Để đón nhận niềm tin không phải một sớm một chiều. Để xác tín niềm tin đôi khi còn phải vượt qua nhiều nghi nan ngờ vực.
Bốn mươi ngày qua, kể từ khi Đức Giêsu phục sinh. Mặc dù đã nhìn thấy nhiều lần sự "thần hiện" của Thầy mình. Mặc dù đã nhìn thấy dấu đinh và dấu đòng trên cơ thể Phục sinh của Đức Giêsu. Thế nhưng các môn đệ có vẻ như vẫn đang trong tình trạng “mơ ngủ”. Các ông vẫn băng khoăng về tính xác thực của sự phục sinh của Đức Giêsu. Sự băng khoăng đó đã tác động mãnh liệt lên não bộ dẫn đến tình trạng đôi mắt của các môn đệ không còn phân biệt được đâu là thật… đâu là ảo…
Câu chuyện khi Đức Giêsu hiện đến và đứng giữa các ông; thế mà các ông lại lầm “tưởng là thấy ma” đã minh họa rõ nét nỗi niềm băng khoăng đó.
Trước tình trạng yếu đức tin của các môn đệ. Đức Giêsu, một lần nữa, đã : “đưa chân tay cho các ông xem”. Và Ngài đã nhắc lại cho các ông hiểu rằng : “tất cả những gì sách luật Môse, các sách ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đếu phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).
Những lời nhắc khéo đó cộng với sự kiện Đức Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” đã củng cố niềm tin của các ông. Nhờ thế, hôm Thầy và trò cùng nhau đi đến Bêtania; các ông không còn hoảng hốt lẫn bối rối khi chứng kiến Đức Giêsu : “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24, 51).
Chắc hẳn giờ đây các ông đã hiểu mọi điều Đức Giêsu đã nói trong bữa tiệc ly : “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”. Và rằng : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy ở đâu , anh em cũng ở đó” (Ga 14,3-4). Chính vì đã hiểu được sứ vụ và vai trò của Thầy mình nên các ông : “tràn đầy hoan hỉ và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 53).
Một chút tâm tình….
Hai mươi thế kỷ đã trôi qua. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô “lên trời” vẫn luôn là một niềm tin tuyệt đối của bất cứ ai là Kitô hữu.
Tuy nhiên không phải là không có những kẻ phỉ báng và cho rằng đó chỉ là một niềm tin mơ hồ, vớ vẩn của những kẻ ngu dốt, ngu muội…
Bản tin của VietCatholic News (25 Jan 2010) đã đăng tải một bài viết với hàng “tít” :“Những khoa học gia tin vào Thiên Chúa”. Nội dung toàn bài đã cho thấy rằng tin vào Thiên Chúa không phải chỉ gồm toàn những kẻ ngu muội, ngu dốt như một số người đã nghĩ. Công Giáo cũng không phải là “thuốc phiện”. Bởi có ai nghiện ma túy mà có thể trở thành những nhà khoa học như Isaac Newton (1643–1727) hoặc Louis Pasteur (1822 – 1895)…v.v.. Tám mươi phần trăm các nhà khoa học đã tin vào Thiên Chúa.
Một nữ phi hành gia thời Xô Viết, sau ba ngày bay trên vũ trụ; khi trở về trái đất đã tuyên bồ rằng : tôi đã “lên trời” nhưng chẳng thấy Chúa đâu. Lời tuyên bố đó không làm mất đi niềm tin Đức Giêsu đã : “Được rước lên trời” (Cv 1, …11).
Thật vậy; lời tuyên bố của vị nữ du hành vũ trụ đó quá là ấu trĩ. Sự thăng thiên của Đức Giêsu không có nghĩa là “Ngài bay bổng lên không trung và các tầng mây quyện quanh thân Ngài.” – Suy nghĩ như thế là một cách suy nghĩ vô ý thức. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang.
“ Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị” (Tv 110 : 2). Vâng, là người Kitô hữu; hãy xác tín và tuyên xưng rằng : Đức Giêsu – “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (Kinh Tin Kính).
Một phút suy tư…
Chẳng ai trong chúng ta – là những người tin Chúa – lại không muốn đời sau được “ lên Thiên Đàng”.
Người ta thường nói : “Đường nào cũng về Roma”. Và phải chăng “đường lên Thiên Đàng” cũng có năm-phương-bảy-hướng ???
Thưa không “đường lên Thiên Đàng” chỉ có một con đường duy nhất mà thôi. Đó chính là “Đường Thập giá”. Con đường mà chính Đức Giêsu đã công bố : “Ai muôn theo Ta; phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).
“Đường thập giá” có quá khó để mà chúng ta tiến bước ? Vâng, sẽ thật là quá khó nếu một tay chúng ta vác thập giá Đức Kitô… còn tay kia chúng ta lại : “nắm tay nhau…bắt tay nhau… ta cùng vui múa vui” với những thú vui trần gian. Hoặc chúng ta : “nắm tay nhau… bắt tay nhau…ta cùng vui múa đều” với những thế lực đen tối của trần gian để mưu cầu danh vọng, quyền lực cho chính bản thân của mình…
Hãy nhớ rằng; nếu chúng ta làm như thế – theo thánh Phaolô – nghĩa là chúng ta đã : “làm theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ KHÔNG VÂNG PHỤC” (Êphêsô 2, 2).
Để có thể vững bước trên con đường lên Thiên đàng, không gì tốt bằng hãy nhìn Đức Giêsu và nối gót theo Ngài. Bởi chính Ngài đã nói : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.(Ga 14,6).
Petrus tran
Views: 0