Có một thầy ẩn tu tên là Xê-bat-chiêng thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng Thánh Giá với tước hiệu là "Tượng Chúa ban ơn".
Thấy dân chúng có lòng tin thường đến cầu xin ơn lành, thầy Xê-bat-chiêng cũng thêm lòng tin cậy.
Một hôm vắng người, thầy quỳ gối trước Thánh Giá và chân thành khấn nguyện: "Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thánh giá".
Thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên Thánh Giá mong đáp lời. Một lúc sau, từ Thánh Giá có tiếng phán bảo: "Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên Thánh Giá nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết". Xê-bat-chiêng hứa và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên Thánh Giá.
Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến trước tượng Thánh Giá để cầu nguyện. Không ai hay biết về việc đổi chỗ này.
Một hôm, có người xứ nọ đến cầu nguyện. Khi ra về, ông để quên dưới ghế quỳ cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy thầy vẫn yên lặng.
Lúc sau, có một người nghèo khổ vào nhà nguyện, ông ta sung sướng nhìn túi tiền vàng, tưởng là Chúa ban cho liền xách túi, tạ ơn và đi ra.
Rồi có một chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì sắp đi xa. Vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghi chàng thanh niên đã lấy đi, tranh cãi và cả hai mời cảnh sát phân xử.
Không cầm lòng được nữa, từ trên Thánh Giá, thầy Xê-bat-chiêng hét lên: Đứng lại. Mọi người ngạc nhiên. Thầy phân trần sự việc. Người phú hộ tìm người nghèo xin lại túi tiền. Chàng thanh niên cũng vội vã đi cho kịp chuyến tàu.
Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng bảo Xê-bat-chiêng: "Con hãy xuống ngay khỏi Thánh Giá, con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ yên lặng như lời con đã hứa".
Thầy vội vã phân trần: Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Chúa Giêsu đáp: Thật con không hiểu gì hết! Tiền của người phú hộ là tiền bất lương, trong khi người nghèo đói kia vất vả mà không kiếm đủ miếng cơm manh áo cho đàn con nhỏ. Và nếu chàng thanh niên kia có bị cảnh sát giữ lại, anh ta lỡ chuyến tàu, như thế đã cứu được mạng sống mình. Kìa, tàu của anh ta đang lao đao giữa biển cả sắp chìm vì sóng to gió lớn. (Trích tuyển tập truyện hay, Giấc Mộng Vàng, trang 27).
Câu chuyện gợi nhớ Lời Chúa trong sách Isaia: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.
Ngôn sứ Isaia mời gọi các dân tộc : “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Thế nhưng, dân Chúa đã bao phen chối bỏ đường lối của Chúa: “Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta…” (Tv 95,10-11;x.Xh 16,7-8; Ds 11,18-20; 14,27; Tv 81,11-13; Is 8,6;31,1-2.15; Lc 7,30; x. Lv 26,15; 1V 19,14; Hs 8,1).
Dân Israen đã được chuẩn bị hàng ngàn năm để đón nhận Đức Mêsia, nhưng rốt cuộc họ đã không đón nhận được Đức Mêsia. Không phải chỉ có những người biệt phái kiêu căng, không phải chỉ có Sa đốc an thân, mà hầu như tất cả những người Do Thái, từ Gioan Tẩy Giả, đến các môn đệ của Đức Giêsu cũng đều không hiểu được cách thức cứu độ của Thiên Chúa, đường lối của Ngài.
Cũng vậy, trong suy nghĩ của con người, chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại gọi bốn môn đệ đầu tiên để đặt nền tảng xây dựng Giáo hội như bài Phúc âm hôm nay vừa kể.
Đó là những người chài lưới "ăn với sóng, nói với gió", ít học, quê mùa. Chúa Giêsu lại chọn họ làm môn đệ. Tại sao Chúa Giêsu không chọn những Luật sĩ, những Pharisiêu, những Ký lục thông thái?
Cũng như chúng ta cũng hỏi, tại sao Chúa Giêsu không sinh ra nơi cung điện nguy nga lộng lẫy mà lại chọn hang đá Bêlem hôi hám lạnh lẽo để giáng sinh? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn cái chết Thập giá đau đớn tủi nhục để làm phương thế cứu độ? Ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ cũng như nhìn lên tử tội Giêsu trên thập giá, chúng ta thường tự hỏi tại sao Chúa lại thích những điều nghịch lý? Làm sao người ta có thể tuyên xưng Người là Đấng Giải Thoát khi Người đến trong dáng vẻ yếu đuối bé bỏng?
Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-24). Thập giá là một sự điên rồ với người Hy Lạp; Thập giá là một ô nhục với người Do Thái. Thật ra, Thập giá là thách đố đối với tất cả mọi người, những kẻ mang thân phận “người phàm mắt thịt”.
Bởi đó, đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Con người là thụ tạo.
Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, những người được mời gọi đi vào nẻo được cứu độ “ngược đời tuyệt diệu”. Người thường chọn những cái nghịch lý để làm những điều vĩ đại. Tám mối phúc thật là nghịch lý đối với người đời nhưng lại là Hiến Chương Nước Trời. Chúa Giêsu không đến với sức mạnh bạo lực nhưng với những gì yếu ớt mỏng manh kết tụ nơi Hài Nhi bé nhỏ. Chúa Giêsu cũng kêu gọi những người tầm thường, những người khiêm nhường bé nhỏ. Chính bằng cái mỏng manh bé nhỏ ấy mà Người khơi dậy nơi con người cái chân tâm để rồi tình yêu của Người giúp họ biến đổi để trở nên những rường cột của Giáo hội.
Như thế Chúa nhìn con người với cái nhìn yêu thương, tôn trọng, luôn thấy cái tốt, cái đáng yêu nơi mỗi người cho dù họ nhỏ bé, họ tầm thường. Chính sự bé nhỏ đó mà Chúa biến đổi để nên lớn lao.
Mỗi người chúng ta trong cách nhìn về tha nhân cũng cần học theo gương của Chúa. Đó là cái nhìn về phía đàng trước, về phía tương lai.
Nhiều lần ta khóa chặt anh chị em mình trong quá khứ lỗi lầm. Nhiều khi chỉ vì vài xích mích, vài lỗi lầm trong cuộc sống, nhưng ta lại vịn vào đó mà phủ nhận, mà phán đoán và đánh giá chính họ theo thành kiến của mình. Có người giận Cha xứ mà bỏ Nhà thờ không đi lễ, không xưng tội rước lễ. Có người tâm sự: mọi người coi tôi như một người xấu xa, ai cũng lên án, ai cũng xa lánh, cùng lắm chỉ thương hại, không còn cánh cửa mở ra phía trước cho tôi.
Về mặt xã hội, mấy mươi năm qua cũng có thái độ xét đoán con người như thế. "Chủ nghĩa lý lịch" tạo nên sự kỳ thị khủng khiếp. Biết bao nhân tài bị mai một, không phát huy được tài năng chỉ vì lý lịch. Biết bao kẻ bất tài nhờ lý lịch được thăng quan tiến chức. Khóa chặt con người trong quá khứ, một quá khứ do cha mẹ, do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Vì quá khứ ấy mà mà mọi cánh cửa mở ra cho tương lai của xã hội đất nước cũng bị thiệt thòi.
Cho nên xem ra con người ta vẫn hay nhìn lại phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi đó, niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ cho tương lai lại thúc bách ta nhìn về phía tương lai.
Nhìn về phía tương lai là không chấp nhận thái độ thất vọng: thất vọng về chính mình, về anh em, về cuộc đời. Nhìn về phía tương lai là thay thế thất vọng bằng niềm tin: tin vào chính mình, tin vào con người, tin vào cuộc đời…Niềm tin gắn liền với hy vọng. Thất vọng như Giuđa nên đã thắt cổ tự vẫn. Hy vọng như Phêrô, đã từng sa ngã và tin vào ơn thứ tha nên tìm lại mùa xuân tâm hồn. Vào một buổi sáng mùa xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau, buồn phiền sầu não chán chường mệt mỏi. Nhưng Đấng Hy Vọng đã tới với họ. Người chuyện trò với họ. Hai môn đệ trên đường Emmau quyết định quay về Giêrusalem. Niềm hy vọng làm bừng dậy sức sống mới. Từ đó Đấng Hy Vọng là niềm hạnh phúc cho nhân loại.
Nhìn về phía tương lai là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ và dẫn đưa chúng ta đi về quê trời dấu yêu, niềm hy vọng tuyệt vời trên hành trình đức tin.
“Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau …” (Mt 25,32). Sự công bằng luân lý của Thiên Chúa được mạc khải trong các lề luật và xét xử của Ngài. Các giới răn và phán quyết của Chúa là khuôn mẫu của sự công minh. Hình phạt và ân thưởng của Ngài hoàn toàn công bằng. Sự công minh của Chúa không thiên vị. Thật đáng ca ngợi, việc Chúa bênh vực hối nhân và người khốn khổ không được ai bảo vệ. Rốt cuộc, mọi đường lối Chúa phải được coi là chính trực công bình.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con theo đường lối của Người, và chúng con sẽ đi theo ý định của Người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Views: 0