Uncategorized

Đức Thánh Cha Phanxicô: Bí Tích Hôn Phối

Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến!

Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về các Bí Tích bằng bài về Hôn Phối. Bí tích này dẫn chúng ta tới tâm điểm của dự án Thiên Chúa, đó là một dự án giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một dự án hiệp thông. Mở đầu Sách Khởi Nguyên, cuốn Sách đầu tiên của Thánh Kinh, để hoàn tất trình thuật tạo dựng, sách này kể rằng: "Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ… Bởi thế, người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ của mình, và họ trở nên một xác thịt" (1:27;2:24).

Đôi phối ngẫu là hình ảnh của Thiên Chúa: con người nam và con người nữ, chẳng phải duy chỉ người nam thôi, chẳng phải duy chỉ người nữ thôi, mà là cả hai. Đó là hình ảnh Thiên Chúa: tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta được tiêu biểu nơi giao ước giữa nam và nữ. Điều này thật là đẹp! Chúng ta được dựng nên để yêu thương, để phản ảnh Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Và nơi mối hiệp nhất phối ngẫu, người nam và người nữ hiện thực hóa ơn gọi này, ở chỗ hỗ tương lẫn nhau và hiệp thông với nhau bằng một đời sống trọn vẹn và vĩnh viễn.

Khi người nam và người nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối thì có thể nói Thiên Chúa được "phản ảnh" nơi họ, Ngài in ấn nơi họ những tính chất của Ngài cùng với đặc tính bất khả xóa nhòa của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa cũng hiệp thông nữa, đó là Ba Ngôi Vị Cha, Con và Thánh Thần luôn luôn và vĩnh viễn sống trong mối hiệp nhất trọn hảo. Đấy thực sự là mầu nhiệm của Hôn Nhân, ở chỗ Thiên Chúa làm cho đôi phối ngẫu trở thành một cuộc sống duy nhất. Thánh Kinh sử dụng một lời diễn tả mạnh mẽ là "một xác thịt", một diễn tả cho thấy mối hiệp nhất rất thân mật giữa người nam và người nữ nơi đời sống hôn nhân. Mầu nhiệm của hôn nhân chính là ở chỗ tình yêu của Thiên Chúa được phản ảnh nơi đôi nam nữ quyết định sống chung với nhau. Bởi thế người nam lìa bỏ gia đình của mình, lìa bỏ gia đình cha mẹ mình mà sống với vợ mình, và liên hợp bản thân mình với vợ một cách mãnh liệt đến độ cả hai trở nên một xác thịt như Thánh Kinh nói.

Trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự kiện về một mầu nhiệm rất cao cả phản ảnh nơi thành phần phối ngẫu Kitô hữu, đó là mối liên hệ Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một mối liên hệ phối ngẫu (5:21-33). Giáo Hội là Hôn Thê của Chúa Kitô. Mối liên hệ là thế. Tức là Hôn Nhân đáp ứng một ơn gọi đặc biệt và cần phải được coi như là một thứ thánh hiến (cf. Gaudium et spes, 48; Familiaris consortio, 56). Nó là một thứ thánh hiến ở chỗ người nam và người nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ. Bởi Bí Tích này, đôi phối ngẫu thực sự được đầu tư vào một sứ vụ thực sự và thích đáng, để họ có thể hiển hiện hóa, từ những gì tầm thường, tình yêu thương Chúa Kitô tỏ ra với Giáo Hội của Người, tiếp tục cống hiến sự sống của Người cho Giáo Hội, một cách trung thành và phục vụ.

Thật là một dự án kỳ diệu được chất chứa nơi Bí Tích Hôn Phối! Và dự án này được thể hiện một cách đơn thường cũng như một cách mong manh nơi thân phận con người. Chúng ta biết rõ là có biết bao nhiêu là khó khăn và thử thách xẩy ra nơi đời sống vợ chồng. Điều quan trọng đó là làm sao giữ được mối liên hệ với Thiên Chúa, Đấng là nền tảng của mối liên hệ phối ngẫu. Mối liên hệ thực sự này bao giờ cũng là mối liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy được bảo tồn. Khi người chồng cầu nguyện cho người vợ và người vợ cầu nguyện cho người chồng, thì mối liên hệ ấy trở nên vững mạnh; người này cầu nguyện cho người kia.

Đời sống hôn nhân thật sự là có nhiều thứ khó khăn, nhiều lắm, nào là việc làm, nào là bị thiếu thốn tiền bạc, nào là con cái có vấn đề – rất ư là nhiều khốn khó. Nên rất thường xẩy ra chuyện vợ chồng trở nên lo lắng và cải vã nhau. Họ cãi nhau – bao giờ cũng thế thôi nơi đời sống hôn nhân – đôi khi đến độ đĩa bay chén bay (plates fly). Tuy nhiên, chúng ta không được vì thế mà tỏ ra buồn thảm; thân phận của con người là thế đó. Cái bí mật đó là tình yêu mạnh hơn cả những lúc cải nhau nữa, nên tôi bao giờ cũng khuyên nhủ các cặp vợ chồng rằng: Đừng bao giờ kết thúc ngày sống khi anh chị cãi nhau mà chưa làm hòa với nhau. Hãy luôn luôn làm như thế! Thì không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc tới nhà của mình để giải hòa. Một cử chỉ nho nhỏ nào đó, một ân cần chăm sóc nào đó, một tiếng chào thôi cũng đủ! Thế rồi sang ngày mai – và ngày mai người ta bắt đầu lại. Đó là cuộc sống; cần phải tiến bước như thế, cần phải tiến tới bằng tấm lòng can đảm muốn sống với nhau. Đó là những gì cao cả, những gì đẹp đẽ! Đời sống hôn nhân là một thứ gì đẹp nhất và chúng ta cần phải luôn canh chừng nó, bảo vệ con cái.

Ở quảng trường này có những lần tôi đã từng nói một điều có thể giúp ích nhiều cho đời sống hôn nhân. Có ba lời luôn luôn cần phải nói, ba lời cần phải nói trong gia đình, đó là xin làm ơn – please / permesso, xin cám ơn – thank you / grazie, xin thứ cho – sorry / scusa, ba lời nói có ma lực. 

Xin làm ơn, để tránh xâm phạm vào đời sống của người phối ngẫu. Xin làm ơn, thế nhưng lời nói này anh chị em thấy sao? Xin làm ơn cho tôi.

Xin cám ơn để cám ơn người bạn đời của mình: xin cám ơn anh/em về điều anh/em làm cho anh/em, xin cám ơn anh/em về điều đó nhé. Đẹp đẽ biết bao khi ngỏ lời cám ơn!   

Và khi tất cả chúng ta gây ra lầm lỗi, thì một lời nói khác hơi khó nói nhưng vẫn cần phải nói đó là: xin tha cho.

Xin làm ơn, xin cám ơn, xin tha cho. Bằng 3 lời nói này, bằng việc cầu nguyện của người chồng cho người vợ và ngược lại, bằng việc bao giờ cũng làm hòa trước khi kết thúc ngày sống, thì cuộc đời hôn nhân sẽ tiến phát – ba lời nói ma lực, việc cầu nguyện và luôn làm hòa.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-marriage

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.