“Đây sẽ là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng lừa” (Luca 2:12).
Thật là một đại hồng ân khi được cử hành Thánh Thể ở nơi Chúa Giêsu sinh ra!
Con Trẻ Giêsu, giáng sinh ở Bêlem, là dấu hiệu Thiên Chúa ban cho những ai đợi chờ ơn cứu độ, và Người vĩnh viễn trở thành dấu hiệu của sự dịu dàng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Vị thiên thần đã loan báo cho các mục đồng rằng: “Một dấu hiệu cho các người đó là các người sẽ thấy một con trẻ…”
Cả hôm nay đây nữa, trẻ em là một dấu hiệu. Các em là dấu hiệu của niềm hy vọng, dấu hiệu của sự sống, nhưng cũng là một dấu hiệu “chuẩn đoán”, một dấu chỉ cho thấy tính chất lành mạnh của các gia đình, xã hội và toàn thế giới. Bất cứ nơi đâu trẻ em được chấp nhận, được yêu thương, được chăm sóc và được bảo vệ thì gia đình lành mạnh, xã hội càng lành mạnh và thế giới càng nhân bản. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến công việc được thực hiện bởi viện Ephpheta Paul VI chăm lo cho các trẻ em Palestine bị câm điếc: đó là một dấu hiệu rất thực sự về lòng nhân lành của Thiên Chúa. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một xã hội lành mạnh hơn.
Hôm nay đây Thiên Chúa cũng nói với chúng ta là thành phần nam nữ của thế kỷ 21 rằng: “Đây là một dấu hiệu cho các người”, đó là hãy nhìn đến trẻ em…
Con Trẻ ở Belem thì mềm yếu, như tất cả mọi trẻ em mới sinh khác. Em không thể nói nhưng Em lại là Lời đã hóa thành nhục thể, Đấng đã đến để biến đổi tâm can và cuộc đời của tất cả mọi con người nam nữ. Con Trẻ này, như mọi con trẻ khác, dễ bị tổn thương; Em cần được chấp nhận và được bảo vệ. Cả ngày nay nữa, trẻ em cần được đón nhận và chở che bênh vực, từ lúc các em được thụ thai.
Buồn thay, trên thế giới này, một thế giới đầy những kỹ thuật tân tiến của mình, vẫn còn đông đảo trẻ em tiếp tục sống trong những tình trạng phi nhân bản, sống vất vưởng trong xã hội, sống bên lề ở những thành phố lớn và ở làng quê. Có quá nhiều trẻ em tiếp tục bị khai thác, bị bạc đãi, bị nô lệ, làm mồi cho bạo lực và việc buôn người phạm pháp. Có quá nhiều trẻ em đang sống lưu đầy, như các kẻ tị nạn, có những lúc bị thất lạc trên biển cả, đặc biệt là ở vùng biển Địa Trung Hải. Hôm nay đây, khi nhận biết điều ấy, chúng ta cảm thấy xấu hổ trước nhan Thiên Chúa, trước vị Thiên Chúa đã trở thành một con trẻ.
Và chúng ta phải tự vấn mình xem: Chúng ta là ai khi chúng ta đứng trước Con Trẻ Giêsu? Chúng ta là ai khi chúng ta đứng trước trẻ em ngày nay? Chúng ta có như Mẹ Maria và Thánh Giuse hay chăng, những vị đã đón nhận Chúa Giêsu và chăm sóc cho Người bằng tình yêu thương của một người làm cha làm mẹ? Hay chúng ta như Herôđê là kẻ muốn loại trừ Người? Chúng ta có giống các mục đồng hay chăng, những con người đã vội vã đến quì xuống tôn thờ Người và hiến dâng cho Người những tặng vật hèn mọn của họ? Hoặc chúng ta tỏ ra dửng dưng lạnh lùng? Có lẽ chúng ta là thành phần sử dụng những lời lẽ tốt lành và đạo đức nhưng lại khai thác hình ảnh của trẻ em nghèo khổ để làm tiền? Chúng ta có sẵn lòng đến với trẻ em hay chăng, có sẵn lòng “phí giờ – waste time” với các em hay chăng? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe các em hay chăng, có sẵn sàng chăm sóc cho các em hay chăng, cầu nguyện cho các em và với các em? Hay chúng ta chẳng để ý gì đến các em, bởi chúng ta quá bận bịu với những chuyện riêng của mình?
“Đây là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ…” Có lẽ đó là một em trai hay em gái đang khóc. Em trai đang khóc vì đói, em gái đang khóc vì lạnh, vì các em đang muốn được bồng lên và ôm ẵm trong cánh tay… Cả ngày nay nữa, trẻ em đang khóc, các em đang khóc rất nhiều, và tiếng khóc của các em đang thách đố chúng ta. Trong một thế giới hằng ngày bỏ đi hằng bao nhiêu là tấn thực phẩm và thuốc men thì lại có các trẻ em, đói khổ và chịu các thứ bệnh dễ chữa, đang kêu khóc vô vọng. Trong một thời đại nhấn mạnh đến việc bảo vệ trẻ em thì lại xẩy ra nạn thịnh hành buôn bán vũ khí là những gì cuối cùng lọt vào tay của các thứ lính trẻ em, lại xẩy ra một thị trường bày bán các thứ vật dụng được sản xuất bởi thành phần trẻ em bé nhỏ lao nô (slave labor). Tiếng kêu của các em đang bị tắc nghẽn: tiếng kêu của các trẻ em này bị bóp nghẹt! Các em cần phải chiến đấu, các em cần phải làm việc, các em không thể nào kêu la! Thế nhưng đã có những người mẹ của các em lại kêu than thay cho các em, như những bà Rachels tân thời: các bà than khóc vì con cái của mình và các bà không để cho ai ủi an (xem Mathêu 2:18).
“Đây sẽ là dấu hiệu cho các người”: đó là các người sẽ thấy một con trẻ. Con Trẻ Giêsu, hạ sinh ở Bêlem, hết mọi con trẻ được sinh ra và lớn lên ở mọi phần đất trên thế giới, là một dấu chuẩn đoán cho thấy tình trạng lành mạnh của giá đình chúng ta, của cộng đồng chúng ta, của quốc gia chúng ta. Thứ chuẩn đoán thẳng thắn và chân thực này có thể dẫn chúng ta đến một lối sống mới, một lối sống mà các mối liên hệ của chúng ta không còn bị hằn vết xung khắc, đàn áp và hưởng thụ, mà là huynh đệ, thứ tha và hòa giải, đoàn kết và yêu thương.
Ôi Maria, Mẹ của Chúa Giêsu,
Mẹ là Đấng đã chấp nhận, xin dạy chúng con biết chấp nhận;
Mẹ là Đấng đã tôn thờ, xin dạy chúng con biết tôn thờ;
Mẹ là Đấng đã tuân theo, xin dạy chúng con biết tuân theo. Amen.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140525_terra-santa-omelia-bethlehem.html
Views: 0