Uncategorized

Diễn biến đưa tới biến cố 30 tháng 4

Năm nay, kỷ niệm 40 năm mất Miền Nam, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tổ chức rấm rộ các lễ tưởng niệm và thực hiện các cuộc trao đổi về những kinh nghiệm thương đau mà họ đã trải qua trong những ngày đen tối của lịch sử. Gần như người nào cũng nói lên quyết tâm “giải phóng” quê hương, nhưng chưa ai tìm ra được con đường có thể đi tới mục tiêu. Nói một cách tổng quát, tất cả vẫn chỉ là ước vọng.

Năm nay, kỷ niệm 40 năm mất Miền Nam, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tổ chức rấm rộ các lễ tưởng niệm và thực hiện các cuộc trao đổi về những kinh nghiệm thương đau mà họ đã trải qua trong những ngày đen tối của lịch sử. Gần như người nào cũng nói lên quyết tâm “giải phóng” quê hương, nhưng chưa ai tìm ra được con đường có thể đi tới mục tiêu. Nói một cách tổng quát, tất cả vẫn chỉ là ước vọng.

Triết gia George Santayana (1863 – 1952) đã nhắc nhỡ chúng ta:

Những người không thể nhớ quá khứ bị kết án tái diễn nó. Học từ quá khứ của chúng ta là cách duy nhất có trách nhiệm để chuẩn bị cho chính chúng ta về tương lai, nhất là khi quá khứ đó là chứng tích của thất bại đáng ghi nhớ.”

Vì thế, hôm nay chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây những diễn biến đưa tới biến cố 30 tháng 4 để giúp những người hô hào đấu tranh “giải phóng” quê hương xem lại mình có đi vào vết xe cũ hay không và tìm một hướng đi có hiệu quả hơn.

1.- QUYẾT ĐỊNH BỎ MIỀN NAM VIỆT NAM

Vào tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tổng Thống Nixon từ chức, Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina đã cho công bố băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa Nixon và Kissinger, trong đó có đề cập đến số phận của miền Nam Việt Nam và cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ cuối năm 1972. Tổng thống Nixon đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway). Nhưng ông hỏi cố vấn an ninh Henry Kissinger:

Henry, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thắng trong một cuộc bầu cử là hết sức quan trọng. Nó hết sức quan trọng trong năm nay, nhưng chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao đứng vững (a viable foreign policy) nếu một năm kể từ bây giờ hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam? Đó thật là vấn đề.”

Kissinger trả lời:

Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam, chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao đứng vững nếu coi điều đó như thể là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam” (if it's the result of South Vietnamese incompetence.)

2.- KISSINGER ĐI BẮC KINH GIAO MIỀN NAM CHO TRUNG QUỐC

Hôm 26.5.2006, Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archive) của Hoa Kỳ đã cho phổ biến 2.100 bản văn (memoranda) dài 28.000 trang mang tên “The Kissinger Transcripts: A Verbatim Record of U.S. Diplomacy, 1969-1977”. Trong đống hồ sơ này có 6 tài liệu liên quan đến Việt Nam, đó là các tài liệu số 1, 2, 3, 10, 11 và 12. Vì tài liệu quá dài, chúng tôi chỉ trích dẫn một đoạn ghi lại cuộc đàm thoại mặt đối mặt giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 20.6.1972 tại Bắc Kinh trong tài liệu số 10 (dài 37 trang), trong đó có đoạn Kissinger nói với Thủ Tướng Chu Ân Lai như sau:

Hôm nay tôi ngồi ở đây chứng tỏ cái căn bản dựa trên đó Hoa Kỳ đưa quân vào Đông Dương không  còn giá trị nữa. Chúng tôi thừa hưởng một chính sách và bây giờ chúng tôi phải thanh lý thế nào để không ảnh hưởng đến vị thế của chúng tôi trên thế giới và sự ổn định trong nước. Chúng tôi thật tâm muốn chấm dứt cuộc chiến này. Và ông thủ tướng biết từ năm 1967 tôi đã mở đầu cuộc thương thuyết với Hà Nội. Và trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi quan niệm nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là một thực tế mạnh nhất tại bán đảo Đông Dương. Chúng tôi không có lợi gì làm tan vỡ hay đánh bại thực thể đó. Sau khi chúng tôi rút quân xong, chúng tôi ở xa 12.000 dặm trong khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ cách Sài gòn 300 dặm. Tôi không hiểu tại sao Hà Nội không thấy được sự việc đó.”

