tự tin nơi trẻ.

Dân gian có câu: "Trẻ lên ba, cả nhà tập nói". Câu tổng kết gồm sáu từ này gói gọn cả nghệ thuật và quan niệm giáo dục của ông cha. Cả nhà không chỉ nói chuyện với trẻ, mà còn phải tự tập điều chỉnh lời ăn tiếng nói của chính mình. Đầu óc trẻ không phù hợp với những điều cao siêu hay những mớ lý thuyết giáo điều, trẻ sẽ học nói qua những gì tai nghe mắt thấy hằng ngày. Người lớn không thể chờ đợi ở trẻ sự tinh tế khi họ nói năng một cách thô bạo. Người lớn không thể buộc trẻ phải trung thực khi họ biểu lộ toàn sự dối trá…

Tâm hồn của những đứa trẻ lớn lên bằng lời hát ru ầu ơ sẽ nhạy cảm và sâu sắc hơn. Những lời hát ru này sẽ không bao giờ lạc điệu cho dù cuộc đời có biến đổi tới đâu. Hát ru không chỉ thể hiện tình cảm ấm áp của người mẹ dành cho đứa con yêu dấu, mà nội dung mỗi câu hát còn thể hiện trí tuệ, sự hiểu biết về cuộc đời của người mẹ. Sự thiếu vắng những lời hát ru trong các gia đình trẻ ngày nay, đang trở thành nỗi lo lắng không của riêng ai.

 

                                                            ********

Thời gian qua, Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp. HCM luôn khuyến khích và chào đón sự đóng góp của giáo dân trí thức trong việc chuyển tải kiến thức cho cộng đồng.

Đáp lại lời mời gọi, anh Trần Đình Dũng đã hiện diện ở Chương Trình Chuyên Đề Cuối Tuần và chia sẻ với quý vị khán giả, các bậc làm cha mẹ, các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa hôn nhân và những ai quan tâm đến giáo dục, phần “Gia Tài Cho Con” mà anh đã gói ghém, tích luỹ trong “sự nghiệp trồng người”.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.