Tôi giật mình khi vừa đọc thấy cái tựa bài viết: "Giám Mục Đốt Nguyện Đường! làm của lễ toàn thiêu".
Vâng! thưa qúy vị, không giật mình sao được, khi vừa đọc cái tựa vừa nhìn tấm ảnh vị Giám mục mặc phẩm phục (áo chùng thâm, mang đai vải tím, đầu đội mũ sọ tím), tay cầm cây đuốc lớn với ngọn lửa phừng cháy sáng châm lửa đốt mái nhà của ngôi nguyện đường thử hỏi ai không ngỡ ngàng. Vì từ trước tới giờ tôi chưa từng thấy như thế bao giờ!. Tôi chỉ nhìn thấy Đức Giám Mục làm những nghị thức như "Đặt viên đá đầu tiên để xây nhà thờ, nhà nguyện",nhưng chưa hề thấy nghi thức đốt nhà nguyện bao giờ.
Vậy mà Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh người mà tôi rất kính trọng lại thân hành làm việc ấy. Đọc tiếp thật mau thì tôi mới hiểu nguyên nhân rất sâu sa của sự việc rất thâm thúy này, và vô cùng cảm phục niềm tin vững mạnh của người giáo dân thiểu số sắc tộc "Sê Đăng" thuôc giáo xứ Tea Long. Có lẽ theo "đức tin bừng chày" thì nhà nguyện đã được làm phép rồi không ai được phép phá bỏ nên phải đốt làm lễ toàn thiêu. (giống như những tượng ảnh)
ĐẸP THAY NGỌN LỬA TOÀN THIÊU
DÂNG LÊN ĐẾN TẬN "THIÊN TRIỀU CHÚA TA"
Theo lời tường thuật của bản tin, thì ngày 28.08.2012, sau khi khoảng 5.000 giáo dân hai miền Kontum và Pleiku dự Thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Chánh tòa Kontum kỷ niệm 9 năm ngày tấn phong giám mục của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh. (28/8/2003-28/8/2012), Đức Cha kêu gọi giáo dân hãy dành sự chúc mừng cho ngài bằng cách đến chia vui với anh chị em dân tộc Sê Đăng vừa có ngôi thánh đường mới tại giáo xứ Tea Long, giáo hạt Đak Mót, thuộc tỉnh Kontum.
"Giáo xứ này cách nhà thờ Chánh tòa tới 50 km. Nhưng chẳng quản ngại đường xa, tất cả mọi người có mặt đã hăm hở ra đi cùng với vị Chủ Chăn của mình để dự lễ và chứng kiến một điều thật bất thường.
Trong Thánh lễ khánh thành nhà thờ mới của giáo xứ Tea Long, Vị Giám Mục khả kính Micae Hoàng Đức Oanh đã không ngần ngại lên tiếng công khai xác quyết rằng, giáo dân ở đây đã bị bách hại đến nỗi phải dự thánh lễ "chui" rồi cất nhà nguyện cũng cất "chui".
Ngài nói: “Chúng ta đang hiện diện tại ngôi giáo đường này thì phải nhớ bao gian lao thử thách, bao gian nguy bách hại, mà anh chị em chịu đựng bao năm tháng qua. Từ việc dâng thánh lễ "chui" ở nhà Yáo Phu cho đến cất căn nhà nguyện "chui" chỉ trong "3 ngày". Điều đáng ghi nhận là giáo xứ Tea Long có 1700 giáo dân đều thuộc sắc tộc Sê-đăng.
Một lòng đạo kiên cường như thế, một đức tin vững chắc như vậy, của người Công giáo sắc dân Sê-đăng chẳng phải là một mẫu gương sống đạo kiên trung, khiến chẳng những người giáo dân mà cả nhiều đấng bậc trong Hội Thánh Chúa ở Việt Nam phải nể phục, phải tự thẩm định lại mình, và phải lấy làm xấu hổ vì thái độ thỏa hiệp nhượng bộ của mình. Một thái độ mà ĐTC. Bênêđictô XVI vừa cực lực lên án khi ngài ca ngợi sự tử đạo của Thánh Gioan Baotixita (Gioan Tẩy Giả): Việc tưởng nhớ đến cuộc tử đạo của Thánh Gioan Baotixita nhắc các ‘kitô hữu thời nay’ rằng: "Chúng ta không thể nào hạ mình xuống để chấp nhận một sự nhượng bộ đối với tình yêu Chúa Kitô, với Lời Người, và với sự thật."
ĐTC còn nhấn mạnh: "Sự thật là sự thật, không thể nào có sự nhượng bộ". Ngài nói: “Chính vì thế đời sống Kitô đòi hỏi phải ‘tử đạo’ vì trung thành hàng ngày với Phúc Âm, nghĩa là can đảm để cho Chúa Kitô lớn lên trong chúng ta khiến cho Người có thể hướng dẫn các tư tưởng và hành động của chúng ta."
