Quả thật đã có quá nhiều bài viết về vấn đề “đời sống độc thân”, “luật độc thân” linh mục, – kể cả những bài viết tu đức, thần học – chứng tỏ rằng nhiều người “trong cuộc” vẫn còn ray rứt, dằn vặt, trong khi tiếng nói của giáo dân – đối tượng phục vụ và một phần lý do tồn tại, sống còn của luật độc thân linh mục, lại không được lắng nghe nhiều. Đơn giản vì suy nghĩ rằng họ – giáo dân – không nên và không có thẩm quyên “xen ngang”vào một phạm trù, một lãnh vực mà họ không kinh nghiệm (giáo dân “thường”) hoặc bỏ cuộc, không thực hiện được (ví dụ : những người hồi tục, “chuyển hướng”). Điều nầy vô tình tạo nên một cuộc “đối thoại giữa những người câm”,khi linh mục và giáo dân vốn gắn bó khăng khít với nhsu trong giao tiếp, trong sinh hoạt,trong cầu nguyện, trong bí tích, trong trách nhiệm, lại chỉ như hai đường rầy xe lửa song song, mà không hề tương giao.
Vì thế, bài viết nầy, trong muốn vạn bài viết về luật độc thân linh mục (vào Internet,đánh “luật độc thân linh mục” sẽ có gần 5 triệu kết quả; nếu đánh “le celibat des prêtres”, “le célibataire”, “celibacy”, sẽ có ngay hàng chục triệu kết quả), không nhắm tới những suy tư thần học, tu đức học cao siêu, xa vời, mà chỉ xin được NÓI LÊN ƯỚC VỌNG CỦA MỘT GIÁO DÂN (và có lẽ cũng là của hầu hết những người “sống bộ đời”), mong sẽ giúp ích được phần nào cho những người anh em, những mục tử, những người lãnh đạo tinh thần của mình, thấy THANH THẢN, VỮNG VÀNG, trong đời sống độc thân và yêu mến, BIẾT ƠN Thiên Chúa và Giáo Hội về đời sống độc thân tận hiến, bởi vì nó làm rạng Danh Chúa HƠN (Ad majorem Dei gloriam).
Tất nhiên là nói về LINH MỤC CÔNG GIÁO, và cụ thể hơn, là Công Giáo La Mã. Các linh mục “Công giáo” Anh giáo, các linh mục Chính Thống giáo, các linh mục thuộc các Giáo Hội phương Đông và các mục sư Tin Lành (pastor) thuộc mọi giáo phái, đều “được phép” kết hôn. Những người này – xét theo cá nhân – không thua kém các linh mục Công Giáo La Mã về bất cứ phương diện nào: học thức, bằng cấp triết học và thần học, hiểu biết Kinh Thánh, khả năng hùng biện, xác tín tôn giáo, dũng cảm, bác ái,vv….Họ cũng chu toàn trách nhiệm được các Giáo Hội tương ứng trao phó. Bên cạnh họ, luôn có người bạn đời chia sẻ với họ về nhiều lãnh vực, trong đó việc lo lắng cho đời sống vật chất của họ là hết sức đáng kể. Thời gian qua, những vụ “scandal” về giáo sĩ lạm dụng tình dục, phạm tội ác ấu dâm, đa phần tích tụ bằng cách này hay cách khác nhiều thập kỷ qua, nay bị phơi ra ánh sáng, gây đau khổ nhục nhã cho toàn Giáo Hội, khiến biết bao tín hữu mất đức tin, rời bỏ Giáo Hội trước những tội ác và gương xấu tày đình như thế. Tuyệt đại đa số những vụ bê bối, tai tiếng này đều phát xuất từ hàng giáo sĩ Công Giáo La Mã. Vấn đề đời sống độc thân linh mục được đặt ra và không ít người, nhóm, mau lẹ kết luận đó là một cơ chế lạc hậu, nêu lên trường hợp các Thánh Tông Đồ. Một số không nhỏ còn coi luật độc thân linh mục là nguyên nhân chính của nạn thiếu linh mục. Có thật những người, những nhóm này thật tâm lo cho tiền đồ Giáo Hội, hay chỉ lợi dụng tình huống xấu để ‘thừa gió bẻ măng’, trong âm mưu thâm độc của Satan nhằm phá hoại truyền thống tốt đẹp, thánh thiện và độc nhất vô nhị của Giáo Hội Công Giáo La Mã?
1. HAI BÍ TÍCH HÔN PHỐI VÀ TRUYỀN CHỨC THÁNH KHÔNG MÂU THUẪN HOẶC LOẠI BỎ NHAU.
Phải khẳng định ngay rằng hai Bí Tích Hôn Phối và Truyền Chức Linh Mục không hề mâu thuẫn hoặc loại bỏ nhau. Một linh mục hoàn toàn có thể kết hôn và có đời sống gia đình bình thường như bao nam nhân và thi hành thừa tác vụ linh mục. Sự hỗ trợ của một gia đình, nhất là từ người bạn đời, còn có thể tạo năng lực và quân bình tâm lý, không phải lo toan những tiểu tiết đời sống vật chất để toàn tâm cho công việc mục vụ. Nhưng truyền thống Giáo Hội đã là như vậy và luật độc thân linh mục đã trở thành điều kiện sine qua non để được chấp nhận cho lãnh chức linh mục và là thuộc tính không thể tách rời của chức vụ và đời sống linh mục. Không chỉ với người Công Giáo, mà với hết mọi người, linh mục Công Giáo đồng nghĩa với độc thân. Tách khỏi đời sống độc thân, người linh mục [Công Giáo] trở nên nhỏ nhoi, mong manh, yếu đuối và có thể nói không còn nhiều giá trị và sự đáng tin cậy (credibility) trước mặt “người đời” và trước mặt giáo dân. Điều đó đã rõ và không thể đem ra so sánh, phân bì với chức “linh mục” trong các hệ phái Tin Lành, Anh giáo hoặc Chính Thống Giáo, bởi vì chức vụ linh mục Công Giáo dính liền với các Bí Tích, quyền và bổn phận ban các Bí Tích theo Năng Quyền được Đấng Bản Quyền trao, như một bài sai, như một sứ vụ lệnh.
