Sau gần 500 năm, đây là chuyến tông du đầu tiên và chính thức của một vị Giáo Hoàng Công Giáo trên phần đất của Vương Quốc Anh.
Hoàng tử Philip đã chờ đợi nơi sân bay tại thủ đô Edinburgh của Tô Cách Lan. Một cử chỉ kính trọng chào mừng từ Nữ hoàng Elizabeth II – nữ nguyên thủ quốc gia Anh và vì thế cũng là vị đứng đầu Giáo Hội Anh Giáo – bằng cách gửi hoàng tử Philip là phu quân của bà ra tận đường sân bay để đón một quốc khách, theo đánh giá ngoại giao đó là sự chào đón trang trọng nhất. Hoàng tử Philip là người đầu tiên – trước cả các Hồng Y, đến bắt tay ĐGH Bênêđictô XVI, khi ngài còn thận trọng trong chiếc áo dài mầu trắng với đôi giày đỏ từ trên máy bước xuống đất. Nữ hoàng Elizabeth II đã đích thân mời người đứng đầu GH Công Giáo đến thăm.
Sau gần 500 năm, đây là chuyến tông du đầu tiên và chính thức của một vị Giáo Hoàng Công Giáo trên phần đất của Vương Quốc Anh.
Mối quan hệ giữa Tòa Thánh Rôma và London chưa bao giờ được tốt hơn, kể từ khi vua Henry VIII trong thế kỷ 16 đã tạo ra sự ly khai của Giáo Hội Anh. Hôm nay, hai Giáo Hội để các tranh chấp lịch sử qua một bên và NH Elizabeth mời ĐGH Bênêđictô bước vào cung điện Holyrood với dàn chào danh dự cùng với các nhạc công thổi kèn bao da truyền thống đón chào. Cung điện Holyrood là nơi ở của Nữ hoàng tại Scotland, đã là cung điện của Nữ hoàng công giáo Mary Stuart, người đã ra lệnh tử hình Elizabeth I.
Tại Vương quốc Anh người công giáo có khoảng 5,3 triệu, chiếm 9% dân số. Vua Henry VIII đã chống đối với Giáo hội Công giáo và năm 1534 thành lập giáo hội Anh Giáo của Anh. Sự ly khai đến từ việc Tòa Thánh Vatican (ĐGH Clementê VII.) không hủy phép hôn phối của Henry với Catherine of Aragon, vì lý do hoàng hậu không sinh được con trai nối ngôi cho Henry mà chỉ có một công chúa Mary mà thôi.
Bầu không khí của cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐGH Bênêđictô và NH Elizabeth được đánh giá thoải mái, thân thiện và ghi nhận sự tôn trọng lẫn nhau, theo nhậnxét của phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi. Cuối cùng cuộc thăm viếng đã đi vào sử sách. Lần đầu tiên một vị lãnh đạo của chế độ quân chủ kể từ khi sự ly khai gần 500 năm, chính thức mời Giáo Hoàng công giáo đến Vương quốc Anh, đó là một cuộc „thăm viếng lịch sử".
Dịp này, Nữ Hoàng Elizabeth khen ngợi công tác xã hội của Giáo hội Công giáo cho các nước nghèo tại thế giới thứ ba và cám ơn Tòa Thánh Vatican giúp đỡ trong quá trình hòa bình tại miền Bắc Ireland. ĐGH Bênêđictô đáp lễ chân tình và nói rằng ngài không chỉ muốn đưa ra cho riêng người Công giáo, nhưng cho tất cả người Anh „bàn tay của tình hữu nghị".
Tiếp theo ĐGH Bênêđictô kêu gọi người Anh hãy bảo tồn gốc rễ Kitô giáo của đất nước và gìn giữ truyền thống khoan dung. Vương quốc Anh mong muốn tiến bộ hiện đại và đa văn hóa vì thế chúng ta "Hãy giữ gìn nó trong tình huống khó khăn các giá trị truyền thống và các biểu hiệu văn hóa, trong lúc càng có nhiều hình thức tích cực của thế tục đánh mất giá trị ấy và không biết dung thứ." Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Vì thế trong những chặng dừng chân thăm viếng mục vụ tại Tô Cách Lan và Vương quốc Anh với 16 bài diễn văn được ĐGH phát biểu tại bốn thành phố sẽ được Ngài dùng từ ngữ rất rõ ràng, điều này đã được Tòa Thánh xác nhận trước khi Ngài khởi hành từ Rôma.
