Những ai đã từng một thời là sinh viên, học sinh Sàigòn vào thập niên 60-70, chắc đều còn nhớ phong trào du ca mà con chim đầu đàn là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Thời đó phong trào du ca ảnh hưởng sâu rộng tới các tầng lớp sinh viên, học sinh, đặc biệt là ở Sàigòn. Đó là thời điểm chiến tranh VN mỗi ngày một lan rộng và lúc gay cấn nhất là mùa hè đỏ lửa 72, nhiều sinh viên bị động viên phải: “Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Thời đó ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn đã phổ biến và đánh động con tim giới trẻ, nhưng nói chung nó nghiêng về than thân “nhược tiểu” trách phận “nước nghèo” và có vẽ thụ động. Khi phong trào du ca ra đời, người trẻ tìm được ở nó, khí thế hừng hực để nói lên lòng yêu nước thương nòi, muốn làm một cái gì đó cho quê hương Việt Nam thân yêu. Du Ca đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần của giới trẻ thời đó, vì thế nó đã lan rộng rất nhanh trong giới sinh viên, học sinh…
Hơn 40 năm sau, dư âm đó vẫn còn âm hưởng mạnh mẽ trong tim mọi người, vì thế mỗi lần P.T Du Ca tổ chức hát sinh hoạt đều được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt (ai đi chậm sẽ hết chỗ) . Thế mới biết sức hút rất mạnh của Du Ca trong lòng mọi người. Ai cũng muốn sống lại những giây phút kỷ niệm một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết ngày xưa của mình trên quê hương yêu dấu. Ngay cả với thế hệ trẻ lớn lên sau này cũng vậy, và cả thế hệ trẻ trong nước hiện nay cũng rất yêu và thích hát Du ca. Du Ca nuôi dưỡng tâm hồn và chí khí nên ai còn một chút tình yêu với đất nước Việt Nam thân yêu đều thích đến với Du Ca, vì Du Ca nói dùm chúng ta biết bao nhiêu hoài mong cho Đất Mẹ Quê Hương
Chuẩn bị cho Đêm Du Ca tưỡng niệm 30.4 (1975 – 2015), Thiên Hương (Đoàn trưởng Du Ca Nam CA) cho biết chúng tôi sẽ có 4 buổi tập hát vào mỗi cuối tuần: (4:00-6:00Pm). Mở đầu buổi tập hát (có khoảng gần 40 anh chị), mỗi người tự giới thiệu tên để làm quen, và nhớ tên nhau, nhưng làm sao nhớ hết nổi vì đa số đều thuộc cỡ 30, 40 năm trước “em mới vừa đôi mươi”. Tuổi trẻ không còn nhưng tâm hồn vẫn trẻ như thuở nào, nên vẫn còn hăng hái đến đây tập hát Du Ca! Tôi gặp lại một số gương mặt thân quen ở các trường Việt Ngữ, hình như đa số các anh chị là nhà giáo. Phải chăng vì nhà giáo là "kỷ sư tâm hồn" nên luôn có tấm lòng yêu quê hương đất nước chăng?.
Bài "Đoàn ta ra đi" là Đoàn Ca của Du Ca Việt Nam vừa ngắn, vừa quen, vừa dễ hát, nên chúng tôi hát ngon lành ngay từ lần đầu.Nhưng đến bài "Tháng 4 đen" (Phạm Duy) thì quả là "khó nuốt" vì vừa dài, vừa lạ, vừa khó hát, nhưng cố gắng hát lên nghe thấy lòng nao nao xúc động:
" THÁNG 4 ĐEN!Xin cúi đầu mình xuống
Khóc quê hương, trói trong tay bạo cường"!
Đúng là khi đất nước rơi vào tay bạo cường thì hàng hàng nước mắt đã đổ ra suốt chiều dài quê hương với biết bao gia đình tan nát điêu linh.Vì cảm động với lời bài hát nên chúng tôi quyết tâm hát cho được, bởi tâm niệm của Du Ca là "không ngại khó", đến câu hào hùng mạnh mẽ nhất : "HÃY ĐOÀN KẾT LẠI ! THÁNG 4 ĐEN!" thì cảm xúc của chúng tôi đã dâng cao chất ngất!
