Uncategorized

Đồng Tính Luyến Ái – Tiếng Nói Người Trong Cuộc

Dù người ta có muốn hay không và dù có thái độ nào đi nữa, thì đồng tính (ĐT) vẫn đang tồn tại trong xã hội như bao hiện trạng khác. So với trước đây, ngày nay chủ đề đồng tính đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, và đang dần hé mở cánh cổng của một thế giới vốn có nhiều dấu chấm hỏi.

 

Dù người ta có muốn hay không và dù có thái độ nào đi nữa, thì đồng tính (ĐT) vẫn đang tồn tại trong xã hội như bao hiện trạng khác. So với trước đây, ngày nay chủ đề đồng tính đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, và đang dần hé mở cánh cổng của một thế giới vốn có nhiều dấu chấm hỏi.

 

“Đồng Tính – Tình Yêu, Hôn Nhân và Những Trăn Trở” là chủ đề của cuộc tọa đàm sáng ngày 19/02/2011, do Chương Trình Chuyên Đề (CTCD) trực thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận TP. HCM, tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ số 6 bis Tôn Đức Thắng, quận 1. Tham gia buổi tọa đàm có sự hiện diện của 2 Mục Sư, 7 Thượng Tọa, Ni Sư, và 500 khán giả bao gồm các linh mục, tu sĩ, những người làm công tác giáo dục đến từ nhiều trường học và các tổ chức phi chính phủ, trên 25 y bác sĩ đến từ các bệnh viện khác nhau, các bậc phụ huynh, giới trẻ, các anh chị em đồng tính và những người có lòng quan tâm.

 

Nội dung của buổi tọa đàm trình bày cho khán giả những kiến thức chuyên môn về khái niệm ĐT và người ĐT dưới ba góc nhìn khác nhau: “Đồng tính dưới cái nhìn của y học và xã hội học”, được trình bày bởi bác sĩ Trương Trọng Hoàng, thạc sĩ Khoa học Xã hội Sức khỏe, Bộ môn Khoa học Hành vi & Giáo dục Sức khỏe, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; “Đồng tính dưới cái nhìn của tâm lý học”, được trình bày bởi tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt đến từ Mỹ và “ Đồng tính dưới cái nhìn của Giáo hội” do Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Tổng Gp. TP.HCM trình bày.

 

Chương trình được xây dựng có tính chuyên môn cao, phong phú, đặc sắc, với tinh thần chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng. Trong buổi tọa đàm còn có tiếng nói của những người trong cuộc. Tất cả các anh chị chứng nhân đều là những người trí thức, có trình độ đại học, thành đạt trong cuộc sống, dấn thân và có những đóng góp tích cực trong ngành nghề của mình, và trong các hoạt động xã hội. Lứa tuổi, ngành nghề không giống nhau, quá trình và thời điểm bộc lộ bản thân của mỗi người khác nhau, nhưng các anh chị chứng nhân đều có điểm chung là lòng can đảm xuất hiện giữa công chúng, sự sâu sắc trong phần chia sẻ, nhằm gửi đến cộng đồng những thông điệp đầy thiện chí, và góp phần giúp xã hội hiểu hơn về người đồng tính.

 

 

Chứng nhân thứ 1:

 

Chị Vũ Minh Thư, 52 tuổi, công tác trong ngành dược, đã mở đầu bài chia sẻ như sau: “Từ chỗ tôi ngồi đến sân khấu này chỉ có vài bước chân thôi, nhưng để đứng ở đây nói chuyện đòi hỏi ở tôi một sự dũng cảm.”

 

Với cá tính mạnh mẽ và phong cách tự tin, chị Minh Thư đã chia sẻ cho cử tọa về quá trình khám phá bản thân từ giai đoạn trẻ thơ đến khi trưởng thành. Chị là một đứa con ngoài dự kiến, ra đời sớm hơn một đứa trẻ bình thường 71 ngày vì mẹ bị bệnh. Cái cảm giác không được nằm cuộn tròn sâu trong lòng mẹ lâu hơn, luôn khiến cho chị cảm thấy một sự thiệt thòi rất lớn, và luôn khắc khoải về một thứ tình cảm mà nó “ấm như lòng mẹ”. Có lẽ không có nơi nào trên thế gian này ấm bằng lòng mẹ, nơi mà người ta luôn cảm thấy được bao bọc, được chở che, được sống và lớn lên, một cách vô điều kiện. Tình yêu của người ĐT không đơn thuần là thứ tình yêu dành cho người đồng giới, mà ẩn sâu trong đó là tình yêu dành cho mẹ (hay khao khát tình yêu của người mẹ), – thứ tình yêu tưởng chừng là tự nhiên, là bình thường nhưng không phải lúc nào cũng được đón nhận hay trao ban.