Kissinger nói tiếp:

Trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi không muốn duy trì một căn cứ quân sự nào tại Đông Dưong hoặc theo đuổi chính sách của vị ngoại trưởng không chịu bắt tay ông thủ tướng. Thời đại đó qua rồi. Và tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.”

3.- ÉP VNCH KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS.

Một cuộc hòa đàm để chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Paris từ năm 1968. Sau một thời gian dài tranh luận gay cấn, một bản dự thảo hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được Washington và Hà Nội đồng ý. Ngày 18.10.1972 Kissinger đã bay đến Saigon làm áp lực Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải đồng ý nội dung bản dự thảo nầy, với hy vọng sẽ mang ra Hà Nội ngày 24.10.1972 để Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký tắt vào. Nhưng Kissinger đã thất bại. Chỉ trong một thời gian ngắn, phía VNVH đã phát hiện ra đến 23 điểm cần phải điều chỉnh. Kissinger chỉ đồng ý điều chỉnh 16 điểm không quan trọng mà thôi. Số còn lại phải để nguyên. Cuộc đối thoại trở nên gay cấn về hai điểm then chốt là việc chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam Việt Nam và việc thành lập một Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp giống như một chính phủ liên hiệp. VNCH coi đây là một cách bán đứng miền Nam Việt Nam cho Hà Nội nên cương quyết chống lại.

Thất bại với VNCH, Kissinger đưa ra một bản dự thảo mới, yêu cầu Hà Hội tái thảo luận, nhưng Hà Nội từ chối. Tổng Thống Nixon liền gởi cho Hà Nội một thông điệp nói rằng nếu Hà Nội không chấp nhận thảo luận một cách nghiêm chỉnh thì sau 72 tiếng đồng hồ nữa Hoa Kỳ sẽ ném bom trở lại từ vĩ tuyến 20 trở lên. Ngày 18.2.1972, khi thời hạn này chấm dứt, hàng loạt B.52 đã bay đến ném bom xuống các căn cứ quân sự ở Hãi Phòng và Hà Nội. Đây là những khu vực chưa hề là mục tiêu đánh phá từ trước đến nay.

Cùng lúc đó, Tướng Haig được cử đến Saigon với sứ mạng vừa hứa hẹn vừa đe dọa. Trong thông điệp trao cho Tổng Thống Thiệu ngày 14.11.1972, Tổng Thống Nixon có cam kết: “Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp Định nầy thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt.” Nhưng Tướng Haig cũng không quên lặp lại lời đe dọa của Washington rằng nếu Tổng Thống Thiệu không chấp nhận bản dự thảo hiệp định mới, Hoa Kỳ sẽ cắt hết việt trợ và ký một hiệp định riêng với Bắc Việt.

Sau 12 ngày bị dội bom nặng nề, Hà Nội chấp nhận thảo luận lại thỏa hiệp cũ với Kissinger vào ngày 30.12.1972. Hà Nội đồng ý sửa đổi lại một số điều khoản trong dự thảo hiệp định, nhất là không còn coi Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp như là một thứ chính phủ liên hiệp từ trung ương đến địa phương nữa, nhưng nhất quyết không chấp nhận điều khoản buộc quân Bắc Việt phải rút lui. Hoa Kỳ quay lại làm áp lực với Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng Thống Thiệu thừa biết Bắc Việt cố giữ lại điều khoản không rút quân để khi Hoa Kỳ rút hết, họ sẽ mở cuộc tấn công trở lại, nhưng bị ám ảnh bởi cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi Mỹ muốn đem quân vào, Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh cho ký kết bản Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973, sau khi Washington tăng thêm một số quân dụng được tiếp tế khẩn cấp qua chương trình Enhance và Enhance Plus.

