Trong bài trước đây, chúng tôi đã dẫn vào một khái niệm căn bản về tính “độc hữu” của Cộng sản, phá đổ tất cả lịch sử, quá khứ; thay tiếng gọi “Mẹ” đầu đời của em bé bằng tiếng gọi “Sta-lin”.
Trước khi Phật giáo và Kitô giáo hội nhập vào Việt Nam, chúng ta đã lớn lên làm người trong nền văn minh nông nghiệp.Đây là môi trường tuyệt vời nhất cho “Đạo Hiếu”. Suốt mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tử với các triều đại đế chế phương Bắc, dòng Bách Việt còn mãi đến ngày nay, đã làm ngạc nhiên đến kính phục của nhiều học giả nước ngoài, khi họ nghiên cứu về các thời kỳ trong lịch sử của Việt Nam.”Đạo Hiếu” ấy, đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, những anh hùng kiệt xuất, làm kinh hoàng những triều đình phương Bắc đem quân xâm lược Việt Nam, ôm hận chui xuống ống cống chạy về.Đến khi Phật giáo và Kitô giáo đến, hai tôn giáo này đã đào tạo biết bao nhiêu bậc tinh hoa, tài trí sánh được với quốc tế.Tôn giáo và Dân tộc trở nên “như một”, không đối lập, không loại trừ nhau, không mua chuộc nhau, không coi nhau là phương tiện, là công cụ để khai thác nhau.Ngược lại,như cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, nhóm quân nhân mị dân Phật giáo đấu tranh, tưởng là để khai thác yếu tố “Mạnh” của phía này, hầu “hạ thấp” phía kia xuống, nhằm tạo thế lực cho mình.Còn Phật giáo đấu tranh đã coi nhóm quân nhân vô tích sự, dốt nát, mê muội này chỉ là dụng cụ khai thác mâu thuẫn trong dân chúng hai bên lúc đó, nên đã thất bại nhục nhã ngay. Hại đến bây giờ cách nhãn tiền.Đảng CSVN ngày nay tinh quái hơn rất nhiều. Chúng vừa mua chuộc, mồi chài, cho ăn chả, cho uống sâm nhưng lại gây khó khăn, bực bội kể cả cái chết, cho những ai bướng bỉnh. Để đạt được điều này, CSVN đã thực hiện rất nhiều biện pháp mà chúng gọi là “chế tài” ngay khi cướp được chính quyền.Trong khi đó, nền văn hóa cộng sinh của làng thôn Việt Nam cũng là mục tiêu bị phá hủy liên tục, quyết liệt và thô bạo như “giặc”.
Nếu như những em bé được sinh ra và lớn lên trong bàn tay âu yếm và bầu sữa ngọt ngào của người mẹ, mà tiếng nói đầu đời lại gọi “Sta-lin” thay vì gọi tiếng “Mẹ !” thì không biết có người mẹ nào có thể cười được không, dù là cười gượng và khóc.Chắc chắn không có tiếng gọi đầu đời nào ở một em bé như vậy bao giờ. Tố Hữu có lẽ cũng phải biết như vậy.Nhưng ông vẫn viết những lời ấy xuống giấy trắng, chỉ nhằm đánh bóng lãnh tụ Cộng Sản này.Thật thiêng liêng và dễ thương khi tiếng nói đầu đời của một em bé là tiếng gọi “Mẹ”. Có bà mẹ nào không thấy tràn ngập niềm vui khi chợt nghe tiếng gọi đầu đời ấy của con mình !.Nay, Đảng đặt ông Sta-lin vào vị trí của người mẹ, là một chính sách giáo dục nhằm triệt phá tình mẫu tử, triệt phá tính chất nhân văn của con người, biến con người thành những dụng cụ, những bộ máy mang mặt người.Đến khi con trẻ cắp sách đến trường, các em lại được học thuộc lòng, học trôi chảy như dòng nước những bài thơ ca tụng ông Hồ Chí Minh:
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bác Hồ hơn mẹ hơn cha,
Công cao nghĩa rộng bao la biển trời.