 

Cô đơn là một phần nỗi thống khổ của đa số người ĐT, nhất là những người chưa lộ diện – chưa dám tiết lộ xu hướng tính dục (XHTD) của mình, bởi họ luôn phải giấu mình hoặc chịu đựng những cái nhìn tò mò và ghẻ lạnh. Nỗi cô đơn có thể bắt nguồn từ sự hoang mang về chính bản thân và sự khước từ của người khác. Nếu không được giải tỏa hay chế ngự, nó có thể biến thành sự hoảng sợ, có khả năng giết chết mọi cảm xúc khác cũng như niềm hy vọng, và làm cho đời sống của người ĐT trở nên chán chường hay bế tắc. Nỗi cô đơn đó sẽ không được lắp đầy cho đến khi nào họ tìm được “một nửa” của đời mình, hoặc hướng về một lý tưởng sống cao đẹp nào đó.

 

Là người Công Giáo, chị Minh Thư cũng đã từng băn khoăn phải sống như thế nào cho đúng với niềm tin Kitô giáo của mình. Người ĐT luôn cảm thấy khó khăn và mâu thuẫn nội tâm trong việc vừa là người Công Giáo, vừa là người ĐT, bởi vì cho đến giờ phút này Giáo Hội vẫn không thay đổi lập trường về vấn đề ĐT, dù vẫn tôn trọng và yêu thương người ĐT. Sự giằng co và mâu thuẫn nội tâm có thể khiến người ĐT có Đạo dần rời xa với tôn giáo của mình, nếu không có được sự thông hiểu, quan tâm và nâng đỡ kịp thời từ phía Giáo hội. Thế nên, tạo cơ hội để đôi bên lắng nghe tiếng nói của nhau trong tinh thần tôn trọng, quả là một nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách! Ban Tổ Chức CTCD – đứng đầu là Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn và Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, đã nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu xã hội nói chung, và nhu cầu mục vụ nói riêng. Quyết định tổ chức buổi tọa đàm với đề tài rất nhạy cảm, và dễ tạo ra những phản ứng tiêu cực khó lường từ nhiều phía, cho thấy cha Luy Tuấn và Soeur Maria Hồng Quế là những người rất quả cảm!

 

Đức tin đã cho chị Minh Thư cảm nhận được sự che chở khi muốn đoạn tuyệt cuộc đời và ra đi với trái tim hết sức tổn thương. Lòng yêu mến Thiên Chúa và Đức Maria đã giúp chị vượt qua quãng đường đời khắc nghiệt mà đôi lúc tưởng chừng không lối thoát.

 

Chị xác tín rằng: “Chỉ có Thiên Chúa mới cho chúng ta tình yêu thuần khiết vô vị lợi và một niềm tin vững vàng nhất mà thôi. Tình yêu giữa con người chia sẻ với nhau luôn luôn đòi hỏi những trao đổi hai chiều. Những va chạm dễ khiến chúng ta ngày càng phát sinh nhu cầu. Rồi khi nhu cầu không được thỏa nguyện người ta lại oán trách người khác thay đổi hay phản bội mình.”

 

Chứng nhân thứ 2:

 

Nếu cử tọa bị lôi cuốn bởi lối nói chuyện dí dỏm, tự tin của chị Vũ Minh Thư – chứng nhân Công Giáo duy nhất, thì khán giả cũng có dịp gặp gỡ và lắng nghe sự chân thành và khiêm tốn của anh Lê Minh Thành– một người ngoại đạo dễ thương và nhạy cảm. Anh Thành 25 tuổi, hiện đang quản lý một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

 

Chia tay với người bạn gái, anh Lê Minh Thành chọn cho mình lối sống đúng với xu hướng tình dục bẩm sinh. Trong xã hội ngày nay, có bao nhiêu người ĐT vì sức ép của gia đình hay vì lối suy nghĩ ích kỷ, đã chọn giải pháp kết hôn với người khác phái để làm bình phong che giấu thân phận của mình? Sự lựa chọn này chắc chắn làm tổn thương đến tình cảm, danh dự và hạnh phúc của người phối ngẫu, cũng như để lại những hệ lụy đáng tiếc và lâu dài. Mấy ai trong xã hội thừa nhận sự chọn lựa sống đúng với chính mình của người ĐT là một sự lựa chọn can đảm, tự tin và tự trọng?