Tiếp nối chí khí hào hùng đang dâng cao, chúng tôi bước sang bản "Vẫn còn đây các con của Mẹ", chúng tôi hát mà thấy lòng tự hào về quê hương, về nguồn cội mến yêu của mình dâng cao:
" Từ dòng Cửu Long lên đỉnh Trường Sơn
Từ Lòng đại dương đến chân trời quê hương…
Vẫn còn đây, vẫn còn đây giống dân Tiên Rồng
Vẫn còn đây, vẫn còn đây cháu con Lạc Long."
Hát mà thấy con tim mình mở ra dù "đời cay đắng". Hát mà thấy lòng tự tin dân tộc vẫn còn vươn cao:
" Con không hờn dù đời cay đắng.
Tâm không sờn dù lòng trắng khăn tang
Còn hồn Việt Nam là còn niềm tin,
Còn nguời Việt Nam sẽ có ngày quang vinh."
Bài này của Nguyệt Ánh tuy dài nhưng thường nghe quen qua radio, nên hát khá trơn tru. Đến bài "Đuốc Hồng Tuổi Trẻ" ( Nguyễn Đức Quang) tuy ngắn nhưng lạ và có vẽ khó hát. May quá có B.S. Nhuận, huynh trưởng du Ca 50 năm trước, nên Thiên Hương liền "bán cái" nhờ chị Nhuận tập dùm. Đúng là tinh thần Du Ca nên chị BS nhận lời không ngại ngần, đứng lên hát mẫu cho chúng tôi nghe một lần. Giọng chị khỏe, cao, hát nghe hay quá nên lôi cuốn chúng tôi say mê tập theo chị:
"Một người đi một bước, ngàn người cùng đi muôn bước
Đi làm đuốc soi cho quê hương ta đập tan bóng tối".
Kiên nhẫn tập từng câu rồi chúng tôi cũng "hát tới" như ai, vì lời hát nói dùm tấm lòng của mình, mà cái gì làm với cả tấm lòng chắc chắn sẽ thành công:
"Sợ gì khi đem nước mắt
Trộn cùng mồ hôi đất cát
Ta nguyện hiến dâng cho quê hương Việt Nam".
Ngoài ra chúng tôi hát thành công là nhờ sự hổ trợ đắc lực của mấy cây đàn Guitar bập bùng của các anh giúp chúng tôi vô nhịp cho đúng và dứt nhịp phải chỗ, nhất là những tiếng "bập bùng" gõ vào thùng Guitar làm tăng thêm nhịp hùng cho chúng tôi ở những chỗ cần thể hiện mạnh mẽ quyết tâm:
"Ta thà chết chớ không hề lui
Quyết không hề phản bội quê hương".
Tiếp theo là bài "Việt Nam ơi!" của Trúc Hồ, bài này có chia nam nữ hát riêng, nên phe nào cũng cố gắng. Nữ hát trước giọng êm, nhẹ vì lo sợ :
"Ta từng ngày qua sống đời đen tối
Ta từng ngày qua sống trong lo sợ!"
Câu hát này làm tôi liên tưởng tới quảng đời gian khổ đen tối sau 75 , cái thời mà người dân phải nhắm mắt lăn đời mình qua những đau thương, vất vả, khó nhọc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ…Đến phiên các anh đáng lẽ phải hát cho thật hùng thật mạnh để lột tả ý chí:
"Ta theo gót tiền nhân bốn ngàn năm hiển linh
Đoàn kết toàn dân thay vận mệnh nước Nam."
Nhưng có lẽ vì phe các anh ít người nên hát không đủ sức bật hiên ngang, bị chê là "Hát yếu quá, thua mấy chị". Vậy là 'nam nhi chí khí" nổi lên, các anh cố gắng hát vùng lên, nhất là những lần tập sau, không biết có phải do các anh "rủ rê" thêm đồng minh, mà số các anh tham dự tăng cao và hát rất hùng hồn đúng với giọng của các "bậc trượng phu", nhất là giọng anh Quế sao mà to thế, to gấp mấy lần giọng MC Bá Thành vốn đã to sẳn. Nhưng phần giữa lại hát như một lời tâm sự tha thiết:
"Việt Nam ơi! Đất nước ta khổ đau từng giờ
Hãy đứng lên đừng nên lo sợ. Ta thề không phản bội quê hương."
