Uncategorized

Đi thăm Đan Viện Châu Sơn – Ninh Bình và nghe : Tâm Tình Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoàn hành hương chúng tôi rời Ninh Cường, nơi mà chúng tôi được hân hạnh tham dự một Đại Lễ vô cùng long trọng :

 

– Kỷ niệm 480 năm hạt giống Tin Mừng được gieo ở Việt Nam.

– Kỷ niệm 25 năm tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

– Lễ cắt băng khánh thành Trung Tâm Mục Vụ Linh Địa Ninh Cường.

Đoàn hành hương chúng tôi rời Ninh Cường, nơi mà chúng tôi được hân hạnh tham dự một Đại Lễ vô cùng long trọng :

 

– Kỷ niệm 480 năm hạt giống Tin Mừng được gieo ở Việt Nam.

– Kỷ niệm 25 năm tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

– Lễ cắt băng khánh thành Trung Tâm Mục Vụ Linh Địa Ninh Cường.

Ninh Cường là quê hương của Đức Cha Mai Thanh Lương, Ngài đã bỏ bao nhiêu công sức và tài lực để chuẩn bị cho đại lễ này, nhưng giờ chót Cộng Sản VN đã rút giấy phép Visa, nên ngài không về được để tham dự Đại lễ long trọng này. (Thật buồn và đáng tiếc lắm thay!) Đó là điểm trọng tâm của chuyến hành hương và điểm đến quan trọng tiếp theo mà mọi người mong đợi là được đến Đan viện Châu Sơn (Nho Quan – Ninh Bình), hầu được diện kiến với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và được nghe Ngài chia xẻ tâm tình. Đã từ lâu chúng tôi rất kính trọng và mến mộ nhân cách của ngài, một “nhân cách lớn” không khuất phục trước “bạo quyền”! Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có dịp tiếp xúc trực tiếp với ngài…Đây quả là cơ hội bằng vàng khi chúng tôi được đến thăm ngài, cùng ăn bữa ăn tối với ngài, rồi nghỉ đêm tại đan viện. Theo chương trình sáng hôm sau, chúng tôi sẽ được nghe ngài nói chuyện, sau đó ngài sẽ dẫn chúng tôi đi thăm đan viện, vườn Fatima và leo núi Đức Mẹ…rồi ăn trưa với ngài trước khi từ biệt. Đối với tôi đây là điểm son tâm linh của chuyến hành hương lần này!

Sau một đoạn đường dài không lấy gì làm băng phẳng cho lắm, chúng tôi đã đến nơi cô tịch cần đến. Đan viện cổ kính Ninh Bình đã hiện ra giữa bầu trời yên tịnh, hoang sơ, nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông và cây cối. Đây xứng đáng là nơi con người có thể đến để “tu tâm”, lắng lòng chiêm niệm Lời Chúa, nhất là sau một hành trình mệt mỏi của cuộc sống thăng trầm nhiều biến đổi. Có lẽ vì thế mà Đức Tổng Kiệt đã chọn nơi này để “ẩn mình”, sống chiêm niệm, gắn bó mật thiết với Chúa hơn trong lời cầu nguyện, sau những “phong ba” mà ngài phải hứng chịu do nhà cầm quyền Hà nội gây ra. Ngài chính là mẫu gương sống theo lời kêu gọi “Đừng Sợ” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.

Phái đoàn hành hương đã được Đan viện đón tiếp rất chu đáo,có lẽ vì trong đoàn có Đức cha Tod Brown ( nguyên Giám mục Orange CA), Đức cha Hiệu ( TGM địa phận Bùi chu) và nhiều linh mục khác. Chúng tôi được phân chia phòng ngủ để cất đồ dùng cá nhân, rồi ra ngoài thư giản ngắm cảnh “nhà quê”, ngay cạnh khu nhà nghỉ. Thật thích thú khi được nghe tiếng gà mẹ và đàn gà con “chíu chít” gọi nhau, rồi hình ảnh những con ngan, con vịt tung tăng tắm mát dưới nước, rồi ao cá, chuồng heo, vườn rau, bụi chuối sau hè…xa xa là lủy tre xanh và dòng sông Nho Quan uốn mình trong nắng chiều.Tất cả tạo nên một hình ảnh “nhà quê” Việt Nam thật sinh động dễ thương mà có lẽ tâm hồn mỗi người Việt Nam xa quê đều mong muốn tìm về để được đắm mình trong khung cảnh thân thương đó của quê nhà!