Trong các Bí Tích mà linh mục cử hành, ngoài Bí Tích Thánh Thể, thì Bí Tích Giải Tội là quan trọng hơn hết. Nó thể hiện rõ nét nhất sự cao cả của chức linh mục. Khi nghe tội hối nhân xưng thú và ban ơn tha thứ, cá nhân linh mục không còn tồn tại nữa, mà thay vào đó là Thiên Chúa. Lời phán “Ta tha tội cho con” phát xuất từ miệng của một người trần, cũng mang tội lỗi, khiếm khuyết chẳng kém hối nhân đang quỳ xin tha thứ, nay là Lời của Thiên Chúa với sức mạnh và quyền uy vô song, không có quyền uy nào trên thế gian có thể làm được.
Hai hình ảnh có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự “hoá thân” nầy : tác giả Kinh Thánh và linh mục truyền phép Thánh Thể.
Vấn đề tác giả Kinh Thánh cũng đã gây biết bao nhiêu tranh cãi trong giới chuyên môn. Ai là tác giả đích thực của mỗi cuốn trong Sách Thánh? Thiên Chúa và những người biên soạn đều là tác giả của Kinh Thánh, vì chính Thiên Chúa đã linh hứng, nghĩa là soi sáng và thúc đẩy các tác giả nhân loại viết ra. Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh, còn tác giả phụ là con người, người viết sách thánh, còn gọi là thánh ký: thánh ký là người viết ra cuốn sách thánh nhờ ơn linh hứng. Ví dụ Sách tiên tri I-sa-i-a: tác giả chính là Thiên Chúa, còn tác giả phụ là I-sa-i-a.Mặc dầu Kinh Thánh đã được viết ra bởi hơn 40 người, từ hơn 19 cảnh đời khác nhau, qua khoảng thời gian hơn 1600 năm nhưng Kinh Thánh lại là một sự mặc khải liên tục từ đầu cho đến cuối của sách. Thật vậy, những sách đầu tiên và cuối cùng của Kinh Thánh, tức là sách Sáng Thế Ký và sách Khải Huyền, thì nối kết ăn khớp với nhau chặt chẽ tuyệt vời – trình bầy ‘Thiên Đàng Đánh Mất’ và ‘Thiên Đàng Được Lại’ theo thứ tự nêu trên – là một sự tuyên bố thật mạnh mẽ rằng Thượng Đế chính là tác giả của những sách này. Nhưng Thiên Chúa đã dùng, đã mời những con người cộng tác, để ghi lại nội dung được Người linh ứng cho họ, còn hình thức thì hoàn toàn là của tác giả, theo môi trường , văn hoá, ngôn ngữ, văn minh, cách hành văn,… mà họ đang sống. Trong khi ban bí tích hoà giải cho hối nhân cũng tương tự, chính Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân, nhưng chính vị linh mục nhỏ bé, khiếm khuyết đọc lời tha tội, NHƯ chính Thiên Chúa hiện diện. Trong việc cử hành bí tích nầy, – dù là vì lợi ích của hối nhân,- thì cũng hoàn toàn cần có sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm ấy (không chỉ là bí mật toà trong), sẽ mất ngay, nếu không có luật độc thân.
Kế đến, khi đọc lời truyền phép, trước khi bánh rượu được “hoá thân” nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, thì bản thân linh mục, ngay thời khắc ấy, cũng được “hoá thân” nên giống Chúa Kitô, với quyền năng và sức mạnh mà ngay các thiên thần và các thánh, kể cả Đức Nữ Trinh Maria, cũng không thể có được. Quyền năng ấy, sức mạnh ấy cũng sẽ không thay đổi, nếu như vị linh mục kết hôn, nghĩa là nhận Bí Tích Hôn Phối. Nhưng cả chủ quan (từ linh mục) và khách quan (từ bên ngoài), chắc chắn sẽ thấy luật độc thân là hợp và cần hơn. Hiểu sâu xa hơn về thần học, Bí Tích Thánh Thể quy tụ Dân Chúa, Cộng Đoàn nên MỘT với nhau và nên MỘT với Chúa Kitô, quanh Vị chủ tế, quanh vị linh mục. Làm sao điều đó có thể hình dung được, khi vị linh mục đùm đề thê tử. Các phái Kitô giáo khác như Chính Thống Giáo,Công Giáo Đông phương (công đồng Đông Phương ở Trullo năm 691 bỏ truyền thống nguyên thủy, với việc cho phép các linh mục lập gia đình), giải quyết sự việc này (linh mục kết hôn) bằng một cách khá gượng gạo, bằng giải pháp “tình thế” : cho phép linh mục có gia đình, nhưng phải kết hôn trước khi lãnh chức thánh và chỉ bầu chọn giám mục giữa những linh mục giữ luật độc thân. Như vậy, rõ ràng là họ thừa nhận và biết rõ giá trị của đời sống độc thân linh mục. Và những con số khách quan cũng có thể cho chúng ta biết về sự phát triển của các hệ phái này.
Con người thì vẫn là con người, yếu đuối, sai phạm, “đứng núi này trông núi nọ”. Không phải sau Công Đồng Vatican II thì vấn đề “xin xét lại” luật độc thân linh mục mới đặt ra, với những vụ “xé rào” để lại thương tích trong lòng Mẹ Giáo Hội, như khi 100 linh mục Hoà Lan cùng “nỗi loạn” hay như vừa qua, một số khá đông linh mục Áo hô hào ký vào “tuyên bố Bất Tuân”, mà Giáo Hội từ xa xưa đã chịu những chống đối này, qua những vụ ly giáo kéo dài đến nay cả ngàn năm (Chính Thống Giáo) hoặc cả mấy trăm năm (Tin Lành). Nhưng Giáo Hội đã khẳng định truyền thống và lập trường về luật độc thân linh mục.