4.- HÀ NỘI LẬP KẾ HOẠCH ĐÁNH CHIẾM MIỀN NAM

Sau khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội lập ngay kế hoạch đánh chiếm Miến Nam. Theo kế hoạch này, muốn chiếm miền Nam một cách nhanh chóng phải đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của miền Nam, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân” xuất bản năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng đã viết:

Một vấn đề then chốt là phải có hệ thống đường cơ động tốt. Công trình xây dựng con đường chiến lược Đông Trường Sơn bắt đầu từ năm 1973, hoàn thành đầu năm 1975 được xúc tiến với nhịp độ hết sức khẩn trương nối liền từ đường số 9 (Quảng Trị) vào đến miền Đông Nam Bộ là công trình lao động của hơn 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong, đưa tổng số chiều dài đường chiến lược và chiến dịch, cũ và mới, làm trong suốt cuộc chiến tranh lên hơn 20.000 kilô mét…

Dọc theo đường chiến lược Đông Trường Sơn là hệ thống 5.000 kilô mét ống dẫn dầu kéo dài từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, vượt cả sông, suối sâu, núi cao, có ngọn hơn 1000 mét, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục ngàn xe các loại vào, ra trên đường...”

Khi sửa chữa lại con đường 14 do người Pháp làm, thường được Hà Nội gọi là đường Đông Trường Sơn, có hai cái chốt phải nhổ mới có thể khai thông được, đó là THƯỜNG ĐỨC ở phía tây Đà NẵngĐỨC LẬP, ở phía tây Ban Mê Thuột. Trong cuốn “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm” Tướng Trần Văn Trà cho biết vào tháng 10 năm 1974, ông và Phạm Hùng ra Bắc họp, Bộ Chính Trị đã ra lệnh tại Nam Tây Nguyên phải mở hành lang chiến lược đoạn Đức Lập cho thông suốt. Năm 1976 sẽ bắt đầu đánh lớn.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và bộ tham mưu của ông không hề hay biết gì đến chiến lược này nên không có kế hoạch bảo vệ Thường Đức và Đức Lập để ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng quân.

5.- MỸ ĐÁNH LỪA TỔNG THỐNG THIỆU

Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có kể lại rằng ông có được đọc trong “Phòng Tình Hình” của Dinh Độc Lâp một tập báo cáo của Tướng John Murray do Bộ Tổng Tham Mưu trình lên, trong đó ghi những điểm mà ông nhớ được như sau:

– Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật.

– Nếu là 1,1 tỷ thì Quân Khu I phải bỏ;

– Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tấn công của Bắc Việt…

Tướng John E. Murray là người lãnh đạo Cơ Quan Tùy Viên Quân Sự (Defense Attaché Office –DAO) của Mỹ tại Việt Nam từ tháng 1/1973 đến tháng 8/1974 và Tướng Homer D. Smith là người sau cùng. Thông thường, các báo cáo của DAO không hề được tiết lộ cho chính phủ VNCH biết, tại sao nó lại lọt vào Bộ Tổng Tham Mưu? Phải chăng Hoa Kỳ muốn dụ Tổng Thống Thiệu bỏ Quân Khu I và Quân Khu II?  Theo nội dung ông Nguyễn Tiến Hưng nhớ được, chúng ta thấy đây chỉ là một bản phân tích tình hình chứ không phải là một giải pháp hay một kế hoạch hành động được đề nghị. Nhưng Tổng Thống Thiệu lại dựa vào đó để quyết định số phận của Miền Nam!

Khi số viện trợ rút xuống còn 700 triệu, ông quyết định chỉ giữ phần đất từ Tuy Hoà trở vào và giao cho Trung Tướng Đặng Văn QuangChuẩn Tướng Ted Serong (một tướng chống du kích người Úc) lập kế hoạch hình thành một phòng tuyến mới từ Tuy Hoà đến Tây Ninh và gọi đó là chiến lược “DẦU BÉ ĐÍT TO hay “Từng chiến lược cho từng mức viện trợ” và “tái phối trí”, đó là bỏ Vùng I và Vùng II, rút quân về lập phòng tuyến ở Tuy Hòa.

Cuối năm 1974, kế hoạch này đã được tiết lộ tại Sài Gòn. Tôi nhớ một số nhà chính trị đã họp tại văn phòng Luật sư Mai Văn Lễ ở đường Pasteur để bàn về tin đồn này. Tất cả đều đi đến kết luận rằng kế hoạch đó nếu có sẽ là một kế hoạch bất khả thi vì hai lý do: Lý do thứ nhất, Tuy Hòa không phải là địa thế có thể làm phòng tuyến, nhất là sau khi bỏ Cao Nguyên. Lý do thứ hai, việc rút quân không thể thực hiện được, trừ khi có một hiệp định phân chia lại lãnh thổ và rút quân như Hiệp Định Genève năm 1954. Không ngờ chuyện đó lại có thật! Ông Thiệu vì yếu kém cả về chính trị lẫn quân sự, đã theo đuổi một kế hoạch không tưởng, làm mất Miền Nam chỉ trong 40 ngày.

