Uncategorized

Đừng xao xuyến…

Trong những ngày vừa qua, theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc truyền thông mạng, có thể nói rằng, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều biến động hết sức nghiêm trọng. Nào là chuyện anh bạn láng giềng “16 chữ vàng – 4 tốt” ngang nghiên cắm dàn khoan tại biển đông thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong những ngày vừa qua, theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc truyền thông mạng, có thể nói rằng, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều biến động hết sức nghiêm trọng. Nào là chuyện anh bạn láng giềng “16 chữ vàng – 4 tốt” ngang nghiên cắm dàn khoan tại biển đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Nào là hàng ngàn công nhân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc, với hậu quả là hàng chục nhà máy bị đốt cháy, đập phá, phần lớn là của các công ty Trung Quốc v.v…

Trước tình hình này, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không lo lắng, hoang mang và bối rối. Làm sao không lo lắng và bối rối cho được, khi nguy cơ thất nghiệp cận kề, nhiều mối đe đoạ chiến tranh sẽ xảy ra.

Về phương diện thể xác là vậy, về phương diện tâm linh, dĩ nhiên, cũng sẽ  ảnh hưởng trầm trọng trên mỗi chúng ta. Sẽ có người, vì thế mà bất an, vì thế mà không còn sự bình an trong tâm hồn.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, khi phải đối diện với tình trạng như thế, chúng ta sẽ làm gì?

Tạ ơn Chúa, Đức Giê-su, người mà chúng ta đang tôn thờ, Ngài đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Anh  em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

**

“Đừng xao xuyến và hãy tin”.  Đó… đó chính là thông điệp Đức Giê-su đã gửi đến các môn đệ trong lúc tâm hồn các ông cũng đang rơi vào tâm trạng lo lắng và bối rối.

Câu chuyện được bắt đầu vào một buổi chiều, một buổi chiều khi Đức Giê-su và các môn đệ cùng đồng bàn trong một bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua. Đó là một buổi chiều của những tin tức xấu, những tin tức buồn, của những nỗi bàng hoàng, lo âu và bối rối.

Làm sao các môn đệ không bàng hoàng cho được,  khi Đức Giê-su công bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Làm sao các môn đệ không lo âu cho được, vì có một người sẽ “chối Thầy ba lần”.

Làm sao các môn đệ không lo lắng và bối rối cho được vì Thầy Giêsu tuyên bố “Hỡi anh  em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh  em  một ít lâu nữa thôi”.

Ai! Ai sẽ là người phản bội Thầy? Anh cả Phê-rô, người được Thầy Giê-su giao trọng trách đặc biệt cai quản Hội Thánh tương lai, thế mà “gà chưa gáy, anh đã chối Thấy ba lần” ư!

Trong ba năm qua, các môn đệ đã bỏ hết mọi sự, nghề nghiệp, cuộc sống gia đình để theo Thầy Giêsu, với tất cả niềm tin và lòng phó thác. Họ đã có một cuộc sống an tâm bên cạnh Ngài. Khi thiếu bánh ăn, Thầy Giêsu hóa bánh ra nhiều. Khi gặp phong ba bão táp, Thầy Giêsu giải cứu họ. Khi cần, Thầy Giêsu dạy dỗ họ… Thế mà hôm nay, Thầy Giêsu lại nói : “Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được”… hỏi sao các ông không lo lắng và bối rối!

Phê-rô rồi đến Tô-ma đã không ngần ngại bộc lộ sự lo lắng đó. Một ông đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thầy đi đâu ? Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?”  Còn  ông  kia lúng  túng  hỏi  rằng “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường”!

Đức Giê-su đã xua tan những lo lắng và bối rối của các ông qua những lời đàm đạo chân tình. Ngài không chỉ hé mở cho các môn đệ thấy nơi các ông sẽ đến, nhưng Ngài còn vẽ ra một “sinh lộ”, một “con đường” cho cuộc hành trình mà các ông sẽ phải đi qua. Một cuộc hành trình đi về “Nhà Cha”. Nơi Ngài sẽ đi trước để “dọn chỗ” cho các môn đệ của Ngài. Và cuối cùng, là để Ngài ở đâu thì các môn đệ của Ngài “cũng ở đó”.