 

Càng giấu mình, càng sống đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, người ĐT càng thấy cô đơn, thèm yêu, thèm được chia sẻ và cảm thông. Giấu mình trước những ánh mắt sợ hãi và khinh bỉ của người khác, đa số người ĐT cũng không mấy dễ dàng khi đối diện và kiếm tìm sự chấp nhận từ phía gia đình. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng ĐT là chuyện của người khác, là chuyện sẽ xảy ra cho người khác. Trong số 3-5% (con số này tùy thuộc vào khái niệm về ĐT) nhân loại có khuynh hướng tính dục khác với 95% còn lại, người ta thường không nghĩ rằng điều này có chút liên quan gì đến chính mình hay gia đình mình.

 

Trong đời thường, chắc chắn sẽ có nhiều bậc làm cha mẹ nghẹn đắng, rơi nước mắt khi biết con mình không bình thường như bao người khác. Trong xã hội, báo chí cũng đã đề cập đến chuyện người cha muốn thay đổi xu hướng tình dục của con gái, bằng cách cho con uống thuốc mê và sắp đặt cho một người đàn ông nằm cùng giường.

 

Người ta cũng đã từng đưa ra câu hỏi: Có liệu pháp nào có thể thay đổi được xu hướng tình dục không? Mặc dù XHTD đồng giới không phải là một bệnh tâm thần, và không có lý do khoa học nào khiến phải tìm cách biến những người có hành vi tính dục đồng giới thành những người có hành vi tình dục khác giới, một số người cũng tìm cách thay đổi XHTD của chính mình hoặc của người khác (ví dụ bố mẹ tìm cách chữa trị để thay đổi XHTD của con cái). Năm 1990, hội tâm lý Mỹ đã tuyên bố rằng các bằng chứng khoa học cho thấy việc thay đổi XHTD không đem lại hiệu quả và có hại nhiều hơn có lợi. Việc thay đổi XHTD của một người không chỉ đơn thuần là thay đổi hành vi tính dục của người đó, mà còn phải thay đổi cả cảm xúc, nhận thức về bản thân và giới tính của họ.

 

Gia đình là điểm tựa của tất cả những ai mang thân phận làm người. Với người ĐT, gia đình còn là nơi đầu tiên mà họ muốn sống thật với chính mình, là nơi mà họ muốn được tự nhiên gục khóc, tìm kiếm sự đồng thuận và đỡ nâng. Có bao nhiêu bậc phụ huynh nói lời tử tế, khi họ là người đầu tiên nghe con cái thú nhận về XHTD của mình? Có bao nhiêu người mẹ, người cha đặt thể diện của mình dưới tình yêu thương, để chấp nhận và đồng hành cùng con? Điều đáng buồn lòng là khi không tìm thấy sự đồng thuận từ phía gia đình, nhiều người ĐT có thái độ chống đối lại và cố gắng sống tự do nhất có thể. Điều này tạo thêm cái nhìn tiêu cực về người ĐT!

 

Sau khi thú nhận với mẹ, anh Lê Minh Thành đã phải chọn lối sống xa nhà để tránh bầu khí căng thẳng, lạnh lẽo trong mái ấm vốn có nhiều tiếng cười và niềm vui của hai mẹ con. Anh Thành may mắn hơn rất nhiều người ĐT khác, vì cuối cùng mẹ anh đã nói với anh rằng: “Dù thế nào đi nữa, con vẫn là con của mẹ!” Nếu các bậc phụ huynh chấp nhận con mình và không làm lớn chuyện, thì người ĐT cũng sẽ không quá nặng nề về việc mình là người ĐT, và họ sẽ không cảm thấy đang bị kẹt ở giữa 2 áp lực rất lớn là gia đình và dư luận.