Ngày 7.8.1974 Thường Đức bị mất.

Ngày 6.1.1975 Phước Long thất thủ.

Ngày 9.3.1975 Cộng quân chiếm Đức Lập và ngày 10.3.1975 chiếm Ba Mê Thuột.

Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, ngày 14.3.1975 Tổng Thống Thiệu cùng với các tướng Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và Cao Văn Viên đến Cam Ranh họp với Tướng Phạm Văn Phú và ra lệnh rút khỏi Kontum và Pleiku. Ông Thiệu nói rằng “phải rút nhanh để tập trung quân phản kích lấy lại Ban Mê  Thuột theo đường 21, lấy Khánh Dương làm bàn đạp.” Con đường để rút là Liên Tỉnh Lộ 7B nối liền Pleiku và Phú Yên vì không còn con đường nào khác. Đây là một con đường đã bị bỏ từ lâu.

Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, Tổng Thống Thiệu ra lệnh không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh, cấm không tiết lộ cho Mỹ biết. Cũng không được tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu, tức là bỏ các đơn vị này. Đây là một cuộc rút quân bi thảm nhất trong chiến tranh Việt Nam. Cuộc rút quân bắt đầu từ ngày 15.3.1975 đến ngày 20 thì tan rã.

Theo tài liệu của Hà Nội, trong cuộc rút quân khỏi Cao Nguyên, họ đã loại khỏi vòng chiến 28.514 sĩ quan và binh sĩ QLVNCH, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 bị bắt làm tù binh, trong đó có 779 sĩ quan. Họ đã thả ra 7.190 người.

Tài liệu của VNCH ước lượng trong khoảng 160.000 người chạy theo đoàn xe di tản, chỉ có khoảng 60.000 tới được Tuy Hòa. Số còn lại chết trong rừng hay phải quay trở lại Pleiku. Sáu Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân với khoảng 7.000 quân, chỉ có 900 về đến Nha Trang và đóng trong thành phố.

Ngày 19.3.1975 thành phố Quảng Trị bị thất thủ.

Ngày 25.3.1975 Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng rút khỏi thành phố Huế. Đoàn quân di tản bị đánh chận ở đèo Hải Vân, cửa Tư Hiền và cửa Thuận An nên tan rã.

Ngày 29.3.1975 thành phố Đà Nẵng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, bị tấn công và thất thủ. Rối loạn xảy ra. Tướng Ngô Quang Trưởng phải bơi ra khơi để được một tàu Hãi Quân vớt.

Ngày 31.3.1975, thành phố Quy Nhơn và Nha Trang rơi vào tay Cộng Quân.

Ngày 1.4.1975, thành phố Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên bi thất thủ.

Ngày 15.4.1975 phòng tuyến Phan Rang được thiết lập do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy. Nhưng ngày 15 Cộng quân đã chiếm Phan Rang, Tướng Vĩnh Nghi bị bắt.

Đêm 20 rạng ngày 21.4.1975, Sư Đoàn 18 bảo vệ Xuân Lộc được lệnh rút về bảo vệ Sài Gòn.

6.- TỔNG THỐNG THIỆU TỪ CHỨC

Trong cuốn “Decent Interval”, Frank Snepp, trưởng nhóm phân tích viên của CIA ở Saigon lúc đó, đã kể chuyện Đại Sứ Martin đến thuyết phục Tổng Thống Thiệu từ chức, đại khái như sau:

Để thúc đẩy Tổng Thống Thiệu ra đi, Đại Sứ Martin đã đến gặp ông ta và nói rằng ông muốn nói chuyện với tư cách cá nhân chứ không phải thay mặt Tổng Thống hay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và cũng không phải với tư cách Đại Sứ Hoa Kỳ. Ông nói rằng tình hình quân sự cực kỳ xấu và dân chúng đổ cho ông ta. Những người cùng phe với ông ta hay phe đối nghịch với ông ta đều nói ông bất lực trong việc đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Các tướng lãnh của ông ta, mặc dầu quyết tâm chiến đấu, đều cho rằng không còn hy vọng gì nữa nếu không có một cuộc đàm phán với phía bên kia. Các tướng sẽ yêu cầu ông ra đi nếu ông không chịu từ chức lúc này. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng rưởi.

