Andrew J. Cherlin, trong một cuốn sách, tựa là “Hôn Nhân Vòng Ngựa Gỗ: Tình Trạng Hôn Nhân và Gia Đình tại Hoa Kỳ Ngày Nay” (The Marriage Go-Round: The State of Marriage and Family in America Today), cho rằng trong mấy thập niên qua, tại nhiều quốc gia, cuộc sống gia đình đã trải qua nhiều thay đổi tận gốc.
Tuy nhiên, tình thế tại Mỹ là tồi tệ nhất so với các quốc gia khác. Ông cho rằng người Mỹ đã ủng hộ các mô thức mâu thuẫn nhau về cuộc sống bản thân và gia đình. Có mô thức nhấn mạnh tới cam kết chia sẻ cuộc đời với một người khác; nhưng lại có mô thức quá nhấn mạnh tới việc phát triển và thăng tiến bản thân.
Hôn nhân trung cổ
Tác giả cuốn sách trên vốn là giáo sư Xã Hội Học và Chính Sách Công tại Đại Học Johns Hopkins và đã dành ba thập niên vừa qua để nghiên cứu cuộc sống gia đình. Ông cho rằng hôn nhân như một lý tưởng văn hóa là một sức mạnh lớn lao tại Hoa Kỳ. Thực vậy, chính phủ từng đưa ra nhiều chương trình để cổ vũ hôn nhân và cuộc tranh luận gay gắt liên quan tới các đề nghị chấp nhận hôn nhân đồng tính chứng tỏ rằng nhiều người vẫn còn đang hết lòng bênh vực hôn nhân truyền thống.
Tuy nhiên, Cherlin nhận định rằng không một quốc gia Tây Phương nào lại có thời gian chờ đợi được ly dị ngắn như Hoa Kỳ. Ông cho hay: một nghiên cứu ông đọc được nói rằng con cái sống với hai cha mẹ có kết hôn đàng hoàng tại Hoa Kỳ có nguy cơ phải kinh qua cảnh gia đình bị tan vỡ cao hơn là các trẻ em của các cha mẹ không cheo cưới tại Thụy Điển. Cherlin nhớ cách nay mấy năm, một vài tiểu bang Hoa Kỳ có đưa ra giải pháp “hôn nhân giao ước” (covenant marriage) cho các cặp lấy nhau theo nghi thức dân sự. Trong giải pháp này, cả hai người phối ngẫu sẽ thỏa thuận hạn chế không được ly dị quá sớm và quá dễ dàng.
Không giao ước
Cherlin nhớ lúc đó ông nghĩ: có lẽ tới 1/3 các cặp lấy nhau sẽ chọn giải pháp này. Nhưng kinh nghiệm dạy ông rằng ước đoán ấy quá lạc quan. Vì mấy năm sau, ở Louisiana và Arkansas, chỉ có 2% các cặp hôn nhân chọn lối hôn nhân giao ước ấy mà thôi.
Bởi thế, dù giải pháp trên đã được thông qua năm 2001 tại Arkansas, nhưng tới năm 2004, tiểu bang này có con số ly dị tính theo đầu người cao hơn bất cứ tiểu bang nào khác, trừ Nevada, là tiểu bang vốn “nổi tiếng” xưa nay về ly dị, được mọi người thuộc các tiểu bang khác tuốn tới vì mục đích này.
Đồng thời vào năm 2004, Arkansas cũng có tỷ lệ cao thứ ba tính theo đầu người các vụ kết hôn. Tiểu bang này vốn là “vòng đai Thánh Kinh” của Hoa Kỳ với số người đi nhà thờ cao hơn trung bình. Trên thực tế, 6 trong số 10 tiểu bang có tỷ số ly dị cao nhất đều ở Miền Nam, 4 tiểu bang kia ở Miền Tây, nhưng tất cả đều có khuynh hướng bảo thủ về phương diện xã hội.
Như thế, trong khi hôn nhân tiếp tục được người Mỹ kính chuộng, Cherlin cho rằng khuynh hướng văn hóa hóa hậu hiện đại thiên về việc tự bày tỏ mình và chú trọng tới phát triển bản thân cũng gây ảnh hưởng mạnh.
Có những xã hội biết coi trọng các giá trị của hôn nhân. Trong các xã hội này, rất ít các trường hợp sinh ngoại hôn và sống chung. Theo Cherlin, Ý là một trong các xã hội ấy. Nhưng cũng có nhiều xã hội đặt nặng giá trị trên chủ nghĩa cá nhân, như Thụy Điển chẳng hạn. Tuy nhiên, chỉ có tại Hoa Kỳ, cả hai khuynh hướng xã hội ấy đều cùng hiện diện. Thành thử, người Mỹ coi trọng sự ổn định và an toàn của hôn nhân, nhưng họ cũng tin rằng cá nhân nào bất hạnh với cuộc hôn nhân của mình nên được phép chấm dứt nó. Cherlin kết luận: “Nói cách khác, người Mỹ muốn rằng hôn nhân giao ước dành cho bất cứ ai khác chứ không phải họ”.