“Tôi yêu quê tôi xanh xanh lủy tre
Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm
Tôi xa quê hương bao năm tháng qua
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa” (QHTTT).

Các thầy tu ở Đan viện sống đời chiêm niệm, cầu nguyện ( 7 lần/1 ngày) và chăm lo lao động, nên thức ăn của đời sống hằng ngày trong đan viện, đa số do các thầy tự nuôi, trồng để tự cung cấp. Các chị trong đoàn nói : “Về Việt Nam, ăn thức ăn ở đây vừa tươi ngon, vừa lành sạch, không như thúc ăn ở ngoài đầy hóa chất và bụi bẩn”. Các thầy lại nấu ăn rất ngon, và có cả rượu “tự chế biến” nữa, nên những bửa ăn ở đây rất vui, vừa có không khí thân tình lại vừa ngon miệng!  Đặc biệt là có sự hiện diện và chúc lành của vị “ẩn sĩ” nổi tiếng Ngô Quang Kiệt. Mọi người hân hoan chào đón ngài bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt, rồi xúm lại để xin chụp hình với ngài. Bỗng chốc vị “ẩn sĩ” trở thành “diễn viên điện ảnh” vì được bao nhiêu là máy quay phim , chụp hình “chiếu cố”, nhưng vị ẩn sĩ vẫn rất hiền lành, cười tươi “không mệt mỏi” để thỏa mản nguyện vọng của mọi người. Cảm nhận đầu tiên khi tôi nhìn thấy ngài là “gầy quá !”, chắc là ngài đã phải trãi qua bao nhiêu nỗi đau vừa tinh thần, vừa thể xác khi phải “đương đầu” với bao khó khăn do nhà cầm quyền Hà nội cố tình gây ra!

Tối đó, sau bữa ăn ngon, lành mạnh, ai cũng ngủ sớm và ngon giấc trong khung cảnh thanh bình êm ả ở miền thôn dã…Sáng chúng tôi phải thức dậy sớm để tham dự thánh lễ Chúa Nhật chung với các thầy trong đan viện. Trời còn mờ sương tối nên phải có những ánh đèn pin quét rọi đường cho chúng tôi thấy lối đến nhà thờ.

Trong nhà thờ có khu riêng phía trên dành cho các thầy, giáo dân tham dự ở phía dưới. Tôi để ý thấy các thầy đi chân trần (Đúng là đời sống khổ tu!), nhưng giọng hát của các thầy rất hay và ấm (thường thì các giọng nữ bao giờ cũng “líu lo” hơn), chắc có lẽ tâm hồn đẹp của những người tu trì đã giúp họ có giọng hát trầm ấm tuyệt vời chăng?.Tôi nhớ lần đi viếng Đền thánh Faustina ở Ba Lan, tôi cũng bất ngờ trước giọng hát trầm ấm tuyệt vời của một phái đoàn chủng sinh Ba Lan đến viếng đền thánh, hay mới đây nghe các thầy ở Đại chủng viện Hà Nội hát cũng rất tuyệt! Sau giờ cầu nguyện riêng của các thầy, thì đoàn hành hương được mời lên khu phía trên để cùng tham dự thánh lễ do Đức cha Kiệt và Tod Brown cùng nhiều linh mục khác đồng tế. Được lên khu phía trên gần cung thánh hơn, tôi mới có dịp chiêm ngắm Biểu tượng bàn tay Chúa 3 ngôi, và biểu tượng 4 tác giả sách Tin Mừng đắp nổi ngang bàn tay. Với biểu tượng này như muốn mời gọi các đan sĩ siêng năng đọc lời Chúa và suy niệm bởi lẽ đây là một trong những yếu tố căn bản của đời đan tu. Bên dưới bàn tay là tượng Đức Mẹ bế Chúa Con, chung quanh có nhiều thiên thần hầu cận. Theo truyền thống đan tu, các đan viện được thiết lập để tôn kính Đức Mẹ. Thế nên, Đức Mẹ được đặt giữa bàn thờ trong Thánh đường Châu Sơn để các đan sĩ chiêm ngắm, noi gương, kêu cầu và cùng Đức Mẹ ca ngợi Thiên Chúa.Thực ra không riêng gì nhà thờ ở Đan viện, mà tất cả những nhà thờ thuộc các giáo phận miền Bắc chúng tôi đã đi qua (Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm…) ở đâu tôi cũng thấy tượng Đức Mẹ luôn được đặt ở trên cung thánh với một vị trí trang trọng đặc biệt. Điều này thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt của Giáo Dân Việt Nam ( giống Giáo Dân Ba Lan).

