Ngôi nhà có mái che nắng che mưa, có tường chắc chắn để chắn gió bão, biểu tượng của căn nhà rất là quan trọng, muốn nói lên một cộng đồng sống với nhau êm ấm, ổn định, thuận hòa, bình an, căn nhà còn có cái bếp để làm ấm lòng khi ta đói, ta khát. Như dân tộc của người anh em thiểu số ở Cao Nguyên, trên một căn nhà sàn, mỗi tiểu gia đình là có một cái bếp riêng độc lập, bếp nấu thành lương thực, nước uống cho ta dùng để ta ấm lòng, ta tiếp tục sự sống trong mối tương quan giữa người với người, đó là ý nghĩa của căn nhà.
Mà căn nhà đầu tiên mà Thiên Chúa muốn dựng nên trên cơ sở là hai con người, mà hai con người này phải khác nhau, nghĩa là một nam, môt nữ, không thể hai người nữ, hay hai người nam tạo nên thành căn nhà đươc, vì căn nhà vốn phong nhiêu có khả năng sinh sôi nảy nở đầy mặt đất, đó là sứ mạng của căn nhà, ai muốn xây nhà phải có khả năng cho có sinh sôi nảy nở, đó là sự sống, ai không có khả năng đó không thể tạo lập một căn nhà. Cho dẫu họ có khả năng làm ấm lòng nhau bằng mọi phương tiện nhân tạo của con người, cũng không thể nào sinh ra một sự sống mới, vì sự sống vốn thuộc một quyền năng lớn lao hơn của con người, đó là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã đặt định để có sự sống phải là một nam, một nữ.
Trong chương đầu tiên của sách Sáng Thế chương 1 và 2 đã xác định chân lý này: “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, có nam, có nữ, và chúc phúc cho họ sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất”. Chương 2 mô tả cụ thể hơn, Thiên Chúa dựng nên Adam từ đất rồi thổi hơi, nghĩa ban sự sống của Ngài cho con người, như vậy sự sống con người khác con vật, vì trong ta có sự sống của thần linh tức là Thiên Chúa, nhưng đồng thời Thiên Chúa cũng đã rút xương sườn của Adam khi ông đang ngủ mê để tạo nên Evà và dẫn Evà đến trước mặt Adam và ông đã reo lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Và họ gắn bó với nhau, nên một xương một thịt, lìa bỏ cha mẹ, để tạo nên một gia đình mới và Thiên Chúa chúc phúc cho họ.
Như vậy, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa muốn tạo dựng con người có nam, có nữ để họ gắn kết với nhau bằng lực ái tình, và lực ái tình có đặc điểm là tạo nên sự sống mới, để tạo nên hình ảnh của Thiên Chúa giữa thế gian này là Đấng Hằng Sống. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, con người dự phần vào sáng tạo sự sống của Thiên Chúa qua khả năng sinh sản, và điều đó trên cơ sở của hôn nhân một nam, một nữ, và của gia đình. Thế cho nên gia đình dựa trên hôn nhân một nam, một nữ là chân lý tự nhiên của Thiên Chúa mà thánh kinh đã mặc khải.
Thế nhưng, hôm nay thời đại của thế kỷ 21 nầy, gia đình đang tan tác, đang rách nát. Tại thành phố Sài gòn 50% các đôi vợ chồng lấy nhau được khoảng 10 năm thì ly dị, không dễ sống chung với nhau suốt cuộc đời. Người ta tổng kết hằng năm có hơn 100 ngàn ca em bé chào đời thì cũng đồng thời có hơn 100 ngàn ca thai thi bị giết chết, số sinh và số bị giết ngang ngửa với nhau, gia đình tan tác. Gia đình mà tan tác thì tương lai ơn gọi gia đình và ơn gọi khác cũng bị ảnh hưởng, vì gia đình là nền tảng cho mọi ơn gọi.
