Uncategorized

Đức tin giải thoát tín hữu khỏi ách thống trị của lề luật

Sau khi trình bầy hiệu quả thứ nhất của đức tin giải thoát kitô hữu khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, trong chương 7 thánh Phaolô đề cập tới hiệu qủa thứ hai của đức tin: đó là niềm tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài giải thoát tín hữu khỏi ách thống trị của Lề Luật.

 

Sau khi trình bầy hiệu quả thứ nhất của đức tin giải thoát kitô hữu khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, trong chương 7 thánh Phaolô đề cập tới hiệu qủa thứ hai của đức tin: đó là niềm tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài giải thoát tín hữu khỏi ách thống trị của Lề Luật.

 

Từ luật lệ (ho nomos) được lập lại 21 lần trong toàn chương. Đề tài luật lệ tiếp nối những gì thánh Phaolô đã trình bầy trong phần cuối cùng của chương 5,12-21 và đầu chương 6,1-6 cũng như liên hệ tới chương 8. Ba câu 4, 7 và 13 cho chúng ta thấy điều đó khi thánh nhân viết: ”Đối với anh em cũng thế. Bởi được liên kết với thân thể Đức Kitô, anh em đã chết đối với Luật Môshê. Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết qủa cho Thiên Chúa… Vậy phải nói sao, Lề Luật là tội chăng? Không phải thế. Nhưng tôi đã chẳng biết tội là gì nếu không có Lề Luật… Vậy phải chăng điều tốt đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải vậy. Nhưng chính Tội Lỗi đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi, như vậy Tội Lỗi để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó”. Như thế đề tài thần học thánh Phaolô muốn khai triển ở đây vẫn là tương quan của tín hữu đối với Lề Luật Môshê. Đây là một trong các đề tài nổi bật trong nền thần học của thánh nhân. Trong thư gửi tín hữu Galát cũng như trong các chương 3, 4, 5 và 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô đã trình bầy một vài nét chấm phá liên quan tới Lề Luật Môshê và khẳng định rằng Luật Lệ không có khả năng trao ban ơn cứu độ cho con người. Ngoài bối cảnh cuộc tranh luận, các khẳng định của thánh nhân có thể gây vấp phạm, nhất là khi biết rằng Luật Lệ do chính Thiên Chúa ban cho dân Do thái. Vậy làm sao thánh Phaolô lại có thể viết trong chương 3 câu 20 rằng: ”Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội”, hay trong chương 4 câu 15: ”Qủa thế, Luật gây nên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn ở đâu không có Lề Luật cũng không có vi phạm”, hoặc chương 5 câu 20: ”Lề Luật đã xen vào để cho sự sa ngã lan tràn”. Tất cả đều là các khẳng định khiêu khích đối với Dân Do thái. Chính thánh Phaolô cũng đã từng là thành phần cốt cán hăng say bảo vệ Luật Lệ và nhân danh Luật Lệ bắt bớ các kitô hữu. Giờ đây trong chương 7 thánh nhân lại còn đi xa hơn nữa khi đồng hóa Luật Lệ với Tội Lỗi và Sự Chết (7,7.13). Đây là khẳng định phạm thượng, vì chính Chúa đã trao ban Lề Luật cho dân Do thái.

 

Ở đây Thánh Phaolô không thể tránh né hai vấn nạn nòng cốt. Thứ nhất, nếu Lề Luật là yếu tố khiến cho nhân loại bị hư mất, thì cần phải giải thoát con người khỏi Lề Luật, nếu không ơn cứu rỗi sẽ không trọn vẹn. Thứ hai, một khi đã xếp Lề Luật vào trong các thực tại sự dữ, mà con người cần phải thoát khỏi, thì việc thánh Phaolô đồng hóa Lề Luật với Tội Lỗi và Cái Chết qủa là phạm thượng. Bởi vì chính Thiên Chúa ban luật cho dân Do thái để cứu rỗi họ, thì làm sao Lề Luật lại có thể bị đồng hóa với Tội Lỗi và Cái Chết được? Chương 7 là lời giải đáp cho vấn nạn này. Nó gồm hai phần. Trong sáu câu đầu thánh Phaolô loan báo rằng Chúa Kitô cũng đã giải thoát chúng ta khỏi cả Lề Luật nữa. Như thế đoạn này bổ túc cho những gì thánh nhân đã trình bầy trong chương 5,12-21 và trong phần đầu chương 6 liên quan tới việc giải thoát tín hữu khỏi Tội lỗi và Sự Chết viết hoa, như hai thực tại được nhân cách hóa. Trong phần hai của chương 7, tức các câu 7-25 thánh Phaolô đưa ra lời giải đáp cho vấn nạn. Một cách cụ thể thánh nhân phân biệt bản chất tự nhiên của Lề Luật như một thực tại tốt lành trong mọi khía cạnh của nó, mà Thiên Chúa ban cho con người để giúp con người đạt ơn cứu độ. Mặt khác là nơi con người cụ thể bị Tội Lỗi thống trị, Lề luật có một vai trò tiêu cực. Nó bị Tội Lỗi lạm dụng để gây thêm vấp phạm. Chính sự phân biệt này cho phép chúng ta nhận ra ý tưởng hộ giáo của chương 7. Thánh Phaolô bênh vực bản chất tốt lành của Lề Luật Môshê. Do đó không thể tố cáo thánh nhân là người vô luật lệ hay chống lại Luật Lệ.