Sau thánh lễ chúng tôi mới có dịp ra ngoài, và lúc này trời sáng tỏ để nhìn ngắm ngôi nhà thờ đầy cổ kính ,một công trình kiến trúc độc đáo được dựng nên hoàn toàn bằng bàn tay của những người tu hành – Khởi công xây dựng tháng 2-1939, mặc dù không hề có bản vẽ thiết kế trên giấy, mà hoàn toàn dựa vào sự nghiên cứu, hướng dẫn của Linh mục Placiđô Trương Minh Trạch – là chủng sinh của Đại Chủng viện Sài Gòn ra đây; cũng không có các phương tiện hiện đại, xi măng cốt thép, chỉ có giàn giáo và bàn tay vài chục thày trò và thợ địa phương, công trình kéo dài đến cuối năm 1945 mới hoàn tất, song lập tức nổi bật giữa vùng núi non heo hút. “Vỏ bọc” bên ngoài nhà thờ toàn bằng gạch tự nung, không trát, độc đáo ở chỗ gần 70 năm trôi qua mà không hề bị rêu phong, vẫn mộc mạc một màu đỏ son giống như công trình Nhà thờ lớn ở Sài Gòn. Mọi người tha hồ mà chụp hình lưu niệm với ngôi nhà thờ cổ kính độc đáo có 1 không 2 do người Việt Nam tự xây dựng nên.

Mọi người trở về ăn sáng, trước khi sang phòng họp tham dự buổi nói chuyện của Đức Cha N.Q.Kiệt. Trước hết Đức cha ngỏ lời chào mừng Đức cha Tod Brown và phái đòan hành hương, ngài cũng bày tỏ sự vui mừng về kết quả tốt đẹp của sự kết nghĩa chị em giữa 2 giáo phận Hà Nội – Orange từ hơn 10 năm trước. Tiếp đó ngài trình bày về lịch sử Đan Viện Châu Sơn :

– 1933 :Đức cha Nguyễn Bá Tòng khởi xướng, sau đó đức Cha Lê Hữu Từ và 20 chủng sinh chính thức lập ra dòng khổ tu đầu tiên ở Việt Nam trên mãnh đất 9km – 12km ( gần 900 hecta) mua từ đồn điền của một người Pháp. Luật khổ tu của dòng nổi tiếng nghiêm ngặt : Khi vào dòng mỗi đan sĩ được phát cho một tấm ván ( nhỏ cỡ chiếc chiếu) để ngủ mùa hè cũng như mùa đông rét căm ! Tấm ván này sẽ gắn bó với đan sĩ suốt đời cho tới chết, khi chết xác sẽ đặt trên đó và đem chôn. Đan sĩ ( đan nghĩa là đơn, sống đơn độc một mình với Chúa) không ra ngoài. Bên cạnh việc cầu nguyện, các thầy phải dùng sức lao động của mình để tự nuôi thân. Các thầy không ăn thịt chỉ ăn cá và rau, phải đi chân trần ( luật này hiện nay vẫn còn áp dụng). Mỗi thứ 6 phải đánh tội và làm những việc “hành xác” để đền tội. Tôi nhớ hồi nhỏ thường nghe Má tôi kể chuyện về cha V.Đ Chính ( người bà con tu ở dòng Châu Sơn – Ninh Bình), sau này ngài về làm Đan Viện Trưởng ở Đà Lạt và mất ở đó! Lúc ở dòng cha phải làm việc hành xác đền tội thường xuyên bằng cách gánh nước lấy từ sông đem về đổ đầy vào bể nước to ( cả 100m3). Khi nào đổ đầy rồi thì lại mở nút đóng ở dưới đáy ra xả hết nước đi, đậy nút lại rồi chạy đi gánh nước đổ đầy tiếp, cứ liên tục như vậy, rồi còn những hình thức đánh tội khác…tôi nghe mà chết khiếp và bái phục.! Bây giờ các cha tu sướng quá nên “sinh hư”! như lời Đức Thánh Cha Phanxico nói : “Đồng tiền “làm hư” con người và tu sĩ ”. Các cha mua xe đời mới, xây nhà riêng (nhất là các cha triều) nên báo chí mới loan tin đức TGM ở Atlanta xây biệt thự riêng vài triệu $US và cá biệt có TGM ở Đức xây khu Tòa giám mục lên tới vài trăm triệu Euro !Đức Giáo Hoàng Phanxico đã từng dí dỏm nhắc nhở các “Đấng Bậc” phải nhớ mình là “Chủ chiên thì phải có mùi chiên” thì chiên mới dám đến gần, còn “chủ chiên ở biệt thự sang trọng,thơm tho, đi xe “De luxe” làm sao con chiên nghèo khổ dám đến gần??

