Trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô trình bầy kinh nghiệm nòng cốt của cộng đoàn Giáo Hội thời khai sinh: đó là biến cố Đức Giêsu Kitô giải thoát loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi.
Kinh nghiệm cộng đồng đó thể hiện ngay trong kiểu thánh nhân dùng từ ngữ: ”chúng tôi” và ”anh chị em” để đối thoại với họ. Phương trình giáo thuyết thần học phản đề Đức Kitô-Adam của phần hai chương 5 nhường chỗ cho kinh nghiệm sống cụ thể của tín hữu cộng đoàn. Tuy nhiên các phản đề thần học như ”Tội lỗi và sự công chính”, ”luật lệ và ơn thánh”, ”Cái Chết và Sự Sống” vẫn là các điểm nòng cốt trong cả hai văn bản, bởi vì đề tài chính vẫn là một: đó là sự kiện Đức Giêsu Kitô giải thoát con người khỏi mọi hình thức tha hóa của Tội Lỗi và Cái Chết. Tuy nhiên, giữa hai văn bản có sự khác biệt quan trọng này. Đó là trong chương 5,12-21 tiến trình giải phóng được nhìn từ hành động hữu hiệu của Đức Kitô Đấng giải thoát con người, trong khi văn bản chương 6,1-23 nhìn tiến trình giải phóng từ góc cạnh sự tham dự của tín hữu. Một đàng từ dưới lên, một đàng từ trên xuống. Đây là lý do giải thích tại sao các thần học gia nói tới hai khía cạnh khách quan và chủ quan của ơn cứu chuộc.
Liên quan tới việc phân chia văn bản chương 6 các học giả không đồng ý với nhau. Có thể phân chia văn bản theo hai kiểu. Kiểu thứ nhất chia chương 6 thành hai đoạn: 6,1-14 và 6,15-23. Lý do là vì cả hai phần đều khởi sự với một câu hỏi: đoạn một hỏi: ”Vậy thì phải nói sao?”, và câu 15 bắt đầu đoạn hai lập lại câu hỏi đó: ”Vậy thì sao?”. Và trong cả hai phần thánh Phaolô đều khước từ kiểu giải thích cuộc sống đức tin kitô theo khuynh hhướng tự do buông thả. Các học giả khác cũng chia văn bản thành hai phần, nhưng cho phần hai bắt đầu với câu 11, khi giọng văn của thánh Phaolô trở thành thể sai khiến và khuyến khích tín hữu sống theo các đòi buộc luân lý như kết qủa sự tham dự của họ vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lý do biện minh cho cách phân chia này là kiểu nói ”trong Đức Kitô Giêsu”, kết thúc câu 11 và câu 23. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng lý chứng này không vững đủ. Bởi vì nói đúng ra thể sai khiến và khuyến khích không chỉ bắt đầu từ câu 12 mà được thánh Phaolô dùng từ đầu cho tới cuối chương 6. Vì vậy không thể lấy đó làm tiêu chuẩn phân chia văn bản.
Trên bình diện hình thái, văn bản được ghi dấu bằng các kiểu nói chứng minh cho thấy thánh Phaolô thường xuyên trở lại một thực tại đã được các tín hữu biết tới. Thánh nhân hỏi tín hữu trong hai câu 3 và 9: ”Hay anh em lại không biết rằng…”, ”Anh em không biết rằng…?”. Trong hai câu 6 và 9 thánh nhân khẳng định với tín hữu: ”Chúng ta biết rõ điều đó” (= túto ghinôskontes); “Như chúng ta đã biết” (= eidótes). Nghĩa là thánh Phaolô di chuyển giữa các yếu tố sơ đẳng của đức tin, bởi vì chắc chắn đó là sự hiểu biết phát xuất từ việc loan báo Tin Mừng kitô. Thần học của ngài dựa trên một nền tảng vững chắc và trình bầy một sự phát triển của tiến trình chú giải. Một cách cụ thể thánh Phaolô nhắc cho tín hữu biết thói quen cử hành bí tích Rửa Tội và giáo lý đi kèm giúp họ tiếp tục thay đổi lối sống, như viết trong câu 17: ”Giờ đây anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em”. Nói lên điều này với tín hữu của một cộng đoàn mà thánh nhân chưa từng quen biết như cộng đoàn Roma có thể là nhắc tới đức tin chung của mọi kitô hữu (x. 1,12)
