Uncategorized

Gia đình Việt Nam từ bao cấp đến toàn cầu hóa (Bài 4)

Trong ba bài trước đây, chúng tôi đã nêu lên một số vấn đề, như Mặt trận tuyên truyền, Mặt trận lao động,  Mặt trận tín ngưỡng và văn hóa dân tộc, Hợp tác hóa tổ tiên các dòng họ và các vị thần.Trong thực tiễn xã hội Việt Nam dưới các thời kỳ Cộng Sản cai trị,những điều này là những luồng gió độc có sức tàn phá nền móng gia đình truyền thống của dân tộc.

Trong ba bài trước đây, chúng tôi đã nêu lên một số vấn đề, như Mặt trận tuyên truyền, Mặt trận lao động,  Mặt trận tín ngưỡng và văn hóa dân tộc, Hợp tác hóa tổ tiên các dòng họ và các vị thần.Trong thực tiễn xã hội Việt Nam dưới các thời kỳ Cộng Sản cai trị,những điều này là những luồng gió độc có sức tàn phá nền móng gia đình truyền thống của dân tộc. Bình tâm mà suy xét cặn kẽ của từng vấn đề nêu trên đây, chúng ta sẽ thấy người Cộng Sản không muốn thiết lập một xã hội bình đẳng, công bình, dân chủ, tự do, mà chỉ chăm chú vào sách lược loại trừ những kẻ nào không đi cùng đường áp chế và tàn bạo với họ, ngay cả trong nội bộ Đảng. Thực tế của nguyên tắc “đấu tranh giai cấp” là biểu hiện của “rừng”, Cộng Sản mang ra áp dụng trong thế giới loài người, quả thật là một trọng tội trong xã hội văn minh.

 

Phân tích những vấn đề liên quan trực tiếp đến gia đình, chỉ là một việc vạch ra những hậu quả. Gia đình Việt Nam ngày nay, dù có nhìn dưới một khía cạnh thiện chí với Đảng và Nhà nước, cũng khó mà tìm ra một vài thành tố tiêu biểu cho nếp sống văn hóa truyền thống, lấy cái Lễ của tiền nhân mà cư xử với nhau, sau đó lấy cái Văn mà thể hiện cái đạo làm người trong thiên hạ.Thế nhưng, theo cuốn Từ điển tiếng Việt, nxb Khoa học Xã hội, năm 1988, chú giải :

“Lễ : 1. Những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó…lễ thành hôn…lễ chào cờ.

2. Những gì đem biếu tặng hay dùng cúng quỷ thần…”

Hiểu chữ Lễ như vậy, là người ta đã tước đoạt của nó cái ý nghĩa sâu xa về tâm linh.

 

Đức Hồng y quá cố Lustiger nói, giáo hội Việt Nam đang suy yếu vì chủ nghĩa tiêu dùng. Đó có phải là một nguy cơ phá sản đời sống đạo cho bạn, gia đình bạn, hoặc thậm chí cho Giáo hội tại Việt Nam không ?

 

Trong bài này, trước hết xin mượn một số ý kiến của chính những người trong ngành văn hóa nói về chính cái môi trường của họ, cho thấy họ tuy là thành phần trí thức, cúc cung phục vụ chế độ, thì ít hay nhiều họ cũng phải nhận lấy trách nhiệm về chính những điều họ đã nói ra.

 

Có hai cách nghĩ về điều này : họ phản tỉnh, nhận ra cái mà họ đã gieo trồng vào các môi trường sống, đến nay nó chẳng mang lại cái mà họ tưởng rằng sẽ tốt cho xã hội. Thứ hai, người trí thức trong chế độ Cộng sản chỉ như là một loại thư lại, làm theo lời dạy của kẻ khác.

 

Văn hóa,đạo đức trong gia đình và xã hội

Chính sách của Đảng và Nhà nước CS là nhằm chia rẽ và tạo mối hoài nghi trong toàn xã hội.Người ta bảo ở miền, từ mấy chục năm năm, vợ chồng cũng không dám nói thật với nhau giữa lúc cả hai người cùng nằm trên giường.

