Uncategorized

Ðức Kitô – Ánh sáng của chúng ta và những tôn giáo trên thế giới

Trong thế giới hỗn loạn hôm nay, các kitô hữu tìm được sự nâng đỡ tinh thần nơi Đức Kitô, "ánh sáng chiếu soi trong tối tăm" (Ga 1,5).

Trong thế giới hỗn loạn hôm nay, các kitô hữu tìm được sự nâng đỡ tinh thần nơi Đức Kitô, "ánh sáng chiếu soi trong tối tăm" (Ga 1,5). Tôi phải thú nhận rằng trong suốt cuộc đời của tôi, là một chuyên gia thần học, tôi sẽ không thể nào chịu đựng được nỗi tăm tối của thế giới này nếu không có ánh sáng, và trong những điều kiện con người yếu đuối của tôi, ánh sáng đó đã luôn luôn trở thành con đường, chân lý và sự sống đối với tôi. Nhiều người khác cũng nghĩ như vậy.

Bản chất của Kitô giáo không phải là một cái gì trừu tượng, nhưng là một con người, một hình ảnh cụ thể của lịch sử, tức là Đức Kitô. Ngài luôn luôn là ánh sáng và đã đem lại hy vọng cho không biết bao nhiêu người mà tên tuổi của họ lịch sử giáo hội cũng không biết tới, nhưng là những người qua các thế hệ đã coi Ngài như một gương mẫu. Từ Đức Kitô họ đã biết được những người được chúc phúc chính là những người nghèo, những người không dùng bạo lực, những người đói khát công chính, những người hay thương xót, những người kiến tạo hòa bình, những người bị bách hại vì công chính. Họ đã học biết tôn trọng những người khác và chia sẻ với họ. Họ đã nhận được sức mạnh để tha thứ, để sám hối, để từ bỏ chính mình và giúp đỡ người khác.

Trong đời sống hàng ngày các kitô hữu luôn luôn chứng minh rằng việc sống theo những lý tưởng cao cả này là điều có thể, và họ có thể vượt qua đau khổ, tội lỗi, thờt vọng cũng như sợ hãi, nhờ niềm tin nơi Đức Kitô. Niềm tin vào Đức Kitô, ánh sáng tự ánh sáng, không phải chỉ là sự an ủi cho đời sống mai sau, nhưng là căn bản chống lại những bất công ở trần gian này và ngay bây giờ.

Nhiều người sẽ nói rằng nếu Đức Kitô là Đường, là Sự thật và là Sự sống, thì chúng ta còn cần gì nữa? Chẳng hạn, K. Barth đã nói rằng Đức Kitô là một ánh sáng đến nỗi không còn ánh sáng nào khác. Nhưng ông lại nhận rằng sự giới hạn này không hợp với chương trình của Thiên Chúa dành cho con người. Sự loại trừ như thế dẫn tới sự không khoan nhượng, là điều đi ngược với kitô giáo, bởi nó đi ngược lại tinh thần của Đức Kitô. Vì vậy, ngay cả K. Barth cũng phải công nhận rằng có những ánh sáng khác, những lời khác song song với lời của Thiên Chúa, những chân lý khác song song với chân lý của Thiên Chúa. Đức Kitô không bị giới hạn bởi những trang Kinh thánh hay những bức tường của Giáo hội, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi con người cũng hoạt động ở ngoài Giáo hội. Thực tế, cả Tân ước lẫn Cựu ước đều chứng minh rằng những người không phải do thái và không phải kitô hữu vẫn có thể nhận ra Thiên Chúa và họ biết rằng Thiên Chúa ở với họ.

Dù Đức Kitô ánh sáng là tiêu chuẩn cho tất cả mọi cuộc tranh cải về Thiên Chúa đối với người kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là đối với hàng triệu người – trong quá khứ cũng như hiện tại -, "Đức Phật", "Con Người Được Soi Sáng" vẫn là "ánh sáng" vĩ đại của họ. Và đối với hàng triệu người hồi giáo trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Kinh Koran là ánh sáng soi đường cho họ, và chính Mahomet đã là hiện thân của sứ điệp này. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về tất cả các tôn giáo lớn khác. Vậy thì Đức Kitô ánh sáng của chúng ta có tương hợp với những ánh sáng khác mà người khác công nhận hay không? đương nhiên, bởi vì sự tương hợp này tương xứng với tinh thần của Đức Kitô và bằng những thí dụ cụ thể Ngài đã cư xử thế nào với những người của các tín ngưỡng khác. Ngài công nhận phẩm giá của họ và đối xử với họ một cách trân trọng. Tuy sinh ra từ một người mẹ do thái, nhưng Ngài vui mừng trước niềm tin của người phụ nữ Syria và viên sĩ quan La mã. Ngài đón nhận những người hy lạp và đề cao một người ngoại giáo Samari như gương mẫu của tình yêu tha nhân.