Viện phụ Laurent Touze là người Pháp và là giáo sư thần học tu đức tại Đại học giáo hoàng Thánh Giá (Roma). Trong Năm Linh Mục, ngài đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “ Tương lai đời sống độc thân linh mục”, đã trả lời phoỏng vấn: “Khủng hoảng ơn gọi, không phải đâu cũng có. Nó đặc biệt đánh vào các nước Tây phương, đang giữa mùa đông dân số và ở những cộng đồng thường được thông tin rất kém về thừa tác vụ Linh Mục và thỉnh thoảng chung chung hơn về những gì là đức tin của Giáo Hội và sự thánh thiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Trong các gia đình đông con hơn, sống đức tin sống động, thì sẽ triển nở những ơn gọi ở mọi bậc sống. Hơn nữa, khủng hoảng ơn gọi cũng có nơi anh em Tin Lành, dù các mục sư có thể kết hôn. Còn nữa, truyền chức linh mục cho những người đã kết hôn, cũng là có nguy cơ làm quên mất ơn gọi phổ quát nên thánh, trung tâm Huấn Quyền của Vaticanô II : nhiệm vụ đầu tiên của các giáo dân, nam cũng như nữ, kết hôn hay độc thân, chính là sự thánh hoá các cơ cấu trần thế, chứ không phải là sự thay thế các giáo sĩ” và Ngài nói tiếp: “Một thần học đời sống độc thân nhấn mạnh chiều kích bí tích của đời sống độc thân quả thật mời gọi sống thánh thiện. Chỉ duy số 24 – về luật độc thân – trong tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu.ND) nhân lên những lời mời gọi linh mục hãy mở ra cho “sự hiến dâng”, cho “sự tự hiến trọn vẹn”, cho “sứ mệnh được sống cho tới hy lễ thập giá”, cho “ sự trao ban chình mình hoàn toàn và dành riêng cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và cho Nước Thiên Chúa”. Nếu thần học được trao ngày nay đặc biệt bởi Huấn quyền là được nhận lãnh và áp dụng trong Giáo Hội, thì tương lai của đời sống độc thân sẽ là một tương lai sống sự tự do, hồng ân, sống sự thánh thiện chức linh mục. (nguồn: Zenit 20/05/2010 – Kênh Thông Tin Xuân Bích 09/06/2010).
Là giáo dân, dù chỉ là một thoáng mộng mơ, chúng tôi vẫn ước ao được làm linh mục một lần, để nếm cảm những ân huệ bao la mà một người thường chẳng bao giờ có được : ơn thay mặt Chúa ban lương thực thần linh sau khi từ chính môi miệng trần tục tội lỗi của mình “hô biến” bánh rượu tầm thường nên Mình Máu Cực Châu Báu Con Chúa Trời; ơn giải phóng tội nhân khỏi xiềng xích tội lỗi và sự chế ngự của ma quỷ, phục sinh họ trong đời sống làm con cái Chúa, nối lại mạch chảy ân phúc với Sự Sống là Thiên Chúa, chỉ bằng một lời. Bằng ấy sự cao cả đổi lại sự chế ngự thân xác, cái giá quá rẻ mạt. Nhưng độc thân linh mục không phải vì danh giá, không phải vì những quyền bính siêu nhiên, mà như Viện phụ Laurent Touze nói trên đây : “mời gọi linh mục hãy mở ra cho “sự hiến dâng”, cho “sự tự hiến trọn vẹn”, cho “sứ mệnh được sống cho tới hy lễ thập giá”, cho “sự trao ban chính mình hoàn toàn và dành riêng cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và cho Nước Thiên Chúa”.
Chúng tôi nghe vọng bên tai ca từ của một bài vẫn thường được hát trong các dịp truyền chức linh mục : “Lạy Chúa Giêsu, con đây xin hứa, con hứa dâng cả cuộc đời, dâng cả lòng trí con, dâng cả hết xác hồn. Con linh mục, con sẽ là Ánh sáng của trần gian. Con linh mục, con sẽ là như muối của gian trần. Hoa huệ giữa bụi gai. Đau khổ chẳng nài. Như một người con muốn yên giấc trong tay người mẹ. Như người chiến sĩ muốn gửi xác ở chốn sa trường. Con linh mục, con muốn chết ở chân bàn thờ,…để làm của lễ tình yêu”. Chợt nhớ một câu trong Chinh Phụ Ngâm : “Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa” (Đặng Trần Côn). Không gì vướng bận cho người chiến sĩ “chí làm trai dặm nghìn da ngựa” cho bằng “thê noa”.
2. CÁC “SỰ CỐ” TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN LÀ CÓ THẬT, SONG CHỈ LÀ THỨ YẾU.
Nhiều người bênh vực luật độc thân linh mục bằng việc nêu ra những “thách đố” không đẹp chút nào thường hay xảy ra trong bất cứ cuộc hôn nhân hoặc gia đình nào, để so sánh và khuyên can linh mục nên sống đời ung dung tự tại.
Sẽ như thế nào, nếu người bạn đời của linh mục không chung thủy? Sẽ ra sao khi người ấy hoặc chính vị linh mục vì ghen tuông, mà để xảy ra những cảnh xào xáo, đổ vỡ, đánh ghen ầm ỉ? Rồi đi tới ly dị? Nếu như kết hôn với một người ham mua sắm, chưng diện, luôn đòi hỏi tiền bạc, rồi tìm mọi cách để thoả mãn thói mua sắm, ăn chơi, – trong khi đồng lương của linh mục giới hạn – dẫn đến lạm dụng, tham ô công quỹ, thì sẽ giải quyết làm sao? Và nếu đời sống đạo đức, đạo hạnh của người đàn bà thua xa giáo dân, thì linh mục sẽ ăn nói, giảng dạy thế nào?