Những bài học như thế này đã lâu lắm, không ít thành phần trong các hệ thống cai trị của CSVN đã dù muốn hay không, trong giao tiếp thông thường hàng ngày, người ta suy tôn ông Hồ, coi ông là bậc thánh sống, lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Pháp, mang lại độc lập cho dân tộc, mang lại cơm áo, gạo tiền cho mình. Cho nên, khách tuy là đồng hương, là họ hàng thân thuộc với mình, nhưng khi khách hỏi: Dạo này, chú hay cô có khỏe không ? Làm ăn có khá không ? Khách từ phương xa về, sẽ được nghe những câu quen thuộc ở nhà này cũng như tại những nhà khác mà khách đến thăm, khiến khách bật cười khi nghe lần đầu. Nhưng những nơi khác cũng lại nghe cùng một giọng điệu thì khách thấy khó chịu. Thí dụ: Nhờ ơn Bác và Đảng, vợ chồng em ốm đau thì lên trạm xá lấy thuốc, nhờ có Bác và Đảng, gia đình chúng em không bao giờ thiếu gạo v.v…Thế còn các cháu bé này đi học cả chứ ? – Có chứ ạ. Cũng nhờ có Bác và Đảng, các cháu cứ tới tuổi đi học là đi hết, không phải đóng một đồng tiền nào hết. Các cháu ngoan lắm,vì là “cháu ngoan Bác Hồ”, mà không ngoan thì đã có nhà trường, có các thày cô, có các đoàn thể như Đội, Đoàn , Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên v.v…người ta góp ý với mình, chỉ cho mình hợp tác với nhà trường dạy dỗ con mình, nên cháu nào cũng ngoan.
“Nhờ tuyên truyền khôn ngoan và những câu chuyện truyền kỳ thêu dệt, mà trong những năm kháng chiến, trước khi xảy ra những vụ đấu tố trong phong trào Cải Cách Ruộng Đất, ông Hồ Chí Minh đã được dân chúng coi là thánh sống. Trên bàn thờ gia đình nào cũng có ảnh của ông và riêng ở một vài nơi như ở Quảng Ngãi chẳng hạn, nông dân thường vái chân dung ông Hồ mấy vái trước khi ra đồng làm việc” (x. Từ Thực dân đến Cộng sản, của Hoàng Văn Chí).
Trong chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi, sáng ngày 17/4/1991, Đài Phát thanh Hà Nội cho biết, Câu lạc bộ có nhận được một lá thư của một cụ ông ờ Hà Sơn Bình, kể một trường hợp xảy ra ngay bên cạnh nhà của cụ, nhận thấy nó quá đau lòng nên phải viết thư về đài, coi như một lời cảnh tỉnh xã hội, về một trường hợp người con là cán bộ đảng viên đã cư xử với cha ruột của mình quá tồi tệ ngay khi ông ta đã chết lúc 82 tuổi.
Khi người con, một cán bộ đảng viên sống ở Hà Nội, được báo tin người cha của ông ta đã chết, bèn đi xe cub về quê. Thấy con về, người mẹ nói : Con có gì thì lo giúp cho mẹ. Người con bèn nói : Đảng cho tôi chứ ông bà già có cho gì tôi. Nói xong lên xe đi luôn !
Những ngày đầu tháng 5/1975, không ít những gia đình Công giáo tại Sài Gòn bỗng nhiên có những người khách lạ không quen biết cũng vào nhà rất vô tư, đó là các bộ đội trẻ miền Bắc. Bước thẳng vào nhà, thái độ đầu tiên là nhìn lên bàn thờ Chúa, nói ngay. Đại ý, Chúa của ông bà có cho ông bà gạo thóc, tiền đâu. Chúng cháu chỉ có một đạo, là đạo Bác Hồ. Chỉ có Bác mới cho nhân dân gạo ăn thôi !
Để trở nên một người cán bộ đảng viên,hay một người lính, người dân bình thường trong câu chuyện khách phương xa đến thăm,bộc lộ cái tiếng nói xa lạ với thế giới nhân văn, phủ nhận công lao của cha mẹ dưỡng nuôi ra mình, chỉ biết có Bác, có Đảng, không thể là một sớm một chiều. Nó phải trải qua một quá trình giáo dục, ngay từ khi em bé tới tuổi đi học.
Trong sách Tiếng Việt (Lớp 2, tập Hai,2008),ông Hồ Chí Minh còn được nâng cao lên chóp đỉnh căn nhà Việt Nam, qua bài thơ của Lê Anh Xuân:
Việt Nam Có Bác
Bác là non nước trời mây,
Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn.
Còn cao hơn đỉnh Trường Sơn,
Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha.
