66. Một trong các thánh đố nền tảng đang đặt ra cho các gia đình ngày nay chắc chắn là thách đố dưỡng dục; thách đố này càng trở nên cấp thiết và phức tạp hơn bởi thực tại văn hóa đương thời và ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Nên xem xét thích đáng các đòi hỏi và hoài bão của các gia đình: để trong cuộc sống hàng ngày, họ có khả năng trở thành nơi phát triển, nơi truyền thụ đức tin vững chắc và chủ yếu, nơi sống thiêng liêng và thực hành nhân đức giúp lên khuôn cho cuộc sống. Gia đình là nơi ươm trồng ơn kêu gọi làm linh mục và tu dòng: vì thế, cha mẹ được thúc giục cầu xin Chúa ban ơn gọi vô giá này cho một trong những đứa con của họ.
Trong lãnh vực giáo dục, quyền của các cha mẹ phải được bảo đảm trong việc tự do chọn lối giáo dục cho con cái phù hợp với các xác tín của họ, các khả thể sẵn có, và phẩm chất. Chúng phải được giúp đỡ để có thể sống cuộc sống cảm giới của chúng, ngay trong liên hệ hôn nhân, như một cách thế hướng tới trưởng thành, biết chấp nhận người khác mỗi lúc mỗi sâu sắc hơn và hiến mình mỗi lúc mỗi trọn vẹn hơn. Theo chiều hướng này, điều cần thiết là tái khẳng định việc cung cấp các phương tiện huấn luyện nhằm nuôi dưỡng đời sống hôn nhân và tầm quan trọng của một hàng ngũ giáo dân biết đồng hành bằng chính chứng tá sống của họ. Giúp ích rất nhiều là gương sáng của một tình yêu trung thành và sâu sắc, phát xuất từ tình âu yếm dịu dàng, biết kính trọng, và có khả năng phát triển với thời gian, và trong việc cương quyết cởi mở đón chào sự sống mới, ta sẽ cảm nghiệm được một mầu nhiệm vượt quá chính ta.
67. Trong các nền văn hóa khác nhau, các người lớn trong gia đình thường đóng một vai trò không thể thiếu trong việc dưỡng dục. Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh, ta đang chứng kiến cảnh các cha mẹ giảm dần phần đóng góp của mình vào việc dưỡng dục con cái, do sự hiện diện đầy áp đảo của các phương tiện truyền thông trong gia đình, cũng như khuynh hướng muốn chừa hay dành nhiệm vụ này cho người khác. Nhưng mặt khác, các phương tiện truyền thông (nhất là truyền thông xã hội), với thời gian, có thể giúp các thành viên trong gia đình hợp nhất với nhau. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông cũng là dịp để truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Giáo Hội đang được yêu cầu khuyến khích và nâng đỡ các gia đình trong nhiệm vụ phải lưu tâm và can dự một cách có trách nhiệm vào các chương trình có tính học thuật và giáo dục có lợi cho con cái họ. Hiện có sự nhất trí trong việc quả quyết rằng cơ sở giáo dục đầu tiên chính là gia đình và cộng đồng Kitô hữu có vị trí rất tốt trong việc hỗ trợ và tổng hợp vai trò huấn luyện không thể thay thế này. Điều cần thiết là phải dành không gian và thời gian hội họp để khuyến khích việc huấn luyện các cha mẹ và chia sẻ kinh nghiệm của các gia đình. Điều cũng quan trọng là việc các cha mẹ tham dự nhiều vào việc chuẩn bị cho con em lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô Giáo, vì họ chính là các thầy cô và các chứng tá đức tin đầu tiên của con cái họ.
68. Các trường Công Giáo đóng một vai trò chủ yếu trong việc giúp đỡ các cha mẹ chu toàn bổn phận giáo dục con cái họ. Giáo dục Công Giáo làm cho vai trò gia đình được dễ dàng: nó bảo đảm việc chuẩn bị vững vàng, giáo dục nhân đức và các giá trị, dạy dỗ theo giáo huấn của Giáo Hội. Nên khuyến khích các trường Công Giáo trong sứ mệnh giúp các cựu học sinh của họ lớn lên thành những người trưởng thành chín chắn, có khả năng nhìn thế giới qua cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, và hiểu cuộc sống như lời mời gọi phụng sự Thiên Chúa. Do đó, hệ luận là các trường Công Giáo rất quan trọng cho sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Tại nhiều vùng, các trường đều là Công Giáo, tạo cơ hội đích thực cho trẻ em các gia đình nghèo, nhất là giới trẻ, giúp chúng thoát được cảnh nghèo và có cơ hội đóng góp thực sự cho đời sống xã hội. Phải khuyến khích các trường Công Giáo tiến hành các sinh hoạt của họ tại các cộng đồng nghèo nàn nhất, để phục vụ những thành viên kém may mắn nhất và dễ bị thương tổn nhất của xã hội chúng ta.
Views: 0