Bao nhiêu hình ảnh hãi hùng được nêu ra, nhằm làm khiếp vía những linh mục còn “chân trong chân ngoài”. Ví dụ con cái của linh mục sống sa đoạ hút sách, trai gái, đàn đúm hư thân mất nết, thì linh mục còn dạy dỗ được ai? Tóm lại, đời sống xã hội, vốn chiếm rất nhiều thời giờ của một người đàn ông trụ cột gia đình, sẽ khiến linh mục có gia đình có muốn cũng chẳng thể nào dành một quỹ thời gian tương đối cho công tác mục vụ, chứ đừng mơ, đừng thề thốt trước đó (khi quyết “bắt cá hai tay”, “đứng núi này trông núi khác”), rằng sẽ toàn tâm toàn lực cho Nước Trời. Cơm áo gạo tiền là những cái cụ thể, cấp thiết, không chấp nhận mơ mộng hảo huyền, không trông chờ phép lạ. Vì thế, muốn “bình thiên hạ” (chu toàn việc mục vụ), trước hết “phải tề gia” (thu xếp ổn thoả việc gia đình). Không phải ai cũng làm được. Xin hỏi một linh mục (muốn bênh vực việc cho phép linh mục được kết hôn) : sứ mệnh linh mục là gì? Mục đích trở thành linh mục là gì? Đoàn chiên Chúa giao phó cho ngài có ý nghĩa thế nào đối với ngài? Tỷ lệ thời giờ, công sức dành cho bổn đạo ra sao so với những gì ngài buộc phải dành cho gia đình bé nhỏ của ngài?
Chúng ta đang đối diện với sự tiết chế trong mọi sự, như lời Công đồng Carthage (năm 390) đã nói : "Những người phục vụ mầu nhiệm thánh phải hoàn toàn tiết dục (continentes esse in omnibus) để điều các tông đồ truyền dạy và thời xưa đã tuân giữ, chúng ta cũng phải tuân hành". Một linh mục sẽ không thể “nên mọi sự cho mọi người” (omnia omnibus), nếu nặng gánh gia đình. Công đồng Trente trong khoá 24, ở khoản 9, cũng nhắc lại : đối với các giáo sĩ có chức thánh hay các tu sĩ đã tuyên khấn trọng thể giữ đức trong sạch, tuyệt đối không được kết hôn. Và với quy định đó, việc vô hiệu hôn nhân lại liên kết với bổn phận phải cầu xin Chúa ban ơn trong sạch trong một ý ngay lành”. Công đồng chung Vatican II đã lặp lại trong sắc lệnh "Presbyterorum ordinis" mối liên kết chặt chẽ giữa độc thân và Nước Thiên Chúa, một khởi đầu sự sống mới, mà thừa tác viên Hội thánh được thánh hiến để phục vụ. Bộ Giáo luật mới của Giáo hội La tinh năm 1983 đã lặp lại truyền thống cố hữu : "Các giáo sĩ buộc phải giữ tiết dục trọn vẹn và vĩnh viễn vì Nước Trời và do đó buộc phải sống độc thân, là ân ban đặc biệt của Thiên Chúa, do đó thừa tác viên thánh chức có thể kết hợp dễ dàng hơn với Chúa Kitô với một con tim không chia sẻ và tự do hơn để miệt mài phục vụ Thiên Chúa và mọi người" (277, §1).
Rõ ràng những điều “không hay” gần như chắc chắn diễn ra trong đời sống hôn nhân, không phải là lý do để ngăn cản một nam nhân vừa kết hôn vừa trở thành linh mục. Cuộc sống có gia đình của một linh mục có nhiều mặt tích cực của nó, nhất là về tâm lý. Nhưng như người ta vẫn nói “thân nầy ví xẻ làm đôi” : người ta có thể giữ mình “không phục vụ Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6,24), nhưng không thể nào giải quyết bài toán phục vụ “alia facienda, non alia omittenda” (phải làm những điều này, mà không được bỏ các điều kia).
Những người bênh vực sự thay đổi luật độc thân thường nại đến tình trạng khan hiếm linh mục ngày nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1993, trả lời cho một số Giám Mục Canada xin Toà Thánh cứu xét việc truyền chức linh mục cho một số người có gia đình, Đức Chân Phước Gioan-Phaolô II nói rằng bãi bỏ luật độc thân linh mục không phải là một giải pháp cho vấn đề khan hiếm linh mục. Với Đức Hồng Y Claudio Hummes, tuy độc thân linh mục không phải là một tín điều, nghĩa là hoàn toàn có thể được duyệt xét lại, nhưng khi giữ chức vụ lãnh đạo Thánh Bộ Giáo Sĩ, Ngài đã minh định : độc thân linh mục không phải là một vấn đề để tranh luận trong lúc này.
Tông Hiến “Anglicanorum Coetibus” (thiết lập một cơ chế pháp lý cho tín đồ Anh giáo muốn hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, đã dẫn tới những đồn đoán đây là bước chuẩn bị cho việc xét lại luật độc thân linh mục. Toà Thánh đã mau chóng bác bỏ các nguồn tin này và nhấn mạnh rằng, theo Công Đồng Vatican II, độc thân linh mục là một dấu chỉ và là một động lực cho bác ái mục vụ cũng như một lời loan báo về nước Chúa.
3. KHÍA CẠNH TU ĐỨC VÀ MỤC VỤ LÀM NÊN GIÁ TRỊ ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN.
Đối với thanh thiếu niên bị ám ảnh về tình dục, lời khuyên thường được đưa ra là hướng tới những sinh hoạt tinh thần và thể lý lành mạnh. Ngoài ra, còn giúp họ hiểu giá trị của tính dục trong cuộc sống, trong việc chuẩn bị tạo dựng gia đình, không để bị nô lệ trong những suy nghĩ và sở thích sai trái. Chúng tôi, hàng giáo dân, cho rằng các linh mục khi bước lên nhận lãnh thánh chức, hoàn toàn trưởng thành trong nhận thức, trong quyết định. Theo luật pháp đời, khi đặt bút ký vào một văn kiện, người ta phải chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản đó. Một khế ước các Vị ký kết với cả Thiên Chúa lẫn Giáo Hội (qua Giám Mục chủ phong) – có thể hiểu là cả với chúng tôi, những kẻ mà các Vị sẽ được Đâng Bản Quyền sai đến – chẳng lẽ không có giá triị trường tồn sao? Khi có ý nghĩ tìm hạnh phúc cho mình, các Vị có nghĩ rằng mình đang tùy thích xé bỏ giao kèo với chúng tôi không? Suy nghĩ của chung tôi, hàng giáo dân, là : nếu các Vị hướng toàn tâm về “đồi tượng lý tưởng phục vụ” của các Vị, thì cám dỗ khó lòng bén mãng đến, vì đơn giản là các Vị sẽ cần có 25 giờ trong một ngày, thì mới tạm thời giải quyết những vấn nạn cho các con chiên được giao phó sự cứu rỗi trong tay các Vị. Tối đến, khuya về, các Vị sẽ cảm nghiệm giá trị vô song của đời sống độc thân linh mục.