Thời kháng chiến chống cộng sản, đức cha Lê hữu Từ ( Phát Diệm), đức cha Phạm Ngọc Chi ( Bùi Chu) lập khu tự trị, nên cộng sản trả thù bèn lập trại Cổng Trời nhốt tất cả các tu sĩ Đan viện ( 70 người), nhưng tất cả các cha đều ngang nhiên không chịu khuất phục ! Nổi bật có thầy Đinh Hiền Lương giữ luật dòng  “không nói” dù bị đánh đập, tra tấn cỡ nào cũng không hề mở miệng. Hay như cha Trần Ngọc Năng khấn “vĩnh cư” nhất quyết không ra khỏi nhà thờ, chúng phải khiêng cha xuống chuồng bò. Khi người canh giữ sơ hở, cha lại trở về nhà thờ, cứ nhiều lần như thế! Cha mất năm 1993, thọ 100 tuổi. Cộng sản lấy đất nhà dòng cho các hộ dân vào ở khu vực nhà thờ, nhằm tiêu diệt cơ sở tôn giáo. Cha Nguyễn văn Thảo bị trục xuất năm 1948, sau đó cha trở về và năm 2002 cha đã đưa được 100 hộ dân ra khỏi khu vực nhà thờ để “phục hồi” lại đan viện. Cha là vị “tiền bối” nhiều công lao và kiên cường, bất khuất trước những mưu mô nhằm tiêu diệt Đan viện Châu sơn – Nho quan – Ninh Bình của chính quyền cộng Sản.

– Năm 2002 – 2012 : 10 năm gây dựng. Hiện nay Đan viện có 130 thầy và Bề trên đương nhiệm là Linh muc Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào ( Cha đang thăm Mỹ, Cali, cũng nhờ sự hiện diện của cha trong buổi chiều ngắm 14 đàng thánh giá trên đồi Santiago với Đức cha Mai Thanh Lương. Tôi mới chợt nhớ tới lời hứa viết bài về Đan viện nên không dám trễ nãi nữa).

Kết luận về lịch sử Đan viện Châu Sơn – Ninh Bình, Đức cha Kiệt tự hào kết luận: “Một chế độ cộng sản có đầy đủ quyền hành và công cụ trong tay, chúng muốn tiêu diệt nhà dòng Châu Sơn nhưng chúng đã thất bại. Đan viện Châu sơn là Chứng Nhân Đức Tin sống kiên cường bất khuất bởi vì “việc Chúa làm, ma quỷ có muốn phá hoại cũng không làm gì được”. Thật đúng như lời bài hát khi chầu Mình Thánh Chúa:

“Này con là Đá, Satan sức hùng mưu mô vẫy vùng, không hề chuyển rung!”

Giờ thì tôi hiểu rõ hơn vì sao Đức Tổng Kiệt đã chọn nơi này, “một vùng đất Linh kiệt về Đức Tin hào hùng” để ẩn thân !