Không chỉ có Phê-rô và Tô-ma, ông Philipphe cũng không khỏi lo lắng và bối rối khi đặt một câu hỏi với Đức Giêsu, rằng  “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Và ông ta đã mãn nguyện khi Đức Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Và rằng “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9…11).

Có thể nói, câu trả lời của Đức Giêsu như một “gạnh nối” nối kết “Trời và Đất”. Nó đã phá vỡ sự ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa, sự ngăn cách mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã gây ra. Và hơn nữa, nó đã xoá tan những ưu tư phiền muộn, những lo lắng và bối rối về sự ra đi của Đức Giê-su.

Cuối cùng, để cho các môn đệ không còn xao xuyến và vững tin, Đức Giê-su khẳng  định, rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14, 6).

***

Các môn đệ có tin và thực thi lời Đức Giê-su nói? Thưa có.

Không có dấu hiệu cho thấy các môn đệ nghi ngờ lời khẳng định trên của Chúa Giêsu. Bởi nếu các ông nghi ngờ, thì sau này làm gì có chuyện “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7).
Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, là để nói tới mỗi chúng ta hôm nay. Hôm nay, về mặt cá nhân, cuộc sống của mỗi chúng ta cũng không thiếu những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối.

Trong hoàn cảnh riêng tư của cuộc đời, sẽ có lúc chúng ta cũng lo lắng và bối rối trước một nan đề nào đó. Một cơn cám dỗ bội phản lời thề thủy chung chẳng hạn. Một cơn cám dỗ trước danh vọng, tiền bạc, quyền bính chẳng hạn. Một sự yếu đuối không dám làm chứng cho sự thật chẳng hạn.

Tại sao chúng ta không thể vượt qua sự sợ hãi, sự lo lắng và bối rối! Tại sao chúng ta không thể vượt qua những cơn cám dỗ nêu trên?

Phải chăng là vì chúng ta đã chọn sai con đường để đi? Phải chăng là chúng ta đã đi trên con đường mang tên “cá nhân chủ nghĩa”?

Vâng, đừng bao giờ nghĩ rằng, những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối, những cám dỗ của chúng ta hôm nay “nặng ký” hơn của các môn đệ xưa, nhưng hãy nghĩ rằng, khi gặp những nan đề nêu trên, chúng ta có tìm đến Đức Giê-su và đi trên con đường Ngài đã vạch ra, con đường mang tên “sự thật và sự sống”!?

Hãy nhìn xem, Giáo Hội tiên khởi, bất chấp ba trăm năm “hầm trú”, ba trăm năm bị bắt bớ, tù đày, thế nhưng, Giáo Hội vẫn vượt qua được những âu lo, những bối rối, những thử thách cũng là nhờ Giáo Hội “không xao xuyến và tin” vào Thầy Giê-su.

Thế gian, có câu nói rằng: “All roads lead to Rome – Đường nào cũng về La Mã”. Vâng, đó là chuyện của thế gian, còn chuyện “về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” thì chỉ có một con đường mà thôi, đó chính là  con đường mang tên “Giê-su” – Ngài chính là “đường, sự thật và là sự sống”.

Đừng quên rằng, Thánh Lễ chính là nơi chúng ta tìm thấy con đường mang tên Giê-su. Nơi đây, chúng ta sẽ tìm được “Sự Thật” qua  những lời Kinh Thánh. Nơi đây, chúng ta sẽ nhận được “Sự Sống” qua Bí Tích Thánh Thể, và cùng cuối, nơi đây chúng ta sẽ gặp được Đức Giê-su Phục Sinh, Ngài chính là “Đường” dẫn chúng ta về với Ngài, như lời Ngài nói “Thầy ở đâu, anh   em cũng ở đó”.

Chúng ta có tin thế không? Nếu tin… Vâng, hãy đến cùng Đức  Giê-su và  “Đừng xao xuyến”.

Petrus.tran

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.