Hạt Cát
Trong Thánh Lễ Mùa Phục Sinh, nơi phần Lời Chúa có thuật lại biến cố hai môn đệ trên đường trở về Emmaus, và đã được Chúa hiện ra đồng hành với các ông. Một câu chuyện có nội dung rất gần gũi với đời sống con người, và do đó dễ đánh động được mọi người về thực trạng con đường Emmaus của đời mình.
Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, nhiều người thắc mắc tại sao hai môn đệ Chúa lại có thể đãng trí, chóng quên đến nỗi đã không nhận ra được Thày mình, Người mà các ông đã có mấy năm cùng nhau chung sống, đã cùng Thày dong duổi mọi nơi, và cùng Thày nếm đủ mọi hương vị của tình đời. Thế mà mãi đến khi Chúa thực hiện hành động bẻ bánh, lúc đó mắt các ông mới sáng ra. Cũng ngay lúc đó Chúa biến đi, để lại cho các ông sự hụt hẫng không kịp mở lời chào Thày, hoặc tuyên xưng như ông Tôma: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”
Các ông không nhận ra được Thày mình, có lẽ vì các ông đã nhìn Thày ở góc cạnh khác với góc cạnh Chúa muốn các ông nhìn. Khi Chúa còn tại thế, hai ông và các mộn đệ khác đã không nhận ra được chân dung đích thực của Chúa. Trước mắt các ông, Chúa sẽ là vị vua quyền uy của dân tộc Do Thái và sẽ giải thoát họ khỏi cảnh bị người Rôma đô hộ nhục nhã. Các ông sẽ được làm lớn trong vương quốc của Thày, vì các ông đã có công theo Thày từ thuở hàn vi.
Các ông đã lầm. Do đó, giấc mộng lớn của các ông bị sụp đổ thành mây khói khởi đi từ ngọn đồi trớ trêu, oan nghiệt Golgotha. Có thể trong mấy ngày quá ngỡ ngàng này, đầu óc các ông từng bị quay cuồng bởi những ý nghĩ: Tại sao Thày mình, một người được chứng minh là có quyền phép, như sua đuổi các tà ma, chữa lành các bệnh tật, cho người mù từ lúc mới sinh được sáng, làm cho Lazaro chết đã bốn ngày sống lại, và những lần thi triển thuật biến hoá để an toàn ra khỏi đám người giận dữ đang vây quanh đòi giết Thày. Vậy tại sao bây giờ…?
Không tìm được câu trả lời, các ông đành buồn rầu trở về nhà, chấp nhận đối diện với giấc mộng nhỏ bình thường. Giữa lúc ấy, Chúa đột nhiên xuất hiện để cứu khổ cứu nạn các ông, qua việc dùng Kinh Thánh để khai tâm các ông. Mặc dù bức tường nhân sinh quan phàm tục chưa bị phá đổ, các ông cũng được yên ủi nhờ sự nhiệt thành, thân ái của “người lạ.” Và phần hai ông cũng đã làm một cử chỉ đẹp, đó là năn nỉ xin “người lạ” ở lại, và ân cần mời “người lạ” cùng chia sẽ bữa ăn. Nghĩa cử này đã đem lại cho hai ông sự đổi đời, khi hai ông nhận ra “người lạ” chính là Thày mình, qua hành động bẻ bánh rất ư quen thuộc của Thày.
Nhờ sự kiện mắt các ông mở ra để chân nhận được Thày, và với tâm trí đã được Chúa soi sáng, uốn nắn lúc Thày trò còn song hành trên đường đi, đã phần nào giúp các ông hiểu được ý nghĩa của “những biến cố xảy ra trong mấy ngày qua”. Các ông cảm thấy như được hồi sinh, với cảm giác “lòng chúng ta đã bừng cháy lên khi nghe Người diễn giảng Kinh Thánh cho chúng ta trên đường đi”. Con đường mà mấy ngày trước đây sao tăm tối ê chề, nay bỗng dưng thấy thênh thang rộng mở. Đôi chân nặng nề vì mệt mỏi của các ông bỗng như nhẹ tênh. Và mặc dù lúc đó trời đã về đêm, nhưng tâm hồn các ông lại sáng như ban ngày. Các ông hăm hở lập tức quay trở lại Jerusalem để tuyên xưng Chúa đã sống lại thật. Một lời tuyên xưng đem lại cho các ông niềm vui và hy vọng mới.
Sự tích đoạn đường Emmaus của hai môn đệ xưa, phải chăng cũng chính là đoạn đường Emmaus của cuộc đời mỗi người chúng ta. Có khác chăng, đoạn đường của chúng ta là đoạn đường mòn, cứ dẵm đi dẵm lại hoài. Vì điều gì sẽ xảy ra, nếu hai ông không năn nỉ xin Chúa ở lại và mời Chúa cùng chia sẻ chén cơm chiếc bánh? Chi tiết “Chúa giả vờ đi tiếp” thật thích thú, ý nghĩa và cũng đầy chất “người.” Chúng ta phải mở lời xin, phải kiên trì năn nỉ, rồi mọi sự sẽ thành. Nếu chúng ta vô tình để Chúa đi tiếp (nhất định Chúa sẽ đau khổ lắm, vì Chúa chỉ gỉa vờ đi thôi), chúng ta sẽ vuột mất Người. Và đoạn đường Emmaus của cuộc đời chúng ta sẽ rơi vào trong đêm tối mịt mùng, vì “ngày đã gần tàn”. Nhất là dù có Chúa đang ở bên như trường hợp của hai môn đệ trên đường đi, chúng ta cũng sẽ không cảm, không thấy được Người, bởi lòng trí chúng ta còn nặng lo việc toan tính hơn thiệt ở đời.
Hạt Cát
Views: 0