 

 

Chứng nhân thứ 3:

 

Nếu khán giả có thể nhận diện chị Minh Thư qua cách ăn mặc đầy nam tính, thì cử tọa cũng bất ngờ trước sự dịu dàng, mảnh mai của chị Trần Thanh Ly, 33 tuổi, công tác trong ngành công nghệ thông tin. Chị là người Hà Nội, và cũng là chứng nhân không Công Giáo xuất hiện tại buổi tọa đàm cùng với bạn gái của mình là chị Khánh Ly.

 

Cảm giác của đa số người khi nhận ra mình ĐT hiếm khi là cảm giác tích cực. Nó bao gồm sự ngạc nhiên vì thấy mình không giống người khác; nó chứa đựng nhiều dấu chấm hỏi về cảm xúc của bản thân, mà phải mất một vài năm sau đó chính đương sự mới hiểu được, đôi khi nó khiến người ĐT trở nên mặc cảm và tự ti.

 

Xét về bản chất, tình yêu của người đồng tính không khác với người dị tính. Đó là một tình yêu có buồn vui, hờn giận, được ươm từ những cảm xúc nhớ thương, có đắng cay, xót xa,… nhưng cũng đầy hy sinh, cao thượng, thiêng liêng và xứng đáng được trân trọng.

 

Soeur Maria Hồng Quế đã đặt ra những câu hỏi phỏng vấn khá “hóc búa” cho chị Thanh Ly, và cá nhân tôi nghĩ chị đã trả lời xuất sắc những câu hỏi này.

 

· Nhiều người cho rằng người ĐT thường không chung thủy, tình yêu đến rồi đi, vì họ không có con chung, không có sự ràng buộc về mặt pháp luật. Chị nghĩ thế nào về nhận định này?

 

Nhận xét này không chính xác đâu ạ! Nếu quý vị không tin thì xin thử tìm kiếm các mục tâm sự trên báo chí, các trang mạng Internet mà xem. Ly thấy đa số người không chung thủy là người dị tính chứ tuyệt nhiên không thấy có người đồng tính!

 

Nghiêm túc mà nói thì chung thủy là giá trị không phân biệt giới tính. Trong lịch sử, người đồng tính không dám lộ diện vì sợ bị kỳ thị. Chỉ gần đây người đồng tính mới dám sống thật với con người mình hơn. Ly và các bạn bè của Ly thường hay nói giỡn rằng tụi mình vẫn còn tuổi “teen” vì đa số mới nhận biết về mình chừng 10 năm đổ lại, nhiều người còn chưa có cơ hội để sống cuộc sống của người đồng tính. Như vậy phải 10-20 năm nữa mới thực sự biết được người đồng tính có chung thủy hay không.

 

Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố “môi trường” nữa. Ví dụ nếu một người đồng tính và người yêu của anh ta được gia đình, bạn bè ủng hộ, và được ràng buộc trong một hình thức luật pháp nào đó thì chắc chắn người ta sẽ cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định chia tay hoặc thực hiện hành vi không chung thủy.

 

· Một số cho rằng người ĐT thường chú tâm nhiều đến nổi đau của riêng mình khi bị từ chối, mà không để ý hay cảm thông cho sự sợ hãi và căng thẳng của người dị tính, người mà họ yêu. Xin chị cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

 

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hay và nó đúng là một vấn đề có thể xảy ra với người ĐT. Ly cho rằng vấn đề này liên quan đến kinh nghiệm sống, kỹ năng ứng xử của người trong cuộc – cách một người thể hiện tình cảm và cách người kia từ chối tình cảm đó. Với những người trưởng thành, biết quan tâm đến người khác và biết cư xử hợp lý, thì sẽ không có vấn đề gì mặc dù cũng là tình huống bị từ chối.

 

Là người đã từng sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, chị Thanh Ly chia sẻ cho khán giả cái nhìn của xã hội với người ĐT ở Việt Nam như sau: “Có thể nói là xã hội VN có cái nhìn ít cực đoan hơn so với nhiều xã hội khác trong và ngoài khu vực Châu Á về ĐTLA. Bằng chứng là ở VN có ít các vụ ngược đãi hoặc bạo hành đối với người đồng tính. Ly cho rằng sở dĩ có được điều này là vì người Việt Nam coi trọng tình nghĩa, không ưa bạo lực và có tấm lòng nhân ái bao dung đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn nhiều sự e dè, thậm chí sợ hãi đối với người đồng tính mà Ly cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nó là sự thiếu thông tin mà thôi.”