Đức Kitô sẽ xử sự như thế nào trong thế giới hôm nay? Ngài sẽ đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng nào? Tôi xác tín rằng Ngài sẽ bảo chúng ta đi đến với những người theo tôn giáo khác để trong cuộc gặp gỡ với họ chúng ta sẽ khám phá trách nhiệm kitô hữu của chúng ta đối với thế giới.

Ngày hôm nay chúng ta phải đối đầu với những thách thức mới để có những bước đi có tính quyết định trong phong trào Đại kết giữa các kitô hữu. "Chúng tôi hy vọng trong đời Đức Giáo hoàng khác, sự chia xẻ Bí tích Thánh Thể sẽ được phép?". Chúng ta cũng phải đối mặt với những thách đố của Đại kết giữa các tôn giáo. Trong xã hội quốc tế này, các kitô hữu được mời gọi lãnh trách nhiệm, cộng tác với những người thuộc tôn giáo khác để tìm kiếm hòa bình, công lý, và sự toàn vẹn của tạo thành. Vận mệnh của thế giới ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, dù chúng ta thuộc tôn giáo hay ý thức hệ nào đi nữa. Theo ý nghĩa này, chúng ta chú ý tới 3 mục tiêu lớn: Hòa bình thế giới, Tôn giáo thế giới và Lương tri thế giới.

 

HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Các viên chức Liên hiệp quốc ước lượng rằng nếu Châu phi được phân chia theo sắc dân thì sẽ có tới 450 lãnh thổ quốc gia. Nhưng nếu các đơn vị sắc dân này hay tôn giáo của những nhóm nhỏ hơn mà cũng muốn trở thành các quốc gia, thì không những chỉ có Châu Phi mà cả Châu Âu cũng sẽ tan nát và sẽ đi đến chỗ hỗn loạn. Các đơn vị càng trở nên nhỏ thì cái nhìn càng ngày càng trở nên nhỏ hẹp và khuynh hướng phân chia ranh giới càng ngày càng trở nên điên loạn. Nam Tư phải trở thành lời cảnh báo cho chúng ta để chúng ta thay đổi cách suy nghĩ của mình, để tìm ra những nguyên tắc tốt đẹp hơn cho sự cùng tồn tại trong thế giới này và trong nhân loại này. Nhưng làm thế nào?

Có thể là hơi vội vàng khi nói về hòa bình thế giới, về tôn giáo thế giới và về một lương tri thế giới khi hiện nay có tới 30 cuộc chiến tranh đang xảy ra. Nhưng nếu hôm nay, chúng ta không đề cập tới, thì bao giờ chúng ta mới nói đến vấn đề đó được. Các tôn giáo thế giới đòi hỏi phải có hòa bình, và đòi hỏi này không phải là chuyện nói cho có, nhưng nó xuất phát từ kinh nghiệm đắng cay mà trong đó các tôn giáo đã giữ một vai trò (và vẫn còn giữ một vai trò) tai hại. Mục đích không phải chỉ là một tôn giáo đơn thuần, hay là một tập hợp những Giáo hội Kitô giáo, nhưng là một nền hòa bình giữa tất cả các tôn giáo.

Thật là một điều hạnh phúc nếu các vị lãnh đạo của các tôn giáo lớn nói và hành động cho hòa bình ở giữa những giáo phái, những tôn giáo và những quốc gia. Thật là một điều tốt lành cho nước Nam Tư cũ, nếu họ đã biết tận dụng những năm sau thế chiến thứ II, đặc biệt là đối với những Giám mục công giáo người Croatia và những Giám mục Chính thống Serbia để liệt kê tất cả những xúc phạm và tội ác mà cả hai bên đã gây ra – người Croatia trong thế chiến thứ II và người Serbia hôm nay. Thật là một điều may mắn, nếu sau khi đã than khóc và xác minh các tội ác, họ đã biết tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau như nước Pháp và nước Đức đã làm. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về tất cả những điểm xung đột khác trên thế giới. Tất cả chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Chúng ta không chỉ cần một chính sách mới, một lối ngoại giao mới, nhưng một sự hoán cải tâm hồn, một sự chấp nhận lẫn nhau và một lương tri mới.