Mọi người hỏi thăm về tình hình sức khỏe hiện nay của đức cha, vì nhìn thấy ngài gầy quá ! Ngài cho biết từ khi về đây sức khỏe ngài đã tốt hơn nhiều, ngài vui vì được sống trong bầu khí trong lành và chiêm niệm lời Chúa, các thầy dậy đọc kinh từ sáng sớm…Tuy vậy ngài cho biết mỗi đêm chỉ ngủ được 4 tiếng, khi nào bị xáo trộn thì chỉ ngủ được 2 tiếng. Ban ngày đọc và viết tối đa 45 phút là phải ngưng, không thể làm hơn.Đó có lẽ là hậu quả của Stress quá lớn khi ngài còn ở Hà nội, chính quyền liên tục vu cáo và mạ lỵ ngài trên các phương tiện truyền thông nhà nước (Tivi, báo chí). Tiêu biểu nhất là việc ngài trả lời phỏng vấn cho biết : “Khi đi ra nước ngoài, cầm thông hành Việt Nam thật xấu hổ vì bị hải quan các nước nhìn với ánh mắt nghi ngờ và khám xét kỹ lưỡng, trong khi công dân các nước khác (Singapore, Thái Lan..) lại đi qua thoải mái…” Thế là truyền thông nhà nước bèn “trích ngang” kết tội ngài đã phát biểu “Khi đi ra nước ngoài cầm thông hành Việt Nam thật xấu hổ”, họ vu cáo ngài đã phản bội tổ quốc và làm nhục quốc thể! Nhưng tin tức gần đây nhất đã làm chấn động dư luận cho thấy rõ ai đã làm “nhục Quốc thể”? khi những đường dây buôn hàng ăn cắp của tiếp viên Air Việt Nam hoạt động từ lâu, đã bị cảnh sát Nhật phanh phui,bắt giữ và khởi tố…Họ là ai? Xin thưa họ là “Con ông cháu cha” của hàng ngủ cán bộ cộng sản, vì không dễ gì lý lịch người dân thường lại được lọt vào hàng ngủ tiếp viên hàng không bay ra nước ngoài, đại diện cho VN. Điều này càng minh chứng hùng hồn lời nhận xét của Đức Tổng Kiệt hoàn toàn chính xác!

Về Ninh Bình, sức ép vẫn còn nhưng đỡ hơn, chính quyền làm hết sức để trục xuất ngài đi. Họ kiến nghị lên trung ương Ngài là thành phần nguy hiểm, rồi họ đề nghị lên Tòa Thánh, họ tìm đủ cách và phản ứng quyết liệt…Nhưng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh không tán đồng quan điểm của họ.( Sau này khi viếng Địa phận Long Xuyên tôi còn được biết, khi muốn tống ngài ra nước ngoài không được, chính quyền “xuống nước” xin gửi trả Đức cha Kiệt về lại địa phận gốc Long Xuyên ( nơi ngài học đại chủng viện và được đào tạo làm linh mục), nhưng đức cha không chấp nhận: “Tôi được giáo hội phân bổ ra miền bắc làm việc, nên tôi ở đây”). Trước sức ép liên tục của chính quyền, ngài bèn trả lời với họ: “Tôi có hộ khẩu chính thức ở Hà nội, thuộc về giáo phận Hà nội. Nếu ở Ninh Bình khó quá thì tôi phải quay về Hà nội…” Trước đó nghe tin Đức cha bị nhà cầm quyền làm khó dễ, hàng ngàn giáo dân Hà Nội kéo xuống tận đây đọc kinh cầu nguyện cho ngài. Chính quyền thấy nguy hiểm quá, nếu làm “găng” nữa, ông ấy về Hà nội thì còn khốn! Giáo dân ủng hộ ngài rất đông, ở đây xa xôi cách trở mà còn có hàng ngàn giáo dân kéo đến thì ngay Hà nội sẽ còn đông hơn rất nhiều lần. Cuối cùng họ đành chịu thua trước sự kiên cường của Ngài, Đức cha quả là tấm gương sáng trong việc biểu hiện tinh thần “Đừng sợ!” và “Hãy vững tin vào Chúa”. Tuy ngài không còn giữ chức Tổng Giám Mục Hà Nội nhưng mối quan hệ của Đức cha và Giáo phận Hà nội vẫn khắng khít “Mối tình Chủ chiên và đàn chiên”; vào mỗi dịp lễ lớn, tết, lễ thánh Giuse,(bổn Mạng ngài) Giáo phận Hà Nội luôn có phái đoàn xuống Đan viện Nho Quan thăm viếng và chúc mừng Ngài
Chính sách của cộng sản VN đối với những người bất đồng chính kiến, dù là ôn hòa, bất bạo động, chúng cũng tìm mọi cách tống ra nước ngoài để diệt trừ “hậu họa”, nên nhân cơ hội Đức Tổng Kiệt đi thăm nước Mỹ vừa công tác mục vụ, vừa chữa bệnh. Họ ra lệnh cấm ngài trở lại Việt Nam, thời gian cuối ngài đang ở Austin (Texas), nhiều người biết chuyện khuyên ngài ở lại Mỹ tiếp tục trị bệnh, rồi nhiều nơi, nhiều nhà dòng sẳn sàng tiếp nhận ngài… nhưng ngài quyết tâm trở lại Việt Nam. Vì Chúa và giáo hội đã giao cho người trách nhiệm chăm sóc đàn chiên ở Việt Nam, nên ngài chỉ muốn sống và phục vụ giáo hội trên quê hương Việt Nam. Cuối cùng ngài cũng đã trở về được Việt Nam, ngài xuống phi trường Nội Bài trong sự ngỡ ngàng của chính quyền Hà Nội. Tôi thắc mắc làm cách nào Đức Tổng Kiệt đã qua mặt được chính quyền Hà Nội đầy mưu mô xảo quyệt ? Ngài đã “đấu trí” với họ ra sao?để về tới quê hương an toàn. Nhưng trên bàn chủ tọa, Đức cha đã chuyển sang mục tặng quà cho các đức cha và các cha, riêng giáo dân thì được ngài tặng mỗi người, một xâu chuỗi nhỏ do chính đức cha thiết kế ( “design”). Xâu chuỗi nhỏ này giồm 10 hạt làm bằng gổ có màu nâu tự nhiên, nên có hạt màu đậm, lạt khác nhau, 10 hạt đó được liên kết bằng sợi dây dù (nên rất chắc) màu nâu, sợi dây xuyên suốt 10 hạt chuỗi và kết thúc với mẫu thánh giá gổ nhỏ trong đó hình tượng Chúa chịu nạn được khoét giữa thánh giá, trông rất mềm mại và nghệ thuật! Có lẽ nó mang ý nghĩa chúng ta lần hạt kính Đức Mẹ để qua đó đến với Chúa chiu chết trên cây thánh giá, biểu tượng cao độ tình thương Chúa với loài người.Tôi quý xâu chuỗi này tuy nó không lấp lánh sắc màu, hay làm bằng những vật liệu đắt tiền, nó chỉ đơn giản làm bằng loại gổ mộc (từ rừng quê hương), nhưng nó mang ý nghĩa sâu sắc và có tính nghệ thuật cao ! Tiện lợi là có thể đeo vào cổ tay, như một vòng đeo tay khá xinh Từ đó xâu chuỗi đã theo tôi trong suốt phần còn lại của chuyến hành hương và cả mấy tháng sau đó qua các chuyến từ thiện ở Việt Nam. Bất kỳ nơi đâu trên xe, hay bến phà hoặc những miền quê xa xôi hẻo lánh, tôi luôn có tràng hạt nơi cổ tay để cầu nguyện với Đức Mẹ:

“ Mẹ ban muôn ơn xuống cho non nước
Đồng bào con sống an vui tự do ấm no.
Tình Mẹ gieo rắc khắp trên Việt nam yêu dấu.”

  Đối với tôi, xâu chuỗi ấy đã trở thành “kỷ vật” đáng nhớ của chuyến viếng thăm đặc biệt này.Xin chân thành cám ơn Đức cha về món quà tâm linh đầy ý nghĩa !

Phần tiếp theo, Đức cha giới thiệu về “Vườn Fatima”, mà ngài đã đầu tư bao nhiêu tim óc để thiết kế mãnh vườn dâng kính Đức Mẹ, nhưng lại chứa đầy những nét đặc trưng của Quê hương Dân Tộc Việt Nam. Lòng sùng kính Đức Mẹ của Đan Viện Châu Sơn rất đặc biệt, trong thời gian bị bách hại, tàn lụi, các thầy đã đặt tượng Đức Mẹ ở lại để giữ nhà thờ, con cái Mẹ bị bắt bớ giam cầm tản mác khắp nơi, nhưng thay vào đó chim chóc đến hót và đậu chung quanh Đức Mẹ từ lúc trời chưa hừng đông.Sau này khi nhà dòng được khôi phục lại, đan viện đã nghĩ ngay đến việc lập “Vườn Fatima” dâng kính Đức Mẹ để bày tỏ lòng cảm tạ tri ân. Đức cha Kiệt là người phụ trách thiết kế cho công trình này. Ngài đưa ra nhiều chi tiết rất thú vị, nhưng tôi không nhớ hết, chỉ còn nhớ một vài chi tiết nổi bật như trong Vườn Fatima, có một bản đồ Việt Nam được viền quanh bởi một tràng hạt Mân Côi bằng đá cẩm thạch và được thắp sáng. Ngài hỏi mọi người :

– Có ai biết dân tộc Việt Nam có bao nhiêu chủng tộc không?

Cả đoàn ngớ ra chẳng biết trả lời ra sao? rồi đoán trật lất !. Ngài cười đáp:

– Có 54 chủng tộc, nên tràng hạt sẽ có 50 kinh kính mừng và 4 kinh sáng danh, tổng cộng là 54, đại diện cho toàn bộ dân tộc Việt Nam.