Các số thống kê
Cherlin cho rằng điều trên phản ảnh rõ trong các số thống kê về hôn nhân tại Hoa Kỳ. Phần trăm những người mong kết hôn gần như tới 90%, cao hơn bất cứ quốc gia nào khác. Ấy thế nhưng Hoa Kỳ lại có tỷ lệ ly dị cao nhất trong thế giới Tây Phương, cao hơn cả những nước như Thụy Điển.
Tại Hoa Kỳ, phân nửa các cuộc hôn nhân lần đầu xẩy ra vào tuổi 25, so với tuổi 29 tại Ý, tuổi 30 tại Pháp, và tuổi 31 tại Thụy Điển. Đối với người Mỹ, sống chung cũng bắt đầu sớm hơn so với các quốc gia Âu Châu. Hôn nhân tại Hoa Kỳ cũng tan vỡ ở tỷ lệ cao hơn. Gần một nửa các cuộc hôn nhân tại Hoa Kỳ kết liễu vì ly dị. Thực thế, sau 5 năm, hơn 1 phần 5 các cặp vợ chồng Mỹ hoặc ly thân hoặc ly dị. Trong số những người sống chung, quá một nửa tan vỡ sau 5 năm, một tỷ lệ cao hơn bất cứ quốc gia nào.
Tại Hoa Kỳ, 40% trẻ em sinh ra từ các cặp kết hôn hay sống chung phải kinh qua cảnh tan vỡ lúc 15 tuổi. Tại Thụy Điển, tỷ lệ ấy là 30%, và tại các quốc gia khác, chỉ trên dưới 20%.
Sau khi tan vỡ, người Mỹ cũng thường có khuynh hướng đi tìm bạn đường mới nhiều hơn. Gần nửa số trẻ em từng kinh qua cảnh tan vỡ được chứng kiến một người phối ngẫu khác bước vào gia hộ nội trong 3 năm, một tỷ lệ cũng cao hơn các quốc gia khác.
Theo Cherlin, năng kết hôn, năng ly dị, sống chung ngắn hơn đó là điều đang gây nên sóng gió lớn trong cuộc sống gia đình Hoa Kỳ. Điều ông gọi là “vòng ngựa gỗ vui chơi” (merry-go-round) trong các gia đình Hoa Kỳ này không phải là chuyện tình cờ của thống kê. Tác động trên con cái khiến người ta đặc biệt lo ngại. Một số trẻ em phải kinh qua nhiều khó khăn lớn lao trong việc thích ứng với hàng loạt những người phối ngẫu mới. Trẻ em có cha mẹ tái hôn không có được mức hạnh phúc cao như các trẻ em trong các gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ, bất kể việc chúng có được cha hay mẹ thứ hai. Và bất kể cả sự kiện việc tái hôn kia mang thêm thu nhập cho gia hộ và thêm cả người chăm sóc con cái.
Cha mẹ kế làm gián đoạn các mối liên hệ hiện có giữa các cha mẹ đơn lẻ và con cái họ và hiện tượng cứ thay đổi hoài cha mẹ hay người phối ngẫu ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển xúc cảm nơi trẻ em.
Thay đổi đáng kể
Nhìn lại 50 năm qua hay gần như thế, Cherlin nhận định về các thay đổi đáng kể đối với gia đình và hôn nhân. Trong thập niên 1950, có con ngoài hôn nhân là kinh nghiệm xấu hổ, trong khi bây giờ nó là chuyện thường tình. Sống với nhau trước hôn nhân là điều trước đây rất hiếm, ngày nay không sống với nhau trước hôn nhân mới là luật trừ.
Hôn nhân vẫn còn được coi là điều quan trọng, nhưng hiện được coi chỉ là một nhiệm ý. Đàng khác, ta đã thấy sự sa sút vô tiền khoáng hậu của hôn nhân, vì nó chỉ được coi như phương thức có thể chấp nhận được để làm tình và nuôi nấng con cái. Cherlin bảo ông không cố ý muốn trở lại với mô thức lý tưởng của thập niên 1950 về cuộc sống gia đình, và ông cũng không chống lại khuynh hướng ngả theo chủ nghĩa cá nhân. Ông chỉ muốn nói: Người Mỹ nên chầm chậm lại và dành nhiều thì giờ hơn để đắn đó các quyết định của mình liên quan tới hôn nhân và cuộc sống gia đình.
Đồng thời, ông cũng không hy vọng sẽ có được những thay đổi tức khắc. Ông cho rằng mặc dù Hoa Kỳ là một quốc gia rất mạnh tinh thần tôn giáo, nhưng ly dị từ lâu vốn là một thành phần của văn hóa và nó từng được hợp pháp từ lâu, trước các nước Âu Châu xa.
