Hôm rồi ba có đã có dịp đề cặp với các con về sự “cảm thông và lòng nhân ái” của con người; một đức tính không thể thiếu của một công dân tốt trong xã hội. Hôm nay ba chia sẽ tiếp với các con về một nguyên tắc sống làm người khi biết tự kiềm chế hành vi đố kị hiếu thắng, hiếu chiến, và dã man của chính mình để gia đình và xã hội luôn có an bình, hạnh phúc.
Các con thương, đứa trẻ nào cũng ưa tranh giành, ganh tị và đưa đến thích cãi vã và đánh nhau. Việc này làm cho cơ bắp các con khỏe mạnh lên nhưng lại làm cho cha mẹ thật sự phát điên và tìm mọi cách ngăn không cho các con đánh nhau nữa và thường cha mẹ lại là trọng tài phân xử giữa các con.
Các bậc cha, mẹ chúng ta đều biết mỗi đứa trẻ phải được đối xử công bằng về tất cả mọi mặt từ tình thương, phần thưởng, giới hạn và kỷ luật; nhưng các mục tiêu này khó có thể “cân, đong, đo, đếm” dưới mắt của các em. Vì thế giới quan của các em là “trực quan sinh động” – nhìn, sờ mó, ngửi và nghe. Tuy biết so sánh thiệt hơn, nhưng xử sự thì rất tệ lại rất khó ưa bởi vì xuất hiện sự ganh tị, đố kị và ngang bướng…Chúng chẳng cần biết lý tưởng của chúng là gì, như thế nào, đứa hiền lành sẽ thiệt còn đứa hung hăng thì chẳng cần biết công bằng là gì!
Chuyện kể rằng có một ông vua nọ, tính tình hiếu chiến, lúc nào cũng có ý muốn xâm chiếm đất đai và lấy của cả các nước láng giềng. Cho đến một ngày nọ, một nhà hiền triết cất tiếng hỏi ông vua:
– Bệ hạ dự tính sẽ đi xâm chiếm nước nào tiếp theo? Ông vua trả lời:
– Trẫm sẽ xâm chiếm các nước ở phía Bắc. Nhà hiền triết hỏi:
– Rồi sau nữa? Ông vua trả lời:
– Trẫm sẽ đem quân xâm chiếm các nước phía Nam. Nhà hiền triết hỏi:
– Rồi sau nữa? Ông vua trả lời:
– Trẫm sẽ tiếp tục đi xâm chiếm các nước phía Đông. Nhà hiền triết hỏi:
– Rồi sau nữa? Ông vua trầm ngâm một lát rồi trả lời:
– Khi này, trẫm sẽ có thể ngủ một giấc an lành. Nhà hiền triền mỉm cười, từ tốn bảo:
– Vậy tại sao bệ hạ không thực hiện giấc ngủ đó ngay bây giờ.
Tiếng lời nhà hiền triết vừa cất lên như thế, ông vua nghe qua mà bừng tỉnh ngộ. Thế là, kể từ đó trở đi, ông vua đã từ bỏ mọi ý định đem quân đi xâm chiếm các nước láng giềng, và có được một cuộc sống an lành, bình yên với những gì mình hiện đang có.
Chúng ta hãy thử làm như vị hiền triết dạy con về lòng đố kị dẫn đến hiếu thắng và hiếu chiến:
Khi các con tranh đoạt, so đo, cãi nhau hay đánh nhau thì được gì: được rồi thì sự vui vẻ, sung sướng hay ngon miệng chỉ cho riêng mình, nhưng anh, chị, em và cha mẹ các con thì buồn lòng và gia đình bất an…hãy hướng các em tới một tâm hồn cao thượng, vui trong cái vui của mọi người trong gia đình và đó là sự vui vẻ bình an, hạnh phúc của gia đình…
“Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon, nhà khó vẫn ngon.
Khi vui câu chuyên thêm giòn
Chồng chồng, vợ vợ con con một nhà!”
Nhưng hãy coi chừng các em sẽ vịn vào đó với các lý do mà người lớn là cha mẹ hay cãi nhau… Hãy cho các em biết việc cãi nhau của cha mẹ (hạn chế tối đa việc cha mẹ cãi nhau, hay đừng để các em thấy cha mẹ chúng cãi nhau) là muốn cho cả cha, cả mẹ tốt hơn, gia đình tốt hơn thì cả nhà sẽ vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Tất cả hướng các em tới một tâm hồn cao thượng cùng giúp nhau thật sự để có một gia đình hạnh phúc.
