Một số nhận định của ông Jeff King, Chủ tịch Hiệp Hội ”Quan tâm quốc tế kitô”, và của ông Marcello Pera, nguyên Chủ tịch Thượng Viện Italia, về lập trường bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Sáng mùng 10-1-2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng đầu năm mới. Ngỏ lời với các vị đại diện 178 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ với Tòa Thánh và đại diện chính quyền Palestine, Ngài đã mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo dưới mọi khía cạnh của nó, và tố giác nạn bách hại, kỳ thị các tín hữu kitô. Ngài tái khẳng định chiều kích tôn giáo như là một đặc tính không thể phủ nhận và không thể cưỡng bách của sự hiện hữu và hành động của con người, và là mức độ thực hiện vận mạng của họ cũng như việc xây dựng cộng đoàn của họ. Vì thế khi chính cá nhân hay những người sống chung quanh họ thờ ơ hay phủ nhận khía cạnh nền tảng ấy, thì sẽ tạo ra các tình trạng mất quân bình và các xung đột ở mọi cấp độ trên bình diện bản thân cũng như trên bình diện liên bản vị. Nói cách khác, tự do tôn giáo là quyền căn bản đầu tiên của con người. Nếu quyền tự do tôn giáo không được bảo đảm và tôn trọng, thì tất cả các quyền tự do căn bản khác sẽ bị vi phạm trầm trọng dưới hình thức này hay hình thức khác, và nền hòa bình của thế giới bị đe dọa.
Đức Thánh Cha cũng than phiền về các vụ khủng bố sát hại các tín hữu kitô tại vùng Trung Đông như bên Irak và Ai Cập, cũng như tình trạng thiếu các cơ cấu mục vụ thích hợp cho các kitô hữu trong Bán đảo A Rập. Ngài cũng yêu cầu hủy bỏ luật chống phạm thượng tại Pakistan, thường bị lạm dụng để đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số. Ngoài ra, cũng có các hành vi bạo lực chống lại các kitô hữu tại miền Nam và Đông Nam Á châu cũng như tại Phi châu. Tại một số nước Hiến pháp nhìn nhận tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, đời sống của các cộng đoàn tôn giáo gặp nhiều khó khăn, hạn chế và bấp bênh, vì cơ cấu pháp lý hoặc xã hội chiếu theo các hệ thống triết lý, chính trị yêu sách kiểm soát chặt chẽ, nếu không nói là nó cho phép Nhà Nước độc quyền trên toàn xã hội. Cần phải chấm dứt tình trạng hàm hồ này, và phải bảo đảm cho các cộng đoàn công giáo khắp nơi được hoàn toàn tự quyết trong việc tổ chức và tự do chu toàn sứ mạng của mình, phù hợp với các quy luật và tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tình trạng tại các nước có chế độ cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng duyệt xét tình hình tự do tôn giáo trong thế giới tây phương, nơi sự đa nguyên và bao dung được đề cao, nhưng tôn giáo càng ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội, và bị coi như nhân tố không quan trọng, xa lạ với xã hội tân tiến. Thậm chí tôn giáo còn bị coi như là yếu tố gây ra sự bất ổn xã hội, và người ta dùng mọi phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Đây là điều đang xảy ra tại các nước tây âu có truyền thống và nền văn hóa kitô lâu đời. Khuynh hướng tục hóa và duy đời cực đoan khiến cho người ta đòi hỏi các kitô hữu khi thi hành nghề nghệp không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý của họ, như quyền phản kháng lương tâm của những bác sĩ y tá và nhân viên y tế cũng như một số luật sư.
Ngoài ra, người ta còn cấm những ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng, nhân danh sự tôn trọng đối với tín hữu các tôn giáo khác, hay những người không tín ngưỡng. Cũng cần phải bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo quyền phục vụ công ích, tự do hoạt động xã hội, với các sáng kiến trong lãnh vực xã hội, từ thiện và giáo dục.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Jeff King, Chủ tịch Hiệp Hội ”Quan Tâm Quốc Tế Kitô”, về nỗ lực bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Hiệp Hội ”Quan Tâm Quốc Tế Kitô” có trụ sở tại Washington bên Hoa Kỳ và ông King là Chủ tịch của hội từ năm 1995.
Hỏi: Thưa ông King, ông nghĩ gì về bài diễn văn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đọc trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày mùng 10-1 vừa qua, khi người nhấn mạnh đề tài quyền hoàn toàn tự do tôn giáo ?