Cho đến giờ phút này Tổng Thống Thiệu vẫn chưa nhận ra được Miền Nam sắp mất, ông còn hỏi Đại Sứ Martin: “Nếu tôi từ chức, viện trợ Mỹ có đến không?” Đại Sứ Martin trả lời: “Tôi không dám hứa nhưng có thể có”.

Khi Đại Sứ Mattin từ biệt, ông Thiệu nói ông ta sẽ làm điều mà ông ta nghĩ là có lợi nhất cho đất nước.” (He would do what he though was the best for the country).

Ngày 21.4.1975, Tổng Thống Thiệu xuất hiện trên hệ thống truyền thanh và truyền hình trong nước tuyên bố từ chức sau khi chửi Mỹ phản bội và trao chức Tổng Thống lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.

7.- ĐÁNH LỪA ÔNG HƯƠNG VÀ TƯỚNG MINH.

Thúc đẩy được ông Thiệu từ chức rồi, các viên chức Hoa Kỳ gặp khó khăn khác là thuyết phục ông Trần Văn Hương trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh để tuyên bố đầu hàng. Frank Snepp mô tả tình trạng ông Hương lúc đó như sau: “Tổng Thống mới Trần Văn Hương, 71 tuổi, bị  liệt, gần như mù, thề đứng vững cho đến khi “quân đội bị tiêu diệt hay là nước mất”! (tr. 396).

Ông Hương không hiểu gì về tình hình, tưởng cờ đã đến tay nên nhất định đòi phất. Ông đã bí mật đến gặp Tướng Dương Văn Minh và yêu cầu Tướng Minh làm Thủ Tướng, nhưng Tướng Minh từ chối. Người Mỹ lại phải ra tay.

Frank Snepp cho biết sáng 20.4.1975, Đại Sứ Mattin đã đi gặp Đại Sứ Mérillon của Pháp và xin tiếp một tay. Ông nói với Đại Sứ Merillon rằng ông được phái bộ CIA cho biết tình hình không còn cứu vãn được. Nếu Hà Nội quyết định đánh nhanh, không giữ nổi một tháng, dù có bảo vệ tốt. Mặc dầu Hà Nội muốn chiếm Sài Gòn nguyên vẹn chứ không muốn thấy Sài Gòn đổ nát, nhưng không nên loại trừ khả năng thứ hai nếu không đi đến thương lượng. Đại Sứ Mérillon đã giúp rất tận tình trong vấn đề này.

Đại Sứ Merillon đã cho cả ông Hương lẫn Tướng Minh biết rằng tình hình không còn cứu vãn được và phải nói chuyện với “phía bên kia” để tìm một giải pháp, nhưng bên kia chỉ nói chuyện với Dương Văn Minh nên phải trao quyền cho Tướng Minh. Người Pháp hứa sẽ đứng ra làm trung gian cho cuộc thương thuyết này. Cuối cùng ông Hương cũng đồng ý trao quyền cho Tướng Minh với điều kiện phải có sự quyết định của Quốc Hội.

Trong khi đó, Frank Snepp cho biết Tướng Timmes đã đi gặp Tướng Minh và hỏi quan điểm của ông ta về tương lai, Tướng Minh cười và trả lời: “Vẫn còn cơ hội cho các cuộc thương thuyết…” (There was still a chance for negotiations, tr. 458). Frank Snepp nói rằng không ai tin đến giờ phút đó Việt Cộng còn chấp nhận đàm phán. Chúng ta biết Tướng Thiệu và ông Hương không bao giờ chịu tuyên bố đầu hàng nên Mỹ phải tìm cách đưa Tướng Minh ra làm hàng Tướng!

Ngày 26.4.1975 lưỡng viện Quốc Hội đã họp tại Thượng Viện dưới quyền chủ toạ của ông Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, để đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Có 136 trong số 219 nghị sĩ và dân biểu đến họp. Sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, và Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Đốc CSQG, trình bày về tình hình, Quốc Hội bắt đầu thảo luận về việc trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Có rất nhiều sự bất đồng về việc trao quyền, vì cho rằng sự trao quyền này là bất hợp hiến. Nhưng các nhóm vận động hậu trường dưới sự chỉ đạo của CIA đã hoạt động rất ráo riết nên cuối cùng, lúc 20 giờ 54 phút, Quốc Hội đã biểu quyết chấp thuận trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh với số phiếu 147/151.