"Đừng sợ" đúng là điều rất quan trọng, nếu người dân trong nước đã dám bước qua nỗi sợ hãi thì ngày tàn của bạo quyền đã gần kề.(Tin mới nhất cho biết Long An: Dân oan liều chết ném bom xăng, tạt axit chống trả Công An cướp đất) . Khi hát 2 câu cuối để kết, mọi người được yêu cầu vổ tay cho nhịp nhàng. Nghe nói vỗ tay tưởng dễ, chứ cả mấy chục người mà vỗ cho thật đều và đúng nhịp cũng không đơn giản chút nào!
"Việt Nam ơi. Khắp năm châu người dân một lòng.
Hãy đứng lên con cháu Tiên Rồng. Ta cùng xây dựng lại Việt Nam."
Hát Du Ca là hát tập thể, phải hát to, hát mạnh mẽ, hào hùng bởi vậy khi hát tự động tay, chân gỏ nhịp, không phải chỉ có nguời hát bị thu hút bởi sức hùng của Du Ca, mà tôi thấy cả mấy anh trong ban kỷ thuật cũng nhịp chân luôn. Hát hết mình để lột tả được khí thế hào hùng của Du Ca nên 2 giờ dạy lớp Việt Ngữ, (tôi mới vừa dạy xong) không thấm thía chi với 1 giờ hát Du Ca, nhưng mọi nguời hăng hái hát, nên tôi cũng hăng hái hát theo. Cái này người ta gọi là "lan truyền năng lượng cho nhau" nên khi ta ở gần 1 người yêu đời ta dễ yêu đời lây, còn ta ở gần 1 người bi quan, chán đời ta sẽ dễ bi quan theo. Hát Du Ca giúp ta yêu đời, quên hết mọi nỗi ưu phiền, cho nên diễn tả theo thơ nhạc như TCS sẽ nói " Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan…" còn nói nôm na chân chất như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ là : " Hát, nghe khoẻ dễ sợ. Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái." Đó cũng là cảm giác "lâng lâng" khó tả sau mỗi lần tan buổi tập hát Du Ca, dù có hơi khan tiếng một chút nhưng có hề gì khi lòng mình vui, nhẹ nhàng, thanh thản, vì cái Tâm mới là quan trọng.
Thêm mỗi lần tập hát chúng tôi lại hát giỏi hơn, bây giờ Thiên Hương yêu cầu cao hơn, không còn chỉ là hát đúng nhịp mà là hát sao cho chuyển tãi được cái hồn của bài hát đến người nghe ( vì chúng tôi hát "live" 100% chứ không "hát nhép" như mấy ban họp ca nổi tiếng khác). Hát không phải lúc nào cũng khí thế hừng hực mà có khi da diết đắng cay như bài "Anh em tôi" (NĐQ) tuy đã hát nhiều lần nhưng vẫn thấy lòng ngậm ngùi chua xót khi nhắc lại :
"Anh em tôi, hơn 100 năm mang chiếc gông đi trong lao tù
Cho đến nay cờ TỰ DO cắm trên nấm mồ."
Nhưng dù cho quá khứ có nhục nhằn đớn đau, ta vẫn luôn tin tưởng ở tương lai:
"Hôm qua ta đớn đau nhục nhằn, hôm nay ta sẽ tuyên ngôn rằng: Việt Nam này sẽ nhất định vẻ vang."
Phan Đăng Hưng là người tiếp nối dùng âm nhạc để diễn tả tình tự yêu quê hương, dân tộc. Qua "Bài Ca Tuổi Trẻ" anh đã vẽ lên hình ảnh:
"Từ khắp những phương trời
Và muôn lối đi trong đời”. Với bao tuổi trẻ Việt Nam ( Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Phương Uyên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh Nguyễn thị Tiến…) đã "Gặp nhau trong tâm hồn Việt Nam sáng ngời" và PĐH đã khẳng định dùm cho giới trẻ:
"Chúng ta là ngọn đuốc bùng to
Chúng ta là TỤ DO."