Trước tình cảnh như thế các Mục tử là người đại diện của Chúa Kitô nơi trần gian đâm ra lo lắng, quan tâm chăm sóc gia đình thế nào đây? Để những đàn chiên mà Chúa giao cho mình chăm sóc không bị tan tác trước làn sóng tấn công của thời đại hôm nay, làm sao để các gia đình công giáo không bị ảnh hưởng, người ta ly dị xung quanh mình mà mình không bắt chước, người ta phá thai cách dễ dàng mà mình không làm theo. Mà mình vẫn một mực tin vào Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa dạy, qua lời Hội thánh dạy, làm sao củng cố đức tin cho các gia đình công giáo là mục đích của các vị chủ chăn trên toàn thế giới trong Năm Đức Tin này. Đặc biệt trong ngày hôm nay cử hành Năm Đức Tin cho các gia đình tại Linh địa La Vang này, để cùng với Đức Mẹ, chúng ta cầu nguyện thiết tha, bảo vệ cho các gia đình chúng ta luôn luôn trở nên hình ảnh của Thiên Chúa.
Như vậy căn nhà mà đôi bạn đang thiết lập phải dựa trên một căn nhà khác, bền vững hơn, ngày mà đôi bạn công giáo dẫn nhau vào mà thề hứa, trước mặt Chúa và cộng đoàn Hội thánh, đó là Nhà Thờ.
Nhà Thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nơi Chúa quy tụ dân Chúa lại để cử hành việc phụng tự. Nhà Thờ là nơi Hội thánh được quy tụ, được thành lập, mà Hội thánh đầu tiên căn bản là Hội thánh tại gia trên cơ sở là hôn nhân của đôi bạn nam nữ.
Anh chị em đã lập gia đình, nhớ lại ngày anh chị em dẫn nhau vào ngôi Nhà Thờ ấy, để thề hứa trước mặt Chúa: “Anh là … nhận em… làm vợ và hứa sẽ giữ lòng trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Nàng cũng nói những lời y như vậy với chàng. Trước mặt Chúa, trước mặt Hội thánh ngày nào, nhưng đến nay có còn nhớ đến không?
Nhưng ngày nay các bạn trẻ quen nhau: “yêu ban sáng, cưới ban chiều, tối cãi nhau, hôm sau ly dị” (lời của cha đặc trách MVGĐ Gp Bùi Chu), đó là đặc tính của các gia đình của các bạn trẻ ngày nay, trước trào lưu của thế giới, đã để mình cũng bị tác động theo với não trạng bị lung lay thay đổi, tính cách kiên vững của một nhân cách trưởng thành lớn lao của cha ông không còn đâu nữa.
Ngôi nhà của các bạn đang xây, chưa kịp xây thì đã bị sụp đổ, vì không có chân đứng là sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, ngôi nhà mà đôi bạn đang xây muốn được kiên vững phải phát xuất từ ngôi Nhà Thờ, nơi mà Chúa hiện diện, nơi mà đôi bạn đã hứa chung thủy với nhau, trung thành với Chúa ngày nào trong lễ Thành Hôn. Mà ngôi Nhà Thờ ấy lại là biểu tượng là ngôi nhà của Ba Ngôi Thiên Chúa vô hình, ngôi nhà đầu tiên căn bản, chắc chắn nhất thì lại vô hình, đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, ba ngôi tự hiến cho nhau, mà hình ảnh đó được thể hiện qua việc Chúa Con nhập thể làm người bằng xương bằng thịt, chỉ cho ta thấy thế nào là yêu. Yêu là biết quan tâm chăm sóc đến nhu cầu của người khác đến mức quên cả bản thân mình, và nếu thế thì hình ảnh tự hiến của Đức Kitô trên thập giá là hình ảnh tuyệt vời nhất của tình yêu đích thực. Thiên Chúa Ba Ngôi và tình yêu tự hiến cho nhau được bộc lộ ra một cách hữu hình, thấy được bởi cái chết của Chúa Con trên thập giá. Đó là hình ảnh của các đôi vợ chồng Kitô hữu tin vào Đức Kitô, sống với nhau cũng thể hiện một tình yêu hiến thân như vậy. Chính khi đó, đôi bạn mới trở thành biểu tượng hữu hình của căn nhà Thiên Chúa Tình Yêu vô hình.
Mỗi một hành động dù nhỏ bé của vợ chồng dành cho nhau, là một hành động của tình yêu biểu lộ Thiên Chúa từ vô hình trở nên hữu hình nơi chính đời sống của đôi bạn thề hứa với nhau trong Bí tích Hôn phối. Đó là căn nhà thứ ba, căn nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi, được nhập thể trở nên là căn nhà của đôi bạn Kitô hữu ngày họ thành hôn trở thành một đơn vị, và họ hứa giữ lòng chung thủy với nhau, vì tình yêu Thiên Chúa là tình yêu thủy chung đối với con người, cho dẫu con người có khả năng phản bội.