8.- TƯỚNG MINH NHẬN CHỨC

Chiều 28.4.1975, vào lúc 17 giờ 50, Tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng Thống. Lễ bàn giao được diễn ra tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập lúc 17 giờ, có trực tiếp truyền thanh. Tướng Minh cử Luật sư Vũ Văn Mẫu thuộc “thành phần thứ ba” làm Thủ Tướng. Đáng lẽ ra chính phủ Vũ Văn Mẫu làm lễ ra mắt trong ngày 29.4.1975, nhưng Bác Sĩ Hồ Văn Minh coi bói và cho biết ngày 30.4.1975 ra mắt chính phủ mới tốt, nên cả Tướng Minh lẫn Luật sư Mẫu đồng ý như vậy!

Sau đó, Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, vào Dinh Hoa Lan gặp Tướng Minh cho biết tình hình và hỏi Tướng Minh có định ra đi không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con rễ là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại lên tàu di tản với Đô Đốc Cang, còn ông và bà Minh ở lại.

Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, đã ra đi vào chiều 28.4.1975 với Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3. Sáng 29.4.1975, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận, và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng ra đi.

Được tin này, Tướng Dương Văn Minh yêu cầu Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng Trung Tướng Lộc đề nghị giao chức này cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Minh từ chối với lý do Tướng Trưởng bỏ chạy khỏi Vùng I đang gây hoang mang. Cuối cùng Tướng Lộc nhận. Tướng Minh liền tạm thời chỉnh đốn lại Bộ Tổng Tham Mưu như sau: Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng; Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đặc trách hành quân; Đại Tá Hồ Ngọc Nhân, Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân; Thiếu Tướng Lâm Văn Phát Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, v.v.

Trong khi đó, vào lúc 11 giờ 30, ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn đọc công hàm của Tổng Thống Dương Văm Minh yêu cầu các nhân viên Cơ Quan Tùy Viên Quân Sự (DAO) thuộc Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975. Nguyên văn công hàm đó như sau:

Thưa ông Đại Sứ,

“Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975 để vấn đề Hoà Bình Việt Nam sớm được giải quyết.”

Đại Sứ Martin liền thông báo cho Tổng Thống Minh rằng ông “đã chỉ thị như ngài yêu cầu”. Ông yêu cầu Tổng Thống Minh ra lệnh cho quân đội VNCH dành mọi sự dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO. Sau này người ta mới biết Tổng Thống Minh đã gởi công hàm nói trên theo lời yêu cầu của Đại Sứ Martin, còn Ngoại Trưởng Kissinger nói rằng lời yêu cầu như vậy là để cho Mỹ có cái “danh chính ngôn thuận” ra đi.

9.- ĐÊM ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG TẠI DINH ĐỘC LẬP

Đêm 29.4.1975, Tướng Minh vào ngũ trong Dinh Độc Lập để tránh pháo kích. Ông Vũ Ánh, Chánh Sự Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, lúc đó đang ở đài phát thanh Sài Gòn, cho biết khoảng 4 giờ sáng, Tổng Thống Minh đã gọi ông và hỏi có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên những bản tin viễn ấn hay không. Ông Ánh trả lời rằng ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Đại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt, không có tin tức nào khác.

Dân biểu Lý Quý Chung, người luôn đi cạnh Tướng Minh, cho biết sau khi nhận chức, Tướng Minh đã cho đi tìm Đại Sứ Pháp Merillon để hỏi xem việc liên lạc với “phía bên kia” nhưng thế nào, nhưng Đại Sứ Merillon đã biến mất.

Lúc đó, Tướng Minh chỉ còn hy vọng Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại, lúc 4 giờ 35 sáng ngày 30.4.1975, Tướng Minh đã gọi cho Thích Trí Quang thì Thích Trí Quang trả lời:

Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thề hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng Thống, hơn nữa là một Đại Tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại Tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống, à quên Đại Tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại Tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng Thống…”

Tướng Minh chỉ trả lời gọn một câu “Thầy giết tôi rồi!” và cúp máy điện thoại.

10.- THAY VÌ RA MẮT CHÍNH PHỦ LẠI TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG

Lúc 8 giờ 30 ngày 30.4.1975, Tướng Minh đến Phủ Thủ Tướng ở số 7 đường Thống Nhất để họp với  chính phủ Vũ Văn Mẫu và xem xét tình hình.