Vì 2 chữ Tự Do này mà bao bạn trẻ bị đánh đập, giam cầm tù đày khi cất lên tiếng nói của lẻ phải, như "17 thanh niên Công Giáo" nhu Đinh Nguyên Kha, NS Anh Bình. Và NS Việt Khang đã nêu lên câu hỏi mà bọn cầm quyền đã "cứng họng" không trả lời nổi, chỉ còn biết bắt bỏ tù anh thôi
"Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!
Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm". ( Bài hát này sẽ do bé Nguyễn Hiếu 8 tuổi hát rất cảm động)
Bên cạnh một số giới trẻ Việt Nam ăn chơi, sa đọa trác táng (chắc là đám COCC), tôi vẫn giữ niềm tin vào tuổi trẻ Việt Nam. Các em vẫn hướng về điều Thiện và tự nguyện làm điều Thiện như tin mới nhất cho biết các bạn trẻ qua các trang mạng xả hội đã kêu gọi nhau tự nguyện xuống đường tham gia "bán dưa hấu" dùm nông dân Quảng Nam, vì bảo lụt đã làm hằng ngàn tấn dưa hấu sẽ bị ngập úng, nếu không tiêu thụ kịp. Và các em đã hoàn thành tốt công tác của mình. Tôi cũng đã từng đi nhiều chuyến Từ Thiện với một nhóm các BS, DS trẻ, các em đã dành những ngày nghỉ ít oi của mình trước các dịp lễ lớn, Tết hay những cuối tuần để đi dến những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, để khám bệnh, phát thuốc, phát quà, cho đồng bào nghèo. Do đó tôi vẫn tin tưởng như Nguyễn Ánh 9 đã tin tưởng qua bài "Mẹ Việt Nam ơi!Chúng con vẫn còn đây":
"Nhưng Mẹ ơi Mẹ đừng than khóc nữa !
Vì chúng con TUỔI TRẺ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Quê hương mình trong TỰ DO ấm no."
Thiên Hương cho biết vì chương trình có chủ đề 40 năm nhìn lại nên ngoài phần Du Ca sẽ có những bài hát gợi nhớ tới những giai đoạn quan trọng của dân tộc suốt 40 năm qua, một chương trình phong phú tuyệt vời mà ai bỏ qua sẽ hối hận hoài!
Những năm đầu sau 75 người ra đi và người ở lại chắc đều cùng nao lòng khi nghe "Sài Gòn ơi, vĩnh biệt" của Nam Lộc mà thấy tim mình "đau ê" như mới mất 1 người thân yêu:
"Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời".
Rồi đến giai đoan"nhịp cầu yêu thương" giữa người ra đi và người ở lại qua những gói quà, thùng quà gửi về cho người thân mà Việt Dũng đã làm rơi lệ bao người qua bài "Một chút quà cho quê hương" với biết bao tâm tình chan chứa trong đó:
"Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên".
Tiếp theo, bước sang giai đoạn mà cả nước ai cũng tìm đường trốn thoát CS với khát vọng tìm Tụ Do đã làm rúng động cả thế giới. Ra đi "bỏ lại quê hương" mà lòng đau xé nát :
"Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương" (Đêm chôn dầu vượt biển của Châu Đình An)
Ra đi nhưng lòng mọi người vẫn khôn nguôi nhớ về Saigon, thủ đô của nước VNCH, thành phố thân yêu của chúng ta, đã được Trầm Tử Thiêng diễn tả da diết với nỗi sầu chưa nguôi:
" Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi."
Đôi khi chỉ 2 chữ "Sài Gòn" cũng đủ làm cho lòng nguời tha phương ngấn lệ! Nói tới đây tôi chợt nhớ lại mới đây trong một lần đi nghe nhạc, gặp lại chị bạn dạy cùng trường. Chị cho biết dù nhà rất xa nhưng chị cũng rán đi vì nghe nói chương trình sẽ có nhiều bài hát về Saigon dấu yêu. Nghe vậy tôi mừng quá vì tưởng có thêm "đồng hương":
-Ủa, vậy chị cũng là dân Saigon hả?