Bao lâu linh mục vẫn còn xem luật độc thân linh mục là MỘT HY SINH, thì bấy lâu các ngài sẽ còn phải vất vả chiến đấu với kẻ thù thứ ba trong “ba thù”, là xác thịt. Độc thân linh mục, KHÔNG BAO GIỜ LÀ MỘT HY SINH. Đó là một lựa chọn và trừ phi thiếu trưởng thành, trừ phi bị ép buộc – những điều không thể nại ra trong khi nhận lãnh chức vị linh mục – thì người ta lựa chọn những gì tốt đẹp nhất, cao cả nhất. Tuy vậy, chúng tôi biết vẫn có những linh mục “trẻ nít” đã tỏ ra hối hận sau những ngày tháng huy hoàng, vinh quy. Cuộc đời của những Vị nầy sẽ như hoả ngục, làm hại cho bản thân và cho Giáo Hội, cho Giáo dân. Linh mục phải thấy vui mừng, thảnh thơi, hạnh phúc với lựa chọn sống độc thân ĐỂ PHỤC VỤ Nước Trời của mình; phải nhận ra may mắn của mình, để cám ơn Chúa và để hứa sẽ đáp lại tin cậy của Thiên Chúa và của Giáo Hội nơi các ngài. SỰ ĐÁNG TIN (credibility) là một vấn đề trọng đại ở thời buổi nầy, khi mà người ta – ở mọi phạm trù – dễ dàng chối bỏ nhau, phản bội nhau, làm mất niềm tin, chỉ vì tư lợi. Trong Thông điệp Sacerdotalis caelibatus, trước hết Đức Phaolô VI đã viết : "Độc thân thánh chức mà Giáo hội giữ từ nhiều thế kỷ như một thứ châu báu ngời sáng, vẫn bảo toàn trọn vẹn giá trị của mình đối với thời đại chúng ta, đang ghi đậm những biến đổi sâu xa về não trạng và cơ cấu”. Và ngài kết luận : "Vì vậy, chúng tôi cho rằng luật độc thân hiện hành, vẫn còn giá trị đối với thời đại chúng ta và luôn bền vững, cần phải liên kết với thừa tác vụ Giáo hội. Luật đó phải nâng đỡ thừa tác viên Hội thánh trong việc chọn lựa độc hữu, dứt khoát và trọn vẹn trước tình yêu duy nhất và tối cao đối với Chúa Kitô, trước sự tận tâm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội. Luật đó cũng phải xác định tình trạng sống độc thân trong cộng đoàn các tín hữu cũng như trong xã hội phàm thế”.
Đúng vậy, độc thân là một ân huệ Chúa Kitô trao ban cho những ai được gọi tiến tới chức linh mục. Ân huệ này cần được đón nhận với tình yêu, niềm vui và thái độ biết ơn. Như thế, ân huệ này sẽ là nguồn mang lại hạnh phúc và sự thánh thiện.
Trong ba lý do của độc thân linh mục (ý nghĩa Kitô học, ý nghĩa cánh chung học và ý nghĩa Giáo Hội học), chúng tôi xin nêu ra ý nghĩa Giáo Hội học , đơn giản là vì liên quan trực tiếp đến hàng giáo dân và hoạt động mục vụ của linh mục : "Quả thực, sự trinh khiết thánh hiến của các thừa tác viên có thánh chức biểu lộ tình yêu trinh khiết của chính Chúa Kitô với Hội thánh và sự sinh sản trinh khiết và siêu nhiên của việc kết hợp này. Sống giống Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, linh mục sẽ kết hôn cách mầu nhiệm với Hội thánh, yêu mến Hội thánh với một tình yêu độc hữu. Như thế, hiến mình trọn vẹn cho những công cuộc của Chúa Kitô và của Thân Thể mầu nhiệm Ngài, linh mục sẽ hưởng được một thứ tự do thiêng liêng rộng lớn để yêu mến phục vụ cách trọn vẹn mọi người, không phân biệt ai…Như thế, đối với người linh mục : hằng ngày khi chết cho mình, khi vì tình yêu Chúa và triều đại Ngài mà từ chối tình yêu hợp pháp của một gia đình dành riêng cho mình, họ sẽ nhận được vinh quang của một sự sống tròn đầy và phong phú trong Chúa Kitô, bởi lẽ, như Ngài và trong Ngài, linh mục sẽ yêu mến mọi con cái Thiên Chúa và hiến thân cho họ”.
Trong Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, chúng ta đọc được, các linh mục "trong Chúa Kitô và nhờ Ngài, sẽ tự do hơn để hiến mình phục vụ Thiên Chúa và mọi người, sẽ sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và công cuộc tái sinh siêu nhiên, sẽ có khả năng hơn để lãnh nhận rộng rãi tư cách làm cha trong Chúa Kitô". Kinh nghiệm chung đều quả quyết, mở rộng tâm hồn tới anh em mình cách trọn vẹn và quảng đại sẽ đơn giản hơn đối với những người không bị những mối dây quyến luyến khác ràng buộc, cho dù những liên hệ đó là hợp pháp và thánh thiện, ngoài mối dây liên kết với Chúa Kitô.