Giáo Sư Bùi Tường Huân, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng của chính phủ Vũ Văn Mẫu, đã kể với tôi rằng sáng 30.4.1975, khi tân Nội Các họp tại Dinh Thủ Tướng để chuẩn bị đến Dinh Độc Lập làm lễ ra mắt thì Tướng Dương Văn Minh có bảo ông và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng, liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu xem tình hình quân sự như thế nào. Tướng Có gọi điện thoại đến Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng nhưng không ai trả lời. Một lúc sau, có một người nhấc điện thoại lên. Tướng Có hỏi anh ta là ai. Anh ta trả lời anh là một Trung Sĩ làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu, đi ngang nghe điện thoại reo dữ quá, anh đến nhắc lên xem có chuyện gì không, vì trong Văn Phòng Tổng Tham Mưu không còn ai cả. Tướng Có nhờ anh ta ra xem xung quanh có sĩ quan nào cao cấp còn đứng đó không. Anh ta đi một vòng thì thấy có cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Anh liền báo tin cho Tướng Có biết. Dương Văn Minh nghe được, liền bảo gọi cựu Chuẫn Tướng Hạnh đến nói chuyện với ông. Khi nói chuyện với Tướng Hạnh, Dương Văn Minh mới biết Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng đã đi lúc 5 giờ 30 sáng rồi. Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng đã biến mất. Tướng Hạnh cho biết không còn liên lạc được với đơn vị nào cả.

Khoảng 9 giờ 30, khi Tướng Hạnh báo cáo tình hình không còn gì để hy vọng nữa, Dương Văn Minh bàn với nội các rồi quyết định đầu hàng. Ông yêu cầu đài phát thanh Sài Gòn cử người sang số 7 đường Thống Nhất để thu thanh một lời hiệu triệu rất quan trọng. Ông Vũ Ánh đã cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm công tác này.

Lời kêu gọi do Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu soạn thảo, nhưng khi Tướng Minh đọc, vì quá xúc động, bị vấp nhiều chỗ phải thu đi thu lại đến 3 lần. Lúc 10 giờ 15, cuốn băng này đã được phát trên đài phát thanh Sài Gòn, nguyên văn như sau:

Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.

Tướng Minh cũng bảo Tướng Hạnh lấy tư cách Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đọc nhật lệnh ra lệnh cho tất cả các đơn vị còn lại buông súng. Nhật lệnh của Tướng Hạnh như sau:

Tổng Thống đã quyết định bàn giao chính quyền. Yêu cầu các đơn vị buông súng, trực tiếp tiếp xúc với lực lượng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đối diện để trao lãnh thổ. Cố gắng tránh đổ máu.”

Sau đó Tướng Minh và nội các trở về Dinh Độc Lập để đợi “phía bên kia” vào và bàn giao.

11.- NHỮNG DIỄN BIẾN SAU CÙNG

Lúc 11 giờ 30, chiếc xe tăng T-54 đầu tiên của Cộng quân tiến trên đại lộ Thống Nhứt đi về phía Dinh Độc Lập, ủi sập một cánh cổng đã mở, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất. Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh vang lên: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Dương Văn Minh là người bước ra đầu tiên, Thiếu Tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phía sau là Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền… Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to: “Mọi người giơ hai tay lên!”. Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đoàn tùy tùng nhất loạt tuân lệnh.

Khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì Trung Tá Bùi Tùng, Chính Ủy Lữ Đoàn Xe Tăng 203 tới. Ông Minh thấy ông Tùng người to cao thì lễ phép chào và nói: “Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào lâu rồi để bàn giao chính quyền”. Trung Tá Tùng nói: “Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện”.

Ông Tùng buộc Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bản tuyên bố đầu hàng do Chính Trị Viên Bùi Tùng thảo, ông Minh đọc và đài phát thanh phát đi vào lúc 13 giờ 30:

Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam

Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu phát biểu tiếp theo:

Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ Tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

Rồi đến lời của Chính ủy Bùi Tùng:

Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn.”

Sau đó, bộ đội đưa Tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu về lại Dinh Độc Lập. Tối 2.5.1975, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tổ chức buổi trả tự do cho nhóm Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập. Tính lại, Dương Văn Minh đã làm Tổng Thống chỉ trong 36 tiếng đồng hồ: Nhận chức vào chiều 28 tại Dinh Độc Lập đến trưa 30.4.1975 tuyên bố đầu hàng!

