Theo tin Đài Phát Thanh Vatican ngày 5 tháng Ba, Đức Phanxicô đã dành cho tờ Corriere della sera của Ý một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn chỉ cách ngày kỷ niệm một năm lên ngôi chưa đầy hai tuần của Đức Giáo Hoàng, ngài tự mô tả ngài như “một người hay cười, hay khóc, ngủ ngon và cũng có bè bạn như mọi người khác”.
Cuộc phỏng vấn đề cập tới khá nhiều vấn đề từ đạo đức sinh học, phong thái và mốt cai trị Giáo Hội, tới tình bạn và lòng quí trọng của ngài với vị tiền nhiệm, là Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI.
Ngài cũng đưa ra nhiều nhận định mạnh mẽ về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội. Ngài nói: “Qủa thực, phụ nữ có thể và nên hiện diện nhiều hơn tại những nơi các quyết định của Giáo Hội được đưa ra. Tuy nhiên, tôi muốn gọi điều đó là việc cổ vũ một loại ‘chức năng’. Chỉ bằng cách này, ta mới không đi quá xa: ta cần xem sét điều này: Giáo Hội vốn mang mạo từ nữ phái. Giáo Hội là phái nữ từ chính nguồn gốc của mình (tiếng Ý: dalle origini)”.
Được hỏi phải chăng đã đến lúc xem sét vấn đề ngừa thai nhân tạo, Đức Phanxicô ca ngợi vị tiền nhiệm của mình là Đức Phaolô VI, người đã ban hành thông điệp Humanae Vitae, và nói rằng “Thiên tài của ngài quả có tính tiên tri: ngài có can đảm chống lại phe đa số, bảo vệ kỷ luật luân lý, hãm thắng nền văn hóa, chống lại cả chủ nghĩa Malthus hiện tại và tương lai”. Ngài nói tiếp: “vấn đề không phải là thay đổi học lý, mà là đào sâu, và bảo đảm rằng các cố gắng mục vụ phải xem sét hoàn cảnh người ta và những gì người ta có thể làm được”.
Theo John Thavis, trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô cho hay ngài thích ra ngoài để được gần gũi dân chúng, nhưng ngài không muốn tạo ra “một huyền thoại nào bất cứ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thí dụ có người nói rằng ngài ra khỏi Vatican vào ban đêm và nuôi ăn người vô gia cư tại Via Ottaviano chẳng hạn. Điều đó có bao giờ xẩy ra với tôi đâu… Vẽ vời Đức Giáo Hoàng như một siêu nhân, một thứ siêu sao, hình như xúc phạm tới tôi đó. Đức Giáo Hoàng cũng là người hay cười, hay khóc, ngủ ngon và có bè bạn như bất cứ ai khác. Một con người bình thường”.
Ngài cũng cho hay thỉnh thoảng ngài có thỉnh ý kiến của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô: “Vị giáo hoàng hưu trí đâu phải là một bức tượng trong viện bảo tàng… Đức Bênêđíctô là vị (hưu trí) đầu tiên và có lẽ sẽ còn nhiều vị khác nữa. Ta không biết được. Ngài kín đáo, khiêm nhường và không muốn làm phiền ai. Chúng tôi đã nói với nhau về điều đó và đã cùng nhau quyết định rằng tốt hơn, ngài nên gặp gỡ người ta, ra ngoài và tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội… Tôi nghĩ đến ông bà, những vị đầy khôn ngoan và có nhiều điều để dạy bảo, vốn đem sức mạnh lại cho gia đình và không đáng bị kết thúc ở viện dưỡng lão”.
Đức Phanxicô không muốn dùng kiểu nói trước đây của Giáo Hội để mô tả ý niệm “giá trị bất thương thảo” (non-negotiable values) trong một số vấn đề luân lý và đạo đức liên quan tới sự sống và tính dục con người: “Tôi chưa bao giờ hiểu kiểu nói ‘các giá trị không thể thương thảo’. Giá trị là giá trị, thế thôi. Tôi không thể nói: trong các ngón của một bàn tay, có ngón lại ít hữu dụng hơn ngón kia. Cho nên, tôi không hiểu các giá trị có thể thương thảo được là theo nghĩa nào”.