Độc thân là mẫu gương chính Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Ngài đã muốn sống độc thân. Thông điệp còn giải thích thêm : "Suốt đời mình, Chúa Kitô luôn sống trong tình trạng trinh khiết, nghĩa là Ngài hiến mình trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và mọi người. Mối dây liên kết sâu xa này, trong Chúa Kitô, đã liên kết trinh khiết với chức linh mục, sẽ phản ánh nơi những người được diễm phúc tham dự vào sứ vụ cao quý của Đấng Trung gian và Linh mục đời đời ; và sự tham dự này sẽ càng hoàn hảo, khi thừa tác viên có chức thánh thoát khỏi mọi liên hệ huyết nhục”
Trước khi trở thành một quy định Giáo luật, độc thân là một hồng ân của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Ngài, đó là vấn đề liên hệ đến việc hiến mình trọn vẹn cho Chúa. Ngay trong sự phân biệt giữa kỷ luật độc thân của người đời với đời sống tu trì của thánh hiến và tuyên khấn, chắc chắn sẽ không có một giải thích và biện minh nào khác về nếp sống độc thân trong Giáo hội, ngoài việc tận hiến hoàn toàn cho Chúa, trong một quan hệ mà xét theo quan điểm yêu thương có thể nói được là độc chiếm ; điều đó giả định trước một tương quan sâu xa của cá nhân cũng như cộng đoàn với Chúa Kitô, Đấng biến đổi tâm hồn các môn đệ Ngài (cit.)
Trước hết, độc thân là "dấu chỉ và yếu tố khích lệ đức ái mục vụ". Đức ái này tiêu biểu cho chuẩn mực tối cao để xem xét đời sống kitô hữu dưới mọi khía cạnh : độc thân là con đường của tình yêu, cho dù chính Chúa Giêsu, như Tin mừng theo thánh Matthêu tường thuật, đã quả quyết rằng mọi người không thể hiểu thực tại đó : "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu".
Một đức ái như thế sẽ diễn biến trong hai khía cạnh cố hữu của tình yêu đối với Thiên Chúa và với mọi anh em. "Khi giữ khiết tịnh hay độc thân vì Nước Trời, các linh mục tận hiến mình cho Chúa Kitô một cách mới mẻ và đặc biệt. Họ sẽ gắn kết với Ngài cách dễ dàng hơn, với một con tim không chia sẻ". Thánh Phaolô, trong đoạn văn mà ta nêu lên ở đây, đã trình bày độc thân và trinh khiết như "những phương thế làm đẹp lòng Chúa" không chia sẻ : nói cách khác, đó là "con đường tình yêu", chắc chắn giả định trước một ơn gọi đặc biệt, và theo ý hướng ấy, đó cũng là một đặc sủng, tự nó rất tuyệt hảo với người kitô hữu cũng như với linh mục.
Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã có những lời khai sáng : "Nền tảng đích thực của độc thân chỉ có thể hàm chứa trong câu : "Dominus pars" (mea) – Chúa là phần sản nghiệp con. Độc thân chỉ có thể tập trung vào Thiên Chúa. Nó không có nghĩa là thiếu tình yêu, nhưng có nghĩa là để cho niềm đam mê vì Thiên Chúa ngự trị, và sau hết, nhờ một hiện diện thân mật hơn bên cạnh Ngài, học phục vụ mọi người. Độc thân phải là một chứng tá đức tin : đức tin vào Thiên Chúa trở nên cụ thể trong dạng thức sống này, luôn có một ý nghĩa là chỉ thuộc về Thiên Chúa. Đặt đời sống mình vào Ngài, trong khi khước từ hôn nhân và gia đình có nghĩa là tôi đón nhận và tôi cảm nghiệm Thiên Chúa như một thực tại và vì thế tôi có thể mang Ngài đến cho mọi người".(cit.)
KẾT LUẬN
1. ĐỘC THÂN LINH MỤC KHÔNG PHẢI LÀ MỘT HY SINH.
Một người nam hay một người nữ “bộ đời” chọn sống độc thân, vì khuynh hướng tâm lý, vì sợ gánh nặng gia đình (?), hay vì lý do nào khác, không thể tự cho hoặc được gọi là hy sinh.Họ đã hành động đúng theo nguyện vọng của mình và phải chấp nhận những hậu quả,những may rủi từ chọn lựa của mình.
Một người nam và một người nữ yêu nhau, kết hôn và gắn bó với nhau trọn đời “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan,khi bệnh hoạn cũng như lúc khoẻ mạnh”, không thể là một hy sinh. Nếu họ tìm hiểu nhau kỹ càng, học hỏi ý nghĩa hôn nhân và đời sống gia đình chắc chắn trước khi kết hôn,thì cuộc sống hôn nhân và gia đình sẽ hài hoà,hạnh phúc trọn vẹn hơn, nhất là khi họ đặt trọn cuộc tình và gia đình trong tay Chúa. Còn nếu người nam và người nữ đến với nhau vì nhiều lý do khác (sắc đẹp, vật chất) hơn là tình yêu chân chính, thì họ đã được hưởng những gì họ theo đuổi và phải chấp nhận những rủi ro,thất bại trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Cả hai trường hợp điể hình ấy không phải là hy sinh.