Trên bản đồ sẽ có hình ảnh 3 em bé tượng trưng cho 3 miền: Saigon, Huế, Hà nội. Ngài còn thiết kế trên núi sọ có 7 giòng suối nước chảy xuống, tượng trưng cho 7 phép bí tích mang sự sống cho con người…Nói chung ngài đã suy nghĩ rất nhiều cho việc thiết kế xây dựng Vườn Fatima sao mang nhiều ý nhĩa tâm linh và gắn liền với dân tộc Việt Nam.

 

Công trình ý nghĩa đó đang chờ kinh phí để hoàn thành nên những ai có lòng sùng kính Đức Mẹ và mến mộ đức cha Ngô quang Kiệt, xin hãy mở rộng bàn tay “góp sức” ủng hộ ngài cho công trình hoài bảo cuối đời của ngài được hoàn thành viên mãn. Mọi chi tiết liên lạc sẽ được ghi ở cuối bài. Xin chân thành cám ơn sự quảng đại của quý vị đối với “Vườn Fatima” và hoài bảo cuối đời của Đức cha Ngô Quang Kiệt.

Sau phần nói chuyện Đức cha hướng dẫn phái đoàn đi thăm Vườn Fatima đang được xây dựng.Đúng là khung cảnh đầy vẽ thiên nhiên, có hồ nước, có cây xanh, có núi non hiểm trở, cha nhắc nhở mọi người phải cẩn thận, rồi cha kể về việc Đức Mẹ hướng dẩn cha chọn lấy đá nền để đức Mẹ đứng trên : Lần đầu ngài chọn tảng đá to, nhưng tự nhiên trời đổ mưa mấy ngày liên tiếp, đường vô cùng lầy lội, không xe cẩu nào có thể đi vào được.Ngài nghĩ chắc Đức Mẹ không ưng, nên chọn tảng đá khác nhỏ hơn thì mọi chuyện đều êm xuôi thuận lợi, khi đặt Đức Mẹ đứng lên rồi, quan sát kỹ tảng đá thì mới thấy nó có hình thù tự nhiên của mấy con thú dữ ( Su tử tiêu biểu cho sự dữ bất công, Chó Sói tiêu biểu cho sự độc ác ”người là chó sói với người” qua chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”.

 

Khủng long tiêu biểu cho sự dữ tàn phá …) Và Đức Mẹ đã chọn tảng đá này để đứng lên đạp trên đầu những con thú dữ đó như hình tượng ngày xưa Đức Mẹ đạp trên đầu con rắn…Tận dụng thời gian cùng đi với ngài tham quan Vườn Fatima, tôi bèn hỏi ngài về thắc mắc lúc nảy:

– Chính quyền cộng sản ngăn cấm không cho cha trở về Việt Nam, vậy bằng cách nào cha trở về được?

-Mình phải dùng trí mà xem xét, chắc chắn là không thể trở về Việt Nam từ các phi trường của Mỹ rồi, vì họ sẽ canh phòng kỹ!

– Vậy làm cách nào cha đánh lạc hướng họ?

– Tôi chọn con đường zizag, từ Austin bay qua một nước nhỏ châu âu. Ở Hà Lan tôi không book vé máy bay trước, vì book trước tên sẽ lên danh sách, họ sẽ biết để ngăn chặn.

– Vậy cha “stand by” sao?

– Đúng vậy, khi có chỗ trống, họ bán vé và cho lên máy bay luôn. Tôi chỉ kịp gọi ĐT về nhà báo tin ngày giờ máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài để ra đón.

– Wow cha thông minh quá! Chắc là họ ngạc nhiên khi thấy cha xuống máy bay?

– Họ bối rối không biết xử trí ra sao? Cũng không dám ngăn chặn. Họ ĐT chờ ý kiến cấp trên, thì người nhà ra đón đã sẳn sàng, tôi lên xe về Hà Nội.

Chuyện “đấu trí” trở về Việt Nam của Đức cha cũng ly kỳ gây cấn như phim “Điệp viên” và Cộng sản đã thua, nên sau đó chúng tức tối tìm đủ mọi cách ‘trục xuất” ngài ra nước ngoài, nhưng dễ gì ngài lại “tuân hành” ý kiến của họ !? nên một lần nữa, chúng lại đành “bó tay”! Đúng là đức cha có “một tinh thần minh mẫn trong một thân thể không tráng kiện” Cái đó mới hay, mới lạ!