Đức Kitô sẽ đòi hỏi các kitô hữu điều gì nếu Ngài trở lại hôm nay? Tôi nghĩ rằng Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta một lòng nhân ái trong sự liên đới,

– Một sự liên đới không chỉ tố giác những cuộc chiến tôn giáo và những cuộc thanh tra đức tin, nhưng sẽ kêu gọi mọi người thực hiện sự khoan dung và trong quan hệ với các tôn giáo khác, sẽ thay thế tính ích kờ tập thể bằng sự liên đới phát xuất từ lòng yêu thương.

– rồi, thay vì đưa ra những xúc phạm của các tôn giáo khác, sự liên đới đó đòi hỏi chúng ta tha thứ và làm lại từ đầu.

 

CÁC TÔN GIÁO THẾ GIỚI

Trong nhiều năm qua, các khác biệt tôn giáo, các thành kiến và sự nghi ngờ quá lớn làm cho các tôn giáo không thể đối thoại với nhau. Các tôn giáo sống trong sự cô lập có tính toán. Nhưng tình hình thế giới đã thay đổi một cách đáng kể. Ngay cả Thụy Sĩ cũng đang dần dần nhận ra rằng chẳng có những hoang đảo quốc gia hay miền ổn định. Và mặc dù các quyền lợi quốc gia và địa phương được biểu lộ rất rõ, sự lệ thuộc lẫn nhau về chính trị, kinh tế và tài chánh rất lớn đến nỗi các nhà kinh tế đã nói đến một xã hội toàn cầu và các nhà xã hội học nói đến nền văn minh toàn cầu (theo nghĩa kỹ thuật kinh tế và xã hội). Tất cả chúng ta trực tiếp hay gián tiếp đều liên lụy trong hệ thống tương tác này.

Nhưng xã hội toàn cầu đang hình thành này và nền văn minh kỹ thuật toàn cầu – điều này quan trọng đối với tôi – không có nghĩa là một nền văn hóa thế giới duy nhất theo nghĩa tinh thần, nghệ thuật, sáng tạo hay một tôn giáo toàn cầu duy nhất. Ngược lại, một xã hội toàn cầu và một nền văn minh toàn cầu bao gồm nhiều nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau, đôi khi còn phải nhấn mạnh đến các đặc thù của các nền văn hóa và các tôn giáo đó nữa. Hy vọng có một tôn giáo toàn cầu là một điều không tưởng, và sợ hãi trước tôn giáo toàn cầu đó lại là điều phi lý. Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng, giáo phái, nhóm và các phong trào tôn giáo không thể và cũng không nên đi tới chỗ trở thành một tôn giáo chung duy nhất.

Dù khác nhau, tất cả các tôn giáo đều là những sứ điệp cứu độ giải đáp những vấn đề cơ bản của con người về tình yêu và sự đau khổ, về tội ác và lòng sám hối, về sự sống và cái chết. Thế giới này từ đâu mà tới? Tại sao chúng ta sinh ra và tại sao chúng ta phải chết? cái gì quyết định vận mệnh của mỗi người và của nhân loại? đâu là căn bản của ý thức luân lý và những nguyên tắc về đạo đức? ngoài việc giải thích về cuộc đời và thế giới, tất cả các tôn giáo đều đưa ra những lối sống và hành động ở trần gian để được ơn cứu độ vĩnh viễn – nói tóm lại, được giải thoát khỏi đau khổ, tội lỗi và sự chết.

Cũng như các hiện tượng nhân loại khác, mỗi tôn giáo cũng có thể bị lạm dụng. Xét về quan điểm xã hội học, các tôn giáo là những hệ thống quyền lực có khuynh hướng ổn định và gia tăng quyền lực của mình. Chúng có khả năng để đấu tranh, nhưng cũng có khả năng tìm kiếm hòa bình. Tôn giáo có thể vận động ủng hộ và kéo dài chiến tranh, nhưng nó cũng có thể tránh và rút ngắn chiến tranh. Song song với các khía cạnh chiến thuật, kinh tế và chính trị của các cuộc khủng hoảng chính trị thế giới, chúng ta không được quên khía cạnh xã hội, luân lý và tôn giáo.