Điệu lục bát, khúc dân ca,
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam.
Trước ngày 30/4/1975, ở Sài Gòn khi nghe nói đến chủ trương “3 không” của Cộng sản, là không gia đình, không tôn giáo, không tổ quốc, có nhiều người không tin, cho là tuyên truyền, nói xấu cộng sản.Bởi vì, ai mà không có gia đình, không sinh ra trong một gia đình, và không lớn lên trong một gia đình ? Nhưng, phải sống với ba thực tại này trong gọng kìm CS, mới dần dần “sáng mắt” và “mở lòng” ra. Ba thực tại này vẫn còn đó, nhưng đã chuyển hóa, đã thay đổi nội dung, tính chất, thay đổi tinh thần. Lột bỏ đi cái tinh hoa, cái cốt cách làm nên nền móng gia đình, tôn giáo, dân tộc, thay vào đó là cái áo duy vật, vô thần nhuốm đầy máu của hận thù, của đấu tranh giai cấp, của giết chết địa chủ, thủ tiêu “gián điệp”, “Việt gian”v.v…
Những đứa con trong chế độ phong kiến, tư bản là kết quả những giây phút hưởng lạc, đồi trụy của cha mẹ chúng; tôn giáo là vật cản của tiến bộ… Tất cả đều phải bị triệt tiêu, phải đào hố vứt bỏ. Ngay đến loài người cũ kỹ ấy, cũng sẽ phải “xuống hố” hết, sau khi cách mạng vô sản thành công trên toàn thế giới.Lúc này, bọn tư bản,chúng đang “dẫy chết !”Nhưng, những nhân sĩ trong dân gian Việt Nam vẫn rất sắc bén khi họ xếp 4 chữ viết tắt từ Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), thành:
Xếp Hạng Con Người
Xuống Hàng Chó Ngựa
Xếp Hàng Cả Ngày
Xuống Hố Cả Nước
Đấy là một quá trình cách mạng lộn ngược. Đảng chiến thắng thì con người phải giảm trừ; Đảng vinh quang thì con người không còn hiện hữu !
Thực trạng của Việt Nam hiện nay không phải như thế này sao ?! Cho nên,cần phải đặt vấn đề gia đình Việt Nam trong bối cảnh tổng thể của đất nước, sau hơn nửa thế kỷ , qua các thời kỳ cai trị của CSVN như vậy, mới thấy được hết tính chất nghèo nàn về mặt tinh thần của nó.Sự mất mát này đang là một dấu hiệu cảnh báo về tính nhân bản của các gia đình và toàn xã hội.
Tôi tình cờ đọc ở trên mạng thấy có mấy bài viết về cuốn “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải. Trong mấy bài nhận xét về hồi ký này, tôi dừng lại lâu hơn ở những dòng sau: “ Cái NGU đã mở đường xâm nhập cho một tà thuyết trong khi cái HÈN đã giúp tà thuyết đó mặc tình thao túng và dẫn đường chỉ lối buộc cả dân tộc phải noi theo đến giờ này. Thực tế không thể phủ nhận là không riêng cá nhân này hay cá nhân khác lâm cảnh trầm luân, tủi nhục mà là toàn thể dân tộc đã rơi vào một ngõ cụt thảm thương do cái lổi lầm HÈN, NGU mà nhiều thế hệ đã mắc.”(Nguồn: Tiếng Nói Giáo Dân, Uyên Thao viết).
Sống với Cộng sản đã trên 30 năm, tôi không nghĩ là mình mang một mặc cảm,khi đem so sánh cuộc “cách mạng” xã hội của Đảng CSVN với cuộc thi “Vượt Vũ Môn” của loài tôm, và phương pháp tuyên truyền theo Pavlov. Bởi vì, cho tới giờ này, tôi có thể đồng ý cách viết của Nhạc sĩ Tô Hải qua Hồi ký của ông mang tên “Hồi ký của một thằng hèn” và bài viết của Uyên Thao khi ông đọc cuốn hồi ký này. Mục đích của cuộc thi “Vượt Vũ Môn” là để thành Rồng, một khi thành công. Nhưng tôm thất bại cho dù đã hết sức cố gắng, hết sức “gồng mình” lên để vượt. Sự cố gắng của tôm đã đảo ngược, đã thay đổi hình dáng của tôm : CỨT lộn lên đầu tôm. Người CSVN cũng thế, nhiều thế hệ tiếp nối họ cũng thế, nhiều thành phần trong xã hội VN hiện nay cũng thế.Tính nhân văn nơi con người không còn, trải qua hơn nửa thế kỷ nay.Người ta không còn biết suy nghĩ gì nữa, Đảng đã suy nghĩ tất cả cho người ta.Song song với tình trạng này, người dân bị Đảng áp dụng phương pháp tuyên truyền của Pavlov.Ông này thí nghiệm trên con chó, nên gọi là “con chó của Pavlov”.Mổi lần ông cho con chó của ông ăn thì đánh một tiếng kẻng và đưa ra miếng thịt, con chó nhìn miếng thịt thì mồm chảy nước giãi.Những lần sau cũng vậy.Một hôm, Pavlov đánh kẻng gọi chó, nhưng lần này ông không đưa thịt ra. Con chó vẫn chảy nước giãi khi nghe tiếng kẻng.