Tiếp theo ngài dẫn chúng tôi leo lên Núi Đức Mẹ ở tít trên cao ( hình như 100 bậc!), tuy gầy còm, nhưng ngài leo Núi Đức Mẹ rất giỏi, lại vừa đi vừa kể chuyện : Ngày xưa núi Đức Mẹ được làm bằng công sức đóng góp của các thầy và giáo dân địa phương. Vì chính quyền cộng sản chủ trương vô thần nên ngăn cấm mọi việc xây dựng có tính cách tôn giáo, nếu chúng ta chở một xe gạch đá tới, chúng sẽ biết và ra tay ngăn chặn, nên mỗi người khi lên núi Đức Mẹ thì khiêng theo đá, gạch tùy theo sức của mình, mỗi người một viên gạch và cứ thế dần dần âm thầm theo ngày tháng “tích tiểu thành đại”. Khi đã đủ “vật liệu” ta bèn xây núi Đức Mẹ nhanh chóng trong vòng 1 ngày.Lúc chính quyền cộng sản biết được thì mọi chuyện đã hoàn tất! Đúng là có Đức Mẹ phù trì :

“Ôi Maria, Mẹ thương giơ tay uy
Truyền cho giang sơn con toàn an,
Và cho dân nước bớt cơn cùng khốn…” 

Leo núi Đức Mẹ được hơn ½ chừng thì tôi thở không ra hơi, vì mệt quá! Phải ngừng lại thở, ngồi xuống tảng đá ven đường nghỉ mệt và định bỏ cuộc, nhưng nhìn thấy Đức cha ốm yếu, gầy gò mà còn leo nỗi, huống hồ gì mình đang muốn “xuống cân” mà không dám leo tới nơi sao? Nghỉ một lát, mọi người lại động viên nhau cùng leo tiếp, rồi thì cũng tới nơi! Đúng là :

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông” (NBH)

Tôi nghĩ tới con đường “tu thân” để về quê trời cũng đầy gian nan vất vả, đòi hỏi rất nhiều sức phấn đấu và cố gắng hết mình ! Đặc biệt là “gương sáng” của những người chung quanh cũng là một động lực rất lớn giúp ta tiến lên, không ngã lòng bỏ cuộc. Nguyện xin Đức Mẹ luôn phù trì cho chúng con trên đường dương thế nhiều chông gai thử thách:

“ Giữa sóng gió nếu Mẹ không phù trì,
Con lao đao trên đường đầy gian nguy,
Trong cô đơn hồn trí con lung lay,
Biết trông ai phù giúp con nơi đây ?”

Lên tới núi Đức Mẹ, mọi người nghĩ ngơi, ngắm cảnh sông núi hữu tình, đồng bằng xanh ngát  bao la khi đứng từ trên cao nhìn xuống rất đẹp nên tha hồ chụp hình.Lúc mọi người đã hết mệt, lấy lại được năng lượng đầy đủ, Đức cha mời mọi người cùng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ và kết thúc bằng bài hát thân thương mà giáo dân Việt Nam ai cũng biết :

“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ,
Con biết cậy vào ai? Biết nương nhờ ai?”

Lạy Mẹ Maria, chúng con xin “cậy vào Mẹ” và “nương vào Mẹ” trong hành trình dương gian đầy thử thách và cũng xin dâng lên Mẹ hoài bảo xây dựng “Vườn Fatima” của đức cha, để Mẹ phù trì, giúp đỡ cho sớm được hoàn thành như dự định. Chúng con xin tri ân Mẹ đến muôn đời.

Phượng  Vũ

 

 

Mọi đóng góp cho việc xây dựng “Vườn Fatima”, xin liên lạc :
Đức Cha Ngô Quang Kiệt ( ĐT : 84 303 866 416)
Đan Viện Châu Sơn
Phú Sơn – Nho Quan
Ninh Bình – Việt Nam
  Hay là với cha bề trên Đan Viện Châu sơn đang thăm Mỹ
L.M. Nguyễn Tuấn Hào (714 519 9645) hoặc có thể găp ngài ở TrungTâm Công Giáo (Nam California) vào thứ 7, ngày 10 /05 /2014  từ 10 Am – 12 am  , có thánh lễ đồng tế và sau thánh lễ sẽ có bữa cơm huynh đệ.
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.