Đáp: Đức Thánh Cha có lý, khi nói rằng tự do tôn giáo làm cho hòa bình tiến bộ. Nơi đâu quyền tin được bảo đảm, nơi đó các quyền khác của con người cũng được khả quan hơn một cách cụ thể. Thật là điều tuyệt diệu sự kiện Đức Thánh Cha tiếp tục nêu bật tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Trong các năm qua người đã tuyên bố nhiều lần về các cuộc bách hại các tín hữu kitô và về một loại hồi giáo nào đó như là nguồn gốc của tình trạng này. Tiếng nói và phán đoán của Đức Thánh Cha có tầm quan trọng không thể so sánh được trên bình diện quốc tế để nêu ra vấn đề.
Hỏi: Đức Thánh Cha đã tố cáo các kỳ thị chống lại các kitô hữu tại nhiều nơi khác nhau trêm thế giới. Chúng thường qua đi trong thinh lặng hay được coi như ít trầm trọng hơn các kỳ thị khác. Ông có đồng ý với khẳng định này không?
Đáp: Tuyệt đối là có rồi. Các phương tiện truyền thông tây phương, vì bất cứ lý do gì, thường có khuynh hướng làm ngơ trước cả các vụ bách hại trầm trọng nhất. Và nếu có xảy ra là họ kể lại các sự kiện này đi nữa, thì lại dùng mô thức giải thích chúng như là các vụ ”bạo lực giữa các nhóm tôn giáo” với nhau, chứ không phải là các vụ bách hại các kitô hữu. Tôi xin đơn cử hai thí dụ cụ thể nhất như các vụ tấn công các kitô hữu trong bang Orissa bên Ấn Độ, hay các vụ tấn công các kitô hữu tại Indonesia giữa các năm 1998-2003.
Hỏi: Trong diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ghi nhận vài tình hình đặc biệt tại những nơi trong năm vừa qua đã có các cải tiến liên quan tới tự do tôn giáo, như Việt Nam và Cuba. Trong bản tường trình của ông về các vụ bách hại các kitô hữu năm 2010 có các nước hồi giáo đáng gây lo âu, có đúng thế không?
Đáp: Nếu chúng ta nhìn các quốc gia có hàng lãnh đạo chính trị cộng sản, ngoại trừ Bắc Hàn ra, thì các nước như Cuba, Viêt Nam và Trung quốc có một ít cải tiến, hiểu trong nghĩa rộng. Mặt khác, rất tiếc chúng ta phải ghi nhận các vụ bách hại kitô hữu ngày càng tồi tệ tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo như Pakistan, Irak và Ai Cập. Tổ chức Al Qaeda ra lệnh cho các lực lượng hồi cuồng tín tấn công các tín hữu kitô trong toàn vùng Trung Đông.
Hỏi: Thưa ông King, trong diễn văn Đức Thánh Cha cũng còn khẳng định rằng tôn giáo là lý do sự thăng tiến của một dân tộc, chứ không phải là sự thụt lùi. Vậy tại sao tự do tôn giáo lại không được thăng tiến và giải thích như là một quyền con người?
Đáp: Tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người. Nó là nền tảng của tất cả mọi quyền khác và bao gồm các quyền tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận vv… Khi góp phần vào việc bảo vệ tự do tôn giáo là người ta làm cho các quyền khác tiến lên trên một bình diện tổng quát hơn. Con người thường có thái độ sợ hãi người nước ngoài, không tin tưởng và sẵn sàng kết án bất cứ ai khác với nó. Vì thế phải lãnh trách nhiệm ủng hộ và bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số sống trong vùng đất của mình và bảo đảm sự tự do tín ngưỡng đích thật của họ. Nếu quyền này được bảo đảm, thì khi đó các quyền khác cũng sẽ được khả quan hơn trong các quốc gia này.
***
Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Marcello Pera, triết gia, nguyên Chủ tịch Thượng Viện Italia, về nỗ lực bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Hỏi: Thưa ông Pera, ông nghĩ gì về lập trường bảo vệ tự do tôn giáo của Đức Thánh cha?
Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã rất rõ ràng không chấp nhận sự mập mờ hàm hồ. Hoặc là thế giới tây âu ý thức rằng có hai cuộc chiến tôn giáo chống lại Kitô giáo và phải lo đối phó, hay thế giới tây phương bị hư mất.
Hỏi: Một cuộc chiến đổ máu tại các nước ở xa, và một cuộc chiến luồn lách ngay trong nhà chúng ta, tức các nước tây âu có nền văn hóa kitô, có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Đúng thế. Nó luồn lách, nhưng không kém phần thê thảm. Hai thế kỷ sau, Tây Âu lại quay trở lại tôn thờ nữ thần lý trí và cải cách lịch như thời Cách Mạng Pháp. Với ảo ảnh của cùng sự ”tự do” thời đó, với cùng mục đích là thay thế Kitô giáo, và rất tiếc cũng với cùng các phương tiện như thời đó. Cuộc chiến bên trong nguy hiểm hơn, vì nó dưỡng nuôi cuộc chiến bên ngoài.