Một linh mục khi bước lên nhận chức thánh, đã biết mình sẽ là AI và phải giữ NHỮNG GÌ, vốn đã thành khung định hình sẵn, chứ không phải là một hợp đồng mới được thảo ra. Sau bao năm suy gẫm, cầu nguyện, nhìn gương bao thế hệ đi trước, không ai có thể chấp nhận lý lẽ rằng vị linh mục nhầm đường, chọn sai. Có chăng là ham mê hư danh đã khiến vị linh mục nên mù loà. Theo quy định của Pháp luật, trọn 18 tuổi đã là thành niên và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Không có linh mục nào 18 tuổi. Ở Việt Nam, sau 1975, bên cạnh khó khăn trong việc tuyển chọn và thời gian đào tạo, thì các Đấng Bản Quyền cũng muốn các linh mục có thêm thời gian thử thách, tôi luyện để đủ sức đương đầu với tình hình mới, cho nên những linh mục tuổi “tam thập nhi lập” khá hiếm; thường là trên 30, thậm chí mấp mé hoặc trên 40. Và vì Vị linh mục khẳng định TÌNH YÊU, sự LỰA CHỌN “DỨT KHOÁT’ (cụm từ Đức Thánh Cha Phanxicô dùng) của ngài, cho nên độc thân linh mục không bao giờ là một hy sinh. Đây không phải là theo nguyên tắc “chọn cái ít xấu hơn” (theo Ciceron) giữa đời sống hôn nhân và đời sống linh mục. Đây là lựa chọn yêu đương, yêu Chúa và yêu tha nhân : làm gì có chuyện “HY SINH” khi chọn và sống với điều mình say mê, một đời theo đuổi!
Ý nghĩ “hy sinh” làm cho đời sống người ta nặng nề, dù là lựa chọn sống độc thân, sống hôn nhân hay sống độc thân linh mục. Từ suy nghĩ sai lầm rằng đó là “hy sinh”, người ta dễ tự than thân trách phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh, “đứng núi này trông núi nọ”, thậm chí muốn “bắt cá hai tay”. Ngạn ngữ Tây phương có câu : “un saint triste est un triste saint” (một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn). Một linh mục cứ đinh ninh chọn lựa của mình là sai lầm, là một “hy sinh” quá sức, thì cuộc sống độc thân sẽ trở nên nặng nề,bất hạnh và sẽ là mồi ngon cho những cám dỗ. Đó là một hình thức “NGOẠI TÌNH”. Nếu vị linh mục tuy mệt mỏi,vẫn “hy sinh” giữ trọn đời sống độc thân, thì sau 25 năm đời linh mục (Ngân Khánh), ngài sẽ bừng tỉnh và hiểu được rằng chức vụ linh mục, đời sống phục vụ, đời sống độc thân, mới cao quý, ý nghĩa và đáng say mê dường nào!
2. TIẾT CHẾ.
Lần đầu khi nghe lực sĩ thể hình vô địch Phạm-Văn-Mách trả lời phỏng vấn, người ta thật sự kinh ngạc ,khi anh cho biết chế độ ăn kiêng….muối (chất mặn): chỉ cần ăn một chút chất mặn, muối, thì bao công phu tập luyện cơ bắp đều đổ sông đổ biển. Ở các nước phát triển, người ta bị ám ảnh bởi béo phì, dư cân. Nhìn đâu cũng thấy cholesterol. Nhưng rất nhiều người khó cầm lòng trước vô số thức ăn ngon. Tất nhiên phải trả giá với vô số bệnh tật. Bất cứ công việc, nghề nghiệp, lãnh vực nào cũng đòi hỏi không chỉ nỗ lực, mà phải tuân thủ những điều được phép hoặc bị cấm làm, đặc biệt trong các lãnh vực tinh thần.
Linh mục là “người của công chúng”, nhưng lại có đời sống nội tâm, thiêng liêng sâu xa, sẽ phải lựa chọn cho mình cách sống riêng tư và cách thể hiện phù hợp. Trước hết là cách ĂN (và) MẶC. Không thể buộc linh mục kiêng khem thức ăn thức uống một cách khắt khe, nhiệm nhặt, như kiểu Cha Thánh Gioan Vianây hoặc các tu sĩ những Dòng khổ tu, đơn giản là vì các ngài cần có sức khoẻ để phục vụ. Nhu cầu mục vụ ngày càng gia tăng, con số linh mục ngày càng thiếu hụt, mà nếu linh mục ốm yếu do kiêng khem, thì đó là lỗi bổn phận. Nhưng lằn ranh giữa ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và mê ăn mê uống rất mong manh. Thói ăn vặt phải tuyệt đối bỏ. Biết tự hạn chế, làm chủ, trước những món ngon, hợp khẩu. Tuyệt đối tránh rượu bia, thuốc lá, vì hoàn toàn không cần thiết, mà chỉ gây bệnh, làm giảm bớt sự kính trọng, tạo kích thích thể lý (cụ thể là dễ bị kích thích tình dục). Trong xã giao, không ai thấy bị tổn thương khi một linh mục không “cụng ly”,mà chỉ uống nước lọc hoặc nước ngọt, trái lại, người ta sẽ đem lòng kính trọng và tín nhiệm.
Y phục cũng là một vấn đề không thể xem thường. Giáo dân vẫn tôn trọng việc mặc clergy-man, thậm chí âu phục có cài cổ trắng của linh mục, nhưng thấy thật đẹp áo “thâm chùng” nơi các ngài, dù ở trong nhà thờ, nhà xứ hay giữa “xã hội”. Giáo dân Việt Nam quen với hình ảnh linh mục “bản địa” mày râu nhẵn nhụi, được cạo sạch sẽ hằng ngày. Một linh mục để ria mép hoặc râu ria, không được “quen mắt” lắm (dù nó thường tình ở các “cố Tây”). Ngoài ra, một số linh mục sử dụng một số mỹ phẩm, dầu thơm, là điều không được đánh giá cao. Ngày nay, ở các nước tiên tiến, người ta chế tạo các loại xà phòng không hoặc rất ít mùi thơm. Việc tạo “hương" dành cho các loại mỹ phẩm. Y phục, dáng vẻ bề ngoài, cũng là một phần trong việc TIẾT CHẾ.