-Đâu có, tôi dân Nha Trang
-Vậy sao chị yêu nhạc viết về Saigon?
-Đơn giản, vì Saigon là thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa, nên ai là dân VNCH cũng đều yêu Saigon hết, đâu cần phân biệt vùng, miền…
Cám ơn chị, nhờ câu nói của chị mà tôi mới vỡ ra 1 chân lý "Saigon là của chung VNCH" chứ không của riêng ai. Vậy mà từ đó tới giờ tôi cứ hẹp hòi, ích kỷ chỉ muốn dành riêng Sài Gòn cho những con người sinh ra và lớn lên ở đó! Chị nói đúng, nên sau này tôi khám phá ra nhạc sĩ Trần Chí Phúc là dân Phú Yên chỉ vào Sài Gòn học đại học mấy năm mà đã yêu Saigon tha thiết đến độ sáng tác tới 10 bản tình ca dành cho Sài Gòn. Có lẽ như anh đã thú nhận "Anh yêu em nên yêu Sài Gòn, anh yêu em nên yêu thủ đô."
Trở lại với không khi rộn ràng tập dợt Du Ca "càng ca thêm, ta càng hát hay". Sau mỗi bài hát chị Yến luôn miệng "So beautiful" thỉnh thoảng chị lại chêm thêm nhận xét "Lần này thấy mấy chị hát hay hơn mấy anh đó nghen". Vậy là mấy anh liền lập tức vỗ tay : "Hoan hô mấy chị một cái, hoan hô…" Ôi chao sao mà các anh khiêm tốn dễ thương chi lạ! Không khí trở nên vui vẻ thân tình . Số điểm giám khảo Thiên Hương chấm từng bài leo lên từ từ 9/10, rồi 9,5 rồi 10, rồi 11, 11,5 cho nên khi chấm dút giờ tập hát bỗng anh Hùng gõ nhịp vào thùng đàn guitar hô lên: "Có cái này quan trọng lắm nghen!" Mọi người ngơ ngác lắng nghe? Anh Hùng từ từ tiết lộ: "Bữa trình diễn thế nào cũng có Trúc Hồ Asia đến tham dự, nghe tụi mình hát hay quá, thế nào Trúc Hồ cũng năn nỉ mời tụi mình vô ban hợp ca Asia thì tính sao?". Mọi người cười xòa "Thôi để tới đó rồi tính!". Tôi thầm nghĩ : "Đây là ban hợp ca "Tiếng hát từ Trái Tim"(trái tim luôn mang theo quê hương của mình) nên có tiền chưa chắc đã được nghe đâu! chỉ dành riêng độc quyền cho Du Ca Nam CA thôi!". Tiếng hát chúng tôi mộc mạc, chân phương, có thể đôi chỗ còn chưa khéo, nhưng chúng tôi không cần bất cứ phương tiện nào, kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy. Chúng tôi chỉ cậy dựa vào tình yêu quê hương trong tim mà hồn nhiên cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát bay lên.
Những chiều tập hát Du Ca đã cho chúng tôi được sống lại những phút “sôi nổi” của thời tuổi trẻ sinh viên khi xưa với tâm tình "Làm người huy hoàng phải chọn làm nguời dân Nam". Nó giúp chúng tôi có cơ hội cùng hòa mình với nhau để cất lên tiếng hát bộc lộ tấm lòng mời gọi tha thiết:
"Đường Việt Nam mời những bước chân rời
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài".
Cám ơn đời, chúng tôi đã có được những buổi chiều ở xứ người ngồi hát bên nhau để cùng cảm nghiệm:
"Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng".
Nhờ đó chúng tôi chan chứa một niềm hy vọng cho tương lai quê hương yêu dấu:
"Tự Do ơi! tưng bừng. Việt Nam ơi vui mừng
Hờn căm ơi, thôi hết mọi nơi." (Nguyễn Quyết Thắng)
Phượng Vũ
(4. 2015)
Views: 0