Uncategorized

ĐẸP THAY NHỮNG BƯỚC CHÂN (Lưu bút một chuyến đi phục vụ Khóa 6 Nazareth Seattle)

4giờ 30 chiều thứ Năm, vợ chồng Hiển Phương có mặt. Không biết hai người đã rời Bakersfield lúc nào nhưng rất đúng giờ. Sau bữa chiều đạm bạc với bánh hỏi thịt nướng, cả hai đã cùng “chú” Duyệt rời nhà ra phi trường để check in cho chuyến bay đi Seattle, Washington. Và kìa, tại phi trường đã có mặt hai niên trưởng Nhuệ-Thu Nhi, và anh chị Hòa-Khánh Thi.

4giờ 30 chiều thứ Năm, vợ chồng Hiển Phương có mặt. Không biết hai người đã rời Bakersfield lúc nào nhưng rất đúng giờ. Sau bữa chiều đạm bạc với bánh hỏi thịt nướng, cả hai đã cùng “chú” Duyệt rời nhà ra phi trường để check in cho chuyến bay đi Seattle, Washington. Và kìa, tại phi trường đã có mặt hai niên trưởng Nhuệ-Thu Nhi, và anh chị Hòa-Khánh Thi.

Hôm sau, thứ Sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2016, cặp Khiêm – Thụy Vy từ Orange và phó tế Trần Vân từ Bakersfield mới tới. Linh mục linh hướng Trịnh Ngọc Danh đáp chuyến bay riêng. Như vậy, phái đoàn trợ tá đến từ California lần này có tất cả là 11 người. Hiển Phương, Khiêm Vy ở khách sạn, linh mục Danh lưu lại tại nhà xứ, còn lại đều ở nhà phó tế Nguyễn Đức Mậu. Tinh thần hiếu khách của cha chính xứ Đào Xuân Thành, của thầy cô Nguyễn Đức Mậu, và của các anh chị em Seattle rất tuyệt vời. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng. Từ miếng ăn đến chỗ ở đều được quan tâm, lo lắng rất đầy đủ, tận tình, tận nghĩa không chê vào đâu được.

Kỷ niệm thì nhiều, chỉ nguyên cái chuyện mất ngủ của phái đoàn cũng đủ ghi thành một cuốn sách nhiều tập. Xin nhắc lại, mất ngủ chứ không phải mất ăn đâu đấy. Chính vì thế mà mọi người từ cha Danh trở xuống ai nấy cũng đều xuống ký sau một cuối tuần dành cho Khóa, mặc dù được ăn uống rất đầy đủ. Hỏi tại sao thì cha Danh cho biết: “Mình mất ngủ kinh niên rồi mà. Là một con bệnh mất ngủ mà lại gặp cảnh lạ giường, lạ chiếu nên giấc ngủ của mình trong những ngày này kể như không có. Nhưng thôi, cũng may, tuy ít ăn, ít ngủ nhưng nhờ thích hát thay cơm nên sức khỏe mình cũng tạm ổn!” 

Riêng phó tế Vân bật mí: “Mình lên đây làm việc tông đồ mà trong lòng lo đến mất ngủ, chỉ sợ sơ xẩy một chút là công khó suốt đời đi cày, giờ này gần về hưu sẽ trở thành công cốc! Lý do là bác sỹ vẫn chưa ký giấy cho đi làm lại, nên trong thời gian ở nhà ăn tiền bệnh mà bò lên Seattle giảng khóa thì rất nguy hiểm.” Có lẽ vì vậy, mặc dù được mời mọc tử tế, cơm bưng, nước rót, Phó Tế Vân cũng chỉ gắng gượng cầm cự đến chiều Chúa Nhật là ba chân bốn cẳng dzọt lẹ.

Niên trưởng Thu Nhi thì sao? Mấy đêm xa nhà là coi như thức trắng. Được biết trước khi lên máy bay, chị đã thủ sẵn lọ thuốc ngủ bẩy đời gia truyền bào chế từ Trung Quốc, và được bán tại tiệm thuốc bắc nổi tiếng ở Westminster. Chị được nhắc nhở là uống thuốc 30 phút trước khi ngủ, nhưng lại không nói rõ uống mấy viên. Vì sợ thuốc thần hiệu quá nên uống nhiều sẽ ngủ luôn, do đó, đêm đầu chị chỉ uống có một viên. Kết quả là suốt đêm hôm ấy chị chỉ nằm thở dài, lần hạt, và nghe anh Nhuệ gáy. Từ đêm sau chị tăng lên 3 viên, và cảm ơn Thánh Gia, chị đã có thể chợp mắt được 3 tiếng mỗi đêm.

