"Đừng sợ hãi Chân Lý và đừng bao giờ gián đoạn con đường dẫn tới Chân Lý, cũng như đừng bao giờ ngưng kiếm tìm sự thật sâu thẳm về chính mình và về sự vật với con mắt nội tại của con tim".
Đó là lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi 2.000 tín hữu hiện diện tại buổi tiếp kiến chung trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo sáng thứ tư 25-8-2010. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta có rất nhiều người thân mà chúng ta cảm thấy đặc biệt gần gũi. Một số người đã ở trong vòng tay của Thiên Chúa, những người khác còn chia sẻ với chúng ta con đường cuộc sống: đó là cha mẹ, bà con thân thuộc và các người giáo dục chúng ta, những người chúng ta đã làm điều tốt lành cho họ và đã nhận được từ họ điều tốt lành, và chúng ta biết có thể tin cậy nơi họ. Tuy nhiên, cũng cần có các bạn đồng hành trên con đường cuộc sống kitô nữa: tôi nghĩ tới Cha linh hướng, Cha giải tội, những người mà chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Tôi cũng nghĩ tới Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Mỗi người phải có một vài vị Thánh nào đó để cảm thấy gần gũi trong lời cầu nguyện và sự bầu cử, nhưng cũng để noi gương bắt chước. Vì thế tôi muốn mời gọi anh chị em hiểu biết các Thánh nhiều hơn, hiểu biết vị Thánh bổn mạng của anh chị em và đọc cuộc đời cũng như các bút tích của các vị. Hãy tin chắc rằng các vị sẽ trở thành các người dẫn đường tốt giúp chúng ta yêu mến Chúa nhiều hơn, và trợ giúp chúng ta lớn lên hữu hiệu trong cuôc sống nhân bản và kitô.
Tiếp đến Đức Thánh Cha cho biết ngài cũng gắn bó với vài vị Thánh, trong đó có thánh Giuse và thánh Biển Đức mà ngài mang tên, và nhiều Thánh khác trong đó có thánh Agostino, mà ngài đã hiểu biết rõ ràng hơn qua việc học hỏi nghiên cứu và cầu nguyện. Và thánh Agostino đã trở thành một ”người bạn đường” tốt trong cuộc sống và sứ vụ của ngài. Do đó, một lần nữa, Đức Thánh Cha muốn nêu bật một khía cạnh quan trọng của kinh nghiệm nhân bản và kitô trong cuộc đời thánh nhân. Nó cũng vẫn thời sự trong thời đại ngày nay, trong đó chủ thuyết duy tương đối một cách mâu thuẫn xem ra là ”chân lý” phải hướng dẫn tư tưởng, các lựa chọn và cung cách hành xử của con người. Đề cập đến thánh Agostino Đức Thánh Cha nói:
Thánh Agostino là một người đã không bao giờ sống hời hợt: nỗi khát khao, sự lo lắng thường xuyên kiếm tìm Chân Lý là một trong các đặc tính nền tảng trong cuộc sống của người. Nhưng thánh nhân không tìm kiếm các chân lý giả, không có khả năng trao ban bình an lâu bền cho tâm hồn, mà là Chân Lý trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và là nơi ở trong đó con tim tìm thấy sự thanh thản và niềm vui. Chúng ta biết là con đường đời của thánh nhân đã không phải là con đường dễ dàng. Người nghĩ đã găp gỡ được Chân Lý trong uy tín, trong danh vọng, trong việc chiếm hữu sự vật, trong các tiếng nói hứa hẹn hạnh phúc tức khắc. Người đã phạm các sai lầm, đã trải qua các buồn phiền, đã đối diện với các thất bại, nhưng thánh nhân đã không bao giờ dừng lại, đã không bao giờ hài lòng với điều chỉ trao ban cho người một chút ánh sáng. Thánh nhân đã biết nhìn vào tận sâu thẳm trong chính mình và nhận ra như người đã viết trong cuốn Xưng Thú, rằng Chân Lý,
Thiên Chúa mà người kiếm tìm với tất cả sức lực, gần gũi và thân thiết với người hơn chính người. Thiên Chúa luôn luôn ở bên cạnh, đã không bao giờ bỏ rơi thánh nhân, và đã chờ đợi để vĩnh viễn bước vào trong cuộc sống của thánh nhân (x. III,6,11; X,37,38).