ĐGH Bênêđictô thăm viếng Anh quốc cho đến Chúa nhật để phong chân phước cho Hồng Y John Henry Newman (1801-1890) thuộc tổng giáo phận Birmingham. ĐHY Newman là một người Anh giáo rất nổi tiếng và sau đó gia nhập đạo công giáo.
Chiều thứ năm ĐGH Bênêđictô chủ tế thánh lễ ngoài trời ở Glasgow, nơi đây có một cộng đồng công giáo đông đảo, khoảng 70.000 giáo dân đến tham dự.
Hơn 100.000 người đã theo dõi cuộc hành trình của ĐGH Bênêđictô trong thủ phủ Edinburgh của Tô Cách lan. Con số không lớn so được với năm 1982, khi người tiền nhiệm của ĐGH Bênêđictô là cố GH Gioan Phaolô II đến thăm đảo như một cuộc tông du cá nhân. Vào thời điểm đó có đến 300.000 giáo dân đón chào ngài, lúc ấy ĐGH Gioan Phaolô II đến thăm như một vị mục tử chứ không phải là khách của quốc gia.
Đáng tiếc vào đầu mùa xuân 2010 đã có sự nhầm lẫn bởi vì Giáo Hội Công Giáo của Anh và của xứ Wales khi công bố địa điểm cử hành thánh lễ thì quên việc đặt chỗ trước. Địa điểm cử hành thánh lễ phong chân phước cho Hồng Y John Henry Newman phải thay đổi. Một khó khăn hơn nữa trong việc chuẩn bị cho cuộc tông du, do đề nghị của cựu thủ tướng Tony Blair, một người mới nhập đạo công giáo, và tiếp tục do người kế nhiệm, ông Gordon Brown hoạch định chương trình, nhưng qua cuộc bầu cử tháng 5 năm 2010 đã thay đổi chính quyền và từ đó các mục tử GHCG Anh thiếu người liên lạc trực tiếp tại Downing Street.
Đối với tân thủ tướng bảo thủ David Cameron xem đây là một cuộc viếng thăm quốc gia đầu tiên rất quan trọng cho chính quyền của ông, thế nên ông đã triệu tập nhà cựu ngoại giao Chris Patten, một người công giáo làm cố vấn cho thủ tướng về những vấn đề khó khăn tôn giáo trong lịch sử giữa hai giáo hội. Ông Patten có một kinh nghiệm ngoại giao sắc bén, ví dụ ông là người đã chuẩn bị trao trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Một cuộc viếng thăm có thể thành công sẽ là điều bình thường trong một hoàn cảnh thích hợp. Đến Vương quốc Anh với tư cách là Giáo Hoàng sẽ kéo theo nhiều phức tạp cho đôi bên. Tác động của cuộc ly khai giáo hội trên hòn đảo này đã hơn bốn trăm năm làm cho cuộc sống người dân bản xứ vô vàn khó khăn. Người công giáo trở thành thiểu số với 10% dân số và bị người Anh dòm ngó nghi ngờ. Họ được coi là phản Anh, không yêu nước, và trong trường hợp nghi ngờ người Anh đổ trên đầu họ vào tội tham gia vào liên minh âm mưu với kẻ thù của công giáo Pháp và Tây Ban Nha.
Hôm nay, trong vai trò người kế vị Thánh Tông Đồ Phêrô ĐGH Bênêđictô đến Anh quốc với một phương châm „nói từ trái tim đến trái tim“, theo viễn kiến của nhà thần học nổi tiếng John Henry Newman, sẽ được ĐGH phong Chân Phước vào Chúa nhật. Để khôi phục lại được niềm tin nơi người Anh, Đức Giáo Hoàng sẽ chứng minh trong ba ngày tông du tiếp theo như là một người kế vị của Tông Đồ Simon Phêrô: một người chài lưới người.
Vì thế ĐGH Bênêđictô đã khẩn khoản tín hữu cầu nguyện cho ngài trong cuộc tông du này, khi ngài đọc kinh Truyền Tin vào trưa chúa nhật 12.9.2010 tại nhà nghỉ Castel Gandolfo. Ngài đánh giá tư tưởng của Hồng Y John Henry Newman và xem đó là hành trang mang đến Vương quốc Anh: ”Nhân cách và giáo huấn của ĐHY Newman có thể là một nguồn gợi hứng cho thời đại chúng ta và cho phong trào đại kết.“
Chúng ta nhớ và liên kết với ĐGH Bênêđictô XVI trong những ngày mục vụ cuối tuần vất vả này.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
Views: 0