 

Như thế phải nhận định rằng chương 7 nhấn mạnh nhiều hơn tới tình trạng bị hư mất của con người có Lề Luật, nhận được Lề Luật, nhưng lại sống ngoài Chúa Kitô. Nói cách khác, nếu luật Chúa bị tách rời khỏi mục đích của nó là phương thế trao ban Sự Sống, và bị con người biến thành cứu cánh, khiến cho họ giữ luật vì luật chứ không phải vì Chúa, thì con người sẽ đi tới cái Chết, mà nó không hề ngờ tới. Thánh Phaolo tả lại thảm cảnh sống của toàn nhân loại như đã trình bầy trong chương 5,12-21, nghĩa là cuộc sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi và phải chết đời đời, nếu không được ơn thánh của Chúa Kitô giải thoát. Tuy nhiên, thánh Phaolô không chỉ lập lại y nguyên những gì đã nói. Ở đây ngài quan sát các hậu qủa khốc hại của Tội Lỗi và Cái Chết từ góc cạnh của Lề Luật đã biến thành dụng cụ mà Tội Lỗi dùng như cánh tay dài để siết cổ tín hữu và như mồi nhử con người rơi vào bẫy sập của Sự Chết. Trong các câu 14-25 chương 7 thánh Phaolô phơi bầy thảm cảnh sống của con người, của mỗi một người trong gia đình nhân loại đã bị ”bán làm nô lệ cho Tội Lỗi” (c. 14), bị phân rẽ và xâu xé trong tận cùng thẳm nội tâm (cc.15-23) và bị trao nộp cho Cái Chết (c.24). Đây là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô lại dùng ngôi thứ nhất số ít ”Tôi” để trình bầy kinh nghiệm này. Lý do vì, trước hết, nó là thảm cảnh, mà chính thánh nhân đang phải sống: luật lệ đã khiến cho thánh nhân trở thành kẻ cuồng tín bắt bớ các kitô hữu một cách bất công và dã man. Phaolo đã chỉ thoát được cánh tay thần chết lèo lái Lề Luật để giam cầm ngài trong Tội Lỗi nhờ cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco bách hại các tín hữu. Nói cách khác, thánh nhân chống lại khuynh hướng vật cách hóa sự dữ, coi sự dữ là điều xa lạ với con người, hiện hữu ngoài con người. Trái lại ngài chủ thể hóa sự dữ, nghĩa là nêu bật thực tại thê thảm sự dữ ngự trị trong cùng thẳm nội tâm của mình và của mỗi một ngươi trong gia đình nhân loại. Mỗi một người, bắt đầu với chính thánh nhân, đều bị Tội Lỗi thống trị. Nói một cách ngắn gọn, chương 7 thư gửi giáo đoàn Roma khởi hành từ nội dung của chương 5,12-21 để xác định vai trò tiêu cực của lề luật và vẽ lên gương mặt mờ đục vấy bẩn của nhân loại con cháu Ađam trong cuộc sống hoàn toàn bị tha hóa của nó.

 

Trong viễn tượng đó chương 7 cũng có liên hệ mật thiết với chương 8 là chương khai triển đề tài Thần Khí của Thiên Chúa như Đấng trợ giúp con người có cuộc sống mới theo chương trình của Thiên Chúa: cuộc sống trong Thánh Thần. Thật ra hai chương 7 và 8 trong thư gửi giáo đoàn Roma có tương quan với nhau một cách biện chứng, vì được khai triển dựa trên các ý niệm song song đối nghịch nhau: Thần Khí và Lề Luật được viết ra (pnéuma, gramma), Thần Khí và xác thịt (pnéuma, sarx). Chẳng han thánh Phaolô viết trong chương 7 các câu 5-6: ”Vì trước đây khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể của chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết qủa đưa tới Cái Chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật”. Từ ”xác thịt” ở đây bao gồm mọi chiều kích tâm sinh vật thể lý của con người, chứ khong phải chỉ diễn tả tính xác thịt, tức các khuynh hướng, các đam mê xấu xa, nặng nề, tội lỗi gian ác của con người mà thôi. Cái ”xác thịt” mà thánh Phaolô muốn nói tới ở đây thường khi cũng rất cụ thể, nặng nề, béo nịch, núng nính, trì trệ, nhận chìm con người xuống, khiến cho con người bi nghẹt thở và bóp chết mọi ý hướng thiêng liêng nơi con người. Với cái xác thịt kềnh càng như thế, con người không qua lọt cửa hẹp là cửa dẫn đưa tới sự sống vĩnh cửu.

 

Nếu chương 7 trình bầy điều kiện hiện sinh của người bị các lực lượng sự dữ và hư mất thống trị, thì chương 8 gới thiệu cuộc sống được giải thoát, được cứu độ, cuộc sống mới theo Thần Khí, không bị xác thịt kìm hãm nữa. Hay nói đúng hơn, hai chương diễn tả sự đối kháng khác biệt giữa cuộc sống qúa khứ và cuộc sống hiện tại. Trong qúa khứ tín hữu chưa tin nhận Chúa Kitô và nếp sống tự do của lòng tin hiện nay, là nếp sống khiến cho họ không nô lệ Tội Lỗi và Cái Chết nữa, nhưng đã trở thành con cái tự do của Thiên Chúa, được Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô linh hoạt. Cuộc sống mới đó được thánh Phaolô tóm gọn trong chương 7 câu 24 và chương 8 các câu 1-2 như sau: ”Khốn nạn thân tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” – ”Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của Tội Lỗi và Sự Chết”. Như vậy, với chương 7 và chương 8 thánh Phaolo kết thúc đề tài đã được ngài đề cập tới trong chương 5,1-11, tức cuộc sống công chính hay cuộc sống được cứu độ nhờ đức tin. Chính niềm tin vào Chúa Kitô đã khiến cho tín hữu nhận được Thần Khí của Đức Kitô, giải thoát họ khỏi xích xiềng của mọi lực lượng Sự Dữ, khỏi Tội Lỗi và Cái Chết, biến đổi họ và trao ban cho họ cuộc sống hoàn toàn mới mẻ.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.