Mùa chay thánh đã bước vào tuần thứ ba. Và chỉ còn ba tuần nữa Giáo Hội long trọng tưởng niệm cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.
Cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã minh chứng rằng "Thiên Chúa là tình yêu". Người yêu thế gian, nên đã “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Trước những giờ phút bị nộp, Đức Giêsu cũng đã nói rằng : “Phần tôi,một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12,32).
…..
Thật vậy, ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, Ngài đến không phải để lên án tội nhân nhưng đến là để chinh phục, như Ngài đã tuyên bố “Con Người đến để tìm và cứu những kẻ hư mất” (Lc 19,10).
Bất cứ ai, khi gặp Đức Giêsu, đều bị chinh phục trước những lời nói, trước những việc làm và nhất là trước những lời giảng dạy của Ngài.
Câu chuyện giữa ông Nicôđêmô và Đức Giêsu gặp gỡ trong đêm khuya là một minh chứng cụ thể. . Ông đến gặp Đức Giêsu vì biết rằng Ngài chính “là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”(Ga 3,2). Qua những giờ phút tiếp xúc, ông đã bị chinh phục bởi những lời giảng dạy của Đức Giêsu và ông đã phải thú nhận với Ngài rằng “chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy”.
Rồi đến trường hợp ông Da-kêu. Là thủ lãnh những người thu thuế, một hạng người bị cho là kẻ tội lỗi, thật khó có hy vọng được Đức Giêsu tiếp xúc. Thế mà Ngài đã “ở lại nhà ông”. Chính sự kiện gặp gỡ này, Đức Giêsu đã chinh phục được tâm hồn ông. Từ một hạng người bị mọi người xầm xì cho là “người tội lỗi”, ông đã được cảm hóa và được nhận lãnh ơn cứu độ.
Có thể nói rằng, Đức Giêsu là Đấng chinh phục các tội nhân vĩ đại nhất trải qua mọi thời đại, dù chỉ qua một lần gặp gỡ, qua một lần tiếp xúc và đôi khi thật tình cờ. Câu chuyện Đức Giêsu tại Samari đã vẽ lên chân dung “Đấng chinh phục” thật rõ nét.
Hôm ấy, Đức Giêsu “đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha… Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.” (Ga 4,6).
Vâng, thật tình cờ… “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”.
Chỉ là những trao đổi rất đời thường. Đói thì phải ăn. Khát thì phải uống. Đức Giêsu đã dẫn dắt người phụ nữ Samari đi từ ngạc nhiên đến thán phục và để rồi chị ta đã bị chinh phục.
Làm sao không bị chinh phục cho được ! Chỉ là một kẻ xa lạ, mới gặp gỡ lần đầu tiên, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái lý lịch đen tối của chị ta rằng “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18).
Làm sao không bị chinh phục cho được ! Những gì chị đã làm, Đức Giêsu đã nói tất cả cho chị nghe.
Có thể nói rằng, cuộc gặp gỡ tình cờ này, một lần nữa chứng minh rằng, Đức Giêsu đến là để chinh phục. Chị Samari như “các con chiên lạc” được Đức Giêsu chinh phục, để rồi con chiên lạc đó biết rằng, Ngài chính là nguồn mạch “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,…14).
một chút tâm tình…
Trở lại câu chuyện nêu trên. Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari rằng : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.
Chắc hẳn chị Samari này nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày. Vì thế chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”.
Cứ cho là chị ta nghĩ như thế ! Vâng, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai ! Thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.
Nghĩ đến chị Samari này, thật đáng xấu hổ cho một số người hôm nay.
Vẫn còn một số người, khi gặp cơn hạn hán, miệng thì ra rả kêu van "Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống…", nhưng tâm lòng lại không tin có Trời.
Tệ hơn, có một số người còn cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi. Chính vì thế, họ đã ngạo mạn đòi thay “thằng trời” làm mưa !!!
Ôi ! “Tại sao lại thử thách ĐỨC CHÚA ?”. Ông Môsê đã phải thốt lên như thế khi con cái Israel cũng đã ngạo mạn tuyên bố "có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không ?" (Xh 17,7).
Hãy nhìn xem, Thiên Chúa vẫn đang “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, …45).
Thánh Phaolô khẳng định : Nếu “chúng ta tin, … Đức Giêsu (sẽ) mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”(Rm5,2).
Vâng, chị Samari đã tin. Và quả thật, ân sủng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, đã đem đến cho chị ta thứ nước "không bao giờ khát nữa". Đó là nước "thần khí và sự thật".
Chính thứ nước này, thứ nước không cần dùng "gầu" để múc, không cần dùng "vò" để đựng, đã giải cơn khao khát chờ mong "Đấng Mesia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến" nơi chị. Để rồi chị đã nhận ra "Đấng ấy chính là (Đức Giêsu), người đang nói với chị". (Ga 4,26)
một phút suy tư…
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục ngồi bên bờ giếng, không phải bờ giếng Giacop năm xưa, nhưng là bờ-giếng-Thánh-Thể, để chinh phục chúng ta.
Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm tin Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã bao nhiêu lần đến bờ-giếng-Thánh-Thể để gặp gỡ, để trò chuyện cùng Đức Giêsu !?
Hay là chúng ta đang mải mê bu quanh bờ-giếng-trần-thế, mong sao giải quyết được những cơn khát trần gian. Những cơn khát quyền lực, những cơn khát danh vọng, những cơn khát tiền bạc, những cơn khát tình dục v.v…
Đừng sợ phải đối diện những cơn khát-thuộc-thể, những cơn khát trần gian. Hãy nghe Cohelet nói : "Phù vân, quả là phù vân…Tất cả chỉ là phù vân". Và ông ta nói tiếp rằng : "Thú vui trần gian ư ! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư ! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư ! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người… Tôi nhận thấy : tất cả chỉ là phù vân" (Gv 2,11).
Nhưng hãy sợ phải đối diện những cơn khát-thuộc-linh. Những cơn "đói khát được nghe LỜI Đức Chúa" (Amos 8,11).
Hãy đến bên bờ-giếng-Thánh-Thể, Đức Giêsu vẫn ngồi đó chờ đợi chúng ta. Ngài vẫn sẵn sàng ban cho chúng ta một thứ bánh trường sinh, một thứ nước hằng sống. Bánh và nước đó chính là Mình Máu thánh của Ngài. Để những ai "ăn và uống thì được sống muôn đời" (Ga 6,54).
Chúng ta tin chứ !? Nếu tin… nếu chúng ta tin. Hãy đến và hãy nếm thứ "nước hằng sống" đó. Chúng ta sẽ thấy ngọt dịu dường bao.
Sự ngọt dịu đó chính là, chúng ta có thể nhận ra Đức Giêsu Kitô "Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4,…42).
petrus.tran
Views: 0