Hiển Phương tuổi trẻ, tướng tá phương phi, sức khỏe dồi dào vậy mà cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của con ma mất ngủ. Hồi tưởng lại mấy đêm trong khách sạn Ramada, hai người tâm sự: “Mấy tối ở khách sạn tụi em đêm đêm chỉ ôm nhau, nhìn nhau đắm đuối mà không hề chợp mắt.” Hòa và Khánh Thi cũng mắc cùng một chứng bệnh là bệnh mất ngủ, chỉ có Khiêm-Thụy Vy là không báo cáo tình hình. Nhưng vì để lại nhà một đàn con 6 đứa nên hai vợ chồng, nhất là Vy nhớ con đến trở thành xơ xác. Mới chiều Chúa Nhật trong khi mọi người còn đang chuẩn bị cho thánh lễ bế mạc, Thụy Vy cứ như gà mắc đẻ chạy lên, chạy xuống chỉ mong sớm được về với đàn con.

Tâm lý gia nhà ta cũng không mấy khấm khá. Nhìn bề ngoài ra cái vẻ trầm ngâm, suy tư và ít lời, nhưng trong chốn riêng tư cũng tỏ lộ ra là nhớ cô Kim Luông muốn chết. Số là cô làm việc cho một bệnh viên tâm thần được mấy anh khùng đem lòng mến cô nên không muốn cô xa và xa cô. Báo hại, bệnh viện lúc nào cũng coi cô như nhân vật không ai thay thế nên mỗi lần xin vacation là một khó khăn. Và đó cũng là lý do khiến nhà tâm lý học lúc nào ruột gan cũng xao xuyến bồi hồi, nóng bừng bừng dù bề ngoài nhìn rất cool.

Những kỷ niệm của chuyến đi phục vụ lần này như không bao giờ hết. Nhìn anh Nhuệ đi đâu lúc nào cũng kè kè cái cặp xách ai trông cũng tưởng có chứa bí mật quốc phòng với những mã số của lực lượng nguyên tử. Ai dè bên trong cặp táp ngoài cái bàn chải đánh răng, con dao cạo râu, và cái cắt móng tay ra là một cuốn sổ viết tay bao gồm tài liệu, bửu bối về chuyện tình Nhuệ-Thu Nhi, về binh pháp phòng the, và về bí quyết giải đáp những khó khăn hai bên gia đình. Cha Danh cũng vậy, đi đâu cũng không quên cây đàn. Vì “anh yêu người tình Giêsu” quá nên cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì các gia đình. Nhưng “Ai bảo đi tu là khổ?” Muốn biết khổ ra sao thì cứ hỏi cha Thành và cha Danh thì sẽ rõ. Nhìn vậy chứ không phải vậy, cha Danh tâm sự: “Đi giúp khóa vậy chứ về chậm một giờ là bị ông chính xứ gọi lên văn phòng dũa cho thê thảm.” Và cha thêm: “Cái đó gọi là kiếp làm dâu của mấy ông phó xứ!”.

Riêng với những anh chị em ở nhà phó tế Mậu thì kỷ niệm nhất vẫn là những bữa điểm tâm sáng và những bữa ăn chiều thịnh soạn. Cô Cúc với tài nấu nướng, và cái tâm tốt lành, bao la đã đón khách “như đón tiếp Chúa”. Bánh bao cô Cúc bảo đảm ăn một lần là nhớ cả đời, rồi bánh giò, bánh da lợn. Rồi nào là phở gà, phở bò, bún mọc, bún thang…thôi thì cứ tha hồ mà ăn cho nổ bụng. Cũng từ ngôi nhà này, tiếng gọi “honey” đã được ghi vào tự điển sinh hoạt của Nazareth. Phải đích thân nghe cô gọi thầy bằng những tiếng honey nó mới ngọt ngào, và âu yếm biết bao. Có lẽ vì vậy mà thầy dù có chết vẫn còn yêu cô. Nhớ lại buổi sáng thứ Bẩy, trên con đường từ nhà đến nhà xứ, khi lời cầu bình an cho cuộc khởi hành và cho Khóa vừa chấm dứt, thì từ dưới có tiếng cô vọng lên: “Honey ơi! Em để quên khay lạp xưởng và khay thịt gà rồi. Honey quay xe trở lại lấy dùm em nha honey.”