Trên tờ Tuổi Trẻ Chủ nhật số 29-91 ngày 28-7-1991, ông Hữu Khánh viết : “ Do hoàn cảnh lịch sử dân tộc mấy chục năm liền phải dốc toàn bộ tâm trí cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nước có còn thì nhà mới còn,công tác giáo dục con người của ta nhấn mạnh vai trò của dân tộc, của xã hội, của tập thể, của Đảng là điều đúng đắn song lại coi nhẹ yếu tố gia đình (…) Có thể nói sự mất đạo đức của nhiều người lớn bây giờ bắt nguồn từ sự giáo dục không kỹ hay thiếu giáo dục của gia đình từ thuở nhỏ.”

Ông Hữu Khánh vin vào chiến tranh để bào chữa cho cái tội “giặc văn hóa” của CSVN,trong đó có sự hủy diệt nền tảng gia đình, cái nôi của văn hóa VN, tước đoạt sự giáo dục của gia đình đối với những đứa con ngay từ khi bập bẹ nói. Nói rằng đứa trẻ thiếu giáo dục của gia đình, thì còn nhà trường ? Trong khi nhà trường lại dạy các em công lao của ông Hồ lớn hơn cha mẹ chúng. Tiếng nói đầu đời của các em là “mẹ” thì nay là “Sta-lin”.Vin vào chiến tranh, nhưng sau chiến tranh chính sách giáo dục từ đó đến nay đã thay đổi được gì, hay như Vũ Hạnh viết : “ Người ta có cảm tưởng rằng, trong sự thưởng thức nghệ thuật hiện nay, chúng ta đang lội bì bõm một cách hăng say ở giữa đầm lầy của chủ nghĩa tứ xứ”.(Báo Công An TP. HCM số 248 ngày 1-5-1991). Ông Vũ Hạnh còn kiêng kị đến giáo dục nên không nói ra.
Cha ông ta ngày xưa dạy con cháu “Học ăn, Học nói, Học gói, Học mở” hoặc “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” v.v…Huống chi là cách thưởng thức nghệ thuật, chỗ này cao lắm, ông Vũ Hạnh cũng muốn trèo cao hơn thực tiễn văn hóa của nhiều thành phần xã hội VN hiện nay.Cái tấm bánh chưng to đùng do TP.HCM làm để dâng cho Quốc Tổ Hùng Vương nhân ngày giỗ Tổ năm nào mới đây thôi, người ta còn dám táng tận lương tâm, làm nhân giả nữa. Những Hội Hoa Xuân Tết ở TP.HCM, Hội Hoa Anh Đào ở Hà Nội do người Nhật mang từ xứ sở họ sang tặng cho nhân dân Thủ Đô, còn bị những bàn tay “thanh lịch” ở đó làm “đẹp” một cách vô văn hóa như thế nào, báo chí ngay sau đó đã phản ảnh đầy đủ. Điều này xấu mặt ai ?
Trở lại với ông Hữu Khánh, về nhà trường , ông viết : “Sau gia đình, nhà trường đóng một vai trò lớn trong việc giáo dục truyền thống. Song trong một thời gian dài, nhà trường chỉ coi trọng việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc, Đảng, Đoàn, Đội chứ hầu như không đề cập đến các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phải chăng đã có thời lệch lạc cho rằng sự truyền thụ đạo đức tôn sư trọng đạo, nhân-nghĩa-lễ-trí-tín; bi-trí-dũng mang màu sắc phong kiến, tôn giáo ?” Ở đây xin nói ngay, tác giả nói đến “ truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc” thì chĩ nên hiểu đó là lịch sử của Đảng, nhưng nếu có đề cập đến lịch sử chống giặc phương Bắc qua các triều Lý, Lê, Trần v.v… thì cũng chỉ nói phớt qua chẳng có kết quả gì trong tâm trí học trò, vì sợ quan thầy ở triều đình Bắc Kinh. Mặt khác, ngay từ khi nổi lên, dân tộc chỉ là tấm bình phong che đậy cái chủ nghĩa man rợ theo kiểu rừng xanh của Việt Minh-Cộng Sản.

Đó là 2 trong số 5 nguyên nhân làm cho văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc bị phai nhạt, theo cách đặt vấn đề của ông Hữu Khánh. Còn 3 nguyên nhân sau, thì một là biến dạng của công tác tổ chức và tư tưỡng, một nữa là sự bất cập của các chính sách văn hóa-xã hội, và sau cùng là sự buông lỏng về quản lý trong thời mở cửa, đã khiến có hiện tượng xâm lăng văn hóa của nước ngoài.