Dĩ nhiên trong các tôn giáo của thế giới có những hệ thống tư tưởng và tín ngưỡng không tương hợp với nhau. Nhưng có nhất thiết các tôn giáo của thế giới phải đối đầu với nhau hay không? Hòa bình thường là một phần trong các chương trình của tôn giáo. Nhiệm vụ chính yếu của tôn giáo hôm nay là trở thành những người kiến tạo hòa bình, bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện có thể, đặc biệt là các phương tiện truyền thông. Chúng có thể làm sáng tỏ những sự hiểu lầm, dẹp bỏ những ký ức đau khổ, xua đuổi những hình ảnh thù địch có sẵn, hóa giải những xung đột, giảm bớt hận thù và tàn phá, và nhấn mạnh những điểm chung của các tôn giáo.

Nhưng các thành viên của các tôn giáo lại không biết họ có những điểm nào là điểm chung, đặc biệt trong những nguyên tắc đạo đức của họ. Vì thế cần có "một lương tri mới".

 

NHU CẦU VỀ MỘT LƯƠNG TRI THẾ GIỚI MỚI

Sự hiểu biết thân thiện giữa các tôn giáo không có nghĩa là một liên minh của những người có tín ngưỡng chống lại những người vô tín. Phong trào tái-phúc âm hóa Đông Âu sẽ chỉ dẫn tới việc thiết lập những chiến hào của chiến tranh. Chúng ta không cần phân chia các thành phần xã hội và chính trị thành những thành phần tư giáo chống lại những thành phần không phải tư giáo (như ở Ba Lan). Một lương tri thế giới mới đi tìm một sự liên minh giữa những người có tín ngưỡng và những người vô tín, để có một lương tri mới trên một nền tảng chung.

Chúng ta phải phân tích tỉ mỉ cái gì liên kết tất cả những tôn giáo lớn. Công việc này mới bắt đầu nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhưng tôi muốn đưa ra một vấn đề cơ bản hơn. Ngoài những khác biệt về tín lý, biểu tượng, thì các tôn giáo có thể đóng góp những gì để cổ võ một lương tri, giúp họ phân biệt với triết học, chính trị thực tiễn và các nhóm nhân đạo?

Trong quá khứ, các tôn giáo vẫn thường coi các truyền thống của mình là tuyệt đối. Các tôn giáo đã kiên quyết xác định các tín điều và các nghi thức và đã tự cô lập lẫn nhau. Nhưng khi muốn, chúng vẫn có thể được tôn trọng trong những nguyên tắc cơ bản về con người, với một quyền bính và một sự xác tín mà các nhà chính trị, các nhà luật pháp và các triết gia không có.

Dĩ nhiên, tất cả các tôn giáo lớn đều có một số những tiêu chuẩn mà họ không thể nhân nhượng, những nguyên tắc đạo đức và những nguyên lý hướng dẫn hành động. Những tiêu chuẩn này dựa trên một cái tuyệt đối và vô điều kiện, có giá trị tới hàng trăm triệu người, mặc dù trên thực tế những điều này đã không được tuân giữ một cách triệt để. (Trên thực tế người ta thường hành động trái với đạo đức. Có thể có những cái có giá trị trên nguyên tắc mặc dù trên thực tế không còn được tôn trọng).

Năm giới điều quan trọng có giá trị đối với tất cả các tôn giáo lớn của thế giới có thể được áp dụng trong kinh tế, chính trị, xã hội:

1. không được được giết người (gây hại cho người khác);
2. không được nói dối (lừa lọc phá vỡ hợp đồng);
3. không được ăn cắp (vi phạm quyền của người khác);
4. không được làm điều dâm ô (phạm tội ngoại tình);
5. tôn trọng cha mẹ (giúp đỡ những người thiếu thốn và yếu đuối).