Làm bánh bao đãi anh chị em khóa viên mà quên lạp xưởng và thịt!  Chỉ có thầy Mậu mới đủ bình tĩnh để nở một nụ cười thật tươi. Rồi thầy quay xe trở lại và mọi chuyện sau đó đã tiến hành một cách êm đẹp. Không phải chỉ là nữ hoàng honey, cô còn là một con hùm xám sẵn sàng bảo vệ thầy. Trong bữa tiệc khoản đãi sau khi bế mạc Khóa vào chiều Chúa Nhật tại nhà anh chị Báu Bền, và với sự hiện diện của cha Thành, cha Danh, phó tế Mậu và mọi anh chị em trong Ban Nội Dung, cô đã làm cho mọi người cười “bể bụng”. Khi cha Thành hỏi cô có ghen không. Thì cô không ngần ngại trả lời: “Có. Con có ghen chứ thưa cha. Nhưng chỉ là để bảo vệ thầy sáu của con khỏi bị mấy cô, mấy bà xồn xồn trong giáo xứ quấy rầy thôi. Con không bao giờ dám ghen với Chúa. Nhiều khi con thấy thầy bỏ nhiều giờ làm việc Chúa mà lơ là với con, con đã phàn nàn với Ngài là con muốn Ngài trả lại chồng con cho con. Nhưng nghĩ lại con lại thôi, thưa cha”.

Cũng chính vì tính ghen tuông “thánh thiện” ấy mà chị Bền và thầy Mậu đã phải một phen đứng tim. Số là ở mấy khóa trước, thầy và chị Bền đóng vai người yêu trong vở kịch “Làm Lại Từ Đầu” được trình diễn trong bữa cơn trưa Thứ Bẩy. Còn cô thì đang trong bếp, liếc nhìn thầy quì gối xin tha thứ và muốn làm lại từ đầu với người yêu Bền, lập tức cô đã bỏ ngay bếp xông lên khán đài quyết bảo vệ thầy…

Còn kỷ niệm tham quan Seattle, ngắm dòng sông Seattle nơi cá Salmon về để sinh sản và bữa trưa Buffet rất ngon do cha xứ Thành hướng dẫn và khoản đãi nữa. Cá Salmon tuy không thấy, nhưng thắng cảnh Seattle thì tuyệt đẹp, và bữa trưa ở nhà hàng buffet ngon nhất Seattle thì mọi người đã được thưởng thức. Cám ơn hai em Hải-Yến đã rút hầu bao trước cha Thành. Nhưng không sao, cha Thành hứa sẽ để dành tiền ấy cho bữa kế tiếp sang năm.

Và một kỷ niệm sau cùng chỉ dành cho những ai đi trên chuyến Southwest trở về lại John Wayne Airport. Không biết tội này thuộc giới răn nào và ai mới giải được. Số là Hiển Phương, Khiêm Vy khi lên máy bay trước đã dùng khăn mặt, khăn tắm, túi xách và mọi đồ dùng tùy thân rải ra cho đủ 9 ghế ngồi gần cửa ra vào. Đây cũng là nét văn hóa ‘xí chỗ” của người mình. Nhưng cũng nhờ tài xí chỗ như vậy mà anh chị em đi cùng chuyến bay được ngồi gần nhau và gần với cửa ra vào nhất. Thiện tai! Thiện tại! Tội lỗi! Thật là tội lỗi!!!

“Đẹp thay những bước chân”, những bước chân ra đi gieo vãi tin mừng. Những bước chân ra đi đem lại nguồn vui, và hạnh phúc cho các gia đình, cho những ai đang cần một ánh lửa tình thương sưởi ấm trái tim lạnh giá, một chút hơi ấm tình người, và một dòng suối mát cho sự hóa giải những hiểu lầm, bất hòa giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái… Những bước chân thật đẹp, thật giá trị.

Như người gieo giống ra đi gieo vãi những hạt giống tốt, chỉ mong sao những hạt giống của mình rơi vào đất tốt, lớn lên, và trổ sinh hoa trái.

Cảm ơn Gia Đình Nazareth Seattle. Cảm ơn anh chị em trong Ban Tổ Chức, các Ban Ngành đã thức trắng nhiều đêm chuẩn bị cho Khóa Nazareth 6 vừa qua.  Nếu ngày ra đi trong nước mắt, chỉ mong sao ngày về có chút vui mừng, hân hoan được nhìn thấy qua những nụ cười, những ánh mắt yêu thương, những hơi ấm tình người trong tương quan chồng vợ, tương quan cha mẹ và con cái nơi các gia đình đã một lần tham dự Khóa Nazareth.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.