Ở đây chỉ nói đến nguyên nhân thứ ba, tức là về tổ chức và tư tưởng.Công tác này đã có những biến dạng đáng lẽ không có trong đạo đức và lối sống con người. Đó là một cách nghĩ và hành động “phản triết lý” như : “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt, luồn lọt lươn lẹo lại lên lương”; hay “bằng gì cũng thua bằng lòng”; “thủ kho to hơn thủ trưởng”; “cổng sau to hơn cổng trước” v.v…

 

Trên tờ Tuổi Trẻ số 87/91 ngày 25-7-1991. ông Lữ Phương ở góc độ hiện thực thì cho rằng “thị trường dân tộc về văn hóa vẫn loay hoay trong các cơ chế quản lý cũ, cuối cùng teo tóp lại một cách rầu rĩ trước sự tràn ngập của văn hóa ngoại lai : chúng ta đã tự đưa mình vào một hình thức bị xâm lăng theo kiểu mới. Ở đây có sự lúng túng như gà mắc tóc về cơ chế quản lý, nhưng ở đây cũng có cả cái tâm lý ngỡ ngàng, bối rối của chúng ta trước vận hội mới nữa.”
Còn ông Hoàng Chu thì cho rằng “văn hóa dân tộc đang theo chiều hướng thoái hóa. Thoái hóa dễ nhận thấy nhất là CON NGƯỜI với tư cách chủ thể của xã hội. CON NGƯỜI (viết hoa) ấy đang mất dần những tinh hoa “đạo làm người” và nhân cách vốn có.” (Báo Tuổi Trẻ số 90/91 ngày 1-8-1991).

Người cuối cùng trong loạt bài này là Huỳnh Như Phương : “Thật ra, trong một xã hội bị chi phối bởi các phương tiện thông tin như bây giờ, có điều gì có thể che giấu được tuổi trẻ ? Làm sao giấu được họ nếu anh nói rất hay về lý tưởng và đạo đức cách mạng, mà lại cũng chính anh tiếp tay làm thui chột nền văn hóa dân tộc. Sự phản bội văn hóa dân tộc chẳng lẽ lại không dẫn đến sự phản bội chính dân tộc hay sao ?”(Báo Tuổi Trẻ số 146/91 ngày 12-12-1991)

 

Làm thế nào để cải tạo tình trạng này ?

Chúng tôi mượn ý kiến của phó giáo sư tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh, viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên, đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, ra ngày 12-3-2001.Đây là một bài phỏng vấn về đề tài: “Làm thế nào để bảo vệ giá tri đạo đức truyền thống của gia đình”.

Trong bài phỏng vấn,tiến sĩ họ Đặng đã nêu lên một vài nét về đạo đức truyền thống, về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, về tinh thần tôn sư trọng đạo và quan niệm của hai giới giàu và nghèo về tiền bạc.Ông viết : “Qua các số liệu điều tra, chúng tôi nhận thấy : ngoại trừ đức tính cần cù chịu khó, ý chí phấn đấu rèn luyện được coi là có xu hướng tăng lên so với trước đây, còn lại hầu hết các giá trị khác đều có những biểu hiện giảm sút ở mặt này hoặc mặt khác. Những giá trị đạo đức truyền thống bị sói mòn mạnh mẽ nhất, theo những người được điều tra là lòng hiếu thảo (48% nói rằng kém trước, 21,6% nói rằng tốt hơn và 29% vẫn như trước), truyền thống tôn sư trọng đạo (66,6% kém trước, 16% hơn trước và 16,8% như trước( … ).Ở các vùng đô thị có kinh tế hàng hóa phát triển, sự xói mòn đạo đức truyền thống diễn ra mạnh mẽ và gay gắt hơn những vùng nông thôn…” Bài phỏng vấn cho biết tiếp :

 

“Chúng tôi nhận thấy giữa những người thuộc hai thế hệ :trên 60 tuổi và dưới 40, có sự chênh lệch lớn trong việc nhìn nhận các giá trị đạo đức truyền thống. Chẳng hạn, với giá trị tôn sư trọng đạo : tỷ lệ đồng ý dưới 40 tuổi là 68,9%, trên 60 tuổi là 73,1%. Tuy nhiên, có một giá trị hiện nay vẫn được đề cao là lòng hiều thảo. Có tới 88,5% người dưới 40 tuổi cho rằng cần giáo dục lòng hiếu thảo cho con cái.”