 

Trước khi nhận lời tham gia buổi tọa đàm, chị Thanh Ly đã đặt câu hỏi: “BTC có biện pháp gì để bảo vệ những người ĐT chúng tôi không bị bạo hành thể xác và ngôn từ, từ phía khán giả?” Trả lời ngay trong cuộc phỏng vấn về cảm giác khi tham gia buổi tọa đàm, chị nói với nụ cười rất tươi: “Tôi cảm thấy rất an toàn ạ.”

 

Chị Thanh Ly hiện đang đồng hành với một nhóm bạn ĐT nữ. Sau buổi tọa đàm chị nhận ra nhu cầu học hỏi thêm về giáo lý Kitô giáo để tránh có những nhận xét “khó nghe” hoặc những lời khuyên không khả thi, vì quá xa rời giáo lý của những người ĐT có Đạo. Trong buổi thảo luận hàng tháng sắp tới của nhóm, chị cho biết sẽ đưa ra đề tài: "Tôi và Đức tin", để biết thêm về đời sống tâm linh của người ĐT có đạo qua các câu hỏi gợi ý như: Liệu có phải một khi đã xác định là người đồng tính thì người ta sẽ dần rời xa với tôn giáo của chính mình? Hay là đã có những đấu tranh để vừa là người ĐT vừa duy trì sinh hoạt tôn giáo? Liệu các bạn không tôn giáo có hoàn toàn là người ít chú ý đến đời sống tâm linh hay không?…

 

Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông, người ta đề cập đến ĐT thật, ĐT giả và các vấn nạn có liên quan. Bài viết này chỉ đề cập đến người ĐT thật.

 

Buổi tọa đàm với chủ đề: “Đồng Tính – Tình Yêu, Hôn Nhân và Những Trăn Trở” đã khép lại, nhưng mở ra một cái nhìn hiểu biết, nhân ái hơn về người ĐT, đồng thời đem lại sự tích cực cho chính bản thân anh chị em đồng tính, để họ có thêm lòng tự tin và tự trọng đảm nhận cuộc đời mình. Để được cảm thông nhiều hơn, chắc chắn cộng đồng người ĐT còn phải cố gắng nhiều hơn trong việc sống nghiêm túc, trách nhiệm, nâng cao những phẩm chất tốt đẹp, độc lập về kinh tế, góp phần xây dựng xã hội, tôn trọng luật lệ, và thăng hoa đời sống bằng những giá trị thiêng liêng, cao đẹp.

 

Chương trình của buổi tọa đàm đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, bởi một êkíp thành viên và cộng tác viên nhiệt tình và kinh nghiệm. Khán giả tham dự đến giây phút cuối cùng, với thái độ tích cực, quan tâm và nghiêm túc.

 

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả và các chứng nhân sẽ được trả lời trong mục “Giải đáp thắc mắc” trên trang web: http://www.chuongtrinhchuyende.com.

 

Kính mời Quý vị xem bài phỏng vấn và chia sẻ của các chứng nhân tại mục “Bạn đọc đồng hành”; cảm nhận của 3 chứng nhân và khán giả tham gia buổi tọa đàm tại mục “Cảm Nhận”; nghe trực tiếp file audio toàn bộ buổi tọa đàm tại mục Audio hoặc download bằng cách click chuột vào icon “Tài liệu download” của bài viết.

 

Xin mời Quý vị xem hình ảnh về buổi tọa đàm qua các đường link:

 

http://www.chuongtrinhchuyende.com/ctcd/jsp/client/library.jsp?TYPE_OF_GIFT=1

hoặc

http://www.menchuayeunguoi.com/index.php?option=com_content&view=article&id=930:ctcdbmvgd-chuong-trinh-toa-dam-tinh-yeu-hon-nhan-dong-tinh-va-nhung-he-luy-tai-trung-tam-muc-vu-sai-gon&catid=49:hinh-nh-sinh-hot-giao-hi&Itemid=61

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.