Có phải những giới luật này quá mơ hồ không? Bản tuyên ngôn về lương tri thế giới đã được Đại hội nghị của các tôn giáo thế giới họp tại Chicago năm 1993 công nhận, một biến cố chưa từng có trong lịch sử các tôn giáo, đã đưa ra một số những chi tiết cụ thể. Đại hội này của các tín hữu từ tất cả các tôn giáo thế giới đã đưa ra một văn bản cơ bản để hình thành những nguyên tắc đạo đức chung và những khuyến cáo rõ ràng, tất cả những điều đó trực tiếp liên quan đến phong trào hòa giải Kitô giáo và liên quan đến trách nhiệm của chúng ta đối với công lý hòa bình và sự toàn vẹn của tạo thành của Thiên Chúa. Tất cả mọi tôn giáo có thể và phải tích cực dấn thân: (1) cho sự khoan nhượng và cho một đời sống trung thực (không được nói dối); (2) không bạo động và tôn trọng sự sống và thiên nhiên (không được giết người); (3) liên đới và một trật tự kinh tế công bằng (không được ăn cắp); và (4) bình đẳng về quyền lợi và cộng tác giữa nam và nữ (không được làm điều tà dâm).

Tuyên bố này của Đại hội nghị các tôn giáo thế giới là một dấu hiệu của hy vọng về một tương lai, trong đó các tôn giáo của thế giới có thể cộng tác để đem lại một lương tri chung của nhân loại. Tuyên ngôn này cần phải được tất cả các nhóm, các giáo xứ học tập trong các khóa học về tôn giáo và đạo đức. Nó đã được cấu thành trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta. Tuy có vẻ chung chung nhưng không phải trừu tượng, cụ thể nhưng không phải ngẫu hứng, quyết liệt nhưng vẫn đem lại hy vọng.

Đồng thời, là những kitô hữu, chúng ta phải xem xét cái gì làm nên lương tri đặc thù của chúng ta: Đức Giêsu Kitô, ánh sáng của chúng ta. Đối với chúng ta, điều này có nghĩa là một sự đào sâu đặc biệt, một sự thực hành và sự bén rễ sâu sắc của lương tri thế giới. Chúng ta phải suy tư về những điều mà chúng ta phải nói ra, một khi chúng ta được Đức Kitô ánh sáng soi sáng, chẳng hạn như về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết, về sự đau khổ và tha thứ, về sự dâng hiến chính mình vô điều kiện và về sự cần thiết phải từ bỏ, và về niềm vui. Một lương tri Kitô giáo như vậy sẽ không những tương hợp với lương tri thế giới; nó còn có thể đào sâu, làm sáng tỏ và cụ thể hóa lương tri thế giới cho các kitô hữu.

 

THAY ĐỔI VỀ Ý THỨC

Lịch sử chứng minh rằng sự thay đổi trên thế giới đòi hỏi sự thay đổi về ý thức và một sự hoán cải trong tư tưởng và hành động, cả trong bình diện cá nhân cũng như xã hội. Chúng ta đã thấy rõ điều này khi nói đến chiến tranh và hòa bình, kinh tế và môi sinh, nam và nữ. Các Giáo hội có trách nhiệm đặc biệt đối với sự thay đổi như vậy trong các điều kiện nội tâm, trong não trạng và trong trái tim. Sẽ rất khó có thể tìm được một sự nhất trí toàn bộ trước những vấn đề như vậy (đạo đức sinh học, đạo đức về tính dục, đạo đức về kinh tế và quốc gia, hay đạo đức của các phương tiện truyền thông và khoa học). Nhưng trong tinh thần của các nguyên tắc mà chúng ta đã nêu trên, chúng ta sẽ có thể tìm ra được những cách giải quyết cho những vấn đề đang tranh luận như vậy.

Tôi xác tín rằng trật tự thế giới mới sẽ tốt hơn nếu thế giới trở nên một thế giới xã hội và đa dạng; với điều kiện nó phải dựa trên sự cộng tác và làm việc cho hòa bình, và với điều kiện nó sẽ trở thành một thế giới môi sinh và đại kết. Vì thế, nhiều người được hướng dẫn bởi các xác tín nhân bản hay tôn giáo đã sẵn sàng nhập cuộc để đem lại một lương tri thế giới chung và đang kêu gọi tất cả những người có thiện chí cùng làm việc cho một sự thay đổi ý thức đối với đạo đức.

An Hòa chuyển dịch
(Nguyên tác: Chist, our light, and World religions)
TSTH, 9.1997

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.