Sự trung thành của người Công Giáo Sê Đăng giáo xứ Tea Long rõ ràng thể hiện tinh thần can đảm ấy, một tinh thần có sức đánh ngã lòng kiêu căng tự phụ của biết bao nhiêu kẻ tự xem mình là "bậc thánh cao cả" mà hàng hàng lớp lớp người phải cúi rạp tôn vinh, nhưng lòng đạo của họ (và của cả chúng ta) thực sự chỉ ở mức khiêm nhường, thậm chí ở dưới cái mức ấy!
“khi ngôi nhà nguyện bằng cây rừng và mái bằng tre dựng lên không dừng lại ở đó. Vì nhà cầm quyền đã nhiều lần buộc tháo dỡ. Sự giằng co kéo dài trên hai năm cho đến khi giáo phận tìm được đất xin phép xây dựng thì nhà cầm quyền buộc phài tháo nhà nguyện cũ mới cấp phép xây dựng.” (chuyện khó tin nhưng có thật)
“Cha sở và giáo dân dứt khoát không chịu!” Bởi vì “cái lẽ đời sao ngang ngược, nhà mới chưa làm nhà cũ buộc phải phá?” Cho nên, “sau không làm được gì nữa chính quyền bắt cam kết khi hoàn thành nhà thờ mới, phải tháo dỡ nhà nguyện cũ.” (chuyện dở hơi nhưng có thật)
Cái tâm và cái đạo trong huyết quản người Công Giáo Sê-đăng giáo xứ Tea Long càng sôi sục lên niềm tin bốc cháy nồng nàn. “Anh chị em Sê Đăng nói nhà nguyện đã Thánh Hiến cho Thiên Chúa thì không được đập phá, nên họ xin Đức giám mục dùng ngọn lửa ‘toàn thiêu’ (đốt), để ngôi nhà nguyện lên trời với Thiên Chúa.”.
Thế là “sau thánh lễ làm phép thánh đường mới, Đức cha Micae cầu nguyện, rồi cầm bó đuốc châm ngọn lửa vào nhà nguyện cũ, giữa tiếng nhạc reo hò và tiếng cồng chiêng vang dậy cả một vùng mênh mông như vang lên trỗi dậy mạnh mẽ của anh chị em giáo dân Sê Đăng cũng như mọi người đến tham dự.”
Châm lửa đốt nhà nguyện cũ để làm lễ "toàn thiêu" biểu hiện ý chí sắt đá kiên trung của đức tin vững vàng sẵn sàng chấp nhận thương đau, chấp nhận bị bách hại thì làm sao không vang lên "tiếng hò reo" và "tiếng cồng chiêng" vang dậy”?
Chúng ta hãy suy tư nhiều về ý nghĩa thâm sâu từ bức ảnh Đức Cha Micae cầm đuốc dương lên, châm ngọn lửa vào mái tranh mà chúng tôi mạo muội gọi đó là “bức thông điệp từ ngọn đuốc đốt nhà nguyện”.
Tôi không giám phân tích bức thông điệp này. Hành vi dương cao ngọn đuốc châm lửa của vị Giám mục giá trị bằng hàng ngàn, hàng vạn lời nói!
Nếu ai đã từng đọc những bức thư mục vụ của vị Giám mục can trường này. Nếu ai đã từng nghe ngài "đối đáp" với cán bộ Cộng sản. Nếu ai đã từng nhìn thấy bước chân của ngài trên khắp nẻo đường "Gôngôtha" miền Cao nguyên Kontum. Nếu ai đã từng chứng kiến vị Chủ Chăn lăn lộn với những kẻ khốn cùng ngủ bên bờ suối giữa rừng cả đêm muỗi đốt. Nếu ai đã từng chứng kiến ngài nhặt rác suối 3 tiếng đồng hồ giữa trưa nóng bức v.v… Thay vì sánh bước hay khép nép bên cạnh những kẻ có chức có quyền. Người đó sẽ hiểu ngay hành động “cầm bó đuốc châm ngọn lửa” của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chính là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhiều thành phần, nhất là đến nhà cầm quyền CSVN hiện nay.
Những lời nói và việc làm của Đức Cha đều sâu sắc và thâm thúy, mà nếu chợt nghe, chợt thấy, chúng ta không hiểu thấu, Phải suy nghĩ và nghiền ngẫm!
Có phải chăng! thông điệp này của Đức Cha Micae cũng có ý gửi đến chúng ta và cả các đấng bậc cai quản và điều hành Giáo Hội Công giáo Việt Nam hôm nay?
Thanh Sơn 06 09.2012
Views: 0