Cho nên, khi người chồng hay một người vợ vẫn tiếp tục trung thành cho dẫu người bạn đời không xứng đáng với mình, thì mình đang cố gắng sống đức tin, nghĩa là đang thể hiện một tình yêu chung thủy của Thiên Chúa, cho dẫu dân của Ngài phản bội Ngài, cho dẫu người bạn đời của mình phản bội mình, không còn xứng đáng với mình, thì mình vẫn tiếp tục sống như thế. Không phải vì người đó ngoan, giỏi, tài, hay xứng đáng với mình, mà vì mình muốn thể hiện tình yêu của Đấng Vĩnh Cửu trở thành hữu hình trong thời gian, đó là ý nghĩa của sự nhẫn nại trong đời sống hôn nhân gia đình.
Như thế, ba căn nhà là Một, căn nhà vô hình được nhập thể trong căn nhà hữu hình là ngôi nhà thờ, nơi ta thờ phượng, cầu nguyện với Thiên Chúa, và căn nhà đó mỗi ngày được hình thành nơi ngôi nhà là đôi bạn Kitô hữu từ ngày lập Bí tích hôn phối, sống với nhau cách trung thành, và yêu thương nhau mỗi ngày, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, để cho mọi người thấy được tình yêu Thiên Chúa đang được tỏ hiện. Đó là ý nghĩa đầu tiên của đề tài gia đình Kito hữu: Cánh của đức tin cho đôi vợ chồng, vì đôi vộ chồng được hưởng ơn này trước tất cả những người khác.
Chia sẻ chứng từ:
Đôi bạn trẻ Khoa – Phượng thuộc Cộng đoàn Emmanuel, chia sẻ trải nghiệm đức tin của mình trong đời sống vợ chồng.
Phượng chia sẻ: Con là một tân tòng, chúng con quen nhau từ năm 2004, đến năm 2009 con tham gia lớp học giáo lý tân tòng để trở thành Kitô hữu và đến 2012 thì chúng con quyết định đi đến hôn nhân sau 8 năm tìm hiểu nhau. Nhưng khi bước vào đời sống hôn nhân chúng con mới thấy sự khác biệt của nhau, sự dồn nén nhiều ngày, thì mâu thuẫn bắt đầu bùng nổ, tranh luận cãi vã giận hờn nhau.
Những lần cãi nhau anh Khoa luôn im lặng, con hỏi vì sao mỗi lần em cãi, thì anh cứ im lặng. Anh Khoa trả lời: “anh im lặng để cầu nguyện và lắng nghe em nói, để chấp nhận những gì khác biệt của em một cách dễ dàng hơn”. Và anh cũng nói rằng: “Thôi chúng ta cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, thì sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”. Từ đó mỗi lần chúng con có những chuyện bất đồng thì chúng con cùng nắm tay nhau đọc kinh Lạy Cha, và như thế chúng con cảm thấy dễ chịu về tâm lý và dễ dàng chấp nhận nhau hơn.
Mỗi buổi tối chúng con có giờ kinh chung gia đình khoảng 15 phút, sau giờ kinh chung cả mẹ, con cái, dâu rể trong gia đình chúng con lại ngồi nói chuyện với nhau, tình cảm và cuộc sống trong gia đình trở nên chan hòa với nhau hơn. Riêng hai vợ chồng chúng con thì mỗi buổi sáng cùng nhau đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ. Con cảm thấy hạnh phúc vì trong gia đình có nền móng về đức tin, khi gặp vấn đề khó khăn thì cùng giải quyết bằng đức tin.
Khoa chia sẻ: Khi kết hôn con nghĩ rằng nghi thức hôn phối không chỉ là nghi thức mà còn cảm thấy Chúa Giêsu ở giữa chúng con, ngài đã nối kết chúng con. Niềm hạnh phúc nữa của chúng con bây giờ là sắp có em bé, hằng ngày mỗi khi đọc kinh hay đi lễ chúng con đều ghi dấu thánh giá cho em bé, chúng con cảm thấy hạnh phúc vì có Chúa luôn hiện diện đồng hành với chúng con trong cuộc sống.
AP. Mặc Trầm Cung lược ghi
Views: 0