Về các cuộc phối hợp dân sự, Đức Phanxicô chỉ ra một số biên tế để khoan thứ: “Hôn nhân là việc giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Các nhà nước đời muốn biện minh cho các cuộc phối hợp dân sự để điều hòa các hoàn cảnh chung sống khác nhau, họ được thúc đẩy bởi nhu cầu phải điều hòa các khía cạnh kinh tế của người ta, như để có chăm sóc y tế chẳng hạn… Ta cần nhìn các trường hợp khác nhau và lượng giá chúng”.
Về thông điệp Humanae Vitae năm 1968, ngài cho nó có tính tiên tri trong việc bảo vệ luân lý nhưng cho hay giáo huấn này cần được áp dụng một cách thận trọng trong các hoàn cảnh mục vụ khác nhau, như đã nói ở trên.
Được hỏi về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Phanxicô cho đó là “chuyện khủng khiếp” nhưng bênh vực các hành động che chở trẻ em của Giáo Hội: “Các trường hợp lạm dụng quả là khủng khiếp vì chúng để lại những vết thương sâu hoắm. Đức Bênêđíctô rất can đảm và đã mở đường. Giáo Hội đã làm khá nhiều trên con đường này. Có lẽ hơn bất cứ định chế nào khác”. Ngài cho hay các con số thống kê cho thấy phần lớn bạo lực chống trẻ em xẩy ra trong gia đình hay các môi trường khu xóm. Ngài bảo: “Giáo Hội Công Giáo có lẽ là định chế công cộng duy nhất đã hành động một cách trong sáng và có trách nhiệm. Không định chế nào khác đã làm hơn thế. Ấy thế nhưng, Giáo Hội vẫn là định chế duy nhất bị tấn công”.
Liên quan tới lời phê bình gắt gao của ngài đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại, Đức Phanxicô cho hay ngài không bận tâm đối với những người tố cáo ngài theo chủ nghĩa Mác: “Tôi chưa bao giờ chia sẻ ý thức hệ Mácxít, vì nó không đúng, nhưng tôi từng biết nhiều người tốt lành đi theo chủ nghĩa Mác”. Ngài cho biết thêm: Tin Mừng rõ ràng bác bỏ ‘việc tôn thờ phúc lợi’, vì nó là một hình thức thờ ngẫu thần. Và trong khi việc hoàn cầu hóa hiện nay tuy cứu được khá nhiều người khỏi cảnh nghèo khó, nhưng nó cũng “kết án nhiều người khác phải chết đói”. Ngài cho việc hoàn cầu hóa về kinh tế như hiện nay có vấn đề vì “con người nhân bản không còn nằm ở trung tâm nữa, chỉ có tiền mà thôi”.
Theo Catholic World News, Đức Phanxicô cho biết “Tháng Ba năm rồi, tôi không có kế hoạch nào nhằm thay đổi Giáo Hội”. Ý muốn thay đổi Giáo Triều chỉ xuất hiện sau khi lắng nghe các vị Hồng Y khác trong cơ mật viện bầu giáo hoàng mà thôi. Ngài nói tới nhu cầu các viên chức Giáo Triều cần cấm phòng thinh lặng trong năm ngày liên tiếp, hơn là rải rác chúng cùng với lịch trình làm việc bình thường.
Về việc tông du ra nước ngoài, trừ Ba Tây, Ngài sẽ thăm Đất Thánh, Á Châu và Phi Châu, trước khi trở lại Châu Mỹ La Tinh.
Về chăm sóc người bệnh, ngài cho hay “học lý truyền thống của Giáo Hội dạy rằng không ai bị buộc phải sử dụng các phương tiện phi thường” trong trường hợp cơn bệnh hết thuốc chữa; thay vào đó, ngài luôn khuyên nên sử dụng việc chăm sóc giảm đau.
Vũ Văn An3/5/2014
Views: 0