Nhưng đâu là nguyên nhân, phải chăng chỉ quy về “đồng tiền lên ngôi” như bài phỏng vấn nói đến ? Theo đó, 14% người giàu, 43,6% người nghèo hiện nay quan niệm rằng “có tiền là có tất cả”.Như vậy, tỷ lệ giữa người giàu và nghèo ở Việt Nam hiện nay là một sự chênh lệch lớn lao. Điều cần quan tâm hơn là với sự chênh lệch như vậy, số người chạy theo vật chất và tiền bạc mỗi ngày một gia tăng. Đó là một vấn đề rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến đạo đức con người nói chung và sự tiến hóa về mặt tâm linh, mặt tinh thần.

 

Được hỏi : “Làm sao để gìn giữ giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ”, tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh cho rằng cần phải có “sự thống nhất chung về lý luận, phương pháp luận và một cơ chế vận hành có thể phối hợp được sức mạnh chung của toàn xã hội.” Vì theo vị tiến sĩ này, hiện nay có hai quan điểm hay gọi là hai cực đối lập nhau : “những người muốn mở rộng cửa để tiếp thu tinh hoa tiến bộ của nhân loại thì lại tỏ ra e ngại với giá trị truyền thống, coi nó là di sản của quá khứ, cản trở mọi sự tiến bộ và phát triển.” Trong khi đó, “những người ủng hộ việc kế thừa những giá trị truyền thống lại muốn sử dụng những chuẩn mực của quá khứ để hy vọng sẽ ngăn chặn được làn sóng văn hóa, kiến thức mà họ cho là xấu xa phi nhân bản đang tràn lan từ bên ngoài.”

Rồi ông đề nghị : “tập hợp đông đảo các tổ chức, đoàn thể xã hội, cộng đồng và gia đình tham gia giáo dục chăm sóc thanh thiếu niên”, “phải tạo ra những sân chơi mới, thích hợp và hấp dẫn lớp trẻ, phải kiểm soát các sản phẩm văn hóa, tìm cách chọn lọc và xử lý các thông tin văn hóa từ nước ngoài du nhập vào…Lồng ghép việc giáo dục đạo đức truyền thống vào các sinh hoạt thường ngày của trẻ em…Và cuối cùng là phải tạo một môi trường sống ở gia đình và xã hội lành mạnh cho trẻ em”.

 

Đấy là những đề nghị của một trí thức “ưu việt” về một vấn đề cốt lõi của dân tộc Việt Nam hiện nay, đó là tình trạng phi văn hóa trong đời sống xã hội.Ông tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh lại là một Phó giáo sư, viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên, vậy mà ông không hiểu gì về lời đề nghị của ông, nó đã từng được Lê Duẩn,sau khi ông Hồ mất, ông Duẩn cũng đưa ra một nguyên tắc sống là “Tinh thần làm chủ tập thể”. Chính cái nguyên tắc này đã giúp cho hầu như tất cả các đảng viên cán bộ có chức có quyền, có thân nhân, bạn bè làm quan to trong mọi lãnh vực của chế độ này thoát được những trách nhiệm của cá nhân trong các vụ tham nhũng, hối lộ, thất thoát tài sản, tiền bạc của nhân dân, vì cơ chế chồng chéo, lắt léo, trút trách nhiệm cho cá nhân thì không được, mà cho đoàn thể, tổ chức thì lúc bấy giờ sẽ trở thành số O.

Chúng tôi xin dẫn ra đây một câu chuyện có thực về cách giải quyết một vụ theo tinh thần làm chủ tập thể, hay theo cách nói trong lời đề nghị của ông mà chúng tôi dẫn trên đây để riêng tặng ông tiến sĩ họ Đặng trong bài này.

Chuyện nói rằng :

“Có một cô gái điên, hoàn toàn trần truồng, đang cầm trên tay một con chuột chết vừa đi vừa gặm. Phía sau cô, một đám học sinh hí hửng chạy theo, chọc ghẹo và ném đá.”

Giữa đường gặp cảnh thương tâm, người kể câu chuyện này bước vào một cơ quan để yêu cầu cứu vớt cô gái điên đang ở ngoài đường, địa phận trách nhiệm của cơ quan ấy. Nhưng, các “đồng chí” ở đấy nghe xong câu chuyện “phá lên cười”.Theo người kể chuyện, một người hình như là thủ trưởng cơ quan, hỏi :

-Thế anh là người ở đâu ?