Như tôi đã nói khi bình luận cuốn phim mới đây về cuộc đời của người, trong cuộc tìm kiếm khắc khoải đó thánh Agostino đã hiểu rằng không phải mình tìm ra Chân Lý, nhưng chính Chân Lý là Thiên Chúa đã chạy tới và đã tìm ra thánh nhân (x. Osservatore Romano 4-9-2009, tr. 8). Khi bình luận về một đoạn trong chương III của cuốn Xưng Thú, Romano Guardini khẳng định rằng thánh Agostino đã hiểu rằng Thiên Chúa là ”vinh quang khiến cho chúng ta phải qùy gối xuống, là thức uống thỏa mãn cơn khát của chúng ta, là kho tàng khiến cho chúng ta được hạnh phúc… và thánh nhân đã có được sự chắc chắn bình an của người sau cùng đã hiểu biết, nhưng cũng có được cái phúc tình yêu của người biết: Điều này là tất cả và đủ cho tôi rồi” (Pensieri religiosi, Brescia 2001, tr.177).
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: trong cuốn Xưng Thú chương X thánh Agostino kể lại cuộc đàm thoại của người với thân mẫu là thánh nữ Monica, mà chúng ta sẽ kính nhớ vào thứ sáu tới này. Đó là một cảnh rất đẹp: thánh nhân và mẹ người đang ở Ostia, trong một khách sạn; và từ cửa sổ hai người trông thấy trời và biển và vượt cao hơn chúng để trong một chốc lát đụng tới Thiên Chúa trong cái thinh lặng của các tạo vật. Và ở đây xuất hiện một tư tưởng nền tảng trên con đường hướng về Chân Lý: các thụ tạo phải im tiếng, nếu sự im lặng bước vào, trong đó Thiên Chúa có thể lên tiếng nói với con người. Đây cũng luôn là điều đúng, cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa: nhiều khi chúng ta sợ hãi sự thinh lặng, sợ hãi việc cầm trí, sợ hãi suy nghĩ về các hành động của chúng ta, về ý nghĩa cuộc sống của chính mình, thường khi chúng ta chỉ thích sống, bởi vì giây phút trốn chạy đó xem ra dễ dàng hơn, và chúng ta có ảo tưởng rằng nó đem lại hạnh phúc lâu dài. Chúng ta thích sống hời hợt, không suy tư; chúng ta sợ tìm kiếm Chân Lý hay có lẽ người ta sợ rằng Chân Lý tìm thấy chúng ta, nắm bắt chúng ta và thay đổi cuộc sống chúng ta, như đã xảy ra cho thánh Agostino. Và Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:
Anh chi em thân mến, tôi muốn nói với tất cả mọi người, cả với người đang gặp khó khăn trên con đường đức tin, với người ít tham dự vào cuộc sống của Giáo Hội hay với người sống ”như thể là Thiên Chúa không hiện hữu”, tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng đừng sợ hãi Chân Lý, đừng bao giờ gián đoạn con đường hướng về Chân Lý, đừng bao giờ ngưng kiếm tìm sự thật sâu thẳm trong chính mình và về sự vật với con mắt nội tại của con tim. Thiên Chúa sẽ ban Ánh Sáng giúp trông thấy và sẽ ban Hơi Ấm giúp con tim cảm thấy rằng Ngài yêu thương chúng ta và muốn được yêu thương. Xin sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, của thánh Agostino và thánh nữ Monica đồng hành với chúng ta trên con đường tìm kiếm này.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và Ý. Ngài đặc biệt chào nhóm các đại chủng sinh ý đến từ nhiều miền khác nhau, cũng như các tín hữu nhiều giáo xứ được các cha xứ tháp tùng hành hương Roma và tham dự buổi tiếp kiến chung. Đức Thánh Cha cầu chúc cuộc gặp g]ơ này củng cố lòng trung thánh của họ đối với Chúa Kitô và chứng tá kitô. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vơ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắn nhủ họ hãy tìm thấy nơi Chúa Kitô lý do hy vọng. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Views: 0