Cũng rất cần tránh xa sách báo phim ảnh có nội dung không lành mạnh. Sách báo thường dễ đối phó hơn, trong khi phim ảnh thì phải TIẾT CHẾ cao độ. Linh mục ngày nay phải học hỏi nhiều và internet là phương tiện không thể thiếu để linh mục bổ túc kiến thức, cũng như lưu trữ kho tài liệu quý giá và cần thiết cho suy tư, cho nghiên cứu và cho công tác mục vụ. Nhưng trong internet, bên cạnh các trang mạng hữu ích, thì có hàng triệu websites mang nội dung đồi trụy, khiêu dâm, với vô số cuyện và phim dâm đãng. Chúng nhiều đến mức mà không chỉ cố tình tò mò tìm kiếm và mở xem, mà ngay cả vô tình, cũng gặp phải (đánh chữ “sex”, có ngay 2,2…tỷ kết quả chỉ trong 0,29 giây!). Không ai là bất khả xâm phạm trước những chuyện viết hoặc hình ảnh dâm ô. Người nào cho rằng mình “đủ sức đề kháng”với sách báo,phim ảnh không lành mạnh, chắc chắn là đang lao mình xuống bùn đen đồi bại. Không có nết hư tật xấu nào lại không do thiếu tiết chế, nghĩa là khởi sự bằng lần đầu, từ hút xách, chơi bời cho đến “nghiện” sách báo, phim ảnh khiêu dâm. Ngựa hay phải được ráp hàm thiếc, yên cương. Ngựa chứng không chấp nhận bị gò bó. Con người không bao giờ là ngựa hứng. Linh mục càng không. Đơn giản là vì con người mang tính xã hội, phải tôn trọng quyền và tự do của tha nhân, tuân thủ những luật lệ, những hạn chế trong môi trường, phạm trù mình sống cùng, sống vì. Buông lỏng sẽ dẫn đến buông thả. Khi mgười ta đã buông thả, thì việc gì cũng dám làm, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Xin được long trọng nhắc lại: là con người, không ai được miễn nhiễm ( immune) với tình dục và cám dỗ tình dục. Linh mục tránh no không phải kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, mà vì nó tuyệt đối không cần thiết cho bất cứ khía cạnh nào trong đời sống thừa tác vụ của ngài và hoàn toàn có hại cho tâm hồn,cho đời sống toàn hiến,độc thân của linh mục.
Cuối cùng, hỗ trợ hữu hiệu cho tinh thần và thực hành TIẾT CHẾ, là đời sống khó nghèo vật chất. Một linh mục thích hưởng thụ tiện nghi, thích có tiền, ngoài việc xa cách giáo dân, xa cách người nghèo, thì chắc chắn sẽ sa ngã về tình dục, cách này hay cách khác. Người ta dễ thông cảm một linh mục sa ngã tình dục hơn là một linh mục ham mê tiện nghi, vật chất, tiền tài. Sự sa ngã về tình dục thường xảy ra “chớp nhoáng”, khi mất tự chủ (tất nhiên là do thiếu đời sống đạo đức!); trong khi tiện nghi,vật chất, tiền tài, phải tích lũy lâu dài, mánh khoé, thậm chí thủ đoạn. Khi ban 10 điều răn, Thiên Chúa đã ban hẳn cho TIỀN và TÌNH hai cặp giới răn. [Chúng tôi đã mạn bàn trong hai bài góp ý : 1). Linh mục Việt Nam sống nghèo và vì người nghèo: khó lắm chăng? 2). Đi tìm nguyên cớ sự kiện linh mục Việt Nam không sống nghèo và không vì người nghèo].
Để thêm hỗ trợ cho việc TIẾT CHẾ trong cuộc sống độc thân của linh mục, một phương pháp tập luyện hằng ngày, nhẹ nhàng, dễ thực hành, mà công hiệu hết sức to lớn, giúp linh mục có “anima sano in corpore sano”, đó là THÁI CỰC QUYỀN (Tai Chi) 24 thức, có thể học và luyện thành thạo qua các videos được trình bày rất rõ ràng trong các trang mạng (Thái Cực Quyền 24 thức). Nó bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho linh mục, sau những thời gian làm việc mệt mỏi. Nó giúp linh mục tập trung cao độ trong nghiên cứu, trong suy gẫm. Nó giải toả những suy nghĩ vẫn vơ và những cám dỗ không ai tránh khỏi.
3. HƯỚNG THƯỢNG.
“Hướng thượng” không chỉ là suy tư những điều cao sâu, không chỉ là cầu nguyện, mà là hướng tất cả cuộc sống, mọi suy tư, mọi sự kiện, mọi mối quan hệ trong đời linh mục ra khỏi môi trường “tự nhiên” của chúng, để đem lại cho chúng một tương quan mới, một vị trí mới, một giá trị mới: tương quan với Thiên Chúa, khi tất cả trở thành lễ vật tôn thờ và tạ ơn; vị trí mới, khi chúng đưỡc thánh hoá bằng chính sự thánh thiện của linh muc; từ đó chúng mang giá trị mới, giá trị cứu rỗi cho bản thân linh mục và tất cả mọi người,không chỉ những kẻ được Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó cho ngài, mà cả toàn Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Chiến Đấu và Giáo Hội Đau Khổ. Không dễ dàng khi nghĩ rằng sẽ đối xử với nữ giới “như mẹ mình,như chị mình”. Nếu là “em” thì sao? Không dễ gì yêu mến những giáo dân “đầu bò”, khô khan, chống đối. Chỉ có cái nhìn “hướng thượng” mới giúp cho linh mục tìm thấy ý nghĩa của đời sống linh mục, để khọng đánh giá theo bề ngoàu, không xét đoán theo biểu hiện, nhưng nhìn thấy tất cả (con người, sự vật, sự việc) như những gì Thiên Chúa gửi đến, để linh mục BIẾN ĐỔI, THÁNH HOÁ và DÂNG LẠI cho Thiên Chúa, tốt đẹp hơn,hoàn hảo hơn.
Ví thử đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai!
(Phan Bội Châu).
LỄ KÍNH THỜ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU 2013.
NGÀY THÁNH HOÁ CÁC LINH MỤC.
Giuse Nguyễn-Thế-Bài
___
Bài viết có sử dụng bài “NHÌN LẠI NHÂN KỶ NIỆM 40 NĂM THÔNG ĐIỆP SACERDOCTALIS CAELIBATUS CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI : TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỘC THÂN LINH MỤC” do ĐHY Claudio Hummes, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ. (2007)
Views: 0