Ở đây cần ghi nhận lược đồ ”Xưa kia – giờ đây” rất thường được thánh Phaolô dùng tới khi nói về cuộc sống mới mà tín hữu nhận được qua lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Thật thế, cuộc sống trong qúa khứ trước khi biết và tin nhận Chúa Kitô là cuộc sống nô lệ tội lỗi: ”Trước kia anh chi em làm nô lệ tội lỗi…(c. 17) “Trước đây anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân để trở thành vô luân” (c. 19), ”Khi còn là nô lệ tội lỗi… bấy giờ anh em đã thu lượm được kết qủa nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa tới chỗ chết” (c. 20-21). Nhưng sau khi đã tin nhận Chúa Giêsu Kitô và lãnh nhận bí tích rửa tội, tín hữu được giải thoát khỏi tội lỗi để trở thành nô lệ sự công chính, nô lệ của Thiên Chúa nên phải dùng chi thể và toàn thân mình để trở nên thánh thiện và đạt cuộc sống vĩnh cửu (cc. 17-22). Cuộc sống thánh thiện và vĩnh cửu ấy là kết qủa cuộc giải phóng mà Đức Giêsu Kitô đã thực hiện và trao ban cho con người qua chính cái chết và sự phục sinh của Ngài: ”Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho con người là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (c. 23). Chính việc chấp nhận tin vào Chúa Kitô và sống theo các giáo huấn của Chúa Kitô trao ban cho tín hữu cuộc sống mới thánh thiện vĩnh cửu đó (c. 17). Lựợc đồ ”Trước kia – giờ đây” được trình rất rõ ràng trong kiểu hành văn của các câu từ 20-22: ”Thật thế (= ote) khi anh em còn là nô lệ Tội Lỗi… Nhưng giờ đây (= nyní), đã được giải thoát khỏi Tội Lỗi…”(cc. 20a. 22a); ”Anh em đã gặt hái được hoa trái nào khi đó (= tóte)?, Những hoa trái mà giờ đây (= nyn)… anh em phải xấu hổ (c. 21).
Bênh cạnh lược đồ ”Trước kia – giờ đây” còn có một lược đồ bổ túc diễn tả tính chất không không thể quay trở lại đàng sau, không thể trở về qua khứ nữa trong cuộc sống của đức tin kitô. Trong câu 10 thánh Phaolô khẳng định rằng: ”Đức Kitô đã chết cho Tội Lỗi một lần cho tất cả (= hephápax). Trong câu trước đó thánh nhân tuyên bố rằng: ”Đức Kitô không chết nữa. Cái Chết không còn quyền lực gì trên Ngài nữa (= ukéti). Tuy nhiên đây không phải chỉ là viễn tượng thời cánh chung, mà là thực tại có hiệu lực cả trong cuộc sống của tín hữu ngay từ bây giờ nữa. Và đâỵ là thực tại tuyệt diệu nhất của ơn giải thoát, mà Chúa Kitô phục sinh trao ban cho con người. Cuộc giải phóng khỏi ách thống trị của Tội Lỗi là một biến cố vĩnh viễn không thể đảo ngược được. Chính vì vậy thánh Phaolô mới khẳng quyết trong câu 2: ”Và như thế chúng ta không còn (= mêkéti) là nô lệ của Tội Lỗi nữa”. Qúa khứ không thể trở thành hiện tại được : ”Làm sao chúng ta còn có thể (= éti) sống mãi trong Tội Lỗi được?”.