-Tôi làm ở Mặt trận tỉnh.

Ông ta thất vọng lắc đầu:

-Hóa ra cũng không phải cơ quan chức năng !

Một người khác bực dọc và cay cú hơn:

-Thế mà tôi tưởng anh là cấp trên xuống chỉ đạo bọn tôi !

Người kể lại câu chuyện này viết tiếp:

“Buổi sáng hôm ấy tôi được mời ngồi lại để một người phụ nữ giải thích cho tôi hiểu thế nào là “trật tự xã hội chủ nghĩa”, thế nào là “hữu ái giai cấp”, và thế nào là “tình cảm tiểu tư sản”…

-Cô ấy điên vì thất tình ư? Ai phản bội cô, đã có tòa án.

-Cô ấy không có cái ăn, đã có sở thương binh xã hội.

-Cô ấy cản trở trật tự đường phố, đã có cảnh sát giao thông.

-Cô ấy muốn đi điều trị, đã có bệnh viện tâm thần, và học sinh chạy theo cô ta chọc ghẹo, đấy là công việc của cha mẹ chúng nó, của nhà trường và thầy cô giáo…”

Người kể kết luận:

“Nghĩ cũng lạ thật. Sống trong cơ chế bao cấp như vậy, mỗi người cảm thấy yên tâm một cách kỳ lạ, ai cũng chỉ cần làm phần việc của mình và không hề xốn xang, ray rứt trước nỗi đau của đồng loại. Chỉ có “lương tâm tập thể” của một bộ, một sở, ban ngành…Quá ít người thấy có trách nhiệm cá nhân trước nỗi bất hạnh của người khác.”(Theo Đông Trình, Tuổi Trẻ Chủ nhật số 31-89 ngày 6-8-1989).

 

Trên tờ Tuổi Trẻ Chủ nhật số 33-89 ngày 20-8-1989, ký giả Nguyễn Quốc Trung sau khi đi thăm viếng quê hương của Nguyễn Du về, đã kể rằng : Những ngôi nhà mà xưa kia Nguyễn Du dùng để tiếp khách và các nho sĩ trong vùng đến bình thơ văn hoặc để viết truyện Kiều thì bây giờ, “khác gì cái nhà hoang”, vì “cửa ngõ chả có, mối mọt xông lên đến mái và trẻ con tha hồ vào đùa nghịch(…). Những câu đối, bia bảng, hoành phi cũng đã bay sơn, rỗ mọt…”

Về ngôi mộ Nguyễn Du, bài báo viết : “Trẻ con chăn bò, thả súc vật leo trèo lên ngôi mộ xây sơ sài. Chúng đã ghè đập tấm bia khắc tên tuổi của đại thi hào làm cái neo buộc bò. Chúng đâu chỉ đập phá riêng ngôi mộ Nguyễn Du, ngôi mộ nào xây lên liền bị ghè đập nát. Những người làm đồng ở đó cho hay, bọn chăn bò lớn tuổi cho bọn nhỏ tuổi thuốc lá để thuê đập, chỉ vì chúng ghen ! Mộ của tổ tông nhà chúng chỉ là nắm đất nhỏ, bây giờ người khác lại dám xây mồ bố mẹ to à ? Không được, phải san bằng như nhau 1” (Bđd, tr.18)

Nhân đó, tác giả bài báo hỏi đã hỏi một người dân trong vùng, tuổi “trạc ngoài năm mươi” :

-Chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn ngừa hành động này của bọn trẻ, sao anh ?

-Chú hỏi vậy là tôi hiểu chú từ xa tới. Chính quyền địa phương bây giờ cũng sợ bọn trẻ choai choai ấy.

-Sợ trẻ chăn trâu ?

-Chứ sao ? Bây giờ ruộng đã chia cho từng nhà. Nếu nghiêm khắc trừng trị chúng… coi chừng lúa khoai bị phơi gốc hết. Ở đâu bên Can Lộc, Thạch Hà gì đó, một ông cán bộ xã phạt một đứa trẻ để bò ăn lúa, liền bị nhổ cả đám mì. Nhiều ông bị đốt nhà rồi, các bố đã chùn tay lâu rồi.

-Nhà trường không dạy bảo gì sao ?