Hiếu thắng, hiếu chiến, một tính cách rất xấu mà những người ích kỷ, độc đoán , đố kị, cố chấp, hung hăng hay xử dụng. Bất cứ gì chạm tới tự ái của họ, tài sản (property) của họ hay mọi chuyện không làm họ vừa lòng, thì họ ít khi dùng hành động tế nhị hay lời nói lịch sự để phân bua, hàn gắn và giải quyết tranh chấp. Tính hiếu thắng, hiếu chiến sẽ làm cho con người trở thành sắt thép, lạnh lùng cứng nhắc và thiếu tình cảm.
Tâm lý hiếu thắng, hiếu chiến hay có biểu hiện của những tâm lý tiêu cực khác như thích ăn thua, cay cú, tức giận, lo sợ vô cớ. Do tâm lý lúc nào mình cũng phải cố gắng được hơn người khác hoặc tỏ ra hơn người nên họ luôn sợ bị thua cuộc, sợ bị xem là kém cỏi, chỉ trích đến họ. Rồi khi không thể giành được phần thắng hoặc phần hơn về mình hay không lợi dụng được người khác, hay họ bị chỉ trích nên họ tỏ ra thất vọng, cô đơn hay tức giận vô cớ. Rõ ràng những người hiếu thắng cũng thường hay cô đơn với những người xung quanh và với chính mình bởi họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và các mối quan hệ trong sự cảm thông và lòng nhân ái.
Chúng ta thấy đó, đối với các trẻ hiếu chiến từ sự ganh tị, tham lam, ích kỷ của mình, chúng ta hãy hướng các em đến một sự đối thoại thoải mái, một phong cách ứng xử với một tâm trạng vui vẻ, an nhàn. Dạy các em về đức dục và sự cao thượng, đừng hướng các em đến sự hung hăng bạo động, la hét và đưa đến là không vâng lời. Hình phạt và Kỷ luật chỉ mong các em hạ nhiệt và quên mau mọi tranh chấp và có hình thức kỷ luật rất khác nhau với từng đứa trẻ khác nhau tránh sự ganh ghét, đố kỵ khơi mào bản nắng hiếu chiến, hiếu thắng của chúng và phần thiệt hại cuối cùng vẫn là bản thân mình…
Chuyện kể rằng: có người đàn ông rất may mắn, ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi.
Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lỗng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng… Không chịu được sự "bất công" đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!
Lòng ghen ghét, đố kỵ, ích kỷ làm cho người lớn chúng ta trở nên ganh đua, tranh đoạt, hiếu thắng và hiếu chiến xấu lắm và đừng dạy nơi trẻ em như thế. Hãy dùng thời gian, và lối giáo dục về lòng nhân ái sẽ làm cách hành xử xấu của trẻ như :
Đừng luôn đố kỵ, soi mói và so sánh đồ vật không phải của mình,
Đừng chăm chăm vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác để phán xét nhằm giảm giá trị của người đó với mọi người.
Đừng đem tật xấu của người khác ra bới móc, lăng mạ, làm trò cười để hả hê lòng ganh ghét của bản thân.
Đừng có thái độ khinh thường, phản biện, hay thậm chí nói những điều làm mất vui hay làm người khác cảm thấy tổn thương.
Ra tay đánh người, làm người khác bị thương là không đúng, mọi người đều biết đau…vậy hãy xin lỗi và chuộc lỗi.
Hãy có lòng thương người, cảm thông và sống trong nhân ái. Hiếu thắng, hiếu chiến, đố kị là những tính xấu cần tránh. Con người cần phải có tâm hồn cao thượng, rộng rãi, biết vui với thành công của người khác, và biết cảm thông với sự mất mát đau thương của đồng loại. Tâm hồn cao thượng, lòng nhân ái không chỉ giúp con người sống lành mạnh, thanh thản, nhân văn mà còn có tác dụng thúc đẩy gia đình và xã hội tiến bộ.
Trẻ con cần hiếu học, hiếu thảo, và hiếu đạo nhưng đừng hiếu thắng, hiếu chiến và đố kị!
Ngoan Nguyễn
Orange County, Ngày 8 Tháng 6 năm 2017
Views: 0