Hỏi: Thật ra, Đức Thánh Cha tố cáo sự kiện các chính quyền coi các hành động kỳ thị chống lại các tín hữu kitô này ít trầm trọng hơn, thưa ông.
Đáp: Châu Âu làm suy yếu chính mình và vì thế để cho các kẻ thù lấy lại sức. Khi đó nguy cơ không phải chỉ là đánh mất các gốc rễ của mình – đây là điều đang đảy ra – nhưng còn đánh mất cả căn tính và lý lẽ hiện hữu của mình nữa: khi chính Âu châu đánh trận chiến chống lại Kitô giáo, nó không nhận ra nguy hiểm đến từ bên ngoài nữa.
Hỏi: Trong một Âu châu tự cho mình là đa nguyên, có nhiều luật lệ mưu áp đặt các quyền mới yêu sách duy đời, bằng cách phản đối khả thể của các kitô hữu không thích ứng với các quyền đó.
Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ghi nhận một sự mâu thuẫn kinh khủng: đó là Âu châu công bố tính cách đại đồng của các quyền con người và bênh vực các quyền đó bằng lời nói, nhưng lại vi phạm quyền đầu tiên của các quyền bất khả nhượng là quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo.
Hỏi: Không phải chỉ có Âu châu, mà cả Mỹ châu nữa chứ, thưa ông?
Đáp: Chắc chắn rồi. Còn hơn thế nữa, Mỹ châu đang trở thành một Âu châu lớn và Âu châu đang trở thành một nước Bỉ lớn, hay một Canada lớn, nghĩa là một vùng đất hoang tàn trên bình diện tinh thần. Hoa Kỳ ngày nay đang gặp cùng nguy hiểm như chúng ta, cả khi xã hội dân sự kháng cự tốt hơn, và cảm thấy tiếng gọi của nguồn gốc của mình. Nhưng sự âu châu hóa mau lẹ gây lo âu, và toàn Tây Phương không chỉ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng kinh tế mà chúng ta tất cả đều trông thấy, mà đang đứng trước một sự suy đồi.
Hỏi: Nhân danh sự khoan nhượng, nhiều nước tây âu đã loại bỏ các ngày lễ và các biểu hiệu kitô, từ Thánh Giá cho tới lễ Giáng Sinh. Để tôn trọng các tôn giáo khác, chúng ta xóa bỏ tôn giáo của chúng ta… Chính các đài truyền hình hồi lễ Phục Sinh năm vừa qua đã nói ”Hôm nay là lễ Phục sinh cho những ai tin”, trong khi lại cho tin tức rất đài và đầy đủ về tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo. Tại sao vậy?
Đáp: Qúy vị thấy chưa? Hậu qủa của sự tái xuất hiện của Nữ thần lý trí và việc cải cách lịch đấy. Nhưng nhắc tới các người khác mà lại xóa bỏ chính mình là kiểu tự sát nhất để tỏ ra mình khoan nhượng. Người ta không ý thức rằng để có thể khoan nhượng, thì cần phải có ít nhất hai người nói chuyện với nhau, một ”chúng ta” và một ”họ”. Nếu qúy vị xóa bỏ chúng ta, thì chỉ còn có họ thôi. Năm ngoái khi viếng thăm Ai Cập, tổng thống Obama đã đề cập tới ”sự đóng góp của Hồi giáo cho việc nảy sinh ra Hoa Kỳ”: đây là một ”thú tính lịch sử” hoàn toàn vô căn cứ.
Hỏi: Việc tấn công các giá trị nền tảng và nguồn gốc kitô xem ra đến từ nhiều phía khác nhau, có đúng thế không thưa ông? Và tại tây âu người ta bất khoan nhượng tới độ khước từ cả quyền phản kháng của lương tâm kitô hữu và quyền tự do giáo dục nữa.
Đáp: Nếu khuynh hướng duy đời được sống như một tôn giáo thật, nếu lý trí của con người là một nữ thần điều khiển mọi sự, thì một bác sĩ hay giáo sư bị tiêu diệt vì dám chống cự lại, đi ngược lại một tín điều. Đức Thánh Cha đang muốn cho các nhóm thiểu số có tiếng nói và trao ban can đảm cho chúng ta tất cả. Ngài nói với chúng ta rằng có thể thắng trận chiến này, miễn là chúng ta nhận biết rõ ràng điều gì đang xảy ra. Nhưng tôi rất buồn lòng, vì tôi tìm thấy sự rõ ràng đó nơi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và nơi một ít nhân vật của thế giới văn hóa, nhưng rất ít nơi các tầng lớp chính trị và giới truyền thông.
(Avvenire 11-1-2011)
Linh Tiến Khải
Views: 0