-Chả giấu gì chú, cô thầy sợ học sinh lắm thay. Lơ mơ là chúng chận đường đánh lén và phá hoa màu. Chẳng là thầy cô nào cũng nhận ruộng đất khoán mới sống nổi. Đấy, ở trường phổ thông trung học con gái tôi dạy, có thầy giáo già dạy Hóa, cho một đứa học sinh không đủ trung bình, mấy ngày sau bị nó đốt cả ruộng đậu sắp thu hoạch. Cách đây vài tuần con gái tôi tới coi thi ở trường huyện bên. Vừa đọc đầu đề xong, đã nghe hai thằng nói rất to : “Nhà cô giáo lợp gianh, dễ bắt lửa đấy, chúng mày ạ.” Con gái tôi rét run,tái xanh mặt, đành làm ngơ mặc chúng giở sách và nhìn nhau thả sức.

-Những ông bố bà mẹ có thứ con ấy chả lẽ không giáo dục con cái, thưa bác ?

-Nói thật với chú, nhà nào tốt phúc đức lắm mới dạy được con. Còn rất nhiều nhà con cái cãi mắng bố mẹ. Cạnh nhà tôi có cậu quí tử vừa đi lao động ở Tây mang được ít của về thường mắng bố là “đồ ăn hại”.

-Cháu xin hỏi câu cuối cùng, là các đoàn thể như đoàn thanh niên, đội thiếu niên ?

-À, từ lâu các đoàn thể ấy chỉ còn là cái vỏ cơ cấu ở đây. Lúc nào sắp tới dịp lễ lạc thì gõ kẻng tập trung thanh niên để phát động thi đua. Đó là dịp để chúng nó chọc ghẹo, đánh đấm nhau. Hầu hết thanh niên học xong phổ thông, trượt đại học, suốt ngày lang thang ở hàng quán và chợ búa. Phiên chợ huyện trước, chính mắt tôi thấy hai đứa trạc hai mươi tuổi, ăn quỵt bánh của một chị rồi tới chùi tay vào chòm râu ông già thuốc Bắc”…(Bđd, tr.18)

Còn một chứng từ nữa không nên bỏ qua, để có một cái nhìn chính xác hơn về tình trạng suy đồi của đạo đức, và sự nhạt nhòa của văn hóa trong đời sống thường ngày:

“…Chúng ta vốn vẫn tự hào chính đáng về bốn ngàn năm văn hiến; nhưng văn hóa, đạo đức đang xuống cấp một cách báo động. Hiện nay tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức thể hiện trên tất cả các mặt tiêu cực trong kinh tế, chính trị, kỷ cương xã hội : thanh thiếu niên nói tục, chửi thề, hư hỏng theo thói côn đồ, cãi mắng, đánh lại thầy, cô giáo, cha mẹ là chuyện thường; thậm chí còn có những vụ giết cha, mẹ, ông bà; cũng lại có một số vụ cha mẹ giết con. Trong các vụ án mạng, 80% là do mâu thuẫn gia đình và xã hội, chỉ có 20% là do cướp giật.

“Tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức không thể phân tích đơn giản và do nhiều nguyên nhân. Nhưng một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta xây dựng đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản mà thiếu quan tâm một cách thật đầy đủ, nghiêm túc đến tính thừa kế của nó. Theo tôi, xây dựng đạo đức cộng sản phải trên cơ sở nhân tính của con người và trên cơ sở đạo đức truyền thống của một dân tộc…

“Trong các lớp phổ thông cấp I và ngay cả trong lớp mẫu giáo, chúng ta đã nôn nóng, sớm chú trọng dạy các cháu về chính trị, về tập thể, về chủ nghĩa xã hội v.v…trong khi đó chúng ta coi nhẹ giáo dục về nhân tính, nhân cách con người Việt Nam, luân lý đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Rốt cuộc nhân cách con người , phong cách dân tộc, đạo đức cộng sản đều dở dang, thiếu cơ sở. Nhiều cháu trở thành “già sớm”, “già hóp”, dở dở, ương ương, ngang ngang, ngạch ngạnh…”

Đó là phát biểu một cách thẳng thừng của một cán bộ cao cấp trong vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Mai Chí Thọ.(Tuổi Trẻ số 17/91 ngày 7-2-1991, tr.1,2).

 

Ngày 17-8-2009.

(Kỳ tới : Người đàn bà trong gia đình và ngoài xã hội)
Khải Triều.

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.