12.- CUỘC CHIẾN VẪN CÒN…

Ngày 23.4.1975, trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Tulane ở New Orleans, Luisiana, Tổng Thống Gerald R. Ford tuyên bố: Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt” (The Vietnam War to be over for the United States). Thính giả vỗ tay hoan nghênh.

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, ông lại nói: “Đối với tôi xem ra nó đã chấm dứt, chúng ta phải nhìn về phía trước” (It seems to me that it's over, we ought to look ahead).

Nhưng đối với người Việt đấu tranh, cuộc chiến tranh đó vẫn còn và cũng như trước 30.4.1975, đa số vẫn bám vào Hoa Kỳ với sự tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp họ loại bỏ chế độ cộng sản và xây dựng tự do dân chủ trên quê hương.

Tuy nhiên, những dòng lịch sử đã được chúng tôi tóm lược trên cho thấy trước 30.4.1974, VNCH có chính phủ, có lãnh thổ, có quân đội trên 1.200.000 người được trang bị đầy đủ và huấn luyện kỹ càng, có quyết tâm loại bỏ chế độ cộng sản, thế nhưng vì quyền lợi của nước Mỹ, Hoa Kỳ đã đem Miền Nam bán cho Trung Quốc và dùng những thủ đoạn rất tinh vi để làm Miền Nam biến mất đúng thời hạn rồi nói mất Miền Nam là do sự bất tài (incompetence) của các nhà lãnh đạo Miền Nam.

Ngày nay, số người Việt tỵ nạn trên thế giới được ước lượng khoảng 3,7 triệu, trong đó có khoảng 1.642.000 người đang ở Hoa Kỳ. Đây là một cơ cấu đấu tranh chính trị không có lãnh đạo, không có tổ chức, không có chiến lược và chiến thuật…, nhưng ai cũng có thể tự xưng là lãnh tụ và sẵn sàng chụp nón cối lên bất cứ ai có dấu hiệu tranh giành vị thế hay quyền lợi của họ, hay có những chính kiến bất đồng với họ. Võ khí đấu tranh chính vẫn là tuyên ngôn, tuyên cáo hay thỉnh nguyện thư, và nhiều khi còn dùng cả nón cối để “chống cộng”!

Một khó khăn quan trọng khác là sự khác biệt về chủ trương và đường lối giữa Hoa Kỳ và người Việt đấu tranh: Trong khi đa số người Việt hải ngoại quyết tâm duy trì chủ trương BỐN KHÔNG, thì Hoa Kỳ lại chủ trương BỐN CÓ. Hôm 25.7.2013, Tổng Thống Obama và Chủ Tịch Trương Tấn Sang đã tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn biến CHXHCNVN thành một tiền đồn ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á gióng như đã biến VNCH ngày xưa. Liệu rồi người Việt đấu tranh ở hải ngoại còn có thể nhờ Hoa Kỳ lật đổ chế độc cộng sản VN hay không, hay lại sẽ bị biến thành công cụ cho từng giai đoạn?

Thủ tướng Anh W. Churchil  (1940-1945) đã nói:

"Kẻ bi quan nhìn thấy những khó khăn trong từng cơ hội, còn người lạc quan lại nhìn thấy những cơ hội trong mỗi khó khăn."

Trong Hệ Từ Hạ truyện, Khổng Tử có viết: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu", có nghĩa là cùng cực thì sẽ biến hóa, biến hóa thì sẽ thông, khi đã thông thì sẽ lâu bền. Nhưng các nhà nghiên cứu về di dân của Hoa Kỳ cho biết thế hệ di dân thứ nhất ít có khả năng thay đổi khi đến Mỹ. Đa số vẫn còn suy nghĩ và hành động như khi còn ở trên quê hương của họ. Nói cách khác, họ rất khó BIẾN. Các chính khách Mỹ thường vuốt đuôi họ để kiếm phiếu chứ không quan tâm đến mục tiêu của họ. Thế hệ thứ hai trở đi sẽ đi vào dòng chính và gần như không còn quan tâm đến nơi họ phát xuất.

Mặc dầu vậy, để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời sau đây của Tổng Thống John F. Kennedy để nhắc nhở người Việt đấu tranh: “Thay đổi là luật của cuộc sống. Và những kẻ chỉ nhìn vào quá khứ chắc chắn sẽ mất tương lai” (Change is the law of life. And those who look only to the past are certain to miss the future).

Ngày 28.4.2015

Lữ Giang

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.