Đề tài thần học chính ở đây là tương quan của tín hữu với quyền lực thống trị của Tội Lỗi. Các vấn nạn nêu lên trong hai câu 1 và 15 không cho thấy sự đoạn tuyệt rõ ràng. Nhưng thánh Phaolô đưa ra bằng chứng thần học khẳng định rằng một khi đã tin nhận Chúa Kitô, tín hữu không thể tiếp tục sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu đã cắt đứt mọi liên lạc với Tội Lỗi. Thánh Phaolô dùng các hình ảm ám tỷ linh động để diễn tả tình trạng sống mới đó của tín hữu chẳng hạn như: ”chết cho Tội Lỗi và sống cho Thiên Chúa”. Ngoài ra thánh nhân cũng khẳng quyết thêm rằng bí tích Rửa Tội đã dẫn đưa tín hữu từ tình trạng nô lệ Tội Lỗi bước sang cuộc sống vâng phục Thiên Chúa, phụng sự Thiên Chúa và sự ”công chính” của Ngài. Kiểu nói thứ nhất được lập đi lập lại trong các câu 1-11. Kiểu nói thứ hai nổi bật trong phần hai của văn bản, tức bắt đầu từ câu 12. Tưởng cũng nên ghi nhận thêm rằng trong chương 6,12-23 phản đề qúa khứ – hiện tại không được trình bầy bằng các ý niếm đối kháng nhau, mà với cùng một thứ từ ngữ. Cả hai tình trạng sống đều được gọi là ”sự sẵn sàng” (= paristánein), sự tuân phục (= hypakoê, hypakóuein), nô lệ (= dúlos, dulún). Nhưng hai thực tại sống đối nghịch nhau. Các cực đối kháng nhau một đàng là Tội Lỗi, đàng khác là Thiên Chúa hay ”sự công chính”, hoặc sự vâng phục; một bên là cái vô luân thường đạo lý (anomía) bên kia là sự thánh thiện; một bên là cái gian ác, bên kia là ”công chính”; một bên là cái chết bên kia là sự sống vĩnh cửu hay ”sự công chính” trong nghĩa ơn cứu độ; một bên là luật lệ bên kia là ơn thánh. Thêm vào đó là hình ảnh quân sự so sánh các chi thể của tín hữu với các khí cụ mà Tội Lỗi hay Thiên Chúa đặt để trong tầm tay xử dụng của con người (c. 13). Qua kiểu trình bầy và lý luận phản đề đó thánh Phaolô loại bỏ mọi thái độ trung lập hay độc lập của con người. Nói một cách tàn nhẫn, con người luôn luôn phải vâng phục một ông chủ nào đó và sẵn sàng vâng phục một chủ nhân ông nào đó. Hay nói một cách thô bạo hơn: con người luôn luôn là nô lệ (= dúlos). Như thế khúc rẽ lịch sử trong cuộc đời của con người, trong cuộc sống của mỗi người chính là lúc chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của Tội Lỗi, để hoàn toàn tùng phục Thiên Chúa và sự ”công chính”.
Tuy nhiên, vượt ngoài tính chất mâu thuẫn đối chọi giữa các kiểu nói như liệt kê trên đây, thánh Phaolô muốn nói gì? Thánh nhân ý thức được rằng ngài đang dùng một thứ ngôn ngữ gây chấn động tâm lòng người nghe: ”Tôi nói trong thứ từ ngữ nhân loại vì sự yếu đuối của anh em”. Làm sao thánh Phaolô lại có thể gọi tình trạng sống mới của tín hữu là tình trạng nô lệ được, cho dù đó có là nô lệ Thiên Chúa đi nữa? Thật ra, qua hình ảnh chế độ nô lệ xã hội và cả quân sự nữa, thánh nhân muốn nhấn mạnh rằng: sự tự do kitô không đồng nghĩa với thờ ơ trung lập hay độc lập rừng rú, hoặc ảo tưởng dứt bỏ mọi liên hệ với mọi điểm tham chiếu trong cuộc sống hay sự tự trị cá nhân và ích kỷ. Do đó sự giải phóng mà thánh Phaolô nói tới ở đây không chỉ là sự ”giải phóng khỏi” mà còn là sự ”giải phóng cho” nữa. Được giải thoát khỏi ách thống trị của Tội Lỗi tín hữu không bước vào một lãnh vực không thuộc quyền ai. Dân Do thái xưa kia được giải thoát khỏi ách thống trị của Pharaông, xuất hành khỏi Ai Cập để bước vào miền đất hứa. Được giải thoát khỏi Tội Lỗi cuộc sống của kitô hữu là một cuộc sống vâng lời mới, nghĩa là chấp nhận Chúa Kitô là Chúa duy nhất. Đó là đích tới (= télos) đối nghịch giữa hai tình trạng nô lệ Tội Lỗi hay nô lệ Thiên Chúa và sự ”công chính”. Khi nô lệ Tội Lỗi, cuộc sống con người bị thống trị bởi dâm ô, gian ác, đáng xấu hổ dẫn đưa tới cái chết đời đời. Khi nô lệ Thiên Chúa, cuộc đời con người là cuộc đời thánh thiện, dẫn đưa tới sự sống vĩnh cửu (cc.19-23).
Linh Tiến Khải
Views: 0