Phương pháp này có kết quả trên từng số phận, khi CSVN “quản lý nhân khẩu”.
Việc nhà đổ mồ hôi
Việc nước sôi nước mắt
Cuối tháng 8 năm 1982, tôi nhận được một lá thư của đứa cháu trai, có bố hy sinh trong kháng chiến, nói đến thân phận của mình mà cũng là thân phận của người khác, sau gần 30 năm dưới chế độ Cộng sản : “Cộng thêm công việc hàng ngày quá là vất vả cậu mợ ạ.. Cháu cảm thấy người ta sống quá là con vật. Lúc nào cũng lo toan. Công việc làm ăn quá sức. Không còn có thời gian để tâm đến việc đạo đức. Thậm chí kể cả những ngày lễ lớn, ngày tết cũng vậy. Cậu mợ ạ, không biết đến bao giờ vợ chồng cháu được an nhàn một chút. Cháu nói thật với cậu mợ, nếu cháu không có Chúa và Đức Mẹ, vợ chồng cháu không đủ can đảm để mà sống được. Có những buổi lao động về, mệt đến nỗi ngồi đâu ngủ gật đấy. Nhất là vụ thu hoạch…”
Ở những dòng cuối thư, cháu tôi viết tiếp : “Thực ra người ta đã phải chịu đựng nó quen rồi”. Như thế cũng được hiểu, đó là thành quả của phương pháp Pavlov, áp dụng trên thân phận con người trong lao động cưỡng bách, công điểm hay chỉ tiêu.Người ta không còn ý thức mình bị bóc lột, người ta sống như một cái máy, làm việc liên tục một ngày từ 4,5 giờ sáng cho tới 10,11giờ đêm.”Người ta sống quá là con vật”.
Một xã hội như thế hiển nhiên là sẽ đẩy con người tới một trạng thái tinh thần vô trách nhiệm đối với việc thăng tiến của con người trong xã hội.Đây cũng là vấn đề của hiện nay. Có nhà để 3 con khỉ trong tủ kính. Con bịt mắt, con bịt tai, con bịt miệng. Như thế là khôn ! Con người chỉ ngược xuôi vì kinh tế, “đói thì đầu gối phải bò”, “sống biếng nhác hoặc vì không muốn bận tâm, buông xuôi, đến đâu hay đó”. Theo Suzuki, một vị hành giả, cho đó là “thái độ sống ghê tởm nhất.”
Nhân dân làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài mua xe
Hoặc:
Xã viên cố gắng tăng gia
Để cho chủ nhiệm mua nhà mua xe
Vợ chủ nhiệm mặc quần áo the
Vợ xã viên thì để tè he ra ngoài !
Có nơi thì:
Nông dân đóng khố cởi trần
Để cho cán bộ xây sân đắp nhà.
Người dân cơ cực như thế. Nhưng muốn ăn con gà, con vịt thì không dám giết công khai, sợ có kẻ không có lại ganh ghét tố cáo. Nên, để ăn vịt ăn gà, người ta dùng kéo cắt thịt thay vì chặt bằng dao, thớt !
Người ta bảo, trong xã hội ấy,
Miếng thịt lợn trở thành vĩ đại
Miếng thịt bò vĩ đại bằng hai
Chanh muối, cam đường, lạc đỗ, gạo khoai…
Đảng mò tới tự nhiên thành vĩ đại.
(Còn tiếp)
Khải Triều
(28/4/2009)
Views: 0