Ông cho rằng thách đố là phải tìm ra cách thế có thể tối thiểu hóa các hiệu quả đáng buồn của chủ nghĩa cá nhân. Ông nhìn nhận rằng làm thế nào đạt được điều đó là điều không hiển nhiên. Các gia đình vững ổn có cả cha lẫn mẹ bao giờ cũng đem lại cho con cái một môi trường tốt hơn là các kiểu sắp xếp khác.
Vấn đề là nhiều người ngày nay nhìn hôn nhân dưới cái nhìn khác hẳn, coi nó chỉ là mối liên hệ riêng tư xoay quanh các nhu cầu cần tình yêu và bạn đường của người lớn. Quan điểm hậu hiện đại, dựa trên mối liên hệ ấy về hôn nhân đang thống trị xã hội ngày nay. Thành thử ra, người ta rất hoài nghi việc các chính phủ cổ vũ hôn nhân hay đưa ra các thay đổi trong các chương trình phúc lợi sẽ có thể tác động lớn lao trên cấu trúc gia đình.
Thiết tưởng lời khuyên người ta chầm chậm lại và dành nhiều thì giờ hơn để đưa ra các quyết định liên quan tới hôn nhân là lời khuyên có giá trị. Tuy nhiên, người ta phải tự hỏi không biết lời khuyên ấy có hiệu quả đến đâu. Giải pháp thực sự là phải thay đổi các hoài mong và giá trị văn hóa cũng như xã hội vốn điều hướng các ưu tiên của người ta. Thực hiện được loại biến đổi xã hội ấy quả là một thách đố lớn.
Gương sáng gia đình
Ngày 30 tháng Tám vừa qua, tại dinh mùa hè Castel Gandolfo, khi đọc kinh Truyền Tin với công chúng, Đức Thánh Cha có nhắc tới Thánh Nữ Monica và gương sống gia đình của thánh nữ. Ngài nói rằng: Thánh Augustine đã bú sữa mẹ nhân danh Chúa Giêsu và được mẹ giáo dục trong niềm tin Kitô Giáo đến độ các nguyên tắc của Đạo vẫn tiếp tục sống còn trong ngài kể cả những ngày ngài rơi xuống tận cùng vực thẳm tâm linh và luân lý. Chính vì thế, Thánh Monica, theo lời Đức Thánh Cha, đã được coi là gương mẫu và là bổn mạng các bà mẹ Kitô Giáo.
Thánh nữ không bao giờ ngừng cầu nguyện cho con để con ăn năn trở lại, và cuối cùng đã được an ủi tràn trề thấy con quay về với đức tin và được rửa tội. Chúa đã nhận lời cầu xin của bà mẹ thánh thiện này, người mà Giám Mục thành Tagaste đã quả quyết: “không thể nào một đứa con của muôn dòng lệ ấy lại có thể hư mất được”. Thực vậy, Augustine không những trở lại, ngài còn quyết định sống cuộc sống đơn tu và khi trở về Châu Phi, còn thiết lập cả một cộng đoàn đan sĩ. Những cuộc truyện trò giữa hai mẹ con tại một căn nhà ở Cảng Ostia, khi đang chờ tầu trở về cố hương, quả là cảm động và đầy xây dựng.
Đến lúc đó, đối với con, Thánh Monica đã trở thành “không phải chỉ là một người mẹ, mà là nguồn suối Kitô Giáo của ngài”. Trước khi chết, Thánh Nữ nói với con đừng lo lắng phải chôn mẹ ở đâu, nhưng hãy nhớ tới mẹ trên Bàn Thờ. Thánh Augustine bảo rằng mẹ ngài” sinh ra ngài hai lần”.
Đức Thánh Cha nói thêm: lịch sử Kitô Giáo đầy những gương sáng về các thánh và các gia đình Kitô Giáo đích thực. Như Thánh Basil Cả và Thánh Gregory Nazianzen, cả hai xuất thân từ gia đình thánh thiện. Gần đây hơn, Đức Thánh Cha nhắc tới Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini, vốn là hai vợ chồng, sống về cuối thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20, từng được Đức Gioan Phaolô II phong chân phúc hồi tháng Mười năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ban hành tông huấn "Familiaris Consortio". Đức Thánh Cha cho rằng tông huấn này ngoài việc làm nổi bật giá trị của hôn nhân và các trách vụ của gia đình ra, còn kêu gọi các cặp vợ chồng hãy đặc biệt dấn thân vào con đường nên thánh, một con đường, nhờ múc được ơn thánh và sức mạnh từ bí tích hôn nhân, sẽ cùng đi với họ suốt cuộc đời.
Vũ Văn An
Views: 0